Muốn già, trẻ đều đến rạp phải… 50 năm nữa

Muốn già, trẻ đều đến rạp phải… 50 năm nữa
TP - Tại Hội thảo của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XV, đạo diễn Việt Linh tỏ ra thận trọng: “Nếu muốn VN có một thế hệ khán giả già trẻ lớn bé đều muốn xem phim (ở rạp) thì phải tạo dựng trong 50 năm nữa. Nên chúng ta khoan sốt ruột!”...
Muốn già, trẻ đều đến rạp phải… 50 năm nữa ảnh 1
Nguyên Vũ,  Phi Thanh Vân, Tăng Bảo Quyên. Ảnh: Hồng Vĩnh

Cuộc hội thảo duy nhất của LHP năm nay hóa ra chỉ là một cuộc tọa đàm diễn ra trong vòng 4 tiếng buổi sáng 22/11. Và vẫn chỉ là xếp hàng lên nói, muốn nói bao nhiêu thì nói, muốn nói gì thì nói, một dạng xả stress. Phần lớn cầm giấy, không quên phần nói về mình, hoặc hãng của mình.

Rất ít người nói vo và nói thẳng vào đề tài Để phim Việt Nam đến với khán giả như đạo diễn Việt Linh, chị mở đầu bằng câu: “Tôi muốn đối thoại!” nhưng tất nhiên là vẫn phải độc thoại. 

Diễn viên điện ảnh bị coi thường

Chủ tọa rất dễ tính, mặc dù có giao hẹn mỗi người chỉ được nói 5 phút nhưng ngay sau đó một người làm phát hành lên đọc một bản dạng báo cáo tổng kết...  thì chủ tọa vẫn kệ. Dẫn đến phải đến 7-8 người đã đăng ký nhưng không được nói vì đã quá giờ ăn trưa.

Trong khi một số khách nước ngoài tốn thời gian phiên dịch nhưng nội dung “sách vở” không mấy bổ ích cho tọa đàm. Chẳng hạn phát biểu của một vị khách: Lượng khán giả đến rạp phim bị ảnh hưởng bởi việc tăng hay giảm dân số…

Vị này đưa ra ý, phim phát hành trên mạng Nhà nước phải thu thuế nhưng kinh nghiệm thu thế nào thì lại không thấy nói, cũng chẳng ai buồn hỏi. Còn như phải “nắm bắt nhu cầu và phân cấp khán giả xem phim…” thì Phước Sang nói còn kỹ hơn.

Vị khách còn nói nếu tổ chức được các đội chiếu bóng lưu động như ở Trung Quốc thì cũng rất tốt, trong khi buổi tọa đàm đã để cho hai đại biểu lên báo cáo thành tích chiếu bóng lưu động của địa phương mình (!).

Nếu một cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức đúng nghĩa (dịch song song) thì hai bên sẽ hiểu nhau hơn, đỡ mất thời gian của nhau.

Quyền Linh- diễn viên duy nhất đăng đàn chua xót:  “Nhìn báo chí thấy diễn viên Hàn Quốc lên nguyên trang ai cũng đẹp- hình diễn viên VN có chút xíu thấy tủi. Chúng ta quên đầu tư cho diễn viên và diễn viên rất tội nghiệp, bị quá coi thường”.

Quyền Linh cho hay một thực trạng diễn viên chuyên nghiệp giá cát-xê cao sẵn sàng bị đạo diễn và nhà sản xuất loại để chọn người “rẻ tiền”, người mẫu càng hay. Dẫn tới việc điện ảnh Việt Nam lâu nay không có minh tinh đúng nghĩa.

Quyền Linh nói: “Tôi đã đóng mười mấy phim và hơn 300 vai diễn nhưng chưa đủ tiền mua một chiếc xe máy. Nhưng mới đóng 1 phim của Phước Sang, đủ tiền mua ô tô!”.

Bên hành lang tọa đàm, anh cũng không quên lobby cho anh bạn Phước Sang. Theo Quyền Linh thì phim hay nhất, diễn viên nam-nữ xuất sắc nhất LHP đều là của Phước Sang!

Lãi lớn nhờ mang phim đến trường học

Muốn già, trẻ đều đến rạp phải… 50 năm nữa ảnh 2
Quyền Linh và Tăng Bảo Quyên diễn viên đóng phim Gió Thiên đường

Tại tọa đàm, có một tiếng nói từ cơ sở khá có sức thuyết phục. Ông Lã Thiên Tích- Giám đốc Điện ảnh Nam Định hóa ra từng mua phim Hà Nội mùa đông 1946 với giá 1 triệu đồng và mang đi chiếu tại các cơ quan trường học ở Nam Định thu về 200 triệu đồng.

Một điển hình là Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công chiếu 480 buổi thu về 400 triệu đồng. “Không thấy Nhà nước thu lại chúng tôi dành để mua ô tô”. Cử tọa ồ lên vẻ thích thú. Với giá vé chỉ 4.000-5.000đ, các cơ quan trường học trong thành phố lũ lượt kéo đến đăng ký xem phim tập thể.

Rất có thể Nam Định đang làm theo kinh nghiệm… của Pháp. Đạo diễn Việt Linh cho biết, ở Pháp, từ 3 tuổi trường mẫu giáo đã đưa các cháu  đến rạp xem hoạt hình tháng  một lần. 5 tuổi có thể đến các CLB Điện ảnh ở đó các cháu được làm phim (bằng máy quay gia đình…) và trao giải hàng tháng.

Việt Linh tỏ ra thận trọng: “Nếu muốn VN có một thế hệ khán giả già trẻ lớn bé đều muốn xem phim (ở rạp) thì phải tạo dựng trong 50 năm nữa. Nên chúng ta khoan sốt ruột!”. Một giải pháp cấp thời là tổ chức LHP Quốc tế để kích thích khán giả đến rạp, “kích thích nhà làm phim trong nước phải làm phim hay hơn vì mắc cỡ, mặc cảm”.

“Hàn Quốc đưa được nền điện ảnh của mình lên là nhờ LHP Quốc tế. “Việt Nam nên tổ chức LHP Quốc tế khiêm tốn thôi… Làm LHP đang bị bỏ trống chưa ai làm như LHP ASEAN.”, Việt Linh nói.

Nhiều ý kiến cho rằng LHP lần này nặng về giao lưu quần chúng mà thờ ơ hội thảo, chưa kể lịch chiếu phim, tham quan, hội thảo lại bố trí chồng chéo dẫn đến tọa đạm vắng vẻ với các gương mặt quen thuộc, thiếu các thành phần đạo diễn, diễn viên.

Và thực tế là khán giả có vẻ cũng không có nhu cầu giao lưu lắm. Quyền Linh mong chờ cuộc giao lưu sau buổi chiếu phim phải là một cuộc hội thảo ngắn về phim đó nhưng rút cuộc không có. “Xong phim, chụp hình cười vui rồi mọi thứ xoẹt qua, không để lại gì”.  

MỚI - NÓNG