Mỹ: Ẩm thực Việt Nam ngày càng nổi tiếng ở Chinatown

Mỹ: Ẩm thực Việt Nam ngày càng nổi tiếng ở Chinatown
TP - Tại nhà hàng Xinh Xinh ở Chinatown vào một buổi tối thứ Sáu. Anh Dana Roszkiewicz, viên chức chính quyền địa phương, đã chọn món ăn Việt Nam thay cho món ăn Trung Quốc.

Winni Yung lớn lên ở một ngôi làng vùng nông thôn hẻo lánh Trung Quốc, nơi gạo trắng, rau là thực đơn hàng ngày và xa lạ với bánh phở Việt Nam.

Tuy nhiên, một buổi sáng tuần trước, Yung bắt đầu cọ rửa nhà hàng Trung Quốc mang tên Malden ở Chinatown (Hanover, Boston, Mỹ) mà vợ chồng cô mua gần đây và có kế hoạch chuyển nó thành nhà hàng Việt Nam.

Yong nói: “Món ăn Việt Nam ít chất béo. Tôi muốn có sự thay đổi”.

Yung chỉ là một trong số ngày càng nhiều các chủ nhà hàng Trung Quốc ở Chinatown đang phục vụ những món ăn “không Trung Quốc”.

Các nhà hàng phục vụ món ăn Việt Nam, thịt nướng Hàn Quốc và quán nhậu Nhật Bản đang mọc lên rải rác bên các con đường chật hẹp và hối hả của Chinatown.

Hiện nay các nhà hàng Trung Quốc vẫn chiếm phần lớn ở Chinatown. Tuy nhiên, một số người nói rằng số lượng nhà hàng phục vụ món ăn Việt Nam và các nước châu Á khác sẽ nhanh chóng đuổi kịp nhà hàng Trung Quốc ở Chinatown.

Các chủ nhà hàng cho biết ở Boston hiện có quá nhiều nhà hàng Trung Quốc trong khi khẩu vị của người Mỹ ngày càng có xu hướng khám phá các món ăn khác ở châu Á. Vì thế tại Chinatown, giờ đây nhiều nhà hàng Trung Quốc đã có thêm thực đơn của các nước châu Á.

Sue Duong, 23 tuổi, gần đây đã tốt nghiệp ngành di sản Việt Nam của Đại học Northeastern và đang làm việc cho nhà hàng Trung Quốc mang tên Xinh Xinh của gia đình cô. Sue Duong cho biết nhà hàng Xinh Xinh phục vụ cả món ăn Việt Nam và Trung Quốc.

Làn sóng ẩm thực “không Trung Quốc” xuất hiện ở Chinatown trong những thập kỷ gần đây, nhưng điều đó không có nghĩa ảnh hưởng của Trung Quốc bị lu mờ. Phần lớn các chủ nhà hàng có nguồn gốc Trung Quốc.

Mặc dù bố mẹ Sue Duong rời Việt Nam đến Mỹ, nhưng ông bà của cô sinh ra ở Trung Quốc. Đây cũng là câu chuyện của nhiều chủ nhà hàng ở Chinatown như Rainbow Cafe, Original Buddha Delight.

Chinatown ở Boston bắt đầu được hình thành từ những năm 1880 bởi các lao động Trung Quốc di cư sang Mỹ. Tới những năm 1920 tại Chinatown bắt đầu mọc lên các nhà hàng, tiệm giặt là và cửa hàng kinh doanh của người Trung Quốc.

Năm 1929, nhà hàng Den của Ruby Foo khai trương tại đường Hudson và trở thành nhà hàng Trung Quốc đầu tiên thu hút thực khách không phải người Trung Quốc. Đến năm 1952 đã có 52 nhà hàng Trung Quốc với các món ăn Trung Quốc đã được Mỹ hóa.

Thời điểm đặc biệt bắt đầu cho cái gọi là ẩm thực “liên Á” diễn ra vào những năm 1980 khi những người Việt Nam di cư đến thuê cửa hàng kinh doanh. Sau đó một số chủ nhà hàng Việt Nam đã rời Chinatown để mở nhà hàng ở Fields Corner.

Hiep Chu, Giám đốc điều hành Cty sáng kiến Việt Mỹ vì phát triển, cho biết những chủ nhà hàng ở lại Chinatown có khuynh hướng phục vụ cả món ăn Việt Nam và Trung Quốc.

Những năm 1990, nhà hàng Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng xuất hiện ở Chinatown. Cùng thời gian đó, một số nhà hàng Trung Quốc rời Chinatown tới vùng ngoại ô Boston như Quincy, Malden - nơi ngày càng có nhiều người Trung Quốc định cư.

David Wong - chủ nhà hàng Empire Garden ở đường Washington (Boston), gần các nhà hàng Việt Nam - cho biết nhiều thực khách giờ đây bỏ thìa dĩa để dùng đũa.

Cũng theo David Wong, nhiều người Mỹ muốn tìm kiếm hương vị mới thay cho món ăn truyền thống trong các nhà hàng Trung Quốc. Anh Dana Roszkiewicz, viên chức chính quyền địa phương, tâm sự rằng món ăn Việt Nam có màu sắc sáng hơn, trông sạch sẽ và tươi tắn. 

T.Đ
Theo Boston Global

MỚI - NÓNG