Mỵ Châu thả bước xuống trần

Minh họa của Lê Trí Dũng
Minh họa của Lê Trí Dũng
TP - Gió chướng về trên mặt Loa Thành.
Minh họa của Lê Trí Dũng
Minh họa của Lê Trí Dũng.

Gió miệt mài từ mặt sông. Gió xiết trên những con sóng. Trời đêm đen nhừa nhựa màu da trắm cỏ.

Gió thổi mùi ngột ngạt. Giỡn cợt lồng ngực hóp. Nghẹt thở.

Những lá phổi mưng mưng ủ cơn sốt cứ ngùn ngụt bốc lên từ Hà thành.

Bụi được nâng đỡ lửng lơ trên bầu trời sương độc. Chúng làm thành những đám mây nặng trĩu khói xăng và a xít, quấn quyện mùi mồ hôi người lẫn mùi xú khí từ các cống ngầm và các dòng sông đang oằn oại trườn mình ra biển.

Lũ thủy tức dạt vào bờ. Chúng lặng lẽ xuôi mình lẫn vào bùn, thườn thượt duỗi dài tấm thân, nếm vị đắng nhạt của rong rêu lẫn mùi mục nát.

Sông mòn lở. Những cây củi rều mắc cạn từ mùa lũ trước, miên man đợi ngày xuôi dòng. Tấm thân tàn đen thẫm, lũa nát tận lõi. Những chuyến phiêu lưu mắc kẹt lại trong mùa sông khát. Và lõi gỗ lũa đành gối lại ven bờ, nương dựa vào những rễ cỏ mục.

Lũ thuyền nát nửa thức nửa ngủ.

Đêm đêm, cũng rữa với những rễ cỏ sống chưa hết kiếp đã hư hoại, chúng cùng ủ ấm cho nhau. Cùng mơ thấy mình sống lại, nửa thân tàn phế héo quắt. Nửa thân tươi tốt bị trói chặt bằng đám nhớt dãi của loài ốc bươu vàng.

*

Giờ Tý, canh ba, gió chướng về.

Gió loạn mặt sông. Gió lồng lộn trên cánh cửa sơn đỏ choét mới thay và thổi thốc vào pho tượng đá cụt đầu trong am Mỵ Châu.

Pho tượng cụt đầu rùng mình. Lồng ngực đá co nghẹt. Lá phổi đá cũng rùng rùng run giật.

Mỵ Châu ngạc nhiên. Bao năm đã trôi qua. Cả đá cũng phai bạc. Bao nhiêu lần bãi bể nương dâu.

Có tiếng đá nứt vỡ. Nàng nhớ ngày ấy.

Nàng rạp mình sau lưng An Dương Vương cha nàng, trên mình ngựa. Trọng Thủy chồng nàng thống lĩnh đại quân Triệu truy riết sau vó ngựa của hai cha con. Đôi tay Mỵ Châu tướp máu. Nàng đang mải rứt những sợi lông ngỗng trên chiếc áo Trọng Thủy tặng. Lời thì thầm nóng bỏng bên tai. Nhất định rồi. Nay mai loạn lạc, nghĩa phu thê thâm tình như biển, nàng đi đâu cũng rắc lông ngỗng từ chiếc áo này để chồng biết mà tìm.

Vệt lông ngỗng trắng như khăn tang, cứ thế theo vết chân con ngựa ô dồn hết hơi tàn đưa cha con nàng chạy giặc từ Loa thành về núi Mộ Dạ. Trọng Thủy mừng thầm, coi là diệu kế, chỉ việc dẫn đầu đại quân Triệu mà truy đuổi theo cha con chúa tể Loa thành.

Ráng hoàng hôn đỏ bầm. Những tia mặt trời hấp hối hắt qua đám mây đen, rọi vào chiếc áo lông ngỗng xác xơ. Những lông ngỗng cuối cùng đã bị dứt khỏi áo. Sơn cùng Thủy tận. Mênh mông bạc đầu sóng trắng.

An Dương Vương thảng thốt quay đầu nhìn lại. Rền tiếng hò reo sấm sét của đại quân truy bức. Xác những chiến binh trung thành của Vương nằm ngổn ngang như đám thân cây bị đốn dọc đường đi.

Máu đỏ đã chuyển màu đen, chảy thành những con suối nhỏ, ngắc ngứ len lỏi qua thân xác những chiến binh đã bị chết hàng loạt bởi nỏ thần từ tay quân Triệu.

Con ngựa chiến sùi bọt mép, bờm rũ, oằn thân dưới sức nặng của cha con Vương. Máu từ những vết thương của Vương rỏ xuống đất, lẫn với máu ngựa, hoà vào suối máu đen đang tìm đường xuôi xuống biển.

Vương vụt hiểu. Ông nhận ra con đường lông ngỗng từ tay con gái. Vương nhận ra, đó là chiếc khăn tang cho Vương, dệt từ tay cô con gái yêu.

Vương gầm một tiếng xé ruột. Phía trước, mênh mông biển. Sóng lừng. Sóng thở dồn.

Vương lại ngoái nhìn.

Lóe chớp ánh gươm. Chàng rể phản trắc, mắt trừng trợn ngược, ngực gần chạm lưng ngựa, tay cầm gươm, tay cầm đao. Phía sau là đám tùy tướng, lăm lăm nỏ thần phóng vụt đi một lúc hàng trăm mũi tên độc. Nỏ thần trong tay Vương đã mất thiêng, trơ khấc như một cành cây mục. Bí quyết thiêng liêng của quân Loa thành đã rơi vào tay quân Triệu theo con đường ngọt như mật qua kế thông gia của Triệu Đà. Giờ thì Vương hiểu vì sao đội quân bách chiến bách thắng của Vương đã bị thảm bại.

Vó ngựa Trọng Thủy đã dựng ngược trên đầu An Dương vương và Mỵ Châu. Tiếng thét của chàng rể mỏng sắc hơn lưỡi gươm. Ngựa Vương khuỵu xuống.

Vương dồn hết sức bình sinh, thúc bàn đạp. Con ngựa trỗi dậy lần cuối, lảo đảo đứng dậy. Lao thẳng về phía trước. Vó ngựa đã dầm trong nước biển. Những con sóng xanh thẫm thanh thản tung bọt đùa giỡn ngoài kia.

Vương nhìn mặt công chúa. Mặt vẫn đẹp như ngọc, dù lem luốc máu và bụi đường cùng vết gai cào. Đứa con mà Vương chiều chuộng yêu thương hơn cả bản thân mình!

Phản trắc!

Lẫy lừng vương nghiệp, tan tành phút chốc. Chàng rể nội gián. Vương nghiệp còn nhẹ hơn những sợi lông ngỗng lả lơi mà con gái Vương đã gieo dọc đường chạy giặc.

Vương thét một tiếng rùng rợn. Vung gươm, dồn căm hận.

Đầu Mỵ Châu lìa khỏi cổ. Máu phun vọt từ tấm thân cụt đầu của nàng như tia cầu vồng.

Trong chốc lát, Vương đã quên nàng.

Chỉ còn bên tai tiếng xé nước của vó ngựa.

Vương ừng ực nuốt những ngụm nước biển mặn chát. Tanh nồng. Ngọt. Vương lại nhớ, trong nước biển có hoà lẫn máu Mỵ Châu.

Vương nôn ra toàn máu. Chút khí cuối cùng còn sót trong phổi bị đẩy hết. Lớp bọt khí ấy, không ai nhận ra trên mặt biển ngầu bọt đỏ.

Bây giờ thì linh hồn An Dương Vương đã trở thành một con sứa mềm mại, bơi trong biển, không nhớ mình đã chết. Bên tai Vương còn nghe văng vẳng tiếng rú ngỡ ngàng văng ra từ cái đầu đã rời khỏi cổ của Mỵ Châu. “Ta đẻ ra ngươi, thì ta có quyền lấy đi mạng sống của ngươi”.

Đầu Mỵ Châu chìm đáy. Thân nhẹ xốp, sau ba ngày, nổi lên, hoá đá. Đá nặng trịch mà nước lại làm trôi được đá. Sẵn thủy triều đưa đẩy, thân nàng dạt về cửa sông chốn cũ Loa thành.

Nàng không nhớ rõ. Không biết chắc ai là người đã nâng thân nàng lên, đặt vào trong am. Lay không đổ. Đập không vỡ. Sóng biển đã lột mất xiêm áo.

Rồi ai đó thờ nàng. Rồi ai đó lấy làm thương tâm, phủ lên mình nàng một lớp gấm lụa. Các bà các cô đã quấn quanh vai nàng những chuỗi hạt nhựa mua từ Trung Quốc. Chuỗi hạt cùng xiêm áo nhắc người ta nhớ nàng vốn là đàn bà.

Khách thập phương đến viếng, thấy nàng ngồi xếp bằng, hai tay để lặng phắc trên đầu gối. Phần cổ cụt cũng phủ gấm. Gấm cũ lại mua gấm mới theo năm tháng. Gấm nào cũng được dệt từ quê hương Trọng Thủy, được hồ dày, bóng lộn và hăng hắc độc.

Người ta dúi vào tay nàng tiền giả để mua tiền thật và mua sự bất tử. Nàng không bán. Mỵ Châu chẳng có gì để bán. Nàng thờ ơ nhìn những núi tiền giả và tiền thật quanh mình. Ngột ngạt. Thân mình nàng đầy vết bỏng.

*

Bao năm qua rồi. Mờ khói sương. Trí nhớ đặc như bùn. Bỗng nay gió chướng về.

Nàng chầm chậm bước.

Gió chướng hôm nay thổi vào tai nàng thở than. Nàng đã ngủ quá lâu. Rằng cái đầu của nàng dưới đáy biển kia không ngủ. Rằng đền thờ nàng và cha nàng được thay áo mới. Hôm nay là lễ mặc áo. Rằng cái đầu thì cứ mộng mị đong đưa dưới đáy biển mà nhớ cái thân.

Phải đi thôi. Cái thân hoá đá bỗng nôn nao nhớ cái đầu. Rồi muốn đi xem cái đền thờ đã thay áo mới.

Bụi đặc kịt. Tiếng cưa xẻ và đá mài. Trùng tu. Trùng tu. Đâu đâu cũng trùng tu. Áo mới.

Thích!

*

Rũ mình đứng dậy. Lụa là gấm vóc xanh đỏ che cổ cụt rớt tuột khỏi mình, những chuỗi hạt nhựa cũng rơi. Một tiếng “cách” khô khốc.

Đứng dậy là cả một đôi chân đầy đặn, da non như sữa. Chỗ lõm, nơi đầu gối, màu nâu nhạt như đôi lúm đồng tiền. Cao hơn nữa là ngã ba ân ái và mông đá lạnh. Đã bao năm rồi. Trọng Thủy gieo mình nơi giếng ngọc. Ngã ba ân ái hoài hủy khói nhạt mơ buồn rong rêu.

Mỵ Châu thả bước xuống trần.

*

Bước hẫng. Sực nhớ, nàng chỉ có thể cảm thấy, mà không nhìn thấy. Mắt đã đi theo đầu từ ngày ấy.

Đi. Nhân thể đi xem áo mới. Người ta đã đổ hàng núi tiền bạc thấm nước mắt vào đó. Nơi nơi áo mới.

Bức tượng cụt đầu cứ thế, lướt nhẹ. Nhẹ bẫng như không là đá.

Đôi vai mềm nghiêng ngả. Bộ hông uyển nhuyễn đong đưa theo nhịp bước.

*

Đi về phía nam. Đến chỗ khúc ruột tóp nhỏ, thì dừng lại.

Xuống biển. Đáy. Nơi có chiếc đầu đang đung đưa.

Cái đầu có đôi môi màu hoa mua. Môi khép không hết, chúm lại trong một tiếng rú dài. Đôi mắt không nhắm được, hình lá khoai thẫn thờ nhìn lũ trai biển mút mát những hạt máu chảy ra từ cổ nàng. Chúng ửng đỏ lên tận vỏ, đỏ cháy ruột rồi nhả ngọc.

Đám thợ mò ngọc trai để cống nạp đông như kiến. Họ mặc áo tơi bằng cói, có người đã mặc đồ lặn của người nhái của thế kỷ hai mốt. Đám này suốt ngày sùng sục khuấy đảo, khiến cái đầu của nàng cứ trôi dạt từ đám rong biển này sang đám rong biển khác. Lệnh cống nạp không ngừng, dữ dằn, khiến đám thợ mò ngọc không còn cả thời gian để thở. Những con trai ngọc khan hiếm. Thợ không nộp đủ số ngọc quan trên yêu cầu, bị đánh đập, chìm dưới đáy biển cũng vẩn vơ ở đó. Xác họ dật dờ lửng lơ giữa những đống xác trai. Áo của họ lõa tõa quanh thân, trông cũng hệt rong rêu.

Trọng Thủy đã trẫm mình giếng Ngọc. Mỵ Châu không biết. Linh hồn nàng bay trước. Hồn Trọng Thủy không bao giờ đuổi kịp.

Trọng Thủy cũng chẳng nhận ra Mỵ Châu.

Hồn Trọng Thủy biến thành con rắn trắng. Cái đầu con rắn trắng trườn qua rừng rậm núi cao biên ải, tìm về cố quốc, mà cái đuôi thì cứ muốn quanh quẩn bên núi Mộ Dạ, nơi đầu Mỵ Châu nằm dưới những lớp sóng, cạnh lũ trai ngọc, xương san hô và xác người mò ngọc trai. Đuôi và đầu giằng giật nhau, nửa muốn đi về phương bắc, nửa muốn xuống biển. Cứ thế, con rắn trắng cứ trườn theo kiểu ấy, thân mình trông xa như thể bị đứt làm đôi. Trong cái não màu đen của con rắn cứ sáng loá một vệt. “Được? Mất! Được! Mất...?”. Mỗi lần được mất như thế, đuôi con rắn lại giật một cái.

Rồi con rắn trắng cũng không hiểu vì sao, cái đuôi của nó cứ giật ngược, cứ muốn đi theo cái tượng đá đàn bà cụt đầu nổi nênh cứ lừ lừ trôi ngược từ cửa biển Mộ Dạ ra hướng cửa sông Cái. Cái tượng ấy được ướp mặn, đong đưa trong sóng nước, phô thân như một con cá anh vũ bị lật trắng bụng.

Rồi mất dấu.

*

Mỵ Châu ngần ngừ giây lát. Nàng ngụp xuống. Hai tay ngửa lên, định vớt lấy đầu đặt lên vai. Nhưng lũ trai ngọc cứ bám riết, lớp lớp chồng chất lên nhau. Mỵ Châu thở hắt. Rốt cuộc, nàng chỉ đủ sức vớt lấy hai con mắt. Hai con mắt vẫn mở thảng thốt. Đặt mắt lên vai, nàng ngoi lên mặt biển. Rồi giẫm chân trên cát ướt. Qua bãi cát là đến đường quốc lộ, rồi vào đền.

Bây giờ thì nàng đã thấy. Rộn rã cờ đèn kèn trống. Nhuộm xanh đỏ cả một vùng. Tắc đường.

Những chiếc gì đó giống quan tài màu đen, màu bạc, xanh đỏ... biết chạy và biết thét lên đang nối đuôi nhau hàng cây số. Từ những chiếc trông giống quan tài đó, đủ kiểu người bước ra. Kẻ béo tốt, người gầy guộc. Ngay cả những kẻ trông tự mãn nhất cũng không giấu được đôi vai so và cái lưng khom. Nhiều kẻ mang trên mặt sắc diện kẻ cướp. Nàng nghe những người đeo băng đỏ ở tay gọi đó là ô tô.

Bên dưới bãi quan tài đó, là bạt ngàn những con hao hao ngựa, có hai chân tròn, cũng biết gầm rú. Cứ một hoặc hai người một cưỡi trên những con ngựa sắt đó. Cả mặt nhiều trẻ con cũng nhàu, đầy sợ sệt, đầy toan tính, láu cá. Người đeo băng đỏ gọi cái bãi bạt ngàn ngựa sắt ấy là xe máy và xe đạp.

Rồi nàng nhìn thấy những người đi bộ. Bạt ngàn người. Xanh đỏ. Rồi áo lành áo vá. Mặt đầy vết. Ngay cả con ngươi cũng bị phủ một lớp tro than. Áo quần dệt từ quê hương của chồng nàng, hăng hắc phẩm độc. Tay ai cũng cầm hương và tiền âm phủ.

Mỵ Châu giận dữ. Vương và nàng có bao giờ ăn của đút lót! Mà thiên hạ cứ bày trò. Họ dùng tiền giả để mua tiền thật. Mỵ Châu nhìn mặt đền nhầy nhụa. Nàng lợm giọng.

Đống tro than từ mớ tiền âm phủ chất cao như núi! Bỏng rát trên mặt. Mỵ Châu ghê sợ hãi lùi xa.

Nàng vào trong đền.

Bụi bốc mờ không trung. Đặc kịt. Mỵ Châu hắt hơi.

Khói hương tản lạc. Những tàn hương trên bàn thờ xoắn tít chuyển màu bạc phếch. Những chân hương đùng đùng bốc cháy. Những người thắp hương khấn vái ở dưới reo hò: “Thiêng quá thiêng quá! Ngài đã về chứng giám lòng thành...”.

Và tiền bạc thật đổ vào chật ních những hòm “công đức”.

Tên những người cung tiến nhiều tiền được khắc trên bảng vàng bia đá. Vinh quang. Nhiều tiền hơn nữa, hoặc có quyền chức, họ có thể yểm tên mình vào những pho tượng hoặc tạc mặt tượng và thân hình cho hao hao giống họ. Họ nghĩ sẽ bất tử.

An Dương Vương vẫn bơi mềm mại dưới đáy biển.

Ký ức Vương không trở lại.

Không ai nhìn thấy Mỵ Châu. Nàng đang lặng nhìn.

Đền thờ mới xây lại đã thay đền cũ. Rồng chầu phượng múa ngàn năm trên mái đền bây giờ đổ đống lát đường, in đầy dấu giày dép xe cộ bẩn thỉu. Chĩa lên trời, những hình thù rồng phượng đúc bê tông, tô vẽ loè loẹt, mắt trợn trừng vô hồn. Đám cột lim vững chãi, hằn bao dấu tay, vệt mồ hôi nước mắt người xưa, nay bị nhổ bật gốc, vứt ra một đống như thây người bó chiếu trên mảnh đất mọc đầy cỏ dại trên quả đồi trọc, phơi mưa nắng.

Cha ơi! Cha có về ngắm áo mới không?

Mỵ Châu khóc. Ròng ròng nước mắt chảy thành vệt mòn trên vai đá.

*

Lễ cắt băng khánh thành đền mới trùng tu và lễ hội khai mạc hết sức trọng thể. Cờ quạt rợp trời. Người người chen vai thích cánh trên đường đi, trước quả đồi trọc của đền.

Diễn văn. Giọng choang choang, đang lên bổng xuống trầm kể lể công đức, thì bỗng một tiếng kêu như xé rách trời xanh lao tới.

Người đọc diễn văn giật mình ngửa mặt lên trời. Đôi tay chợt chắp lại trước ngực, rồi cứ thế dính liền nhau. Mắt trợn trắng.

Từ trên đỉnh đồi, giữa đám thông bơ phờ và sim mua, hiện hình một con công lớn, ức đen, đuôi rực rỡ màu mây hoàng hôn pha tía biếc.

Cùng với tiếng kêu, một vật nặng trĩu rơi độp xuống bàn thờ.

Đó là một quả tim thoi thóp, vốn treo chêu vêu ngoài ức con chim công. Nó tới không vỗ cánh, liệng như một hồn ma. Ruột rỗng. Chỉ có quả tim và những giọt máu đỏ chót rơi thánh thót.

Con chim lao thẳng tới bức tượng An Dương Vương, kêu lên ba tiếng thảm thiết.

Giếng Ngọc ngày xưa, nơi Trọng Thủy trẫm mình, nơi người ta lấy nước rửa ruột những con trai ngọc từ máu Mỵ Châu, thì nay, sau trùng tu, chỉ còn là một thứ tương tự lỗ huyệt, rộng chừng năm tấc, dài chừng bảy tấc, láng xi măng.

Trên mặt đáy huyệt là những đống tiền chẵn lẻ. Khô ráo. Nghe nói, vì du khách viếng đền hay ném tiền xuống giếng để cầu may. Ban quản lý vớt không kịp, mười phần mủn nát mất một. Nỗi niềm ấy được giãi bày. Ban trùng tu di tích đã cho đổ bê tông vào giếng. Tiền ném xuống đồng nào là khô cong, đem tiêu khỏi ai chê, không mất công phơi sấy.

Con chim công thốt kêu lên ba tiếng, rồi rã cánh chết. Máu đỏ thành đen thẫm, tìm đường chảy ra biển, ướt cả nền bê tông.

Quả tim của con công bay vào tay Mỵ Châu. Không ai hay biết.

Con công vừa dứt tiếng kêu, đã thấy đám cột lim đền cổ đang bị vứt trơ chỏng ngoài hiên bỗng cựa quậy, rồi rùng rùng đứng dậy, thủng thẳng nhích từng bứơc nặng nhọc, diễu qua đám người đang đứng chết trân, đi vòng quanh đền ba vòng, rồi chúng biến thành những chiếc chuỳ đập vỡ dãy cột bê tông đang chống đỡ mái đền mới.

Đám cột nứt vỡ, để lộ những lõi gỗ mục thay cho sắt thép được che giấu dưới lớp vỏ bê tông và sơn phết hào nhoáng.

* *

Người thủ từ sợ hãi không dám chôn con công. Ông ta tự tay mổ bụng, nhồi mùn cưa, mua thuốc ướp xác của Trung Quốc để ướp, rồi thuê đóng tủ kính, đặt con công vào đó.

Người đến xem con công ngày càng đông. Có cả một hòm công đức lớn gấp đôi tủ kính được đặt dưới chân. Như thế là cả đền có tới tám hòm công đức. Chật ních tiền. Ngày ngày người ta đếm được rất nhiều tiền. Rồi tiền trong hòm công đức lại được chia làm nhiều phần. Có kẻ đã đóng góp lại đến nhận phần của họ, nhiều hơn trước.

Người đến viếng đền ngơ ngác. Tay chắp lại lẩm nhẩm khấn mà lời khấn cứ rơi hẫng đi. Cứ như ai đó đã đánh cắp ngôi đền thiêng của họ mang đi. Để lại một ngôi đền đã hồn xiêu phách lạc, giương mắt trơ trẽn giễu nhại những lời khấn nguyện.

* *

“Nước ! Khát nước...”

Mỵ Châu vật vã. Nàng nghe tiếng than van của con công mỗi đêm. Tiếng kêu khào khạo trong tủ kính.

Ruột gan con công đã bị rút rỗng, chỉ còn mùn cưa trong bụng. Trái tim đỏ chót cứ đập chơi vơi trên tay nàng.

Trong đền, sau những pho tượng xi măng không có chút gì giống với cha nàng, là một đám mặt mũi đẹp đẽ, thân thể béo tốt, đang say sưa yến tiệc.

Cha ơi! Về mà xem áo mới!

An Dương Vương không biết. Ký ức của Vương đã bị rỗng. Ông vẫn chỉ là một con sứa mềm mại bơi dưới đáy biển.

Mỵ Châu bỏ đi. Nàng cứ thênh thênh như thế mà đi. Theo gió.

Nàng không thể trở về Loa thành. Áo mới của nàng giờ đây cũng khác. Nàng không nhận ra và không thể mặc. Vô hồn. Trợn trừng như dọa dẫm.

Dật dờ. Mỵ Châu đi, tìm một chốn nương thân trên thế gian.

Tiếng kêu của con công da diết theo bước chân nàng đi, đến những đền thờ. Quả tim thoi thót đập trên lòng bàn tay.

Khi nghe tiếng kêu của con công, vài người trong đám yến tiệc ở đền nghiêng tai há mồm lắng nghe.

Mỵ Châu nhận ra, từ mồm của họ, ngo ngoe cái đầu của loài rắn.

2010

MỚI - NÓNG