Mỹ Vân: “MC cũng là một nghệ sĩ”

Mỹ Vân: “MC cũng là một nghệ sĩ”
Tôi quan niệm rằng MC cũng là một nghệ sĩ! Nghĩ rằng nói cũng là biểu diễn, sẽ có được một cá-tính-MC! - MC Mỹ Vân, gương mặt nổi của Đài Truyền hình VN, tâm sự.
Mỹ Vân: “MC cũng là một nghệ sĩ” ảnh 1

“Dẫn chương trình không có nghĩa đơn giản là nói năng lưu loát theo một kịch bản vạch sẵn! Kiến thức tổng hợp, khả năng ứng biến, tâm hồn con người và thậm chí cả kỹ thuật thanh nhạc đều được thể hiện mỗi khi tôi tham gia bất cứ chương trình nào" - Mỹ Vân tâm sự.

- Tuổi trẻ và sắc đẹp dường như luôn là lợi thế của những người làm nghề liên quan đến truyền thông, luôn phải xuất hiện trước công chúng, nhưng có nghịch lý không, khi MC càng “già tuổi đời tuổi nghề” lại càng được ưa chuộng?

- Không sai! Bởi lẽ ở các chương trình lớn hay trực tiếp, đòi hỏi phản ứng nhanh, thông minh và giải quyết tình huống phát sinh trôi chảy - các MC làm việc lâu năm hầu như luôn xử lý tốt hơn các đồng nghiệp trẻ. Điều đó đòi hỏi kinh nghiệm và phông kiến thức tốt. Mà nghề MC ở VN vẫn đang là nghề tự học là chính, chính thế nên các nhà tổ chức dù luôn muốn có đột phá nhưng vẫn hay chọn “giải pháp an toàn” khi giao trách nhiệm cho các MC kinh nghiệm.

- Không được đào tạo bài bản có phải là hạn chế lớn nhất của nghề MC ở VN? Các MC hiện tại đại đa số đều là người học các ngành nghề khác!

- Nói - rõ ràng là một nghề cần năng khiếu, nhưng nói một cách tự phát sẽ “vất vả” hơn nhiều với việc được hướng dẫn, trao đổi và đào tạo. Đó chính là lý do tại sao tôi nảy sinh ý định thành lập một lớp học về nghề MC, nơi mà chính những người đã và đang làm nghề có thể cùng trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn những bạn mới vào nghề.

Sẽ là một môi trường rất tốt cho những ai yêu thích, nhưng cũng giống như những nghề mang tính nghệ thuật đòi hỏi cảm hứng và cơ duyên khác - một tấm bằng hay giấy chứng nhận không mang lại cho người ta sự đảm bảo thành công trong sự nghiệp đó. Theo tôi, đào tạo là nền tảng cần thiết, nhưng để tồn tại và thành công nhất thiết phải có khổ luyện, mọi “tài năng bẩm sinh” đều chỉ là lý thuyết!

- Càng ngày càng có nhiều bạn trẻ đầu quân cho các đài truyền hình và các Cty truyền thông, chứng tỏ sức hút của nghề MC là rất lớn, nhưng thách thức lớn nhất của nghề này là gì?

- Sự nhàm chán! Một gương mặt cũ, một bộ quần áo cũ, cách trang điểm, kiểu tóc… cũ, một cách dẫn dụ cũ… đều mang đến cho khán giả cảm giác… cũ rích! Chính vì thế nên cái khó nhất của MC là luôn phải làm mới mình, không chỉ hình thức mà ngay cả kiến thức! Luôn luôn phải đọc, phải hiểu, phải ngẫm ngợi và đưa những kiến thức đó vận dụng vào công việc thực tế của mình.

- Là cháu ngoại của ca sĩ tài tử Ngọc Bảo, đã từng theo học thanh nhạc, thử làm ca sĩ và đã gây được ấn tượng khá tốt trong lòng khán giả, vậy mà Vân bỏ mọi thứ để theo MC, có phải là một lựa chọn “hoang phí”?

- Không hẳn, những gì âm nhạc mang lại cho Vân là một tâm hồn nhạy cảm và khả năng nắm bắt lẫn truyền thụ cảm hứng đến cho người khác, đó là mấu chốt rất quan trọng để quyết định việc một MC có thành công hay không! Xa rời sân khấu âm nhạc không có nghĩa mình lãng quên nó! Các kỹ thuật thanh nhạc giúp Vân rất nhiều trong việc biểu đạt tình cảm lẫn kiến thức của mình!

- Đã trở thành MC được ưa chuộng, giờ Vân lại “xung phong” đứng ra mở lớp đào tạo MC tạo môi trường tương tác cho các bạn trẻ và các MC kinh nghiệm, nghe chừng “đúng ngành đúng nghề” nhưng hơi “tham”?

- Nếu ai bảo tôi tham công việc - tôi đồng ý! Người tham lao động là người có ích cho gia đình và xã hội. Nếu ai bảo tôi tham bạn bè - tôi đồng ý! Người có nhiều bằng hữu tốt là người có tính nhân! Nếu có thể tạo một môi trường vừa có nhiều công việc, vừa có nhiều bạn bè tốt, cớ sao lại không làm? Tôi hy vọng sẽ mang lại được những điều tốt nhất cho công việc và đam mê của mình.

- Cảm ơn Vân và chúc bạn thành công.

Theo Thảo Nhi
Lao động

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.