Năm 2009, Hoàng thành Thăng Long sẽ là di sản thế giới?

Năm 2009, Hoàng thành Thăng Long sẽ là di sản thế giới?
Hoàng thành Thăng Long là một trong bốn di sản được Chính phủ đồng ý cho phép lập và gửi hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Năm 2009, Hoàng thành Thăng Long sẽ là di sản thế giới? ảnh 1
Ông Nguyễn Trọng Tuấn

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng để được công nhận là di sản trước năm 2010 là rất khó bởi thời gian không còn nhiều.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã trao đổi về vấn đề này.

Đầu năm 2006, Hoàng thành được Chính phủ phê duyệt đưa vào danh sách di sản được lập hồ sơ đề cử là di sản văn hóa thế giới, song để được UNESCO công nhận chính thức trước năm 2010 thì phải hoàn thành hồ sơ trong năm nay. Vậy công việc có quá gấp gáp, thưa ông?

Đúng là gấp. Song ngay từ năm 2005, Hà Nội đã có định hướng về việc lựa chọn và xây dựng một địa điểm để lập hồ sơ xin được công nhận là di sản thế giới. Ba di tích lớn được đưa ra là Cổ Loa, khu phố cổ và Hoàng thành Thăng Long.

Sau khi bàn bạc, xét các tiêu chí về tính toàn vẹn thì chỉ có Hoàng thành Thăng Long mới có thể đạt được yêu cầu này và đây là điểm sáng giá nhất.

Do vậy, mọi công việc chuẩn bị bộ máy cũng như hồ sơ của khu di tích này đã được khởi động và vận hành sớm.

Việc học hỏi, thủ tục, quy trình để phác ra lộ trình lập hồ sơ, thu thập tài liệu cũng như kinh nghiệm của các địa phương khác có di sản được công nhận là di sản thế giới như Huế, Hội An, Hạ Long đã được tiến hành từ năm trước.

Công việc được coi là trôi chảy, thưa ông?

Tháng 1-2007 sẽ hoàn tất hồ sơ, trình lên UNESCO Việt Nam để có thể chỉnh sửa và xem xét bổ sung tư liệu và trình tiếp vào tháng 9-2007.

* Tháng 1-2008, Hội đồng xét duyệt của UNESCO quốc tế sẽ xem xét hồ sơ và thực địa.

* Năm 2009 nếu thuận lợi sẽ chính thức được đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới.

Việc lập hồ sơ về Hoàng thành Thăng Long để đệ trình xin công nhận là di sản thế giới được lãnh đạo TP xác định là một trong những chương trình trọng tâm hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội nên mọi việc được tập trung tiến hành khẩn trương với hiệu suất cao nhất.

Cho tới lúc này, mặc dù chưa có quyết định chính thức về việc thành lập các ban và tiểu ban (ban chỉ đạo; ban lập hồ sơ; ban phim, ảnh) song thực tế nhân lực đã được tập hợp và bắt tay vào công việc từ rất sớm.

Lúc này, không còn thời gian để bàn bạc họp hành nữa. Tài liệu về khảo cổ do Viện Khảo cổ học đã và đang thực hiện và bổ sung khá đầy đủ, có hệ thống. Các tài liệu liên quan khác do có sự chủ động từ trước nên dữ liệu được tập hợp khá tốt.

Tổ phụ trách tư liệu hình ảnh tĩnh (chụp ảnh) và hình ảnh động (quay phim) đều là những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này - do vậy về chất lượng và thời gian hoàn thành công việc cũng có thể yên tâm.

Tất cả các dữ liệu trong quá trình nghiên cứu về Hoàng thành Thăng Long trước đây cũng được sắp xếp theo các chuẩn định sẵn đó, do vậy chúng ta đã có cơ sở để tiến hành các bước tiếp theo rất thuận lợi... Song vẫn còn rất nhiều công việc nảy sinh mà không thể lường trước được.

Theo ông, vướng mắc lớn nhất là gì?

Khó khăn lớn nhất khi lập hồ sơ về di tích này vẫn là việc xác định mốc ranh giới. Cho tới lúc này vẫn còn chưa quyết định chính thức mốc giới của khu di tích.

Có ý kiến cho rằng, tổng diện tích khoảng 19 ha bao gồm khu di tích đang được khai quật tại 18 Hoàng Diệu và khu thành cổ Hà Nội với hệ thống di tích Cột Cờ, Đoan Môn, Kính Thiên, Cửa Bắc, Tổng hành dinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Có ý kiến khác cho rằng phải mở rộng diện tích ra gần 40 ha...

Song trên thực tế diện tích của di tích đang được UBNDTP Hà Nội quản lý vẫn nhỏ hơn nhiều so với mốc giới của di tích được Chính phủ phê duyệt do một phần đất của di tích vẫn thuộc sự quản lý của quân đội.

Hơn nữa, hiện nay, khu di tích này có 3 đơn vị quản lý là TP Hà Nội, Quân đội và Viện Khảo cổ học Việt Nam – trong khi yêu cầu đặt ra là phải thống nhất về một mối - nên việc này cần được sự thông suốt và ủng hộ của các bên.

Theo đúng lộ trình, để được công nhận là di sản thế giới trước hết phải được công nhận là di sản văn hóa quốc gia. Song hiện nay Hoàng thành vẫn chưa lập hồ sơ để được xét duyệt danh hiệu này?

Hoàng thành Thăng Long là một di tích được nhiều nhà khoa học và lịch sử trong nước và quốc tế nhất trí đánh giá cao giá trị (đặc biệt về lịch sử- văn hóa) và coi đây là một di sản văn hóa vô giá không chỉ của thủ đô mà là của cả dân tộc.

Do vậy việc làm hồ sơ để di tích này sớm được công nhận là di sản quốc gia không phải là trở ngại lớn. Chúng tôi đã xác định được việc này và sẽ tiến hành song song cùng với việc lập hồ sơ trình UNESCO. Có thể di tích quốc gia này sẽ được công nhận ngay trong năm nay.

Thành phố đã có hướng khai thác khu di sản này?

Trước mắt chúng tôi vẫn tiến hành song song việc lập hồ sơ với việc bảo tồn, tôn tạo và khai quật khảo cổ khu vực Thành cổ và Hoàng thành Hà Nội, phục vụ nhu cầu văn hóa, du lịch và tham quan.

TP cũng sẽ nghiên cứu phục hồi, phục dựng một số sinh hoạt, lễ hội, di sản văn hóa phi vật thể của kinh thành Thăng Long như lễ hội hoa đăng, hội thề Đồng Cổ…

Trong tương lai, sẽ cố gắng xây dựng nơi đây trở thành một công viên văn hóa - lịch sử, tạo thêm một điểm sáng về du lịch văn hóa hội tụ tinh hoa và bản sắc văn hóa dân tộc.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thu Hà
Sài gòn giải phóng

MỚI - NÓNG