Về đoạn thành cổ Đại La vừa bị ủi:

Năm năm cảnh báo cũng bằng không!

Năm năm cảnh báo cũng bằng không!
TP - Theo phản ánh của các báo năm 2000, thì Dự án tuyến đường Hoàng Hoa Thám, dài khoảng 3.500 m, mặt cắt ngang 53,5 m với 6 làn xe. Điểm đầu là đường Hùng Vương, cuối là nút giao thông Bưởi được thực hiện thì đoạn thành cổ theo bản đồ Hồng Đức 1490 sẽ bị xóa sổ!
Năm năm cảnh báo cũng bằng không! ảnh 1
GS Phan Huy Lê (trái) và GS-TS Tống Trung Tín xem các mảnh hiện vật trên đoạn thành cổ vừa bị phá. 
Ảnh: Khánh Linh

Ngày 18-10-2000, tôi có dịp đi dã ngoại cùng GS. Đỗ Văn Ninh (chuyên gia về thành cổ Việt Nam), PGS Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học và TS Nguyễn Doãn Tuân, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội suốt dọc theo vệt thành cổ từ đền Linh Lang Thủ Lệ dọc đường Bưởi, Hoàng Hoa Thám đến phố Phan Đình Phùng. Tôi được GS Đỗ Văn Ninh giới thiệu khá lý thú về vệt thành cổ quý giá này.

Lo lắng trước mối đe dọa này chúng tôi đã có bài viết trên báo với lời khuyến cáo rằng: “Phát triển đô thị, chúng ta cần thận trọng trong công tác nghiên cứu bảo tồn các di sản của ông cha”. Năm năm trôi qua đã tưởng như tuyến thành cổ này thoát khỏi dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám.

Đến ngày 26-4-2006 Ban Quản lý Dự án Giao thông - Đô thị thuộc Sở Giao thông Công chính Hà Nội lại có Thông báo về việc xây dựng đường Đội Cấn - Hồ Tây giai đoạn II (đoạn Hoàng Hoa Thám - Hồ Tây). Thông báo trên và bản vẽ được dán công khai tại UBND phường Thụy Khuê.

Năm năm cảnh báo cũng bằng không! ảnh 2
Bản đồ thành Đại La

Nhìn lên bản vẽ thấy đoạn đường Hoàng Hoa Thám mở rộng tới 53,5m sẽ phá băng đi một đoạn thành cổ Thăng Long xưa kia.

Những tư liệu về thành Đại La thế kỷ thứ 8 chỉ còn lưu rất ít trong sử sách. Nhưng qua đó cũng cho thấy thành Đại La nằm ở phía Nam sông Tô Lịch và phía Tây sông Cái (sông Hồng ngày nay). Chính sông Tô Lịch và sông Cái như là con hào tự nhiên bao quanh thành Đại La. Thành Đại La đã được xây dựng và gia cố liên tục vào các năm: 767, 791, 801, 808 và đợt gia cố lớn nhất vào năm 866 – 868 với truyền thuyết “Cao Biền dậy non”.

Đại La đã từng chứng kiến biết bao chiến tích oanh liệt: Khởi nghĩa Phùng Hưng cuối thế kỷ thứ 8, cuộc binh biến của Dương Thanh đầu thế kỷ thứ 9 chống lại quân xâm lược phương Bắc. Đặc biệt người anh hùng giải phóng dân tộc Ngô Quyền giữa thế kỷ thứ 10 đã hạ thành Đại La trong tay giặc làm cơ sở cho chiến thắng Bạch Đằng chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc.

Đến thế kỷ 11, khi Lý Công Uẩn đến định đô ở Đại La và đặt tên là Thăng Long các vua Lý đã chú ý đến công việc củng cố thành quách trên cơ sở thành cũ Đại La để bảo vệ kinh đô mới của quốc gia Đại Việt. Thành không chỉ bảo vệ kinh đô chống lại giặc ngoại xâm mà còn là con đê ngăn lũ sông Cái và sông Tô.

Trải qua biết bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử từ Đại La  - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Kinh đô xưa đã bao lần thay hình, đổi dạng. Cư dân ngày một đông đúc, thành quách cổ xưa đâu còn nguyên vẹn !

Sông Tô Lịch ngày xưa bắt nguồn từ sông Cái (khoảng phố Chợ Gạo ngày nay) chảy dọc theo phố Hàng Buồm qua cống Hàng Lược hướng lên đường Phan Đình Phùng, men Hồ Tây dọc phố Thụy Khuê rồi uốn cong theo đường Bưởi. Ngày nay đoạn sông Tô từ nơi bắt nguồn bên dòng sông Cái đến Hồ Tây không còn nữa. Đoạn sông Tô dọc theo phố Thụy Khuê nay chỉ còn là con mương nhỏ và thông với Hồ Tây bởi Cống Đõ.

Nhưng căn cứ vào bản đồ Hồng Đức 1490 thì đoạn thành cổ hầu như vẫn giữ nguyên - đó chính là đường Hoàng Hoa Thám ngày nay. Nét uốn như cánh chim trên bản đồ Hà Nội ngày nay vẫn mang bóng dáng nét vẽ bản đồ từ thời Hồng Đức (xem bản đồ minh họa).

Nhân dân Ngọc Hà, Đại Yên vẫn gọi đường Hoàng Hoa Thám là đường thành, dân Bưởi thì gọi là đường thành nhà Lý (Nguyễn Khắc Đạm: Thành lũy Phố phường và con người Hà Nội). Chính độ cao của đường Hoàng Hoa Thám so với chiều dọc hai bên đường cũng đã nói lên điều đó.

Năm 2006 tôi đã có bài: “Đoạn thành cổ Thăng Long cuối cùng sắp vĩnh viễn bị xóa sổ” đăng trên Tiền Phong ngày 3-8-2006, sau đó dự án này không thực hiện nữa, nên đoạn đường Hoàng Hoa Thám vẫn tồn tại.

Theo GS Phan Huy Lê căn cứ bản đồ Hồng Đức thì chắc chắn đường Hoàng Hoa Thám là Hoàng Thành.

Trên công trường làm đường Văn Cao - Hồ Tây người ta đã đào cắt ngang qua đường Hoàng Hoa Thám, nghĩa là phá băng đi một đoạn thành cổ Thăng Long.

Vừa qua một số nhà khoa học đã lên tiếng về vụ việc này. Nhưng rất tiếc những chủ dự án vẫn thực hiện và còn biện minh cho việc làm đó. Giám đốc Ban quản lý Dự án giao thông đô thị, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trả lời báo chí lại cho rằng chưa tìm thấy di vật nào cả.

Liệu ông Giám đốc Ban quản lý Dự án giao thông đô thị có biết thế nào là “di vật” và hình thù nó như thế nào mà “yêu cầu các nhà thầu và lực lượng giám sát khi thi công phải có trách nhiệm báo cáo về Ban Quản lý!” - để xem xét có phải là di tích văn hóa lịch sử hay không.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Viện Khảo cổ Việt Nam cho biết sẽ làm đơn kiến nghị dừng thi công để tổ chức khai quật nghiên cứu. Đây là việc làm hết sức quan trọng để cứu những đoạn thành cổ còn lại.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.