Nắng, gió mốc 108

Nắng, gió mốc 108
TPCN - Đang ngồi viết trong quê thì nhận được điện thoại của Văn Giá: “Nguyễn Duy từ thành phố Hồ Chí Minh ra, lên Cao Bằng, rất muốn gặp Hoàng Quảng Uyên”.
Nắng, gió mốc 108 ảnh 1
Nguyễn Duy bên mốc 108    Ảnh: Hoàng Quảng Uyên

Tôi dứt mạch viết, ra ngay thị xã. Gặp nhau ở nhà khách Điện lực Cao Bằng, Nguyễn Duy vào đề ngay: “Ông cùng tôi lên Pác Bó”. “Sẵn sàng, nhưng mà…”. Tôi ái ngại nhìn Nguyễn Duy!

Ái ngại vì không tin Nguyễn Duy còn có thể lên được Pác Bó, leo lên cột mốc 108 với chiếc chân bị xe Honda cán gẫy mấy năm trước. Nguyễn Duy cười: “Nay ở trong chân không còn thép!”. “Vậy thì đi”.

Tôi điện thoại cho Trần Hùng, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Cao Bằng, nhà thơ bận bịu nhiều sự vụ mà không quên thơ. Trần Hùng hẹn: “Buổi tối gặp nhau với cả Chủ tịch văn nghệ”.

Hẹn vậy, nhưng đến khi gặp “ai cũng bận” nên chỉ có tôi, Trần Hùng và Nguyễn Duy ngồi trong căn phòng yên tĩnh nhìn ra Sông Bằng. Không nhắc đến thơ phú, Nguyễn Duy “luận” rất say sưa về thú ẩm thực với những món ăn tẩm, ướp mác mật riêng có ở vùng Lạng Sơn, Cao Bằng, món cá Sông Bằng chao mỡ thơm ngon, món canh củ mài…

Nguyễn Duy bảo Trần Hùng “Khi nào tôi hướng dẫn đầu bếp các ông chế vài món, cả cái cách kho cá…”. Nói vui thế, biết khi nào.

Buổi sáng, ngồi ở quán cà phê Lan, gần Hội Văn nghệ Cao Bằng, Nguyễn Duy chờ các văn nhân đến để “chào một câu”. Hơn tám giờ vẫn chẳng thấy bóng văn nhân nào.

Tôi sốt ruột điện cho họa sĩ Phan Hùng, Phó Chủ tịch Hội, Phan Hùng đến ngay. Phan Hùng có lời mời nhà thơ buổi tối gặp ở Hội cùng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, nhà thơ Vũ Thành Chung đang có mặt tại Cao Bằng. Trò chuyện đôi câu, chúng tôi lên xe nhằm hướng Pác Bó.

Pác Bó, 10h30’ nắng chói chang, khách tham quan ngày càng đông, tôi đề nghị Nông Ngọc Thông, Giám đốc Ban quản lý khu di tích lịch sử Pác Bó “điều” một hướng dẫn viên cùng lên cột mốc 108 “cho vui”.

Đến lượt Nông Ngọc Thông nhìn chúng tôi ái ngại vì giữa trưa nắng gắt như thế leo lên mốc 108 cực lắm! Thấy chúng tôi “quyết tâm cao” Giám đốc ưu tiên cho xe chạy thẳng vào sân bê tông bên bờ suối Lê Nin, mà không có hướng dẫn viên nào theo lên cột mốc.

Xe dừng bên bờ suối Lê Nin, Nguyễn Duy lôi từ trong túi ra “vài” cái máy ảnh xịn khoác lên người, nai nịt chắc chắn, thoáng chốc nhà thơ hiện nguyên hình một tay máy lão luyện.

Cảnh sắc Pác Bó hút hồn, Nguyễn Duy “miệt mài” ngắm, “miệt mài” chụp, nên khi đến chân dốc 108 mặt trời đã đứng bóng, nắng gắt xuyên đỉnh đầu, Nguyễn Duy tính toán “lên đến cột Mốc hãy ăn cơm” (chú Khánh lái xe kiêm công tác hậu cần đã chuẩn bị cơm, đồ ăn, nước uống mang theo).

Tự động viên mình và mọi người cố gắng nhưng chỉ leo được một đoạn Nguyễn Duy đã thở dốc, đến chỗ nào có bóng râm là ngồi bệt xuống. Tôi vừa leo vừa chờ.

Leo tiếp vài đoạn, đến lưng chừng dốc bên cạnh đường có cây nhãn to tỏa bóng mát Nguyễn Duy nằm vật ra, đầu gối lên túi đồ nghề “chờ gió” làm dịu cơn nóng.

(Cũng tại chỗ này, tháng trước đạo diễn Vi Hòa đài truyền hình Việt Nam cũng đã “suýt” bị khuất phục khi lên thực hiện những cảnh quay cột mốc 108).

Ngồi một lúc thấy có cô gái tuổi chưa đến ba mươi, người chắc mập, căng đầy sức trẻ leo dốc cứ như không. Tôi chợt nhớ câu thơ Y Phương “Mùa hoa/Mùa đàn bà/ Thừa sức vác ông chồng/ chạy phăm phăm lên núi”.

Lái xe Khánh “mơi” cô gái ngồi nghỉ. Cô gái “vui vẻ nhận lời” ngồi ghé mô đá gần chỗ Khánh. Gió mát thoảng đến, tiếng chim, tiếng ve rừng ríu ran… Từ xa vẳng đến tiếng chim Bắt cô trói cột (tiếng chim lần nào lên cột mốc 108 tôi cũng được nghe).

Tôi hỏi vui cô gái tên con chim ấy là gì, cô trả lời là con chim Bắt cô trói cột. Tôi bảo “Người Kinh gọi thế, chứ người Tày, người Nùng gọi khác”. Cô gái ngắc ngứ, lái xe Khánh nhanh nhảu: Gọi là con chim Páng Kha cái côộc! 

Cô gái mặt đỏ lựng: “Không phải con chim hót thế đâu!”. Khánh vẫn không buông tha “Nó còn bảo Mác thăm théc bộp nữa!”. Cô gái mặt càng đỏ luôn mồm cải chính “Không phải thế, không phải thế!”.

Nguyễn Duy nghe có vẻ hay mà không hiểu hỏi tôi, tôi bèn “dịch”: “Páng kha cái côộc nghĩa là Bắp đùi to mập!”. Nguyễn Duy bình: “Nghe rất phồn thực!”

“Phồn thực nên mác thăm mới théc bộp”. Nguyễn Duy nhổm lên: “Nghĩa là gì”. Tôi cười: “Lát nữa tôi sẽ dịch cho ông nghe!”. Cuộc nói chuyện vui mang tính dân gian về tiếng chim đã làm tan biến cơn mệt, cô gái lại phăm phăm leo dốc. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, một chốc cột 108 đã hiện ra trong cái nắng đổ lửa.

Đứng trên đỉnh dốc có cột mốc 108 nơi mà ngày 28/1/1941, Bác Hồ và các đồng chí của mình đặt bước chân đầu tiên lên đất mẹ sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước.

Vẫn còn đây những chứng tích lịch sử: Cây si xum xuê cành lá, cách cột mốc 108 chừng 100 mét. Cột mốc bằng đá có khắc chữ Pháp và chữ Trung Quốc.

Nguyễn Duy ngắm nhìn hồi lâu “non xa xa, nước xa xa” trải dài rừng núi Pác Bó với những khóm hoa trắng muốt, những cây bàng, cây si, cây gạo… cảnh sắc như gợi câu thơ của chính Nguyễn Duy “Lối mòn đá cuội rong chơi/ Lơ thơ trăng dưới chân đồi hoa mơ”.

Con người thơ Nguyễn Duy dường như trở lại với những tứ thơ, câu thơ trong giây phút xúc động đứng bên cột mốc 108. Có cảm giác dường như hai chục năm qua Nguyễn Duy “bỏ thơ”:

Để  “lo” viết kịch bản phim, kịch bản múa, triển lãm thơ, in thơ trên giấy dó và ngay cả lần này nữa, là lo cho một “kế hoạch” một “chương trình” nào đó mới lạ, “độc chiêu”, chưa có ai làm.

Nhưng làm gì thì làm, với Nguyễn Duy, đơn giản, nhẹ nhàng như “Đá cuội rong chơi”. Nghệ thuật đòi hỏi nhiều tâm huyết, công sức, nghị lực và cả lòng yêu thương để được cống hiến cho đời những tác phẩm hay. Nếu không có tình yêu vì nghệ thuật, sẵn sàng bỏ mạng vì nghệ thuật Nguyễn Duy đã không thể có sức để leo lên cột mốc 108 đầy nắng gắt và gió nóng với chiếc chân tạm lành sau tai nạn xe máy. Nguyễn Duy đã rất thành thực!

“Mình đã muốn bỏ cuộc từ dưới gốc nhãn. Mình vừa lên Yên Tử, nhưng không nhọc như thế này. Lên đến đây mới thấy Cụ Hồ ngày trước làm cách mạng gian khổ và vĩ đại như thế nào. Vĩ đại thật”.

Trong cuộc “rong chơi” lên Pác Bó lần đầu tiên này Nguyễn Duy “khoe” đã chụp được hơn 300 kiểu ảnh trong một buổi chiều nắng. Chưa thấy Nguyễn Duy “khoe” một tứ thơ, một câu thơ nào chợt đến. Nhưng chắc chắn sẽ có thơ về Pác Bó, tôi tin điều đó như tin chính… Nguyễn Duy! 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.