Lý do căn cốt vẫn là “kinh tế…”

 Lý do căn cốt vẫn là “kinh tế…”
Nhà điêu khắc Dương Đăng Cẩn là một thành viên của Hội đồng nghệ thuật của công trình tượng đài này. Sau khi đọc bài phản ánh về công trình trên Tiền Phong 45, ra ngày 4/3/2005, ông đã có cuộc trao đổi với chúng tôi:

Xung quanh tượng đài Công nhân Việt Nam tại Cung văn hoá Hữu Nghị, Hà Nội. Nhà điêu khắc Dương Đăng Cẩn:

 Lý do căn cốt vẫn là “kinh tế…”

Thưa ông, trước tiên, ông có thể cho biết ý kiến của cá nhân ông về chất lượng nghệ thuật của công trình tượng đài này?

Tôi cũng là người từng tham gia làm rất nhiều tượng đài công- nông- binh kiểu như thế từ thời chống Mỹ, cùng thời kỳ với hàng loạt tượng đài chung chủ đề ở các nước XHCN như Liên Xô, Trung Quốc.

Về nội dung, tôi thấy tác giả đã để các nhân vật đứng trên nhiều tầng lớp khác nhau chứ không cùng đứng trên một mặt phẳng dễ gây cảm giác đơn điệu nhằm thể hiện tư tưởng tầng tầng lớp lớp người sẽ nối bước nhau đi lên mà tiên phong là giai cấp công nhân. Nếu nói điêu khắc giống như một bài thơ cô đọng thì trong “bài thơ Công nhân Việt Nam” này, không có ý tứ gì mới …

Đi vào chi tiết như báo TP đã phản ánh qua các cặp ảnh chụp so sánh gương mặt nhân vật cũng như thế đứng, kể cả bố cục chung, ông có ý kiến nhận xét gì không, thưa ông?

Nếu so sánh chi tiết đến mức như vậy thì tôi khẳng định là tượng đài công- nông- binh nào cũng giống nhau cả thôi. Còn nhìn kỹ ra thì phải thừa nhận là nhân vật trong cụm tượng đài của Trung Quốc đẹp hơn của ta nhiều, nhất là gương mặt của anh công nhân trong tượng đài của họ trông thật rắn rỏi, cánh tay cầm đuốc trông cũng rất mạnh mẽ, rất đẹp, không như tượng của ta…

Trong số các nhân vật của tượng đài Công nhân Việt Nam, tôi đặc biệt không vừa ý nhân vật em thiếu nhi nam ở góc nhìn bên trái tượng, gương mặt trông không khác gì của một ông già. Vì đây là cụm tượng tả thực nên cũng có những yêu cầu nhất định của loại hình này. Không phải chỉ có riêng tôi mà nhiều thành viên trong Hội đồng nghệ thuật cũng yêu cầu tác giả sửa nhưng ông ấy có hứa mà không làm. Lí do đưa ra là để cho ông ấy một khoảng tự do sáng tạo chứ nếu cái gì cũng nghe theo Hội đồng thì còn đâu là tác phẩm của ông ấy!

Đã có ý kiến cho rằng, hoàn toàn có thể làm được một công trình tượng đài tôn trọng chủ đề Công nhân Việt Nam nhưng mang một hình thức mới mẻ khác hẳn với những công trình tả thực mà chúng ta đang đề cập đến. Vì giờ đây, thời cuộc đã khác xưa. Nghệ thuật còn có tác dụng dẫn đường cho công chúng nữa. Thông qua công trình tượng đài Công nhân Việt Nam, phải chăng các nhà điêu khắc làm tượng đài của Việt Nam đã bỏ qua cái nhiệm vụ dẫn đường nghệ thuật này?

Đúng là nghệ thuật phải làm cho công chúng mọi tầng lớp khác nhau thích thú, không lệ thuộc mà thậm chí là vượt qua được yêu cầu “đặt hàng”. Nhưng tôi phải nói thật là hiện nay riêng về nghệ thuật tượng đài ở Việt Nam, bên nào đặt hàng thì bên đó khống chế về cách thức thể hiện.

Nếu có nghệ sĩ nào làm tượng mà vượt lên trên cả nội dung, thuyết phục được cả bên A lẫn Hội đồng nghệ thuật lẫn mọi tầng lớp công chúng thì đó quả là siêu nhân. Hầu như tất cả đều bị động theo đơn đặt hàng mà thôi. Tôi biết cũng có trường hợp từ chối các yêu cầu vô lý về nghệ thuật của bên A, đó là những nghệ sĩ điêu khắc chân chính nhất, dũng cảm nhất nhưng số đó rất ít và vì thế, thật đáng buồn. Lí do căn cốt vẫn là “kinh tế”, không ai dám dùng quyền từ chối của mình chỉ vì “kinh tế”.

Lí do căn cốt này có lẽ vượt quyền Hội đồng nghệ thuật?

Bản thân tôi cũng phải có một phần trách nhiệm nếu tượng đài Công nhân Việt Nam bị chê trách này khác. Từ trước, dư luận và báo chí có chê trách tượng đài nhiều và tôi cũng rất buồn nhưng không còn cách nào khác…

MỚI - NÓNG