Trang vàng nhan sắc xiếc

 Trang vàng nhan sắc xiếc
TP - Thời bao cấp có thể ác mộng với ai đó nhưng lại là hoàng kim của xiếc. Ngày đó, diễn viên xiếc nghĩa là danh vọng trong các danh vọng nghệ sĩ. Bởi ngoài tài năng và vẻ đẹp, họ còn quả cảm hơn người. Ngoài sức khỏe phi thường là cảm giác tốt, phản xạ cực tốt.
 Trang vàng nhan sắc xiếc ảnh 1
Tiết mục “Hình tượng Violon” của Tiến Hưng - Duy Ánh - Lan Hương

“Nhan sắc phố phường” (TP 97+98) ngoài sự đồng cảm của bạn đọc, bị kêu: Hơi lướt, hơi cô đọng- ví dụ “người đẹp nhất VN” sao không đặc tả vóc dáng mặt mũi để tăng sức thuyết phục; Ngọc Khánh hồi bé nguếch ngoác nghĩa là thế nào, sao lớn lên lại Hoa hậu... Cùng phản hồi nhân vật đề cập trong bài giờ ở đâu làm gì (Hồ Thiên Nga đã sang Hung, Huyền phố Huế vẫn chủ boong-ke bán đồng hồ ở Hàng Đào...).

Thế rồi “giọt nước tràn ly” khiến người viết trở lại đề tài này để hầu bạn đọc là thông tin ngộ nghĩnh về ông già 94 tuổi ở Trung Quốc trên TP 98 với bí quyết sống lâu: Sưu tầm và ngắm ảnh người  đẹp.

Thời vang bóng của những “Sức mạnh đôi tay”, “Đế kiếm”...

Lần xem xiếc qui mô lớn gần đây của tôi là Liên hoan xiếc (LHX) quốc tế 2 năm trước, gần nhất thì cuộc tổng duyệt LHX toàn quốc- Festival Huế tháng 6 tới- đều ở Rạp xiếc T.Ư phố Trần Nhân Tông. Không dám xem nhiều, bởi xem bao nhiêu thì nhớ tiếc bấy nhiêu cái thời oanh liệt nay còn đâu...

Được đến chơi khu tập thể Liên đoàn xiếc (LĐX) là niềm vui nho nhỏ của tuổi thơ tôi. Khu đất rộng chung rào với công viên Thống Nhất, một địa chỉ rất oai bởi phải qua cổng thường trực, người nhà ở tít sâu trong, đi qua mấy cái chuồng thú, ra đón.

Công viên ra công viên - không phải chốn tệ nạn, còn nghệ sĩ ra nghệ sĩ- đẹp, tài, nổi bật giữa chung quanh. Số là ông bà trẻ tôi đẻ được một lô con trai, đặt tên hoành tráng: Uy, Nghi, Hiệp, Lực, Quân, Sĩ, Thắng.

Hai trong số này trúng tuyển rồi thành diễn viên xiếc. Vậy là “Nhà Bạt” (sân khấu tròn quây vải bạt) thành địa chỉ đỏ vào Chủ nhật, xem chán chê các tiết mục ở sân khấu thì ở chơi cả ngày nhà người cậu diễn viên, tha thẩn ngắm người xem thú, hít ngửi mùi cỏ cây thơm ngái. Ra về thủ vài món quà, như quả bóng bông đủ màu để chơi chuyền, vốn là đạo cụ tung hứng...

Ngoài lương cơ bản 31 đồng, nghệ sĩ được đãi ngộ thanh sắc, chia các nấc: 72 đồng, 48 đồng, 36 đồng. Phấn đấu đạt loại A- 72 đồng thì khỏe, nuôi được mình và cả người thân. Mỗi tháng lĩnh 23 kg gạo + 4,5 kg thịt + 12 hộp sữa + 3,5 kg đường, chưa kể tem phiếu- Thiên đường thật còn gì. Nên chỉ tập trung cho nghề nghiệp, không phải băn khoăn gì nhiều.

Nam diễn viên xiếc- nói không ngoa, sáng láng nhất giới nghệ sĩ. Khỏe mạnh, phóng khoáng, tươi tỉnh. Người nổi tiếng với tiết mục “Cắn kiếm trên thang”, “Cầu thăng bằng”- diễn viên Cao Thắng có thể đại diện cho thế hệ anh- cao lớn, thể hình chuẩn, nụ cười ấm áp, nét đẹp.

Bạn diễn Ngân Chi của anh nay là cư dân Sài Gòn, còn Cao Thắng phiêu dạt nước Mỹ hơn 2 chục năm nay. Cuối thập kỷ 70, Cao Thắng làm thành “cặp đẹp” với diễn viên điện ảnh Như Quỳnh, nổi tiếng tương đương cặp Đặng Dũng- Ái Vân.

Cả Hà Nội đồn thế song kết cục, Như Quỳnh lấy “trai Hàng Đào” Nguyễn Hữu Bảo, cũng hào hoa chứ không phải xoàng,  lại con nhà giàu.

LHX quốc tế Hà Nội 2004, khán giả kinh ngạc nhận ra Cao Thắng trong đoàn xiếc Mỹ. Tuổi 50 vẫn “Cắn kiếm trên thang” mới chết. Và vẫn phong độ, rắn rỏi, tươi tắn - một trung niên đàn ông đẹp.

 Trang vàng nhan sắc xiếc ảnh 2

Đức Hiển (Tung hứng), Lưu Phúc (Đế trụ, Hãm ghế), Dương Thái (Patin), Thái Uy (Cầu bật sào, Thang lắc),  Lý Tài (Sức mạnh đôi tay), Đức Khang, Mạnh Hùng... cũng làm khán giả khó quên vẻ đẹp nam tính, văn minh.

Lứa trẻ hơn có Ngọc Trúc, Doãn Hoàng Kiên... NSND Lưu Phúc trông vừa có nét giống Thế Anh (diễn viên điện ảnh) lại hao hao Thành Được (cải lương)- tuổi cao nhưng hôm tổng duyệt vừa rồi vẫn thấy anh đủng đỉnh đi lại, trong vai trò quản lý.

Còn Dương Thái biệt danh “Thái mắt mèo” vì màu mắt xanh, mũi cao da trắng, chị em theo đông vô kể. Lý Tài giờ đã ở Đức, trong ký ức của NSƯT Tiến Mạnh thì: Mặt vuông vức, dáng vạm vỡ. “Như Silvester Stallone chăng? Lý Đức chăng?”

“Như Alain Delon thì đúng hơn, vì người đẹp kiểu mỡ mỡ chứ không cuồn cuộn cơ bắp. Văn Phú cũng hề nhưng nhiều vợ hơn tôi và đẹp trai hơn tôi”.

Nghệ sĩ xiếc ở cũng khổ, chật chội như mọi người dù khu tập thể tọa lạc trên mảnh đất rộng. Ban ngày họ lao vào tập tiết mục, cạnh sàn tập là chuồng mấy con voi thư thả nhai mía và lũ khỉ vừa bóc chuối vừa đảo mắt lia lịa như giặc.

Đọc bài của đồng nghiệp viết về mốt chặt đuôi voi để lấy lông làm đồ lưu niệm đem đi bán - ở Tây Nguyên mới đây, nghĩ mà “căm thù”, nhớ hình ảnh hiền lành đáng yêu của mấy chú voi xiếc ngày nào.

Người của xiếc sinh hoạt tại gia thì ăn vận cực thoáng, nhất là lúc tập tiết mục, nhất là nữ diễn viên. Quần áo bó sát, chất liệu thì hoặc co giãn hoặc loại vải gì mà như lưới mắt cáo, da thịt lồ lộ.

Người đi qua nhìn, lạ hay quen, họ đều bơ phớt hết, chẳng e thẹn. Đi ra đường ai cũng diện - những kẻ tiên phong về thời trang, và có khoảng cách so với mọi người.

Xiếc đẹp từ màn chào đầu (Parade) đẹp đi. Sôi động, phóng khoáng, áo quần rực rỡ. Chào đầu nghĩa là tất cả nghệ sĩ trong đêm diễn phải ra chào khán giả để khai mạc với những động tác khoa trương hoa mỹ, sau đó mới tỉa từng tiết mục.

LHX quốc tế 2004 khai mạc trong không khí chờ đợi của khán giả bằng sự trịnh trọng “Được sự cho phép của...” Sao không tưng bừng điệu chào của xiếc rồi “cho phép” sau cũng chưa muộn mà...

Mỗi tiết mục đều là vũ đài của tài năng, lòng dũng cảm và sự khác thường. “Nhào lộn” chẳng hạn: Bật mấy vòng, xoắn vỏ đỗ, đậu xuống vai bạn diễn. Cần sự cảm nhận không gian thật chính xác để khi bay lên vừa đủ độ ngả đến vật mình tiếp cận, thì bất thần giảm lực quay. Quay non thì chính mình sẽ bị dập mặt, còn quay già: Sẽ đạp người đứng trụ ra phía trước.

“Thăng bằng”- diễn viên phải có tiền đình rất khoẻ để cảm nhận sự mất thăng bằng dù rất nhỏ. Sự phối hợp của tay, chân, thân mình phải dẻo như một con mèo ở trên cao, luôn đưa cơ thể vào tâm điểm để giữ cân bằng... Thực sự mỗi tiết mục đều có vẻ đẹp riêng đáng nhớ.

 Trang vàng nhan sắc xiếc ảnh 3
NSƯT Lê  Tiến Mạnh

Tiến Mạnh- Chàng hề đẹp trai, bây giờ...

Báo TP từng có những cộng tác viên là diễn viên viết báo, NSƯT Tiến Mạnh là một. Dăm năm trước thỉnh thoảng anh ôm đến một bài, viết sáng sủa dễ in, bút danh Bách Sách lấy tên quán sách của anh.

Là tác giả cuốn “Cẩm nang dạy chó”, Tiến Mạnh hứa với biên tập viên, thích nuôi chó thì anh bày cách dạy nó: Vệ sinh đúng chỗ, đưa cho chủ các vật dụng, làm trò vui, vân vân.

Cơ ngơi của Tiến Mạnh nay đàng hoàng: Cty TNHH Đức Hiếu chuyên chế bản, tạo mẫu, làm phim... Song song làm giám đốc là công việc ở Phòng nghệ thuật LĐX. Thành đạt yên ấm nhưng giá phải trả là: Tóc hói bớt, nét nhạt bớt mà da như đậm hơn. Chẳng biết tình yêu với xiếc thì đậm nhạt thế nào...

Trong giới, Tiến Mạnh nổi danh có ngoại hình không “buồn cười” như mọi người vẫn hình dung về hề xiếc. Rám nắng, cao 1m75. Thành tích nổi bật:

Năm 1981 đoạt hai giải- Huy chương vàng LHX toàn quốc lần thứ 1 và Giải nhất LHX quốc tế ở Cuba. “Đích đáng hay chính trị đấy?” “Đích đáng chứ, giải Lớn (Grand Prix) hẳn hoi.

So với các thí sinh thì mình đi một tông riêng - diễn hài nhưng không khoa trương mà trung thực- trung thực với chính mình, với khán giả, chiết xuất từ tình huống chứ không phải từ sự cường điệu đã định sẵn”.

Anh thuộc lứa diễn viên trước khóa 1, đi học ở Liên Xô, về nước năm 1971. “Hẳn các anh chị kể cả lứa sau này đều chui từ ống tay áo của xiếc Liên Xô?” “Xiếc Liên Xô tính lôgic, tính lôi cuốn rất cao và nhiều phương pháp chơi sân khấu. Trung Quốc kỹ thuật khá nhưng đạo diễn kém, xem nhiều sẽ bị nặng vì họ thiên về lập kỉ lục. Hề Liên Xô cũng oách nhưng tôi chọn cách diễn dung dị thật thà”.

Tuấn Nhật, Tiến Mạnh, Tiến Hưng, Huỳnh Tâm, Tôn Thất Lợi... chính là những gương mặt hề xiếc ấn tượng nhất một thời.

“Ngày xưa ngoài đi diễn, được khán giả hâm mộ thì thú vui của bọn này là thỉnh thoảng “đẩy” bớt tiêu chuẩn đường sữa và giấy mời cho “phe”, lợi nhuận cũng phục vụ nhu cầu rất nghệ sĩ: Liên hoan, chiêu đãi bạn bè”- Hề Mạnh cười tươi.

Sự hâm mộ “khủng khiếp” được nhớ: Lần diễn trước 4 vạn khán giả Bắc Giang khi mới từ Liên Xô về. “Có mà không phải người thường”- tiết mục nào khán giả cũng trầm trồ không ngớt.

Ngày xưa đó, trong nhà có người làm ngành xiếc, thực tự hào. Như có người làm lương thực thực phẩm thì yên tâm một bề vậy. Sáng Chủ nhật, cái người làm cả họ tự hào này đứng ở cửa rạp bảo lãnh cho cả gia đình rồng rắn vào xem.

Nhất là ai có quê, đoàn về quê diễn thì thôi rồi, cả làng cả tổng hân hoan, xem một lần có chuyện nói cả năm. Sân khấu bạt ở Hà Nội rất mộc, ghế ngồi bằng gỗ xếp thoai thoải, giữa các hàng ghế có khoảng hở, trót đánh rơi dép thì mất luôn.

 Trang vàng nhan sắc xiếc ảnh 4
Phố Trần Nhân Tông nơi có khu tập thể Liên đoàn xiếc VN  Ảnh: Phạm Yên

Bây giờ xây mới gọi mỹ miều “Lâu đài tròn” song lâu lắm không thấy nghệ thuật ấy, những chủ nhân của lâu đài ấy được tôn vinh. Rạp xiếc giờ đìu hiu vắng vẻ, nói ra thì áy náy...

Gia đình tôi vẫn còn những người trẻ diễn xiếc, thỉnh thoảng lưu diễn nước ngoài hẳn hoi, nhưng sao những ấn tượng đẹp nhất và sự ngưỡng mộ đặc biệt chỉ là chuyện quá khứ?

Câu hỏi này không dám gửi nhà quản lý, mà gửi vào không gian xanh phố Trần Nhân Tông đoạn có ba cái hồ quây quanh: Hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Thiền Quang. Gửi vào cả ký ức tuổi thơ tôi...

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.