Nên gọi họ là vĩ nhân văn hóa

TP - Nhân năm 2015, kỷ niệm 250 năm sinh của đại thi hào Nguyễn Du, Trưởng Ban Vận động UNESCO Vinh danh Nguyễn Du, TS Phan Tử Phùng, đề nghị gọi ba danh nhân Việt Nam được UNESCO tôn vinh là "vĩ nhân văn hóa" thay vì "danh nhân văn hóa thế giới" như lâu nay chúng ta vẫn dùng.

Việt Nam có ba danh nhân văn hóa được Ủy ban Văn hóa Khoa học & Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tôn vinh gồm Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, và Nguyễn Du.

● Nguyễn Trãi được vinh danh vào năm 1978 cho dịp kỷ niệm chẵn 600 năm ngày sinh (1380- 1980);

● Hồ Chí Minh được vinh danh vào năm 1987 cho dịp kỷ niệm chẵn 100 năm ngày sinh (1890- 1990);

● Nguyễn Du được vinh danh vào năm 2013 cho dịp kỷ niệm chẵn 250 năm ngày sinh (1765- 2015).

 Nên gọi họ là vĩ nhân văn hóa ảnh 1

Ðại hội đồng UNESCO đều tôn vinh ba vị là vĩ nhân văn hóa. Nghị quyết của UNESCO còn quyết định lấy năm chẵn năm sinh (chẵn theo bội số 50) của các vị làm năm tổ chức lễ kỷ niệm.

Nghị quyết tôn vinh của UNESCO không phải là nghị quyết phong thánh, không phải là nghị quyết công nhận danh hiệu, tước vị hay đẳng cấp gì cho các danh nhân văn hóa thế giới.

Danh nhân là người tài giỏi, là nhân vật kiệt xuất, là bậc hiền tài, vừa có tài, vừa có đức. Những danh nhân có hoạt động, công trình, tác phẩm kiệt xuất trong lĩnh vực văn hóa được gọi là danh nhân văn hóa. Văn hóa ở đây được hiểu trên nghĩa rộng bao gồm cả văn học nghệ thuật, giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn.

UNESCO dùng từ tiếng Anh personality để chỉ danh nhân văn hóa. Từ điển bách khoa toàn thư của Mỹ định nghĩa từ danh nhân văn hóa của UNESCO như sau:

Danh nhân văn hóa - một con người như là hiện thân của những nét đặc thù của trí tuệ và của nhân cách (Personality- a person as the embodiment of distinctive traits of mind and behaviour)

Tiêu chí của UNESCO (theo DG/7/10/5491) về danh nhân văn hóa được lựa chọn và giới thiệu làm ứng viên để được tôn vinh qui định:

Theo quy chế, UNESCO chỉ tôn vinh các danh nhân trên thế giới thuộc lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục của tất cả các quốc gia và tổ chức thành viên. Các ứng viên được lựa chọn và giới thiệu để UNESCO tôn vinh được gọi là danh nhân văn hóa.Danh nhân là người kiệt xuất (eminent person) có những hoạt động, những công trình, những tác phẩm kiệt xuất, có giá trị làm phong phú thêm cho nền văn hóa chung của nhân loại, có tác dụng động viên khuyến khích lòng khoan dung, độ lượng và tính vị tha của con người, làm cho con người thêm hiểu biết nhau, thêm gần gũi gắn bó với nhau, gắn bó với hòa bình hữu nghị.

Ðể thể hiện sự tôn kính, khi đã được tôn vinh, UNESCO tôn xưng các danh nhân văn hóa được đề cử từ các nước trên thế giới là Vĩ Nhân Văn Hóa (Great Personality- đại danh nhân văn hóa).

 Nên gọi họ là vĩ nhân văn hóa ảnh 2

TS Phan Tử Phùng.

Là danh xưng


Các từ danh nhân, danh nhân văn hóa hay vĩ nhân văn hóa không phải là tước hiệu hay danh hiệu để chỉ đẳng cấp danh nhân mà chỉ là những từ danh xưng (appellation) để gọi, để xưng hô

Nghị quyết tôn vinh của UNESCO không phải là nghị quyết “phong thánh”, không phải là nghị quyết công nhận danh hiệu, tước vị hay đẳng cấp gì cho các danh nhân văn hóa của các nước.

Chỉ có những danh nhân văn hóa của các quốc gia được thế giới tôn vinh chứ không có danh nhân văn hóa của thế giới, đẳng cấp thế giới.

Nội dung tôn vinh là tôn xưng các danh nhân là vĩ nhân văn hóa. Nghị quyết lấy năm chẵn (theo bội số 50), năm sinh hoặc năm mất, của danh nhân làm năm kỷ niệm để tổ chức lễ tưởng niệm nhằm ghi nhớ công lao của họ đã cống hiến cho văn hóa của nhân loại.

Chỉ có những danh nhân văn hóa được thế giới tôn vinh chứ không có danh nhân văn hóa của thế giới, đẳng cấp thế giới. Nói cách khác, UNESCO không có “Quy chế công nhận danh nhân văn hóa thế giới”.

Một Victor Huygo được tôn vinh năm 1985 sẽ không trở thành một Victor Huygo của thế giới, đẳng cấp cao hơn, khác với Victor Huygo đại văn hào của nước Pháp.

Một Nguyễn Du được tôn vinh năm 2013 sẽ không trở thành một Nguyễn Du của thế giới, đẳng cấp cao hơn khác với Nguyễn Du đại thi hào của Việt Nam.

Ðược đại hội đồng của UNESCO ra nghị quyết tôn vinh, được tôn xưng là vĩ nhân văn hóa (great personality), được nghị quyết lấy năm sinh của mình làm năm kỷ niệm tổ chức lễ tưởng niệm và gọi là lễ kỷ niệm các vĩ nhân văn hóa (Anniversaries of Great Personalities).

Lâu nay trong xã hội ta, nhiều nơi, nhiều lúc, công chúng đã nghe quen cách gọi ba danh nhân này là danh nhân văn hóa thế giới. Ngay cả trong hồ sơ trình UNESCO vinh danh Nguyễn Du, Ban Vận động cũng đã sử dụng cụm từ này.

Tuy nhiên, theo quan niệm mang tính chuẩn mực của UNESCO, thiết nghĩ, từ nay chúng ta nên tự hào gọi ba  danh nhân văn hóa của chúng ta gồm Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, và Nguyễn Du, theo đúng cách gọi của UNESCO, là những Vĩ Nhân Văn Hóa (Great Personalities).

“Về chuyên môn tôi hoàn toàn đồng ý”

“Việc báo chí tiếp tục cung cấp thông tin chính xác về từ ngữ, đúng theo tinh thần UNESCO đã vinh danh cho đông đảo bạn đọc được biết, nhằm hiểu đúng, viết đúng, nói đúng, là  không có gì sai. Về chuyên môn, tôi hoàn toàn đồng ý”, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Ðối ngoại ( Bộ Ngoại giao), Phó Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam, nói.

Theo ông Thắng, Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã đồng ý cho Tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 ngày sinh Cụ Nguyễn Du đồng thời chào mừng sự kiện UNESCO vinh danh  Nguyễn Du như đề nghị của lãnh đạo Tỉnh Hà Tĩnh. Ðáng chú ý, Công văn Số 8467 của Văn phòng Trung ương Ðảng trả lời Tỉnh Hà Tĩnh có dùng cụm từ “Nguyễn Du đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, công văn đó chỉ để trả lời Văn bản Số 1278 của Tỉnh Hà Tĩnh cho biết Ban Bí Thư đồng ý về việc tổ chức lễ kỷ niệm 250 ngày sinh của Nguyễn Du và chào mừng sự kiện Nguyễn Du được UNESCO vinh danh, chứ không nhằm chỉ đạo cách gọi.

Ông Thắng cho hay “Nếu UNESCO có thắc mắc gì về cách gọi danh nhân được tôn vinh của Việt Nam, Ủy ban UNESCO Việt Nam sẽ có trách nhiệm giải thích”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cách gọi các danh nhân văn hóa đã được UNESCO tôn vinh là những vĩ nhân văn hóa (thay vì danh nhân văn hoá thế giới) như nội dung TS Phan Tử Phùng trình bày là có cơ sở khoa học.

Tuy nhiên, lâu nay, xã hội đã quen với cách gọi “danh nhân văn hóa thế giới”. “Ðề nghị sửa lại cách gọi này có thể gây ra những bất đồng và, vì vậy, cần cân nhắc kỹ“, ông Nguyễn Mạnh Cầm nói.

Hoàng Thiên Nga, Trưởng Ban Ðại diện báo Tiền Phong KV Tây Nguyên (thực hiện)

Ban Vận động UNESCO Vinh danh Nguyễn Du

Nguyễn Mạnh Cầm - Nguyên Phó Thủ tướng/Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam

Ðặng Vũ Minh - GS. VS Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam

Phạm Khắc Lãm - Nhà báo, nguyên Tổng Giám đốc Ðài truyền hình VN

Phan Tử Phùng - TS, Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam

Trần Tuấn Thanh - Phó Giáo sư , Anh hùng Lao động

Trần Ðình Tuấn - Nhà Kiều học  

MỚI - NÓNG