Nét thanh lịch trên cao nguyên

Nét thanh lịch trên cao nguyên
TP - Người Hà Nội đến Lâm Đồng, sinh cơ lập nghiệp, mang theo tên đất tên làng nên không khí Tết ở vùng quê mới có nét gì đó rất Hà Nội.

> Xuân khát vọng

Vùng kinh tế mới Láng Tranh (huyện Lâm Hà) từ những ngày đầu khai mở, đời sống tất bật, nhưng những người mẹ miền Bắc không mất đi cái nết ăn mặc. Dáng vẻ thường thấy của họ là chiếc khăn đội đầu và chiếc áo nhung đen để chống đỡ với khí hậu khắc nghiệt của vùng đất mới. Còn đàn ông thường khoác áo “đại cán” và đội mũ cối (vào đây gọi thành “nón cối”) để chống chọi với sơn lam chướng khí. Nam thanh nữ tú chỉ lèo phèo với vải “phân phối” của HTX, nước nhuộm còn thô sơ, giặt đôi ba lần đã phai mốc.

Ngày lạnh, chiếc áo khoác nylon sột soạt trong mọi cử động, anh chị nào “giật gấu vá vai” thì mặc hai lớp áo sơ mi quần tây túm tím. Diện đôi tông xanh (dép Lào) là oách lắm rồi… Tôi đã thấy thứ gia bảo duy nhất của một gia đình trong hành trình “Nam tiến” là chiếc rương gỗ thâm nâu.

Trong đó còn đựng chiếc áo vải ka tê, vải ù, áo phin xanh của mẹ, bộ đồ màu cháo lòng của cha, và những chiếc áo len dài tay màu huyết dụ cho các con cùng đôi guốc mộc…Thoạt mở ra, mùi quê kiểng thân thương quyện nhớ qua nếp gấp phẳng phiu đã vướng bụi đường trường. Thế nhưng, mỗi khi đi chợ huyện, những phụ nữ Hà Nội ấy không quên chải tóc bằng chiếc lược bí quê mình.

Họ vấn tóc, quấn khăn, người già thì ăn trầu nhỏm nhẻm, người trẻ thì quần sa- tanh bóng mướt, áo cánh gián với lời thưa gửi lễ phép, tiếng “vâng” nhỏ nhẹ ngọt ngào…

Thế rồi đất nước mở cửa, đời sống khấm khá dần lên, ai cũng có của ăn của để, sắm tết sắm tư. Cái cũ mất dần, cái mới chiếm lĩnh trên người những cô cậu chị loai choai. Đường nhựa trải dài vào tận nơi ngày xưa gọi là vùng sâu vùng xa, đường đất đỏ lầy lội vào mùa mưa không còn nữa.

Còn chăng chỉ là những ngõ xóm loằn ngoằn. Áo quần hiện đại, váy dài, váy ngắn, giày dép bảnh bao có dịp phô phang. Thị trường quần áo cũ đã hình thành những góc bán đồ “lạc xoong”, với câu đẹp-rẻ-bền cũng tham gia làm thay đổi lớp dân nghèo nơi đây.

Có thể nói, chỉ mười năm đầu thế kỷ 21 đã thay đổi hoàn toàn lớp trẻ ở vùng Hà Nội “mới”. Ngày xưa làm gì có ai đi học xa, làm gì có kỹ sư, bác sĩ, nhà doanh nghiệp trẻ vv… Hôm nay lớp trẻ là chủ nhân của vùng đất một thời khốn khó. Đã có “tứ đại đồng đường” trên đất này thì dĩ nhiên có mới cũ đan xen cùng thời tiết khí hậu. Váy đầm, áo dài biến tấu là trang phục của thế hệ hôm nay, thay cho đầu vấn khăn đen cùng chiếc áo phin, ka tê, vải ú đơn mộc của bà, của mẹ ngày xưa.

Cánh đàn ông thì “vét viếc” đủ kiểu, thậm chí giờ là thường phục của các đại gia ngồi xe hơi… Đó là cánh ăn mặc mà cách đây mười, hai mươi năm không ai dám nghĩ… Bây giờ người ta ăn nói như xô bồ hơn, ăn mặc dường hở hang hơn, mua sắm nhiều hơn, vì họ đã giàu hơn nhiều so với trước. Ấy thế mà tôi vẫn thấy các cụ nhà ta do “cổ hủ” thường thở dài sườn sượt: “Chúng nó biến chất hết rồi!”. Đúng vậy, con người đã đổi thay, nhiều thứ cũng đổi thay theo…

Tuy nhiên, có một thứ còn chưa thay đổi. Đó là không khí Tết của vùng này. Bởi đồng làng Tây Nguyên hai mùa mưa nắng trong mắt người xa quê vẫn thế. Vẫn hạt lúa, cái khoai củ sắn cạnh cây cà phê. Cánh đồng vẫn cánh cò cánh vạc kêu đêm. Có khi chỉ là tiếng kêu trong tâm thức, cho nên vẫn là vồng hoa cải đã ra ngồng trong câu ca dao chếnh choáng khói thuốc lào; vẫn là đứa con gái lấy chồng xa về đi Tết bố mẹ.

Nỗi nhớ đối với họ là rất cần thiết, nỗi nhớ đất thiêng ngàn năm văn vật, nỗi nhớ về cái ăn cái mặc. Càng thay đổi bao nhiêu, người ta càng nhớ quá khứ bấy nhiêu. Không phải nhớ cái vô cớ, mà nhớ cái đẹp cha ông để lại đã phần nào bị tàn phai…

Nếu bạn có dịp đến vùng đất này, bạn sẽ thấy trong tháng Chạp, những nét xưa tái hiện. Không khí chợ Tết sẽ rậm rịch khi đường làng ngõ xóm đã khô ráo, đất bazan quánh lại, hoa dã quỳ nở vàng các cung đường, trên các ngọn đồi, bờ ruộng. Các cụ bày biện câu đối Tết trên tường, hai bên ban thờ, rồi chống gậy trúc thăm hỏi nhau. Có cụ còn giữ được chiếc nón cối, nón nỉ của thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, vuốt mái tóc bạc trắng đội đầu.

Thế rồi trong khói thuốc lào vấn vít, câu chuyện xưa lại bừng lên trong ánh mắt già nua một niềm thương nhớ sâu xa. Hoa đào Nhật Tân là thứ hoa không thể thiếu trong ngày Tết, các cụ làm thế nào đó mà mua cho được mới thôi. Có lẽ đó là niềm thương nhớ xứ Bắc…

Bỗng có tiếng chuông rất lạ vang lên ngoài ngõ hẹp. Ấy là chiếc xe đạp cũ kỹ đã tróc son để lộ màu đồng sẫm, bên sườn còn gắn chiếc bảng số lờ mờ của Hà Nội trong chiến tranh. Không ít, có khoảng trên mười chiếc do các cụ ông “hành hương” về quá khứ. Họ nâng niu chiếc xe như sợ xe đạp đau lòng, lép vế bên xe Honda xịt khói cay xè.

Cụ Nguyễn Danh Điều nay đã ngót nghét ở tuổi 85, kể cho tôi nghe về chiếc xe đạp đã từng chở nhà thơ Quang Dũng thăm thú Lâm Hà. Ngày ấy chưa có đường nhựa như bây giờ, vết bùn đỏ lem luốc trên quần áo. Thời ấy nhà thơ mặc áo len bên trong, áo khoác bên ngoài, để lộ cái cổ áo trắng, trong khi nông dân vùng này chỉ toàn mặc áo quần bộ đội trong cả đi làm nương và đi công việc.

Còn các bà vẫn khăn đen vấn tóc, áo nâu áo lam đi lễ chùa. Có bà còn í a câu quan họ, câu chèo. Họ lên giọng đôi câu với nụ cười đen nhánh, rồi cùng ăn trầu bàn chuyện Tết nhất, sớm hôm.

Tản văn của Nguyễn Thánh Ngã

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.