Đại hội X Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội (30-31/3/2006):

Nếu Hội chỉ là một thứ trang điểm...

Nếu Hội chỉ là một thứ trang điểm...
TPCN - Nếu Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội chỉ là một thứ trang điểm, hoặc là nơi để làm sang cho một nhóm người, hoặc là một tổ chức có hay không cũng được… thì thôi.

Theo tôi nghĩ: Hội văn nghệ Hà Nội là hình ảnh không hẳn là thu nhỏ của Hội văn nghệ Việt Nam, bởi số lượng đông đảo của các hội viên, và bởi tất cả những tên tuổi sáng giá của văn nghệ cả nước, khi đã dồn về Thủ đô đều tập trung ở Hội văn nghệ Hà Nội.

Thế nhưng cũng từ đây đẻ ra cái khó là làm sao cho Hội của Hà Nội không bị khuất chìm đi trong Hội chung của cả nước; là cần có một cách thức tổ chức và sinh hoạt như thế nào để Hội vẫn có được đặc trưng và dấu ấn riêng mang tính Hà Nội trong hoạt động và thành tựu của mình.

Điều này tôi nghĩ là Ban chấp hành Hội chung và Ban chấp hành các Hội chuyên ngành phải nghĩ nhiều – nếu muốn làm tốt; tiếc thay, cho đến bây giờ tôi thấy vẫn chưa có dấu hiệu gì đáng lạc quan.

Một bộ máy từ trên xuống dưới, với những người đại diện là gồm những tên tuổi quen thuộc nhiều chục năm nay, trụ trì qua nhiều nhiệm kỳ, chắc thấy rất rõ mà không tìm cách chuyển, hoặc không chuyển được là do những trở ngại khách quan nào; hoặc do quán tính chủ quan đã làm nên sự chai lì cho tất cả.

Trong các mối quan hệ mà Hội cần xử lý trước hết có mối quan hệ giữa Hội và chính quyền thành phố – gồm Thành ủy, ủy ban nhân dân và các ban, các ngành; và thứ hai là quan hệ với các hội viên.

Về mối quan hệ thứ nhất, cho đến bây giờ, không riêng Hà Nội mà ở tất cả các địa phương, tôi thấy vẫn là sự chuyển dịch trên các đường ray quen thuộc mà chưa có gì thay đổi. Vẫn là sự long trọng “xuân thu nhị kỳ” trong các dịp như thế này; và một sự lỏng lẻo, hờ hững giữa hai phía, ngay sau đó.

Điều tự nhiên, như xưa nay vẫn thế, hoạt động văn nghệ chưa thể là mối quan tâm hàng đầu của các giới lãnh đạo, bởi có bao vấn đề khác, sinh tử và bức xúc hơn cho sự tồn vong của con người.

Tôi sẽ không để tâm lắm về những yêu cầu vật chất như kinh phí, trụ sở làm việc và các tiện nghi sinh hoạt… Tôi sẽ không băn khoăn gì nhiều về cái kinh phí hàng năm dăm chục nghìn cho một hội viên, hoặc bao nhiêu chục triệu cho hoạt động của một hội chuyên ngành mà cả người cấp và người nhận đều tỏ ra ái ngại, chứ không phải trách móc gì nhau.

Tôi chỉ muốn nói đến sự cần thiết thay đổi một quan niệm – nó sẽ là yếu tố cơ bản chi phối các quan hệ ứng xử và cách thức hoạt động của các giới nghề nghiệp, dường như cho đến nay vẫn chưa có gì thay đổi lắm.

Đó là - đứng về phía các giới lãnh đạo mà nói, có lúc là một sự quan trọng hóa, để lo lắng soi tìm xem hoạt động văn nghệ có gì sai thì uốn nắn; và có lúc lại xem nó như một hoạt động phù phiếm, vô bổ, để ráng giữ cho nó một sự tồn tại leo lắt, bèo bọt, ra sao cũng được.

Một quan niệm như thế là tồn tại từ rất lâu, ở cả hai phía: người lãnh đạo và người được (hoặc bị) lãnh đạo, cứ từa tựa như là một bên xin (đòi) một bên cho. Trong khi lẽ ra đây là một tương quan bình đẳng, do một phân công nghề nghiệp mà mục tiêu là các sản phẩm khác nhau, theo yêu cầu của xã hội.

Và tình hình hẳn sẽ chẳng có gì thay đổi, nếu cứ với quan niệm ấy - để một bên là người ban phát, một bên là người nhận lĩnh; để cứ 5 năm tổ chức một Đại hội kiểu này rất long trọng, rất thân ái hôm nay, nhưng từ ngày mai, mọi việc lại theo nếp cũ.

Điều tôi muốn nói ở đây là một quan niệm mới được đặt ra, trên sự phân công trong một xã hội muốn được gọi là văn minh hôm nay, khi đất nước đang đi vào một thời kỳ mới – thời kỳ của sự hội nhập và toàn cầu hóa, thời kỳ của cách mạng khoa học và kỷ nguyên thông tin, thời kỳ cái văn hóa trở thành vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển xã hội.

Một thời kỳ mà cái nhìn thế giới đơn giản trong sự chia đôi… là không còn thích hợp nữa. Để thay cho nó, bây giờ là mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Từ mục tiêu này mà nhìn thì xã hội, bất cứ là ở đâu, cũng được cấu thành trên 5 bộ phận. Đó là: Những người hoạt động chính trị; những người quản lý hành chính; các doanh nhân; tầng lớp trí thức; và người lao động chân tay.

5 bộ phận trong quan hệ tương tác và hợp tác với nhau, không thể thiếu một khâu nào; cả 5 đều có nhu cầu chuyên sâu để tạo nên một tầng lớp ưu tú được xem là đặc tuyển, làm nên gương mặt xã hội.

Hoạt động của hai giới văn nghệ và khoa học làm nên tầng lớp trí thức, là lớp người sản xuất ra các ý tưởng, để từ đó mà có các phát minh (thuộc giới khoa học) và sáng tạo (thuộc giới nghệ thuật), nhằm thúc đẩy thế giới phát triển với các sản phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa – tinh thần, không dễ đo đếm như cách đo các sản phẩm vật chất; nhưng chính nó lại tạo nên một sự sống rất gần cận, thiết thực, cụ thể và huyền diệu ở quanh ta – là văn thơ, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điện ảnh… nếu thiếu nó, con người đành trở lại đời sống hoang dã, dẫu cái ăn và mặc có thừa mứa đến đâu.

Còn mối quan hệ thứ hai – giữa Hội và các hội viên – là đối tượng tác động trực tiếp của Hội, tôi cho là phải tạo được một mối liên hệ mật thiết và tin cậy để có được một môi trường kích thích tiềm năng sáng tạo, thuận cho sự phát triển nghề nghiệp.

Nếu thiếu đi nhiệt tâm đó, hoặc không đủ điều kiện để thực hiện mục tiêu đó, ở Hội, thậm chí nếu không còn Hội nữa, thì mỗi đơn vị cá nhân của chúng ta ở đây vẫn cứ là mình. Mỗi người sẽ hoạt động theo phương thức cá nhân - đương nhiên lao động nghệ thuật và khoa học là lao động cá nhân triệt để nhất, hoặc trong các tổ chức tự nguyện.

Nếu trước đây việc ra khỏi biên chế Nhà nước, thậm chí không vào hợp tác xã là cả một thảm họa không chỉ cho cá nhân mà cho cả đời con, đời cháu, thì bây giờ việc không tham gia vào một hội đoàn nào đó chẳng còn là một tai họa.

Xét về Hội cũng vậy. Có bao người tài trong các lĩnh vực nghề nghiệp chẳng tham gia vào một hội nào. Có người ở hội rồi lại xin ra, vì để tránh một hệ lụy nào đó, hoặc cảm thấy không vinh dự gì với nó…

Như vậy, bản thân Hội và những người đại diện cho Hội phải có một lực hấp dẫn cho sự phát triển của nghề nghiệp. Còn nếu Hội chỉ là một thứ trang điểm, hoặc là nơi để làm sang cho một nhóm người, hoặc là một tổ chức có hay không cũng được… thì thôi, cứ như cũ ta làm, chẳng còn gì phải bàn thảo và hy vọng.

Tôi muốn trở lại một ý cơ bản: Hội của ta là một Hội nghề nghiệp. Chỉ vậy là đủ. 

Thái Hà, 29/3/2006

Tham luận của GS Phong Lê

MỚI - NÓNG