Ngắn dài

Ngắn dài
TP - Nói chuyện ngôn từ, chữ “ngắn” và chữ “dài”, tôi thấy ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, tháng 11/2014 đã phát minh ra khái niệm “phim dài”. Lâu nay ta biết trong điện ảnh chỉ có khái niệm phim và phim ngắn, để phân biệt thời lượng dung lượng và tính chất phim. 

Phim điện ảnh là phim có thể được trình bày ở rạp, thường là trong khuôn khổ một buổi chiếu. Theo định nghĩa tối giản ấy, phim truyền hình không tính là điện ảnh. Cũng vậy, phim ngắn không phải là phim, nào có ai đến rạp để xem một bộ phim ngắn trên dưới mười lăm phút bao giờ, cũng nào có ai phát hành nổi một bộ phim ngắn hoặc một chùm phim ngắn tại rạp.

Có lẽ chỉ trừ trường hợp thật đặc biệt. Phim ngắn chỉ là một dạng bài tập của sinh viên điện ảnh hoặc người chập chững vào nghề. Cùng lắm, nó được nâng đỡ theo kiểu ái ngại cảm thông ở các liên hoan phim, hết liên hoan thì chẳng ai đoái hoài đến nữa.

Tất nhiên cũng có những ngoại lệ: đôi khi các nhà sản xuất có thế lực bỏ tiền ra mời những đạo diễn danh tiếng bậc nhất làm một chùm phim ngắn, mỗi người một phim không quá mười phút, rồi tập hợp lại theo một chủ đề, quảng bá cho một thành phố chẳng hạn. Đấy là trường hợp của những phim Paris, ta yêu người hoặc New York, ta yêu người (Paris, I love you 2006; New York, I love you 2008).

Thực ra phim truyện chỉ có một khái niệm là phim. Về sau có thêm khái niệm phim ngắn, để phân biệt như đã nói. Bây giờ thì mấy nhà tổ chức liên hoan phim ở Việt Nam lại đưa vào khái niệm “phim dài”. “Dài” để phân biệt với ngắn, nhưng “phim dài” chỉ là khẩu ngữ, là cách nói nôm na bên lề với nhau. Đưa cái nôm na ấy lên thành ngôn ngữ chính thức của một sự kiện, chà, chỉ còn biết cười với chữ nghĩa của các nhà điện ảnh.

Ngày xưa, đất nước tiểu nông, nhà nông thấy mấy anh học trò chỉ dùi mài kinh sử chữ nghĩa là vô tích sự. Có nhà nho tự trào: Ai ơi đừng lấy học trò, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm. Dài lưng, chân ngắn, đấy là đặc điểm chung của người Việt chứ đâu phải chỉ có chú học trò. Nhưng dài lưng ở đây như biểu tượng của một thứ lười biếng, chỉ nằm ườn xác, chẳng động chân động tay vào việc gì. 

Có truyền thuyết: một lần Napoleon kiễng chân đưa tay với một cuốn sách ở trên cao. Viên phụ tá cũng đứng bên cạnh giá sách bèn nhanh tay lấy hộ cuốn sách và nói: Tôi cao hơn, để tôi giúp ngài. Napoleon lập tức đáp trả: Không, cậu không cao hơn, cậu chỉ dài hơn mà thôi.

Chuyện cao thấp ngắn dài thường liên quan đến Napoleon, một người vốn thấp lùn. Về sau một hội chứng tâm sinh lý được đặt tên là hội chứng Napoleon. Người thấp bé không phải tất cả đều mắc hội chứng này, nhưng có thể nói là đa số. Đi đứng khuềnh khoàng kềnh càng như muốn chứng tỏ ta đây chiếm nhiều chỗ trong không gian chứ không thấp. Có anh chàng bé tí nhưng toàn đi xe máy khủng phân khối lớn.

Nói năng ồn ào, qua lại bước chân giậm thình thịch, khua giày như muốn chứng tỏ ta đây không nhẹ cân. Tính tình hiếu chiến hung hãn thích gây hấn. Đấy là hội chứng Napoleon, hội chứng của những người mặc cảm mình thấp, không chỉ ở người thấp về hình dáng, mà còn thấy ở người mặc cảm mình thấp về trí tuệ. 

Có lẽ nhà văn Đức Erich Maria Remarque đã nêu ra một ca mắc hội chứng này khi ông luận: “Mọi thứ tai vạ trên đời thường là do hạng người thân hình loắt choắt gây ra: chúng nó cương quyết và quá quắt hơn những người thân hình cao lớn rất nhiều. Bao giờ tôi cũng cố tránh những trung đội có những tay chỉ huy tầm vóc bé nhỏ: những tay ấy thường là bọn độc ác đáng nguyền rủa” (tiểu thuyết Phía Tây không có gì lạ).

Ta đang nói chuyện ngôn ngữ ngắn dài, cứ coi đây là chuyện đùa bên lề, cho vui.

MỚI - NÓNG