Ngăn sự mai một về người, về bản sắc

Ngăn sự mai một về người, về bản sắc
TP - Có 4 dân tộc chỉ sống duy nhất ở Hà Giang. Trong khi Pà Thẻn và Lô Lô đang phát triển thì La Chí, Pu Péo và cả Bố Y đang đứng trước nguy cơ mai một cả về bản sắc lẫn số lượng người.
Ngăn sự mai một về người, về bản sắc ảnh 1
Trang phục của phụ nữ La Chí, một dân tộc ít người đang bị giảm số lượng.  Ảnh: Đ.T.T

Tiền phong có cuộc trao đổi cùng nhạc sỹ Nguyễn Trùng Thương - Giám đốc Sở VHTT Hà Giang.

Việc giảm sút dần về số lượng người, mờ nhạt dần về văn hóa của các dân tộc diễn ra như thế nào?

Hà Giang có 23 dân tộc, trong đó chỉ 16 dân tộc có bản làng và bản sắc văn hóa rõ nét. Có nguy cơ là những dân tộc ít người, bản sắc phong phú nhưng khi sống với các dân tộc khác thì thường bị “hút về tâm” nên bản sắc của họ dần mờ nhạt đi.

Chẳng hạn dân tộc Pà Thẻn có lễ hội cầu mưa, chúng tôi phải gặp những cụ trên 80 tuổi mới hiểu và làm đúng bài bản lễ hội tuyệt vời này. Người Pu Péo (sống ở Bắc Mê và Quản Bạ) có tập tục cúng thần rừng, với quan niệm con người từ rừng mà ra.

Họ phải vào rừng, làm một cái lán rồi đẻ con, khi mẹ tròn con vuông được 12 tháng mới về nhà. Việc sinh đẻ trong rừng rất không an toàn, nên số lượng người Pu Péo dần giảm sút.

Ông có thể cho một vài số liệu?

Dân tộc Pu Péo chỉ còn 400 người, năm 1991 khoảng 600 người. Dân tộc La Chí tập trung ở Xín Mần và Hoàng Su Phì, chỉ còn 20% người biết dân ca, tiếng nói và chữ viết cổ của tộc người. Sở VHTT đang cố gắng khôi phục tập quán phong tục, bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của người La Chí (chẳng hạn Tết Khu Cù Tê trong đó có tục té nước vào tháng 7, người già buộc chỉ vào cổ tay cho thanh niên và trẻ con).

Có 4 dân tộc chỉ sống ở Hà Giang là Lô Lô, La Chí, Pu Péo, Pà Thẻn, trong đó La Chí và Pu Péo đang đứng trước bờ vực của sự mai một. Cụ thể, các ông sẽ làm những gì với 2 tộc người này?

Hiện chúng tôi có 16 đề án nghiên cứu văn hóa phi vật thể các dân tộc. Sắp tới sẽ phục hồi lễ hội cầu trăng của dân tộc Ngạn. Mỗi dân tộc có quan niệm vũ trụ và bản sắc khác nhau, chính sự khác nhau ấy mà chúng ta phải bảo tồn.

Những người nắm được các giá trị văn hóa phi vật thể như dân ca, chuyện kể, cổ tích, đặc biệt là các lễ hội dân gian đã rất già, nếu không tiếp cận khai thác gìn giữ thì một vài năm nữa chúng ta sẽ không còn những giá trị đó, không hiểu các dân tộc như La Chí, Ngạn, Pu Péo, Bố Y có tồn tại hay không.

Đề án khảo sát đánh giá tổng thể giá trị văn hóa các dân tộc ở Hà Giang được chúng tôi khảo sát sâu như là một cuộc kiểm kê 22 dân tộc anh em. Chúng tôi được Bảo tàng Hà Giang cho biết, dân tộc Bố Y đang mất dần phong tục, thậm chí cả trang phục...

Người Bố Y sống ở Yên Minh và Quản Bạ. Chúng tôi đã nghiên cứu lịch sử và dân ca Bố Y. Chỉ 5% người trẻ tuổi biết dân ca, 20% biết sâu hơn một chút, còn lại gần như không biết gì.

Ngăn sự mai một về người, về bản sắc ảnh 2
Ông Nguyễn Trùng Thương: “Nếu không làm nhanh, vài năm nữa chúng ta không biết dân tộc đó như thế nào!”. Ảnh: N.P.T

Vấn đề bảo tồn giá trị văn hóa các tộc người bắt đầu đặt ra tại tỉnh từ khi nào, thưa ông?

Nguy cơ lớn nhất vẫn là tiếng nói. Hệ thống giáo dục không dạy tiếng dân tộc, muốn giao tiếp, buôn bán phải nói tiếng phổ thông nên tiếng mẹ đẻ chỉ còn ở những phụ nữ ít giao tiếp.

Còn người Mông, Tày, Dao, Lô Lô, Pà Thẻn vẫn đầy đủ, nguyên bản, thậm chí còn trên 90%, vì dân đông, có cách giao tiếp tốt, và trên đài tiếng nói có những chương trình phát thứ tiếng của các dân tộc này. Từ năm 1994 chúng tôi bắt đầu các dự án bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc.

Theo ông, khó khăn lớn nhất là gì?

Là giai đoạn hậu dự án, là kinh phí để khôi phục, để hỗ trợ các già làng trưởng bản. Mới đây tôi mời Quỹ hợp tác văn hóa Đan Mạch - Việt Nam để bảo tồn làng Hồ Quang Phìn nơi sản xuất khèn Mông và xã Lũng Thầu nơi sản xuất sáo Mông. Quỹ này hỗ trợ truyền bá việc thổi khèn Mông, hỗ trợ sản xuất sáo và khèn, đưa khèn trở về các nghi thức, dân ca lễ hội của người Mông, khẳng định đó là khèn của người Mông Việt Nam.

Lớp trẻ dân tộc đón nhận như thế nào?

Người hiểu biết thì lại không nắm được bản sắc, người biểu diễn rất hay thì không thể nói nó hay ở chỗ nào. Vấn đề nằm ở khoảng cách giữa lớp người nghiên cứu và lớp người thực tiễn.

Theo ông, quá trình mai một của các dân tộc trên có nhanh không?

Rất nhanh vì nó đi đôi với quy luật kinh tế thị trường. Người ta làm khèn phải có kinh phí nhất định, nhưng người mua thì ít. Bởi thế, không hỗ trợ thì người ta không làm. Ngành văn hóa là chủ thể để nghiên cứu đề xuất phương án bảo tồn, nhưng điều quan trọng là chiến lược lâu dài về bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc.

Chúng ta không thể ép người ta mặc thế này thế kia. Mở trường dạy tất cả con em các dân tộc cũng không phù hợp. Cách gìn giữ tốt nhất là truyền trực tiếp giữa thế hệ này tới thế hệ khác như là tiếng nói.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.