Ngày hội gốm sứ - sơn mài

Ngày hội gốm sứ - sơn mài
TP - Năm 2009, tại Huế lại diễn ra festival nghề truyền thống -Festival chuyên đề được định kỳ vào năm lẻ, do thành phố Huế chủ trì.
Ngày hội gốm sứ - sơn mài ảnh 1
Lễ hội xích lô Hà Nội-Huế-TPHCM tại Festival nghề truyền thống Huế 2007

Với chủ đề Nghề truyền thống Huế - Bản sắc và phát triển, ban tổ chức chọn các nghề gốm, sơn mài, pháp lam. Thời gian cũng được ấn định, ba ngày 12, 13, 14/6.

Festival sẽ là ngày hội của các làng gốm nổi tiếng Việt Nam như Phước Tích, Xí nghiệp Gốm cổ, Gốm Mỹ nghệ (Thừa Thiên-Huế); gốm Bát Tràng, gốm Nhung (Hà Nội); Chu Đậu, Cậy (Hải Dương); Phù Lãng (Bắc Ninh); Thổ Hà (Bắc Giang); Hương Canh (Vĩnh Phúc); Thanh Hà (Quảng Nam); Mỹ Thiện (Quảng Ngãi); Bàu Trúc (Ninh Thuận) Xóm Gọ (Bình Thuận); Mang Thít (Vĩnh Long);  gốm Bình Dương; gốm Biên Hòa...

Nghề sơn mài có các họa sĩ, nghệ nhân và cơ sở sản xuất sơn mài tiêu biểu ở Huế, Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai. Nghề pháp lam chỉ có ở Huế, một nghề vừa hồi sinh, chủ yếu phục vụ công cuộc trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa Huế.

Bên cạnh đó còn có hội ngộ “Gốm nghệ thuật Việt Nam” chọn lọc từ 216 tác phẩm của 136 tác giả trưng bày trong triển lãm lần thứ nhất năm 2008 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Một “Chuyện kể từ kho báu dưới lòng sông” với kho cổ vật gốm dưới lòng sông Hương của các nhà sưu tập tại Huế; Một bộ trưng bày cổ vật “Gốm sứ cung đình và pháp lam” của Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế; Một bộ sưu tập của nhiều nhà sưu tập cổ vật trong cả nước với chủ đề “Dặm dài đất nước qua những cổ vật ”.

Hưởng ứng Festival còn có các hoạt động lồng ghép khác như hội thảo khoa học về phát triển nghề truyền thống; các chương trình văn nghệ, thời trang, quảng diễn đường phố; Trại sáng tác cho thiếu nhi, viết, vẽ “Thành phố của em năm 2020”; Nghệ thuật sắp đặt ở công viên 3/2, hai bên bờ sông Hương; Ẩm thực “Món ngon ba miền - Xưa và Nay”; Gặp gỡ trẻ em khuyết tật Hà Nội-Huế-TPHCM với các tranh vẽ, sản phẩm gốm và những tiết mục nghệ thuật “Thế giới, ước mơ và trí tưởng tượng của em”.

Có hai hoạt động phối hợp của Bộ NN&PTNT với tỉnh TT-Huế và các bộ ngành trung ương là hội chợ triển lãm “Làng nghề truyền thống Xưa và Nay”; Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2009.

Năm 2009 đánh dấu 110 năm cầu Trường Tiền được xây dựng hoàn tất và chợ Đông Ba được xây dựng tại địa điểm hiện nay. Biểu tượng đẹp của văn hóa Huế và trung tâm thương mại của Huế là bối cảnh quan trọng gắn với Festival nghề truyền thống Huế 2009. Một triển lãm ảnh nghệ thuật và ảnh tư liệu với chủ đề “Cây cầu và dòng sông” được tổ chức bên cầu Trường Tiền.
MỚI - NÓNG