Ngày thơ đậm âm hưởng Điện Biên, biển đảo

Các tác giả nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Phan Giang
Các tác giả nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Phan Giang
TP - Chủ đề “Xuân đất nước - Từ Điện Biên đến Trường Sa” được đặt cho Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12, hứa hẹn đậm cảm hứng về Tổ quốc. Đây là thông báo của Hội Nhà văn Việt Nam trong buổi họp báo về Ngày thơ và Giải thưởng Hội Nhà văn 2013, sáng 19/1 tại Bảo tàng Văn học.

Ngày thơ hướng về Tổ quốc

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, cho biết, Ngày thơ 2014 tập trung thể hiện tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc, giữ gìn truyền thống và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Theo cách nói của ông là “lấy sức mạnh của quá khứ để tăng thêm nội lực”. Ông Hữu Thỉnh nói, tiếp thu ý kiến “ngày thơ sao hát nhiều thế”, tỉ lệ đọc thơ sẽ được tăng lên đáng kể.

Trong cuộc họp báo, có ý kiến cho rằng, tại sao lại là từ Điện Biên đến Trường Sa, mà không rộng hơn. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giải thích, Trường Sa cũng chính là cái tên mang tính biểu tượng cho biển đảo. Về chủ đề năm nay, ông Thiều nói thêm bên lề: “Năm nay kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Biển Đông chưa hết nóng bỏng. Ở Ngày thơ này, chúng ta khẳng định giá trị truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Các nhà thơ không chỉ ngồi trong tháp ngà của mình. Nhà thơ mang sự lãng mạn đến, nhưng anh ta cũng phải nói được thách thức, nguy cơ đối với dân tộc, phải là chiến sĩ tiên phong”.

Hơn 50 tỉnh, thành đã có kế hoạch tổ chức Ngày thơ, tuy thế Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn là tâm điểm. Một trong những điểm mới của năm nay là 7 tỉnh, thành: Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Giang, Lạng Sơn tụ hội tại Hà Nội với gian hàng, văn nghệ đặc trưng và góp hai nhà thơ trình diễn.

Ngày thơ lần thứ 12 diễn ra hai ngày 13 và 14/2, chính hội vẫn là Rằm tháng Giêng (14/2). Khu vực Hồ Văn là Hoa thơ-Mừng xuân đất nước và sân thơ của các CLB (dự tính 28 CLB). Tại Thiên Quang Tỉnh có triển lãm 50 năm lớp nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, trong đó lần đầu công bố một số ấn phẩm, hiện vật của các nhà thơ khi ở chiến trường. Sân khấu trung tâm ở Thái Miếu là nơi giao lưu với các nhà thơ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng là nơi đọc thơ.

Sân thơ trẻ tiếp tục là một phần năng động của Ngày thơ. Theo đà năm ngoái, sinh viên sáu trường đại học tiếp tục vào cuộc với các màn văn nghệ và trình diễn thơ. Các hoạt động bên lề: phát hành sách, tặng thơ, tặng chữ, thư pháp tại khu vực Văn Miếu-Quốc Tử Giám. BTC cho biết, sau Ngày thơ, Hội Nhà văn chủ trì khúc vĩ thanh - chuỗi đêm thơ, nhạc - tại Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên vào tháng 3.

Nói về Ngày thơ đã qua 11 lần, nhà thơ Vũ Quần Phương (hầu như năm nào cũng tham gia, đến đó chí ít để gặp bạn bè) cho rằng, nên có, nên tổ chức vui, tuy thế cũng đừng tốn nhiều sức vào ngày hội này. “Nên dành sức lực, kinh tế để quảng bá những tập sách hay, nên tạo ngày đọc sách, bàn bạc về thơ, sách hay hơn là hội hè, cờ quạt nhiều quá”, ông nói.

Trao giải: Vẫn chưa hết tranh cãi

Hội Nhà văn chính thức trao bốn giải, trị giá 20 triệu đồng mỗi giải: Giây phút huyền diệu (tập tiểu luận và bút ký của Ma Văn Kháng), tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương (Nguyễn Trí), tập thơ Những lớp sóng ngôn từ của Mã Giang Lân, dịch giả Nguyễn Văn Thái với tiểu thuyết Ba Lan Nông dân.

Trước thắc mắc, liệu đề cử cuốn Bãi vàng, đá quý, trầm hương vào phút chót (khi ban sơ khảo đã xong, và văn xuôi không có tác phẩm) có hợp lệ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn, nói điều này hoàn toàn phù hợp Quy chế xét giải thưởng của Hội. Ông đánh giá: “Một người đang cập nhật đời sống nóng bỏng nhất, số phận con người ở những nơi khốc liệt nhất và đầy những thách thức, đe dọa đến nhân cách của họ, nhưng con người đó vượt qua bằng những trang sách, cuộc đời của mình. Nguyễn Trí mang lại một cách viết đầy thô nháp, trực diện”.

Nguyễn Trương Quý (NXB Trẻ), người biên tập cuốn Bãi vàng, đá quý, trầm hương, tiết lộ, anh đang biên tập bản thảo Đồ tể của Nguyễn Trí, sách sẽ sớm ra mắt. Cuốn này có những truyện mới viết, tác giả có thêm kinh nghiệm viết bên cạnh trải nghiệm đời sống vốn rất dồi dào. Có người nói cuốn đầu tay còn hơi tham, dàn trải, liệu Đồ tể tránh được? “Tôi nghĩ đấy lại chính là điểm mạnh của ngòi bút Nguyễn Trí. Độ đậm đặc phong phú của chi tiết và tình huống như thế, mấy người có được. Sự tự nhiên và khả năng duy trì sự say mê câu chuyện của chính mình, theo tôi đủ sức thắng cảm giác thiếu tiết chế”, anh Quý nói.

Tác phẩm của Nguyễn Trí đạt sự đồng thuận cao hơn, không gây tranh cãi nhiều như tập thơ Những lớp sóng ngôn từ của Mã Giang Lân. Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam bênh tập thơ này trong báo cáo tổng kết Giải thưởng: “Có cảm giác nhà thơ Mã Giang Lân chỉ viết lại những gì ông đã viết nhưng bằng một cảm xúc mới, một cái nhìn mới với nhiều suy tưởng. Và chính thế, ông đã đổi mới ông”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, sở dĩ có những tranh cãi này do chúng ta quen đọc thơ theo tính thuận tai, phải du dương, vần luật.

Hỏi nhà thơ Vũ Quần Phương về tập thơ này, khi ông bước ra khỏi hội trường trao giải, ông xin khất, sẽ bình luận vào một dịp khác. Ông đã đọc tập thơ này? “Tôi đã đọc, và có biên bản giám định ba tập thơ vào chung khảo”, nhà thơ Vũ Quần Phương trả lời.  

Ngoài lễ trao giải thưởng, Hội Nhà văn tổ chức lễ kết nạp 36 hội viên mới, mà đích thân Chủ tịch Hội giới thiệu từng người. Trong số này, có nhiều người lận đận suốt mấy chục năm mới được vào Hội như nhà văn, nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh. Hiện nay, hội viên trẻ nhất là Nguyễn Vũ Hưng, dịch giả sinh năm 1987.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.