Ngày thơ Việt Nam 5 tuổi

Ngày thơ Việt Nam 5 tuổi
TP - Bắt đầu từ Tết Nguyên Tiêu Nhâm Ngọ (2002), năm nay Ngày thơ Việt Nam vừa tròn 5 tuổi. Và Ngày thơ trở thành hoạt động chính thức đầu tiên của những người cầm bút, mở màn cho đợt kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957 – 2007).
Ngày thơ Việt Nam 5 tuổi ảnh 1
Thả thơ lên trời cao tại Văn Miếu. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Thứ Bảy này (3/3/2007), đúng ngày Rằm tháng Giêng, hoạt động của Ngày thơ VN đồng loạt diễn ra ở hầu khắp tỉnh, thành trong cả nước.

Nhưng theo ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn, trưởng BTC thì các hoạt động chính sẽ tập trung ở 3 điểm Hà Nội, Hà Tĩnh và Tp Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh: Hoành tráng nhất từ trước đến nay

Chỉ gói gọn trong một ngày Rằm tháng Giêng mà chương trình ở đầu TPHCM diễn ra với mật độ dầy đặc đến… chóng mặt. Buổi sáng, ngay sau phần nghi lễ là chương trình giao lưu thơ – nhạc với các nhà thơ đương đại (Bùi Chí Vinh, Thảo Phương, Nguyễn Nhật Ánh…) và hát – ngâm thơ, giới thiệu các nhà thơ cổ điển Việt Nam.

Buổi chiều sẽ mở đầu bằng Hội thảo thơ Từ trong di sản. Tiếp theo là một chương trình Gameshow sôi động với sự tham gia thi tài của SV 4 trường ĐH học của TP quanh chủ đề thơ.

18 nhà thơ trẻ và các tác giả thơ thuộc thế hệ 8X (Ly Hoàng Ly, Lê Thiếu Nhơn, Lý Đợi, Phan Hoàng, Nguyễn Hữu Hồng Minh…) cùng các nhà thơ đàn anh, đàn chị: Lê Thị Kim, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc sẽ giao lưu, giới thiệu tác giả - tác phẩm với công chúng thơ.

Buổi tối là chương trình chính thức của Hội Nhà văn TP. Kỷ lục sách Việt Nam – Tập thơ giấy dó độc bản có nhiều thủ bút nhất của các nhà thơ Việt Nam sẽ được công bố cùng lễ trao tiền bán đấu giá tập thơ này (hơn 250 triệu đồng) ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam. Tiếp theo là đêm giao lưu thơ nhạc của các nhà thơ Inrasara, Nguyễn Nhật Anh, Ly Hoàng Ly, Phan Hoàng, Lý Lan…

Trong khuôn khổ Ngày thơ VN tại TPHCM, có hoạt động của 5 “vườn thơ”, gồm: Vườn thơ Di sản (giới thiệu các tác giả cổ điển), Vườn thơ Đương đại (triển lãm, giới thiệu, ký tặng sách, biểu diễn thư pháp, giao lưu với các nhà thơ đương đại), Vườn thơ Việt Nam – Thế giới (trưng bày, giới thiệu các tác giả và tác phẩm thơ xuất sắc của VN được dịch ra tiếng nước ngoài và ngược lại), Vườn thơ giữa đời thường (triển lãm, bán sách và các sản phẩm liên quan đến thơ).

Đáng chú ý phải kể đến Vườn thơ trẻ. Tại đây sẽ diễn ra cuộc thi và trao giải cho tập thơ trình bày đẹp nhất trong năm, triển lãm cây thơ, thư pháp của các “ông đồ trẻ”, thảo luận các vấn đề mà người làm thơ trẻ đang phải đối mặt như: xuất bản, công tác lý luận- phê bình, trình diễn thơ v.v…

Hà Nội: Có nhiều nét mới

Trước hết, ở sân thơ “già”. Buổi sáng, ngoài những chương trình quen thuộc của năm ngoái như thả thơ, đố thơ, thi câu đối, biểu diễn thư pháp (xin, cho chữ), bán sách, trình diễn thơ – nhạc… sẽ diễn ra hoạt động tri ơn của những người làm thơ với những người có công tôn vinh thơ ca trong những năm qua.

10 nhạc sĩ có công phổ nhạc các bài thơ thành những bài hát nổi tiếng lay động lòng người, có thể kể đến một số tên tuổi như Huy Du, Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Đình Bảng, Phạm Tuyên... sẽ được Hội Nhà văn VN tặng bằng khen (kèm theo tiền thưởng).

Theo gợi ý của nhà thơ Trần Đăng Khoa, BTC cũng quyết định sẽ trao bằng khen và phần thưởng để ghi nhận công lao của 5 nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng: Trần Thị Tuyết, Linh Nhâm, Kim Cúc, Vũ Kim Dung, Vương Hà và nhà thơ Bích Ba (phụ trách chương trình Tiếng thơ của Đài TNVN) đã có công quảng bá cho thơ ca…

Buổi chiều tại sân thơ “già” sẽ diễn ra cuộc Họp mặt đầu năm mở rộng của Hội đồng thơ, với sự tham gia của các nhà thơ hội viên, bàn về công việc làm thơ và những vấn đề đặt ra với thi ca đương đại.

Đêm thơ Nguyên Tiêu sẽ diễn ra tại Văn Miếu với lễ công bố 100 bài thơ hay thế kỷ XX do công chúng bình chọn (do TT Văn hóa Doanh nhân và NXB Giáo dục đề xướng) và giao lưu với một số tác giả thơ được chọn. Dẫn chương trình là nhà thơ Phạm Tiến Duật và MC truyền hình xinh đẹp Diễm Quỳnh.

Một trong những hoạt động được công chúng quan tâm là Sân thơ Trẻ. 60 bức poster đẹp sẽ giới thiệu khá đầy đủ về tuổi trẻ của 30 nhà thơ thuộc nhiều thế hệ: từ các bậc lão làng (Nguyễn Bính, Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường…) đến các nhà thơ đã khẳng định bản sắc riêng (Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Inrasara…) và các nhà thơ có một số thành công trong thời gian gần đây (Đỗ Thị Tấc, Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thùy Linh, Dạ Thảo Phương…). Công chúng thơ sẽ có điều kiện tìm hiểu và so sánh về thời – thơ – trẻ  của các thế hệ nhà thơ qua những thăng trầm và biến thiên lịch sử.

Phần trình diễn, giao lưu ở Sân thơ Trẻ quy tụ được những tác giả trẻ tương đối tiêu biểu thuộc khu vực phía Bắc như: Chu Thị Minh Huệ, Bùi Thị Tuyết Mai, Phạm Việt Đức, Hồ Huy Sơn, Lưu Thị Bạch Liễu… cùng các nhà thơ “trung tuổi”: Dương Thuấn, Trần Quang Quý, Nguyễn Chí Hoan…

Tại Hà Tĩnh, những hoạt động chính sẽ diễn ra trên quê hương đại thi hào Nguyễn Du. Hội Nhà văn đã cử một lực lượng khá hùng hậu do ông Nguyễn Trí Huân – Phó Chủ tịch Hội dẫn đầu vào miền Trung tham gia.

Tại Hải Phòng, hoạt động Ngày thơ sẽ diễn ra cả ngày trong khu vực khuôn viên Thư viện thành phố, bên cạnh tượng thi hào Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các nhà thơ Vân Long, Nguyễn Thị Hồng Ngát sẽ xuống giao lưu cùng bạn yêu thơ đất Cảng…

Ngày thơ VN đã trở thành ngày hội của những người làm thơ và yêu thơ cả nước, chứng tỏ thơ vẫn có sức cuốn hút riêng giữa thời kinh tế thị trường, khi những cơn “sốt chứng khoán” đang tăng nhiệt từng ngày. Mọi việc đã sẵn sàng cho Tết Nguyên Tiêu. Điều cuối cùng mà Ngày thơ Việt Nam năm nay cần là sự ủng hộ của… thời tiết !

MỚI - NÓNG