Ngày thứ bảy

Ngày thứ bảy
TP - Nhà văn khi sáng tạo ra tác phẩm và nhân vật thường dựa trên một hoặc vài nguyên mẫu, thậm chí rất nhiều nguyên mẫu. Như là một lẽ đương nhiên. Nhưng có lẽ sắp đặt để cho các nguyên mẫu gặp nhau ngoài đời là điều ít người làm. Vì nhiều lẽ. Nhưng tôi từ lâu đã ấp ủ sẽ có một cuộc gặp gỡ như vậy. Có lẽ không hẳn mình tôi, mà cả các nhân vật của tôi nữa, họ cũng muốn gặp nhau ngoài đời. Tôi luôn chờ một ngày như hôm nay để chắp nối.

> Lũ mèo hoang là một thế giới khác
> Chuyện cô thợ xây trở thành nhà thơ

Xuất phát từ việc anh hẹn tôi, ngày thứ bảy nếu rảnh thì đi ăn trưa với anh và các bạn anh. Khắt khe trong giao tiếp, tôi thường từ chối những cuộc như vậy. Tôi không thích đám đông, càng không thích mối quan hệ thâm tình bị pha loãng.

Sau một chút đắn đo, tôi lại nhận lời vì nảy ra ý định sẽ dùng bữa trưa đó để kết nối một cuộc gặp giữa anh và cô bạn gái. Họ là hai nguyên mẫu trong truyện ngắn của tôi. Nghe tôi nói mời cô bạn, anh rất vui. Cả anh và tôi đều nhất trí sẽ tận dụng cái đám đông đó để cô không dễ dàng nhận ra anh.

Mọi chuyện bắt đầu được sắp đặt trong đầu tôi. Tôi sẽ nói với cô: “Người đàn ông trong truyện ngắn của tôi đang ngồi trước mặt. Người đã rất vui khi gặp chị ở trong truyện. Chị phải tự đoán ai là người đó trong đám đông này”.

Trong phút chốc tôi và anh trở nên rất hào hứng với kịch bản mình tưởng tượng. Nhưng là người hay phòng ngừa, sau một chút nghĩ ngợi anh lại bảo: “Sợ cô ấy thất vọng về anh”. Tất nhiên là tôi gạt đi ngay, với mấy lý do. Nhưng có một lý do sâu xa mà tôi không nói ra. Để anh tự hiểu.

*

Chia tay anh, tôi bắt đầu nhắn tin hẹn cô bạn nhưng cho tới chiều mới nhận được hồi âm. Chưa mở xem nội dung, tôi đã linh cảm là không ổn rồi. Quả thật, cô từ chối vì bận công việc. Thất vọng tràn trề. Không có cô thì kế hoạch của chúng tôi đổ vỡ. Hơn nữa, tôi sẽ bơ vơ giữa đám bạn anh. Mặc dù có anh bên cạnh nhưng chắc chắn tôi sẽ vẫn rất mặc cảm và mất tự tin. Vì vậy, trong khoảng thời gian hai ngày đó, tôi ra sức thuyết phục cô bạn. Cuối cùng thì cô cũng nhận lời nhưng nói chắc sẽ đến muộn. Vậy là đỡ được phần nào.

*

Ngày hôm sau, tôi đành liều một mình đến quán ăn. Tôi càng mất tự tin hơn khi bước vào phòng thấy đầy ắp người, lại toàn là đàn ông. Không phải vài người như anh nói, mà rất đông. Chỉ có mình tôi là nữ.

Sau một hồi sắp xếp qua lại, tôi lại không ngồi cùng anh mà lọt thỏm vào đám người xa lạ. Lúc ấy, tôi thấy chân tay mình thừa thãi trong cái đám đông dăm bảy loại bạn đó của anh và khổ chủ. Giá mà tôi biết uống chút rượu thì sẽ đỡ đi phần nào sự rụt rè và mất tự tin trầm trọng như thế.

Tôi không khỏi hoang mang, liệu cô bạn có đến kịp để giải thoát cho tôi khỏi tình trạng này không? Cái không khí hỗn độn này không thể giúp cho cuộc gặp gỡ mà chúng tôi đã sắp đặt.

Nó sẽ làm hỏng tất cả, so với hình dung của tôi. Nhắn bạn đừng đến nữa cũng không thể. Mà đến thì sao đây. Tôi vừa mong cô bạn đến vừa không. Đôi khi tình huống tạo nên sự
trớ trêu.

Chừng lúc sau, hình như anh cũng cảm thấy bất tiện nên đã chủ động đứng lên cáo từ khổ chủ, để ra về sớm, dắt theo ba chúng tôi thuộc ba nhóm bạn của anh. Tôi thật mừng, như được giải cứu.

Ra khỏi phòng ăn, bước xuống cầu thang, định rút máy gọi cho bạn thì lại thấy cô hớt hải bước lên. Cô cũng thấy bất tiện khi đến quá muộn, cho dù cô đã báo trước là sẽ không ăn.

Trong phút chốc, tôi lại rơi vào trạng thái khó xử khác. Làm sao đây khi các nguyên mẫu chỉ gặp nhau ở cầu thang? Rất may, anh đã mời tất cả đi uống cà phê.

Một lần nữa, tôi lại thầm cảm ơn anh vì đã cứu nguy kịp thời. Hai người bạn kia lấy lý do để tạm biệt. Vậy là chỉ còn ba chúng tôi. Ba nguyên mẫu. Thực ra hai thì đúng hơn. Vì tôi là tác giả.

*

Chúng tôi chọn một quán cà phê ở đường phố yên tĩnh nhất Hà Nội. Khung cảnh ở đây cũng êm đềm như khung cảnh mà tôi tả trong truyện. Chỉ khác là không phải mùa thu ở châu Âu như trong truyện ngắn tôi viết về anh. Nhưng điều đó không quan trọng.

Lúc trước, khi bước vào phòng ăn, thấy anh mặc cái áo xanh nhạt như tả trong truyện, tôi đã rất cảm kích. Ở trong khung cảnh yên ả, điều đó lại càng khiến tôi cảm động. Hình như anh muốn giúp tôi? Hoặc anh cũng rất trân trọng cuộc gặp gỡ này.

Còn cô bạn, do không biết trước cuộc gặp gỡ nên cô không mặc chiếc váy màu xanh quyến rũ mà tôi rất thích và đã tả trong truyện. Cái váy ren màu hồng nhạt hôm nay cũng đẹp, nó làm cô trẻ trung và hấp dẫn. Tôi bắt đầu giới thiệu cô với anh.

Tên tuổi nghề nghiệp. Anh đã nghe tôi kể nhiều về cô nhưng có lẽ hôm nay anh mới biết tên. Đối với tôi, điều ấy dù nhỏ cũng tạo nên sự thú vị.

Cô nhắc tôi giới thiệu người đối diện, giọng rất tự tin: “Chị giới thiệu đi chứ”. Hướng về phía anh, cô nói: “Em đã nghe nói về anh rồi. Anh chắc là người mà em đã nghe nói rất nhiều. Anh có phải là…”. Cô dừng lại, quay sang tôi rồi lại nhìn anh đầy ẩn ý.

Tôi định tiếp lời cô để khẳng định suy đoán của cô là đúng vì lúc đó chẳng còn đám đông nào để trà trộn, đánh đố cô nữa. Nhưng anh rất khéo léo gạt đi và tôi cũng hiểu ý anh rất nhanh. Tôi vội nói: “Mà thôi, tôi không nên giới thiệu về anh ấy, để chị tự tìm hiểu và kết luận anh ấy là ai thì hơn”. Cô vui vẻ chấp nhận. Quả thực, về sau nghĩ lại thấy anh xử lý tình huống lúc đó rất khéo.

*

Mấy hôm trước khi tôi hẹn cô nàng ra quán ăn mà không nói rõ lý do, cô nàng đã đầy vẻ nghi ngờ. Cô bảo sinh nhật thì chưa đến, khao vụ gì cũng không phải vì chỉ mời có mình cô, không mời cả nhóm. Vậy có việc gì thì phải nói rõ, cô mới cân nhắc, xem xét.

Tất nhiên là tôi không thể nói rõ lý do nên đành phải xuống nước năn nỉ rất nhiều. Khẩn khoản mời cô nàng bao nhiêu thì cô nàng lại càng kiêu bấy nhiêu. Thấy tôi khẩn khoản thế nên cô nàng bắt đầu xử ác để tôi phải nói cho ra lý do. Đầu tiên là từ chối thẳng thừng, giọng rất dứt khoát:

- Phải tiếp tụi Đức rồi, không thể.

- Kệ bọn nó. Tôi bảo.

- Không kệ được, lão sếp chủ trì mà.

- Chẳng có gì là không kệ được. Báo với lão sếp, bị đau mắt. Hiện nay đang có dịch tràn lan, lão sẽ tin ngay. Nói thế lão chả sợ chết khiếp, cho nghỉ thêm vài ngày ấy chứ.

Cô nàng cười ngặt nghẽo, khoái trá. Nhưng vẫn nói:

- Không được đâu. Không thế được. Tôi không thể bỏ tụi này được. Nhưng chị cứ cho tôi biết lý do đi, nếu thấy chính đáng tôi sẽ tính. Có phải chị muốn tôi làm nhà gái không? Cô nàng cười khúc khích.

- Đến rồi sẽ biết, chẳng có lý do gì ngoài việc tôi ngồi một mình trân trọng chờ chị ở đó.

- Thì cứ cho biết lý do đi, để đây biết đường thu xếp. Không thì thôi. Giọng cô nàng bất cần.

À, cô nàng khôn thật. Từ chối nhưng vẫn vật vã muốn biết lý do. Đã thế mình lại càng phải giữ bí mật. Để câu. Làm gì có chuyện không đến mà lại biết được lý do. Hôm sau, tôi nhắn tin xác định lại, cô nàng vẫn trả lời: “Không đến được”. Tôi nhắn tin lại: “Buồn nhỉ”. Và buông xuôi. Tôi nhắn tin cho anh: “Bạn em ngày mai bận không đến được. Một mình em đến hơi ngại”. Không thấy anh trả lời. Nhắn tin hay điện thoại cho ai mà không thấy người ta trả lời tôi rất hoang mang. Có lúc bận quá, hoặc nhãng đi không trả lời người khác thì khi nhớ ra, có khi cả ngày sau mới nhớ ra, kiểu gì tôi cũng nhắn lại. Để chuộc lỗi nhiều hơn là thông tin.

Định buông xuôi rồi nhưng cứ nghĩ đến việc một mình đến cái đám đông ấy lại ngại. Cảm giác mất tự tin tràn ngập. Hay là thôi, không đến nữa. Quen thói vay mượn cô nàng rồi nên bây giờ lúng túng. Thế là quyết định vớt vát.

Người ta nói còn nước còn tát. Trên đường từ chỗ gửi xe về nhà, tôi bắt đầu nhắn tin qụy lụy cô nàng. Cô trả lời một thế này, hai thế kia, rất lạnh lùng. Tôi đành phải gọi điện, bảo: “Sao phải lạnh lùng thế. Thôi được, đến muộn cũng được. Cứ quấy bột rồi chia vào bát cho bọn nó tự ăn, rồi đến chỗ tôi ngay, không phải đút cho bọn nó đâu nhé”.

Cô nàng cười ngất rồi có vẻ xuống nước nhưng giọng vẫn lửng lơ: “Sẽ cố gắng nhưng chắc là không ăn đâu vì sẽ đến muộn”. OK luôn. Có thế chứ, không ăn cũng được. Miễn là đến. Cô hứa vậy, một phần do nể nang, phần khác chắc cũng muốn có lời giải đáp thắc mắc. Ức thật. Nhưng dù gì thì tôi vẫn phải chịu nhún.

Có lẽ cô nàng hả dạ lắm. Mới cách đây mấy hôm còn gọi điện giọng rất sinh sự: “Lâu rồi không thấy tăm hơi chị. Chị bận quá, mất hết cả bạn bè đấy. Vứt cái chức dở hơi đi, không thì chẳng còn ai chơi với chị nữa đâu”. Kể ra thì cũng phải xuống nước với cô nàng thật. Bao nhiêu cuộc mình bỏ rồi. Nhất là chuyện tôi tuột xích chuyến đi Thái do cô dầy công tổ chức.

Thôi cũng bõ công năn nỉ vì trước mắt tôi lúc này, cô nàng đang là một cô gái rất đáng yêu trong khung cảnh tôi từng vẽ ra trong tác phẩm. Cô và anh nói chuyện rất say sưa về nhiều chủ đề.

Nhưng anh không vì thế mà lơ là, mất cảnh giác trong việc giấu tung tích. Anh cũng thật khôn, luôn muốn lùi vào bóng tối để nhìn ra ánh sáng. Mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Người luôn phòng ngừa tất cả thì hành động như vậy cũng dễ hiểu.

Nhưng về mặt nào đấy thì cũng phải thừa nhận là anh rất thông minh trong xử lý tình huống. Anh đã giúp câu chuyện sắp đặt của chúng tôi trở nên tự nhiên và thú vị gấp nhiều lần. Tôi cảm ơn anh nhiều vì điều đó.

Còn cô bạn. Hôm nay ngoài việc mặc cái váy ren màu hồng cô còn rất khác nữa. Trẻ hẳn ra vì mái tóc cắt ngắn hơn, ít xoăn hơn so với cách đây hai tuần khi tôi đến sinh nhật cô. Cô nói chuyện với anh một cách hào hứng. Miệng nói mắt nói tay nói, rất sinh động.

Ai quen thân rồi thì sẽ thấy cô là người có niềm vui khỏe khoắn. Cô bắt đầu tin rằng mình đã sai khi phán đoán nhân thân người đối diện vì cô đã trắc nghiệm sự am hiểu của anh qua những vấn đề cụ thể xảy ra ở Hà Nội, ở Việt Nam.

Tôi như trọng tài theo dõi trận đấu và thấy anh lần nào cũng vượt qua sự khảo sát của cô. Một phần anh hiểu thật biết thật, phần khác anh che giấu rất giỏi. Cô ấy tin đến mức còn đưa ra lời mời một ngày nào đó sẽ mời anh đi xem chương trình do bên cô tổ chức ở nhà hát lớn.

Cô đâu biết, mỗi năm anh chỉ về nước một vài lần.

*

Kết thúc cuộc gặp, chúng tôi gọi tắc xi ra về. Một xe tới, anh mở cửa và mời chúng tôi lên xe. Còn anh đứng lại, chờ xe khác. Chỉ còn tôi và cô nàng, bỗng dưng tôi thấy lúng túng trước sự im lặng của cô.

Một sự im lặng bất thường. Có một cái gì đó xa lạ xen vào giữa chúng tôi. Không hiểu cô nghĩ gì. Có thể cô đang tự thừa nhận là phán đoán của mình đã sai hoặc đang phân vân vì điều đó.

Tôi thấy sự im lặng đó có cả ấm ức. Hoặc cô im lặng để cho tôi biết một thông điệp: Tôi đang nợ cô một lời giải đáp. Không giống đám đông phụ nữ. Cô biết kiềm chế và tôn trọng sự riêng tư của người khác. Vì thế cô không hỏi anh ấy là ai? Mà im lặng. Tất nhiên là im lặng trong chừng mực có thể. Phụ nữ mà.

Tôi đã giúp anh để cô tin anh không phải là nguyên mẫu mà cô từng gặp trong truyện của tôi. Và cô đã tin trong sự ngờ vực. Sau cùng, thời gian tôi đi cùng xe với cô sắp hết, cô đành thừa nhận:

- Lúc đầu, tôi nghĩ ông này ở châu Âu thật nhưng sau khi nói chuyện thì không phải. Tôi thầm nghĩ anh siêu thật!

Cô nói tiếp:

- Tôi thấy ông này lịch lãm, nói chuyện, cư xử kiểu dân ngoại giao.

- Thế à? Sao chị lại nghĩ vậy?

- Ừ, thì thấy thế! Buổi đầu cứ biết
thế đã…

Lời nói của cô nàng chứa đựng sự thành thật, thăm dò và cả phòng ngừa. Tôi nghĩ anh và cô giống nhau điểm này.

- Thế thì đó là ai? Tôi cười cười hỏi. Bây giờ tôi không còn phải lụy cô nàng nữa rồi mà đang nhìn vào sự phân vân của cô một cách đắc thắng.

- Làm sao tôi biết được? Chị không nói mà. Cô nàng có vẻ ấm ức nhẹ.

Mình thật không công bằng thẳng nếu không nói sự thật. Ngồi nói chuyện đối diện và rất say sưa mà ngoài cái tên ra không biết người ta là ai, làm gì, ở đâu. Mình còn hơi ác nữa. Nhưng cũng không muốn khẳng định nên tôi chỉ đùa đùa bảo: “Nếu đó chính là người mà chị đã gặp ở trong tác phẩm của tôi thì sao?”. Tôi xuống xe tạm biệt cô nàng với câu nói lửng lơ, mặc cho cô nghi hoặc.

Về đến nhà, định vùi một giấc, bù cho những ngày đi làm thiếu ngủ thì nhận được tin nhắn, cô nàng khẳng định là mình đã phán đoán đúng và tiếp tục bức xúc qua điện thoại, hẹn một hôm nào đó nói về đề tài này. Tôi bỏ máy, cười một mình.

Một ngày thú vị. Không phải là ngày thứ bảy ở châu Âu trong truyện mà ngày thứ bảy ngoài đời, ở Hà Nội.

Những con người thật bước ra từ tác phẩm. Và họ gặp nhau.

Hai con người đó, tôi yêu họ nhất
trong đám nguyên mẫu của mình. Họ đã gặp nhau.

Đôi khi tôi thấy thật ái ngại cho họ. Tôi sợ họ mỏi chân… vì họ cứ nhảy múa ở trong đầu tôi. Nhảy múa.

Hà Nội, ngày 30/9/2013

Truyện ngắn của
Mai Hương

Cái tên truyện “Ngày thứ bảy” - gợi lên một khung cảnh thư giãn, thậm chí lãng mạn, hoặc chí ít là một thứ tình tang éo le phức tạp để rồi kết thúc ngọt ngào. Nhưng sai hết. Nhân vật trong truyện gặp nhau, và bắt đầu một đời sống khác. Dù muốn hay không, đó là đời thực! Nhưng, đời thực có thực là thực?

Ngày thứ bảy ảnh 1

Thiên truyện này, bằng những thực tại khác nhau, diễn tả rất hay cái mà những người viết - thực - sự hay nghĩ đến, đó là đời sống nhân vật trong đầu tác giả. Ở đây, mọi thứ giống như những cái gương quay mặt vào nhau và tạo ra vô số phiên bản.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.