Ngày tỏa nắng

TP - 5 giờ sáng, nhà hàng xóm bịch bịch tiếng chân chạy. Ông con ngót nghét một tạ không chịu ra công viên cho có bạn có bè mà cứ nhất định chạy tại chỗ ở vuông sân nhỏ bằng manh chiếu. Thôi thế là tiến bộ rồi, chứ nó cứ ngủ trương mắt lên, phở chén đẫy hai bát rồi bồi thêm đôi trứng vịt lộn, xong xuôi đặt uỵch cái mông lên xe máy rồi phóng đến trường thì tạ rưỡi cứ mà thẳng tiến. 

Biết thế nhưng khổ nỗi khu tập thể bé bằng cái đáy giếng, tiếng huỳnh huỵch một tạ hẳn nhiên khó tiêu hóa hơn tiếng huỳnh huỵch của người năm mươi cân, nhất là vào cái lúc trời còn nửa sáng nửa tối, hai con mắt vẫn còn muốn đoàn tụ thêm chút nữa.  Bởi vậy mà thằng cu cháu vừa “chạy rốt đa” chưa được mươi phút y như rằng bà  hàng xóm mé bên trái của nhà con- một- tạ bị đánh thức ngoài ý muốn lập tức mở cửa nhảy xổ ra ngoài ban công rền rĩ:

“Thằng Trí béo kia, mày chạy nhỏ nhỏ cái cho cháu tao nó ngủ!”

Nhưng con – một – tạ không làm cách nào hạ bớt âm thanh của cái cơ thể nặng nề khi vừa rướn lên cao đã hối hả rơi xuống nền đất đánh huỵch. Thằng cu cháu bị nhắc nhiều quá, không muốn bỏ dở công cuộc thể thao rèn luyện sức khỏe, bớt cân giảm eo bèn đeo tai nghe vặn volume thật to – to đến mức đứng xa 2 mét còn thấy “em của ngày hôm qua ú ù u…”. Thế là tiếng rền rĩ từ ban công nhà hàng xóm cứ tan như là bóng bóng xà phòng nhé. Nhưng mọi sự chưa dừng ở đó, hàng xóm mé bên trái vẫn tiếp tục rền rĩ, chì chiết thành ra mẹ của con-một-tạ bèn xuất hiện trong vai trò người cứu hộ. Chân ai người ấy chạy nhá. Đúng quá còn gì. Người ta chạy nhà người ta nhá. Đúng quá còn gì. Có chạy trên đất nhà bà đâu. Đúng quá còn gì. Thế thì có gì mà phải ca thán. Chấm hết! Nhưng chấm hết là chấm hết thế nào. Cháu người ta còn bé, cả đêm quấy khóc. Đúng thế nhá. Mẹ mất ngủ, con mất ngủ. Giờ mới vừa chợp mắt đã bình bịch bình bịch thế thì bố ai mà chịu được. Làm gì thì cũng phải nghĩ đến hàng xóm láng giềng chứ. Ờ! Đúng quá còn gì!

Ngày tỏa nắng ảnh 1

Minh họa: Nguyễn Văn Hổ.

Màn bi hài kịch ấy, sáng nào bà Duyên cũng được thưởng thức. Vậy là thay bằng việc đặt đồng hồ báo thức, bà có “chuông chân”.

Bình bịch! Bình bịch!

Thằng Trí béo kia!

Bình bịch! Bình bịch!

Chân ai người ấy chạy nhé!

Bình bịch! Bình bịch!

“Kìa em của ngày hôm qua… ú ù u…”

Bình bịch! Bình bịch!

Chuông reo, vậy là bà nhổm dậy khỏi giường. Cửa sổ mở toang cho thoáng đãng. Cắm ấm nước nóng để hãm chè xanh. Quét lá ngoài sân. Tưới nước cho mấy chậu hoa ngoài ban công. Cũng chẳng cần vội. Nhà có mình bà, việc chỉ từng ấy. Rồi thì cũng xong hết mọi việc. Không xong lúc này thì cũng chẳng chết ai.

Nhưng một mình là một mình thế nào. Bà còn có cả con Lucky nữa. Nó sống ở cái nhà này với bà đã hơn chục năm. Chính xác là 12 năm ba tháng. Cái con chó đến là tình nghĩa. Bà còn chưa ăn thì nó nhất định không ăn. Bà ngồi đâu nó nằm đấy. Cứ tưởng là ngủ nhưng bà dợm đứng dậy là nó đứng phắt lên, sẵn sàng chờ lệnh chủ. Bà sai nó đi nhặt cho bà cái điều khiển tivi. Bà mắng nó như mắng con mà nó chỉ ngoe nguẩy cái đuôi. Bà sốt rên hừ hừ thì nó cuống lên, liếm láp chân bà an ủi. Khi thằng Kha con bà đòi ra ở riêng, muốn mang con Lucky đi theo, bà nhất định không chịu.

“Mày bỏ mẹ đi, mày còn muốn lôi cả con chó đi theo cho mẹ chết khô chết héo ở đây hả con?”

Thằng Kha im lặng.

Và đi.

Con Lucky ở lại với bà.

Bà ngồi đâu, nó nằm dài ngay bên cạnh, chờ đợi.

*

“Mẹ về đi! Mẹ về ngay đi! Con đang ở nhà mẹ đây này!”

Tiếng thằng Kha gào lên trong điện thoại. Bà Duyên thấy lạ. Bình thường giờ này thằng Kha còn chưa mở mắt ra được, nói gì việc bò sang thăm mẹ. Chưa kịp hỏi con có chuyện gì thì nó đã dập máy. Bà hối hả xách làn rỗng đi ra khỏi chợ, lòng không ngớt phân vân.

27 tuổi đầu, thằng Kha vẫn ương ổi và khó bảo như một đứa trẻ lên ba chỉ thích làm theo ý của mình. Nó lăn qua  ba trường đại học, nhưng chẳng trường nào học đến đầu đến đũa. Được cái bà Duyên không phải kiểu người nằng nặc bắt con phải dắt lưng bằng được tấm bằng đại học. Thôi thì nó thích học gì thì học, miễn sao nó thấy hứng thú. Học cái gì thì học, cốt có được cái nghề mà tự lập là mẹ yên tâm. Nhưng khổ nỗi, nay nó thích cái này, mai lại thích cái khác. Ai lại đổi trường như đổi quân bài. Và những ván bài của nó thì đều lửng lơ chẳng đâu vào đâu. Rồi nó đi chạy quán café. Rồi nó đi làm DJ. Rồi nó theo người ta làm biển quảng cáo. Rồi nó làm hướng dẫn viên du lịch. Cái gì nó cũng chỉ được một thời gian rồi chán, nằm khan ở nhà, đốt thuốc mịt mù. Chỉ như thế bà cũng chịu được. Đằng này nó còn thích tự lập theo kiểu “phân chia địa giới”: mẹ ở một nơi, con ở một nơi chứ lại không muốn mẹ con sớm tối quây quần. Vì vậy mà hai năm trước, nó nằng nặc đòi mẹ lấy lại căn tập thể cũ bố được cơ quan chia cho lúc còn sống để nó “được tự do” sống một mình. Bà Duyên đành phải chấp nhận nếu không muốn thằng con bỗng nhiên biến mất như chưa từng tồn tại. Bà không làm được cái việc quát tháo con, bảo rằng nó phải nghĩ kĩ đi, tiền thì chưa kiếm được đủ nuôi thân, nay có cái nhà cho thuê, mỗi tháng ít ra cũng được vài triệu thêm vào tiền rau dưa của hai mẹ con. Giờ không cho thuê nữa đương nhiên là mỗi tháng tiền sinh hoạt mẹ con bị lõm nặng. Mẹ già rồi, cố gì thì sức cũng có hạn. Thì thôi, bỏ qua chuyện tiền bạc nghe có mùi tính toán thực dụng. Chỉ cần nhìn nhà có hai mẹ con, mẹ già có thằng con trai mà nương tựa lúc xế chiều, nay nó đùng đùng đòi tự lập với chả tự do thì chẳng hóa là vô trách nhiệm à? Thằng con trai mà thế à. Bà không cần nó lo gì cho bà. Nó cứ việc tự do chứ ai ăn thịt nó đâu. Đằng này bà nào có cấm cản gì cái quyền tự do của con. Con chào bình minh lúc 11 giờ trưa mẹ cũng kệ. Con bật nhạc cả đêm ồn ào mẹ cũng coi như không nghe thấy gì. Con ôm điện thoại cả tiếng đồng hồ mẹ cũng chiều. Kể cả con có dẫn bạn gái về nhà thì mẹ vẫn chào đón cơ mà. Vậy thì nó còn muốn đi tìm tự do kiểu gì nữa đây trời?

Từ ngày ông qua đời, chưa bao giờ bà Duyên có mảy may ý nghĩ đi bước nữa. Mọi mối quan tâm, mọi sự chăm sóc của bà đều dồn cho thằng con. Làm sao bà ngơi mắt được khỏi nó đây. Cả năm trời nó nghỉ học ở nhà tóc không buồn cắt, râu không buồn cạo. Phòng nó khét mù và rắc đầy tàn thuốc  nhưng nhất định nó không cho bà dọn.  Bằng cách này hay cách khác, nó luôn đưa ra thông điệp cho bà biết là nó không cần sự chăm sóc của bà. Nó vẫn ổn và sẽ ổn. Bà cứ sống cuộc đời của mình đi. Ừ, đấy là cái lý của nó. Nhưng cuộc đời của người mẹ về hưu như bà thì có gì? Sáng ra hồ tập khí công dưỡng sinh? Rồi họp tổ phụ nữ? Rồi tham gia tổ dân phố vận động giữ gìn vệ sinh chung, rác tập trung đúng nơi quy định, không thả rông chó để phóng uế bừa bãi? Gì nữa nhỉ? À, nên tham gia câu lạc bộ khiêu vũ mặc dù bên ấy đàn ông thì hiếm đàn bà thì dư. Kệ, chân nữ nhảy chân nam cũng chẳng sao. Thế cho có hoạt động. Thỉnh thoảng còn giao lưu các câu lạc bộ khiêu vũ, nhạc nhẽo xập xình cha cha cha với cả chat bùm chat xình cho vui, đỡ phải lo nghĩ mệt người mà lại ngủ ngon hơn. Buổi tối thì đã có “Cô dâu 8 tuổi”. Cái phim ấy sao mà nhiều nước mắt, sao mà nhiều người khổ thế. Đúng là ở đâu cũng có người khổ. Nhưng bà Duyên chưa cho mình về hưu. Làm sao mà về hưu được. Bà còn bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu thứ phải lo. Đúng tuổi bà chấp hành nghỉ công tác nhà nước, nhưng do không đủ năm công tác, giấy tờ sổ sách linh tinh nên bà không có lương hưu. Người ta nghỉ hưu còn bà vẫn phải tiếp tục đôn đáo lo kiếm tiền để trang trải cuộc sống cho hai mẹ con. Không ai trả tiền lương cho mình thì tự xoay xở để tự trả lương cho mình. Dù không thể xông xênh bằng nhà người ta thì cũng phải đạm bạc dưa muối cá kho đủ bữa. Nhưng bà không than phiền, không trách móc, không dằn vặt. Cây có phận cây, người có phận người. Phận mình thế nào thì mình vui vẻ sống như vậy. Nên bà chẳng biết gì về Cô dâu 8 tuổi hay 9 tuổi. Bà chẳng biết chân nam chân nữ chat xình chát bùm. Bà chẳng hay biết phong trào facebook đã lan rộng cả đến U70 rồi. Ngày ngày bà vẫn xệch xệch cái xe máy chạy quanh phố. Bà biết trông trẻ, nấu cỗ khéo, bà lại có nghề đan len, có nghề thêu thùa … Thiếu gì việc để làm. Bà không cần ai thương hại.

“Làm sao mẹ để con Lucky ra nông nỗi này!”- Thằng Kha ngồi ủ rũ như tầu lá táp lửa cạnh con Lucky.

Trời ơi, con chó của bà, nó làm sao thế này? Dãi dớt nó nhễu ra. Bụng đổ ra sàn nhà bẹp dí. Hôm qua bà thấy nó hơi mệt, nấu cháo cho nó ăn, thấy nó vẫn liếm láp được chút ít nên bà chủ quan ngồi mải mê thêu nốt cái tay áo vest cho hàng may đầu phố.  Giờ quần áo có điểm cái hoa văn thêu tay đang được chuộng nên bà làm không hết việc. Sáng nay bà định chạy qua chợ mua tí rau cỏ rồi về ngay, ai dè con chó của bà thân tàn ma dại thế này.

“Mẹ bế con Lucky, con chở mẹ đưa nó đi khám!”

Thằng Kha nói như quát. Mà nó quát ai đây? Bà ư?

Bà nhìn thằng con tóc buộc vắt vẻo trên đỉnh đầu, cái trán dô tướng giống hệt bố nó. Bà đẻ ra nó thật nhưng thực ra đã bao giờ bà hiểu được nó không?

Nghe phi lý nhưng con Lucky có lẽ là sợi dây liên kết thân thiết duy nhất giữa bà và thằng Kha. Khi nó còn ở chung với bà, cả ngày nó nhốt mình trong phòng. Bà gọi nó xuống ăn cơm năm lần bẩy lượt nó chẳng buồn động tĩnh. Bà nhắc nó dọn phòng thì nó cáu kỉnh đóng sập cửa lại. Bà muốn chăm sóc con nhưng nó luôn khước từ. Bà bèn trông cậy vào con Lucky. Thằng Kha yêu con chó nên cửa thì nó khóa không cho mẹ vào nhưng vẫn khoét lỗ cửa vừa đủ để con Lucky chui vào được. Nó càu cạu khi nói chuyện với mẹ nhưng lại tươi tỉnh mặt mũi khi chơi với con Lucky. Vậy là Lucky thành sứ giả của bà.

“Lên gọi anh xuống ăn cơm!”

“Tha quần áo bẩn của anh xuống đây!”

“Mang hộp sữa này lên cho anh uống”

Không mang con Lucky đi tìm cuộc sống “tự do” được thì thi thoảng thằng Kha còn về đây. Nó hỏi han thăm mẹ thì ít mà vồ vập cưng nựng con Lucky thì nhiều. Rốt cuộc nếu không có con Lucky thì liệu nó còn nhớ đến bà mà tìm về không. Hả con?

Con Lucky bị ngộ độc cấp độ trung bình và chảy máu dạ dày. Nghe bác sĩ thú y thông báo mà bà không tin vào tai mình. Cả ngày con chó chỉ ở bên cạnh bà, bà ăn gì nó ăn nấy, làm sao nó lại bị  như vậy? Bà không dám nhìn con chó. Bà không dám nhìn thằng Kha. Bà đã làm sai điều gì ư?

Hai mẹ con đưa con chó về đến nhà thì bà cũng thấy hoa mắt chóng mặt, toàn thân mệt rũ như miếng chanh bị vắt hết nước. Bà vào giường nằm. Bà kệ thằng Kha với con Lucky. Bà sợ ánh mắt trách cứ của nó. Thôi thì nếu nó muốn nó cứ mang con chó theo. Dù còn lại có một mình, bà vẫn sẽ thu xếp cuộc đời mình ổn thỏa ở khu tập thể nhỏ như đáy giếng này. Cuối năm cưới xin nhiều, khu tập thể  còn nhiều cỗ phải nấu. Xôi bà đồ ai ăn cũng tấm tắc. Chân giò hầm với hạt sen của bà ăn một lần là khó quên. Lớp mẫu giáo  gần đấy đang muốn mời bà về phụ trách bếp ăn cho các cháu. Hàng may đầu phố nhất định không cho bà thôi việc. Bà chưa thể về hưu. Bà không thể sáng chiều dắt chó ra công viên dạo. Mắt bà kém dần, bà không thể bắt hết rận cho con Lucky được. Thôi thì anh em nó về ở với nhau. Biết đâu thằng con bà cũng có lúc thấy cô đơn, có con Lucky ở bên sẽ đỡ chống chếnh hơn? Chúng mày cứ đi đi.

Bà thiếp đi trong ngổn ngang mộng mị.

*

Bình bịch! Bình bịch!

Thằng Trí béo kia!

Bình bịch! Bình bịch!

Chân ai người ấy chạy nhé!

Bình bịch! Bình bịch!

“Kìa em của ngày hôm qua… ú ù u…”

Bình bịch! Bình bịch!

“Chuông chân” của bà Duyên đã đổ. Bà cố gượng ngồi dậy, đầu chống chếnh. Bà sẽ phải đun ấm nước này. Quét lá ngoài sân này. Tưới nước cho mấy chậu hoa này. Thành phố dạo này ồn ào quá thể. Cái khu tập thể bà ở chỉ nhỏ như lòng giếng, nằm sau tút hút trong ngõ thế mà vẫn inh ỏi tiếng còi xe từ ngoài phố vọng lại. Có hôm xe cấp cứu réo rắt chạy ngoài đường mà bà cứ thon thót tưởng nhà hàng xóm có chuyện gì. Mọi sự ồn ào rồi thì cũng phải cố mà quen. Đất chật người đông, thành phố như cục nam châm khổng lồ hút người tứ xứ tìm đến. Chỉ có thằng con bà là muốn tìm đến một thế giới khác. Thế giới ấy không có sự tồn tại của bà.

Bà Duyên không nghĩ nữa. Nghĩ thì cũng đến thế thôi. Bà còn phải đun ấm nước. Bà phải quét lá rụng. Cuộc sống của bà vốn cũ kĩ, nhàm tẻ như thế. Chẳng sao cả.

Bà nghe thấy có tiếng con Lucky ư ử. Sao lại như thế được. Chẳng phải nó đã đi với thằng Kha rồi hay sao? Bà nhìn xuống đất. Con Lucky thật! Nó chui vào nhà từ lúc nào?

“Anh con đâu? Sao con lại bỏ anh Kha? Thôi về với anh đi!”

Bà ngồi xuống, ôm lấy con chó. Không muốn khóc mà nước mắt ứa ra. Trước mắt bà, thằng Kha đang nằm vắt dài trên ghế sopha. Nước miếng nó nhễu ra bên khóe miệng hệt như lúc còn nhỏ. Bà nhớ, ngày bà sinh nó, nắng sao mà nắng. Hai bảy năm trôi qua, nó vẫn là ánh nắng chiếu xuống cuộc đời bà. Bà lẳng lặng lấy chăn đắp lên người cho con…

Ngày tỏa nắng ảnh 2Một khối bi kịch được Phong Điệp bóc dần, bóc dần từng lớp vỏ. Câu chuyện như đọng lại ở con chó mang cái tên Lucky. Con chó như một sợi dây trớ trêu nối liền người mẹ và cậu con trai lêu lổng theo kiểu thời đại mới. Nhưng rồi, người đọc nhận ra con chó cũng chỉ là một lớp vỏ. Cái lõi cuối cùng, dường như chỉ là một chữ Tình Mẹ.

Phong Điệp là nhà văn chuyên nghiệp theo đúng nghĩa của từ này. Chị đang có những bước dài trong sáng tạo.

          L.A.H

MỚI - NÓNG