Nghệ An: “Bán vàng” vào ngõ hẻm

Nghệ An: “Bán vàng” vào ngõ hẻm
Người xưa có câu “trung thư hữu kim” (trong sách có vàng). Sách quý như thế, nhưng nghề bán và cho thuê sách ở TP Vinh, một đất học lại đang ngày càng lụn bại.
Nghệ An: “Bán vàng” vào ngõ hẻm ảnh 1
Vẫn còn một vài bạn trẻ say mê đọc sách (ảnh chụp tại một hiệu cho thuê sách cũ trong hẻm nhỏ ở TP Vinh)

Cách đây mấy năm, lúc rỗi rãi thả chân trên phố, tôi lại tạt vào mấy quán sách cũ. Nhưng bây giờ đi khắp thành phố cả buổi cũng chỉ tìm được dăm bảy hiệu.

Chị Hạ bán nước chè xanh bên cổng trường ĐH Vinh cho biết: “Dạo trước ở đây có mấy ki ốt cho thuê sách giáo khoa nhưng bây giờ đều đóng cửa, số sách ấy đã được thanh lý, số còn lại cuốn thì bán đồng nát, cuốn được mang ra đầu đường xó chợ cho các bà bán hàng vặt gói đồ”.

Chúng tôi gặp một số ông bà chủ từng làm nghề cho thuê sách giáo khoa thì ai cũng thè lưỡi lắc đầu, ngán ngẩm. Họ nhận xét giới trẻ hiện nay khi nói đến sách vở là trề môi.

Điều này cũng dễ hiểu, vì hiện nay từ thành phố cho đến nông thôn, nơi nào cũng nổi lên dịch vụ Trò chơi điện tử, Internet, Chat, Bi da… nên hầu hết các em học sinh kể cả sinh viên đều thích thư giãn bằng những thứ đó, để rồi các quyển sách quý giá kia suốt ngày nằm im trên giá của các cửa hiệu.

Có một giảng viên khoa Ngữ văn (ĐH Vinh), một lần vào hiệu sách trên đường Trần Phú cứ lật đi lật lại quyển tiểu thuyết Vichto Huygô mà xuýt xoa: “Giá mà sách biết nói… thì nó cũng phải khóc”.

Theo lời kể của cô nhân viên bán hàng, những cuốn sách ấy đã nằm im trên giá suốt 3 năm nay mà chưa có ai mua. Sách mới đã thế, sách cho thuê còn bi đát hơn nhiều.

Hiện nay, kinh doanh theo kiểu cho thiên hạ thuê sách đọc thì lời lãi không đủ tiền uống nước trà đá. Trong khi đó cũng trên một diện tích, cũng bám mặt đường, nếu kinh doanh loại hàng hóa khác thì chắc chắn thu nhập khấm khá hơn nhiều.

Từ những nguyên nhân ấy, các quầy hàng cho thuê sách ở trục đường chính của thành phố Vinh cứ dần chuyển vào nằm im trong các ngõ hẻm và ngày càng vắng khách.

Nghệ An: “Bán vàng” vào ngõ hẻm ảnh 2
Những quầy cho thuê sách thường đìu hiu, vắng vẻ

Tại khu chung cư cao tầng phố Quang Trung (TP Vinh), có một cặp vợ chồng ông giáo già đã về hưu mở quầy sách cho thuê để khuây khỏa tuổi già. Giá cho thuê sách quá rẻ mạt, chỉ 500 - 1.000 đồng/quyển/ngày. Nhưng có ngày vợ chồng ông giáo già không thu được một đồng xu nào vì không có ai đến thuê sách đọc.

Có ngày buồn quá, ông bà phải nấu nồi nước chè chát đặc quánh để thấy ai quen thì gọi vào xem sách cho vui cửa vui nhà. Có người mượn sách mang về đọc vợ chồng ông không lấy tiền.

Hiện nay ở thành phố Vinh chỉ còn mấy hiệu sách cũ ở đường Nguyễn Văn Cừ còn có khách, nhưng cũng ít. Dọc tuyến đường này sách cũ nằm phơi như ngả rạ, các bạn trẻ vào cũng chỉ đảo qua, đảo lại để xem là chính.

Chị Hoàn Tích - Chủ hiệu sách cho thuê - kể: Suốt tuyến đường duy chỉ có gia đình chị là vừa cho thuê nhưng đồng thời cũng vừa bán với giá giảm từ 10 - 40%. May chăng hiệu sách của chị còn nhiều người lui tới là nhờ nằm gần trường 2 THPT chuyên Phan Bội Châu và trường Huỳnh Thúc Kháng.

Chị Tích còn cho biết thêm: Nhiều em học sinh trường chuyên Phan Bội Châu nhận được học bổng là ra đặt cọc tiền trước để mượn sách về đọc, còn chủ quán cứ việc trừ dần. Cho thuê sách, bán sách như cửa hàng chị Hoàn Tích hiện nay rất ít. Thế nhưng gia đình chị may lắm cũng chỉ kiếm được từ 20.000 - 50.000 đồng/ngày mà thôi. Nếu so sánh với một số cửa hàng kinh doanh vật dụng khác bên cạnh ki ốt của chị thì chưa thấm vào đâu.

Rời quầy hàng sách chị Hoàn Tích, tôi lòng vòng thêm mấy con hẻm phía sau trường ĐH Vinh, đường Herman, Hà Huy Tập, Bến Thủy, Phong Đình Cảng… nơi ngày xưa cũng có các hiệu sách cũ bây giờ thay vào đó toàn là quán rượu, quán bia, nhà hàng…

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.