Nghệ nhân dân gian: Phong tặng sớm, ưu đãi muộn!

Nghệ nhân dân gian: Phong tặng sớm, ưu đãi muộn!
TP - Đến nay Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDG VN) phong tặng được 180 vị nghệ nhân. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân chưa thỏa đáng, trong khi họ đều đã quá tuổi xưa nay hiếm.

Tại Đại hội toàn quốc Hội VNDG nhiệm kì 2010-2015 vừa kết thúc hôm 12-5, GS Tô Ngọc Thanh-Chủ tịch Hội bày tỏ, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục “săn tìm” các báu vật nhân văn sống (theo cách gọi của UNESCO) ở mọi lĩnh vực của văn hóa dân gian.

Nghệ nhân dân gian: Phong tặng sớm, ưu đãi muộn! ảnh 1
Nghệ nhân quan họ truyền nghề

Người giữ lửa

Tổ chức UNESCO phong tặng danh hiệu cho những con người quy tụ vốn liếng và tài năng sáng tạo của cộng đồng về một hay một vài lĩnh vực nào đó của văn hóa - là Báu vật nhân văn sống (Living Human Treasures).

Còn Việt Nam vẫn quen gọi quí vị này là Nghệ nhân. Nhiều thành viên của CLB Ca trù thôn Chanh đều đã bước qua tuổi 80 như nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn, nghệ nhân Nguyễn Văn Vằng... nhưng ngọn lửa của lòng nhiệt tình, của đam mê giữ nghề vẫn thôi thúc họ miệt mài truyền dạy cho lớp cháu con. Chính “ngọn lửa” này đã đưa họ vượt lên tất thảy những danh lợi vật chất, bệnh tật và tuổi già.

Từ năm 2001, có 6 nghệ nhân quan họ đặc biệt xuất sắc được Cục Di sản văn hóa tặng danh hiệu Báu vật nhân văn sống.

Đó là các cụ Nguyễn Thị Khướu (103 tuổi) ở Ngang Nội - Tiên Du; cụ Nguyễn Văn Thị (97 tuổi); cụ Ngô Thị Nhi (81 tuổi) đều ở làng Diềm (làng Thủy tổ quan họ), xã Hòa Long, Yên Phong; cụ Vũ Thị Chịch (84 tuổi) ở Y Na, thị xã Bắc Ninh; cụ Nguyễn Thị Bé (84 tuổi) ở Đào Xá, Yên Phong và cụ Nguyễn Thị Nguyên (79 tuổi) ở Võ Cường, thị xã Bắc Ninh.

Nối tiếp, năm 2003, Bắc Ninh tiếp tục có 25 nghệ nhân được công nhận Báu vật nhân văn sống. Nhưng đớn đau thay, cái ngày mà UNESCO công nhận quan họ là Di sản văn hóa của nhân loại (1-10-2009), 6 nghệ nhân tiêu biểu, thì chỉ còn hai cụ là cụ Nhi và cụ Nguyên.

25 nghệ nhân được ghi nhận năm 2003 bây giờ cũng vắng đi 10 cụ. Rồi cũng trong lần đầu tiên Festival Bắc Ninh được tổ chức, vừa tháng trước, tỉnh này đi đầu cả nước khi phong tặng nghệ nhân cấp tỉnh cho 40 người.

Đối đãi sao?

Một trong những biện pháp quan trọng để giữ gìn bảo tồn di sản mà Bộ VH-TT&DL đưa ra ngay sau khi ca trù và quan họ được UNESCO ghi danh, là chính sách hỗ trợ nghệ nhân.

Theo bà Lê Thị Minh Lý - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, để triển khai hỗ trợ đời sống cho nghệ nhân, việc đầu tiên là phải có một nghị định về hỗ trợ nghệ nhân văn hóa phi vật thể. Nhưng theo lộ trình, phải đến quý II năm 2010 dự thảo nghị định mới hoàn tất và trình Chính phủ. Nếu xuôi chèo mát mái thì chắc cũng phải vài năm nữa chúng ta mới có một khung chuẩn cho việc hỗ trợ nghệ nhân.

Như thế có nghĩa, để có một chính sách hỗ trợ, các báu vật vẫn phải đợi một thời gian dài nữa.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Văn nghệ dân gian nhiệm kì 2010-2015, vừa kết thúc hôm 12-5, GS Tô Ngọc Thanh-Chủ tịch Hội bày tỏ, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục “săn tìm” các báu vật nhân văn sống ở mọi lĩnh vực của văn hóa dân gian.

Những Báu vật nhân văn sống đã ngày một già yếu, mà hình ảnh Nghệ nhân- kép đàn Nguyễn Văn Khoái sau 30 phút biểu diễn trong đêm tôn vinh di sản ca trù, sau khi loại hình này được UNESCO công nhận, đã không thể tự mình đứng lên, là một ví dụ điển hình.
MỚI - NÓNG