Nghệ sĩ Bạch Tuyết - Tiến sĩ cải lương đầu tiên

Nghệ sĩ Bạch Tuyết - Tiến sĩ cải lương đầu tiên
16 tuổi, NSƯT Bạch Tuyết bước chân vào cải lương một cách tình cờ trong khi cả dòng họ không ai đi theo con đường nghệ thuật. Cải lương trao cho cô tình yêu và sức sống và đến giờ cô là nữ tiến sĩ đầu tiên của nghệ thuật cải lương.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết - Tiến sĩ cải lương đầu tiên ảnh 1
Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Tuyết

Gắn bó với cải lương ngót 45 năm, NSƯT Bạch Tuyết đã tham gia trên 400 vở diễn, Bạch Tuyết thành công với các nhân vật có số phận éo le, ngang trái trong xã hội cũ như gái bar, gái nhảy, gái mại dâm...

Vào những năm 1960, những vai chính của các vở tuồng kinh điển lần lượt đưa Bạch Tuyết lên ngôi vị "Cải lương Chi bảo" như Lá thắm chỉ hồng, Tần Nương Thất, Trăng Thề vườn Thuý, Mùa thu lá bay...

Đó là câu chuyện đời sống của những Lê Thị Trường An (Tuyệt tình ca), Diệu (Nửa đời hương phấn), Tần (Nỗi buồn con gái), Thanh (Thảm kịch tuổi xanh)...

Cho đến thập niên 1970 - 1980, Bạch Tuyết lại được giới hâm mộ cải lương gắn tên mình cùng Thái hậu Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga, cô Lựu, cô The hay Thúy Kiều.

Cô còn làm công việc sáng tác kịch bản, đạo diễn được khán giả đón nhận với bút danh Nguyễn Thị Khánh An với hàng trăm bài vọng cổ, tân cổ giao duyên. Bạch Tuyết như một dòng sông thao thức để làm mới chính mình.

Trôi theo dòng sông đó người ta nhận thấy rằng sự xuất hiện của cô trên sân khấu không ồn ã, khá hiếm hoi nhưng một khi đã xuất hiện là phải thật ấn tượng.

Bạch Tuyết có những khoảng thời gian ngừng nghỉ trong cuộc đời ca hát của mình như là để gom góp, tìm tòi, khám phá, tiếp tục dồn sức cho  những bước đi dài kế tiếp. Cô luôn tự nâng cao hiểu biết của mình bằng thái độ không ngừng học hỏi.

Bước vào giảng đường đại học lúc đã 40 tuổi, Bạch Tuyết có được bằng Cử nhân Ngữ văn. Năm 1988, cô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, cũng năm này cô tốt nghiệp khoa đạo diễn ở Viện hàn lâm Sân khấu và Điện ảnh tại Sofia - Bulgaria.

Về nước, Bạch Tuyết tiếp tục phấn đấu không ngừng để bảy năm sau, cô bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài "Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á" với điều kiện sinh hoạt hiện đại của khán giả ở thế kỷ 21.

Là tiến sĩ đầu tiên của nghệ thuật cải lương, cùng lúc tiếp cận với tư tưởng và tầm nhìn nghệ thuật hiện đại của nước ngoài, NSƯT Bạch Tuyết cũng đã làm một cuộc khai phá đầy ấn tượng vào mảng sân khấu thể nghiệm vào những năm 1990 với vai trò độc diễn trong vở Hoàng hậu hai vua và mới đây là vở Trần Nhân Tông năm 2006.

Mang một trái tim nghệ sĩ nhưng cô lại tự nhận là một người không biết đùa. NSƯT Bạch Tuyết luôn có một thái độ làm việc hết sức nghiêm túc, một lối sống khắt khe với chính mình, luôn có ý thức cầu tiến và lúc nào cũng muốn tự hoàn thiện bản thân mình.

Ở mỗi tác phẩm có sự tham gia của cô, người xem đều cảm nhận được trong đó một sự đầu tư công phu và vượt bậc về phong cách sáng tạo.

Khi nhận kịch bản Dương Vân Nga, Bạch Tuyết  đã lặn lội ra Bắc mấy lần để nghiên cứu những chi tiết lịch sử liên quan đến Thái hậu Dương Vân Nga, cả những lời kể trong dân gian cũng được cô góp nhặt để tái hiện một nét tính cách rất riêng và rất "thật" của Thái hậu trên sân khấu cải lương.

Bạch Tuyết và đạo diễn Chi Lăng còn lắng nghe âm nhạc của vùng đất Hoa Lư để thiết kế lại toàn bộ âm nhạc của vở. Và cô tỉ mỉ nhìn từng hoa văn khắc trong đền thời vua Đinh - vua Lê chăm chút vẽ ra bộ trang phục cho chính mình. Bộ trang phục ấy cũng đã góp phần làm nên một Dương Vân Nga tuyệt diệu trên sân khấu.

"Ta đứng đây đã thấy ngã ba sông
Chảy trong óc, trong tim, trong trang sử Tiên Rồng
Thuyền xã tắc phân vân bề tiến thoái
Đất nước hỏi ai xứng là gạch nối
Để gắn liền hãnh diện giữa xưa - sau..."

Những lời thoại ấy đã được NSƯT Bạch Tuyết đọc lên nghe bồi hồi, thổn thức một ngọn lửa tự hào dân tộc trong cả trái tim người diễn và người thưởng thức. Bằng một cách diễn và cách nhìn nhận thật đặc biệt và rất Bạch Tuyết, cô làm dậy sóng và cuồn cuộn cảm xúc tận nơi sâu thẳm tâm hồn người xem.     

NSƯT Bạch Tuyết luôn dạt dào tìm  về với những tình tự của xứ sở, quê hương. Đêm tự tình quê hương diễn ra vào tháng 10/2006 tại Nhà hát lớn TP.HCM là một liveshow cải lương vào hàng "cháy vé".

Khán giả đã được chứng kiến những giọng ca vượt thời gian với Lý Chiêu Hoàng, Đời Cô Lựu, Dương Vân Nga và Kim Kiều Vân...

Đối với NSƯT Bạch Tuyết, cải lương vốn không khoa trương và rườm rà như nhiều người lầm tưởng. Cải lương đẹp ở chỗ luôn vươn tới những gì bình dị nhất.

Và thật ra sân khấu cải lương vẫn đang thao thức kiếm tìm những kịch bản hay, đòi hỏi một đội ngũ những người làm nghề chuyên nghiệp, một sân khấu chính quy hiện đại và được tiếp thị một cách linh hoạt.

Vẫn nhiều ý kiến xoay quanh vở cải lương thể nghiệm Trần Nhân Tông nhưng theo Bạch Tuyết, những thành công đã có không phải là thứ để cô mãi ngoảnh lại ngắm nhìn, nghệ thuật vốn không dừng lại, sự sáng tạo không có đường biên của nó, vậy thì tại sao không thử chấm phá, nhấn nhá thêm vài điểm để cuộc sống và lịch sử thêm tươi xanh trong lòng công chúng.

Không ngừng vươn lên để đạt thấu hai chữ thành danh, NSƯT Bạch Tuyết vẫn luôn thấy mình bé nhỏ trong việc học, nhất là học về nghề và về đạo Phật. Và cô lúc nào cũng bận rộn với cải lương theo cách mà cô đã sống suốt mấy mươi năm qua.

"Sự nổi tiếng âu cũng chỉ là tình cờ số phận..."

Nhìn lại quãng đời đã qua, NSƯT Bạch Tuyết chỉ nói một câu nhẹ tênh vậy thôi mà nghe nặng trĩu bao nỗi niềm. Cô đã phải cố gắng hết sức mình cho những gì cải lương đang  nâng niu ngày hôm nay. Chứ đâu chỉ là số phận tình cờ.

Theo Phương Uyên
VTV

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.