Nghệ sĩ Lệ Ngọc và cuộc đi tìm khán giả...

Nghệ sĩ Lệ Ngọc và cuộc đi tìm khán giả...
(TPO) Không chỉ thành danh trong vai trò diễn viên, nghệ sĩ Lệ Ngọc - với vai trò Phó trưởng đoàn biểu diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam - còn “gánh thêm” công tác tổ chức và quản lý biểu diễn,.

Tôi gặp Lệ Ngọc ngay sau đêm diễn Vòng đời của Nhà hát kịch Hà Nội 1/8/2005, trong không khí phấn khích của một đêm diễn xuất thần. Thường những đêm thăng hoa như thế này, dân trong nghề chẳng bao giờ vội rời nhà hát về nhà, bởi còn lưu luyến chúc mừng, hân hoan chia sẻ với nhau niềm vui của sự thành công...

Đây là đêm diễn thứ hai của Liên hoan sân khấu “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân 2005”, với lịch diễn 19 vở của các loại hình: kịch nói,  chèo, dân ca kịch, cải lương..., đang diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, từ đêm 31/7 đến 10/8/2005.

Cùng các gương mặt trẻ của Nhà hát Tuổi trẻ, các bạn bè, các nhà báo..., Lệ Ngọc cũng tíu tít “bao vây” chúc mừng đạo diễn Xuân Huyền và tác giả Hữu Ước. Lây lan bầu không khí vui vẻ, thân mật, ấm cúng sau một buổi diễn thăng hoa, tôi và vợ chồng đạo diễn Đình Quang, NSƯT Hoàng Cúc, là những uỷ viên trong Ban giám khảo Liên hoan này, cũng dừng lại tay bắt mặt mừng...

Một lúc sau, thấy Lệ Ngọc kéo được cả Hữu Ước lẫn Xuân Huyền ra một chỗ sôi nổi chuyện trò. Hỏi, Ngọc không giấu diếm, bảo: "Xem đêm nay em thích quá, đang tính xin nhà văn Hữu Ước vở mới viết Tiếng chuông chùa, rồi mời đạo diễn Xuân Huyền dựng luôn. Cặp tác giả - đạo diễn này đang hút khách. Mà Nhà hát Kịch của em, bằng mọi giá, phải cố mà đỏ đèn, chị ạ. Không có khán giả, sân khấu buồn lắm!"

Vốn quan tâm đến số phận long đong của Nhà hát Kịch “anh cả Đỏ”, trong mấy năm gần đây cũng vẫn chưa ra khỏi tình trạng khủng hoảng ngưòi xem, tôi hỏi ngay: "Vậy cặp bài trùng ấy có nhận lời không?", Ngọc ưu tư: "Chưa chị ạ, vì đã có Nhà hát khác xin trước rồi. Ngay trong chương trình Liên hoan này, Trường Cao đẳng Sân khấu & Điện ảnh TP HCM cũng tham gia vở diễn này đấy chị ạ. Em sẽ cố gắng hết sức để thuyết phục lần nữa vậy".

Thì ra, từ gần 2 năm nay, do quá ưu tư về hiện trạng sân khấu Nhà hát Kịch VN và nói chung, sân khấu Thủ đô thưa vắng người xem, nên, Lệ Ngọc với vai trò Phó trưởng đoàn biểu diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam đã “ gánh thêm” công tác tổ chức và quản lý biểu diễn, đặng vực dậy một khâu yếu nhất trong dây chuyền sản xuất nghệ thuật của Nhà hát Kịch VN, đó là công tác tiếp thị người xem, nhằm lôi kéo người xem trở lại với thương hiệu Nhà hát Kịch VN một thời lừng lẫy.

Quen biết rộng, quảng giao, được tiếng là mát tay, khéo thuyết phục trong ký hợp đồng biểu diễn, bắt đầu từ mùa thu năm ngoái 2004, Lệ Ngọc đôn đáo ngược xuôi lo tìm kịch bản mới cho Nhà hát, lo dựng lại những vở diễn từng ăn khách trong kịch mục cũ của Nhà hát, lo xây dựng kế hoạch biểu diễn hàng năm cho cả một dàn diễn viên hàng dăm chục người của Nhà hát, lo đi tìm những người xem đã mất của Nhà hát Kịch Việt Nam...

Kết quả sau hơn một năm cố gắng, Nhà hát Kịch VN đã dựng lại, làm mới được một số vở cũ, tiêu biểu là vở Chia tay hoàng hôn, Bến mê; rồi chùm hài kịch Chuyện vặt. Gần đây nhất là vở Trên cả trời xanh...

Hơn 200 buổi biểu diễn trong thời gian hơn một năm, con số không lớn, nhưng rất có ý nghĩa đối với sự sống của một nhà hát quốc gia. Trước kia, một đêm diễn của diễn viên Nhà hát Kịch VN chỉ bình quân cao nhất khoảng 60.000 đồng, nay đã tăng lên khoảng trên dưới 200.000 đồng.

Nghệ sĩ Lệ Ngọc và cuộc đi tìm khán giả... ảnh 1
Nghệ sĩ Lệ Ngọc

Lệ Ngọc cũng hiểu rằng, số tiền thù lao của một vai chính này, so với diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ chẳng hạn là không cao, và càng không cao so với diễn viên của các đoàn hát “xã hội hoá” của TPHCM; nhưng rõ ràng, so với chính Nhà hát Kịch Việt Nam, thì đã là một bước đổi mới đáng kể.

Đi tìm khán giả cho nhà hát của mình, nhưng Lệ Ngọc cũng không quên kiếm tìm cho mình những vai diễn mới và ngôn ngữ mới trong diễn đạt nhân vật trên sân khấu. Biết mình không còn trẻ và cũng biết phải nói “không” với những lời mời vào vai thiếu nữ, Lệ Ngọc đã rất chịu khó vào vai những nhân vật thiếu phụ tuổi bốn mươi, cả những vai bà già, là loại vai mà các diễn viên kịch thường chỉ chịu đóng khi đã... già thật.

Vai bà già quê mùa, thô mộc, chất phác, người miền núi, rất hồn nhiên, chân thành đã được Lệ Ngọc thể hiện  duyên dáng trong vở Trăng soi sân nhỏ. Vở diễn này đã được giải thưởng trong Liên hoan vở diễn của các nữ đạo diễn châu Á tại Ấn Độ trung tuần tháng 1/2003.

Vai của Lệ Ngọc được thể hiện theo phong cách hài hước của riêng chị, đã chiếm được nhiều cảm tình của người xem Ấn Độ.Từng diễn theo phong cách hài như thế, Lệ Ngọc cũng thành công trong mấy vai khác nhau của Chuyện vặt.

Tâm sự với chuyên mục Nhân vật trên báo Màn ảnh và Sân khấu, Lệ Ngọc tự nhận xét (và có thể đó cũng là nhận xét của nhiều người), rằng: tạng diễn viên như chị “có vẻ thích hợp nhất với những vai phản diện, có tính cách và số phận“. Vì vậy, Ngọc thấy rất ưng ý với 2 vai diễn gần đây nhất của mình: bà Thêm trong Chia tay hoàng hôn (mới dựng lại đầu năm nay) và bà Xuyến trong Bến mê (ra mắt khán giả từ giữa năm 2004).

Quả là Ngọc cũng đã có ngôn ngữ riêng để thể hiện 2 vai kịch trái ngược nhau về tính cách: một nhân vật bà Thêm là người đàn bà ít học, buôn bán nhỏ, không sánh được với mưu mô thủ đoạn ghê gớm một cách có học như nhân vật bà Xuyến.

Là diễn viên chăm chỉ, cẩn thận, Ngọc thường đọc kỹ kịch bản để tìm ra nhiều chi tiết diễn cho nhân vật sinh động. Trên sàn tập, Ngọc thường mang bên người một máy ghi âm, ghi lại cách thoại lời của chính mình, để lọc ra cách thoại lời đạt nhất và lấy đó làm chuẩn phát âm cho nhân vật mình sắm vai.

Chỉ tiếc rằng trong tình hình vắng khách chung của sân khấu thủ đô, do không được diễn hằng đêm, do quá thiếu những kịch bản hay, nên những vai diễn của Lệ Ngọc cũng như các vai diễn khác của dàn diễn viên Nhà hát Kịch VN gần đây không gây được ấn tượng mạnh cho người xem.

Vả lại, theo nhận xét của một số đạo diễn, có thể do bản thân “rất thích một cách diễn mạnh mẽ và phá cách” mà Lệ Ngọc có một lối diễn có vẻ hơi... thiên về hình thể.

Tuy nhiên, cũng theo tâm sự của Ngọc, sắp tới, chị sẽ cố gắng khắc phục nhược điểm này và sẽ cố gắng nói không với những vai kịch trẻ, đẹp (nếu được mời, tất nhiên), để dành những vai đó cho dàn diễn viên trẻ của Nhà hát Kịch Việt Nam, và sẽ dành nhiều thời gian, sức lực cho việc kéo khán giả trở lại với Nhà hát Kịch cái đã, còn vai kịch thì... "em xin chỉ đóng những vai hợp với cái tạng riêng của em mà thôi".

Nghĩ được và làm được như thế trong tình hình hiện tại của Nhà hát Kịch VN đã là một đóng góp có ý nghĩa của Lệ Ngọc cho Nhà hát kịch VN, nơi mà Ngọc đã gắn bó 26 năm nay...

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.