Nghệ sĩ ưu tú Anh Dũng: Còn mãi những vai diễn để đời

NSƯT Nguyễn Anh Dũng.
NSƯT Nguyễn Anh Dũng.
Con người đến khi từ bỏ cõi tạm để sang cái thế giới vĩnh hằng, những người thân lại xót xa, nghẹn ngào, và đặc biệt hơn nếu người đó là một nghệ sĩ có những vai diễn để đời nằm lòng trong công chúng. NSƯT Nguyễn Anh Dũng là một người như thế.

Giữa cái nóng hầm hập như thiêu như đốt trưa ngày 1/5, NSND Lan Hương đang lễ Mẫu trong đền Thượng tỉnh Tuyên Quang, chị nhận được điện thoại của chồng, đạo diễn NSƯT Tất Bình thông báo: "Em ơi, Dũng qua đời rồi, vừa mất sáng hôm qua…". Nghe tin dữ xong, chị thẫn thờ nhìn chúng tôi: "Thôi, thế là anh Dũng đã đi rồi". Chúng tôi còn đang ngơ ngác chưa hiểu, thì chị bảo: "Anh Dũng chồng Phương Thanh ấy".

Một lúc sau, định thần lại, chị điện thoại cho đạo diễn Tú Mai, chị gái của người quá cố chia buồn. Chuyện anh bị tai biến nằm viện hơn tháng nay những bạn diễn trong nghề không ai không biết, nhưng dẫu sao, cái tin vẫn rất đột ngột vì anh lại ra đi nhanh thế. Cách đây vừa tròn 6 năm, đầu xuân năm 2009, người vợ của anh, NSƯT Phương Thanh  mất trong một cơn tai biến, chị ra đi khi chưa đến tuổi 53. Tin Phương Thanh mất lúc đấy gây sốc cho nhiều người vì hằng ngày chị vẫn khỏe mạnh, chuyện trò vui vẻ, và chị cũng là người đầu tiên của khóa học lớp diễn viên ưu tú và xuất sắc ấy như Minh Châu, Thanh Quý, Diệu Thuần, Minh Digan, Hà Êva, Nguyễn Đình Thân, Bùi Bài Bình… ra đi. 

Để rồi 6 năm sau, vào đúng cái ngày 30/4, cả thiên hạ náo nức đi nghỉ lễ thì anh lẻ loi, cô đơn trong một căn phòng tại bệnh viện mà trước đó vợ anh cũng nằm tại căn phòng này và từ giã cõi đời. Đạo diễn, diễn viên Nguyễn Anh Dũng ra đi vào tuổi 64. Cả hai vợ chồng đều bị căn bệnh tai biến mạch máu cướp đi sự sống.

Cái chết đột ngột, không báo trước của anh khiến cho mọi người nhớ lại năm 2009 là một năm đầy bi thương và tang tóc cứ liên tiếp đổ lên anh. Đó là một năm sóng gió dữ dội nhất làm thay đổi cuộc đời, số phận của anh, mà không ai không nhớ, đó là đầu năm người vợ yêu quý của anh, nghệ sĩ Phương Thanh qua đời, chưa đầy tháng sau mẹ ruột của anh cũng ra đi. Cả một năm lao đao, lận đận với đủ đơn thư kiện tụng, điều tiếng về làm giám đốc một nhà hát mà nợ bằng đại học. Đang làm Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam anh phải bãi nhiệm chức chuyển sang làm quản lý hành chính ở Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Đó là một "bản án tử hình" của người nghệ sĩ lao động sáng tạo đích thực như anh. Nói như nghệ sĩ Quế Hằng, diễn viên cùng nhà hát của anh, đã có thời gian gắn bó với anh trong một tập thể hơn 20 năm, anh là người vô tư và hồn nhiên quá, cái vô tư và hồn nhiên trong nghệ thuật sáng tạo thì tốt vì ở đó là một thế giới đầy ý tưởng và mơ mộng con người ta mới có thể thăng hoa, nhưng ở đời sống thật thì cần phải tỉnh, tỉnh để còn đối phó với những điều xấu.

Đến giờ một số nghệ sĩ trong nhà hát của anh vẫn ngậm ngùi cho thời vận bĩ cực của anh lúc đó, rằng anh lành quá, anh cũng không đủ tỉnh táo để đối phó lại điều xấu. Kể từ ngày đó nghệ sĩ Nguyễn Anh Dũng sống lặng lẽ hơn, thâm trầm hơn. Anh không còn giao lưu gặp gỡ bạn bè, ngày giỗ đầu năm cho vợ, anh cũng không mời bạn bè của vợ đến mà chỉ là nghệ sĩ nào nhớ thì tự đến nhà thắp hương, anh không thể tập trung học thuộc lời thoại trong kịch bản phim, nên đành phải lắc đầu từ chối những lời mời tham gia diễn xuất.

Nghệ sĩ ưu tú Anh Dũng: Còn mãi những vai diễn để đời ảnh 1

Nghệ sĩ Nguyễn Anh Dũng và Phương Thanh.

Và cái nỗi oan khiên tày trời ai cũng biết cũng hiểu nhưng chả thấy ai lên tiếng. Đó là thời đi học của anh là lứa diễn viên Trường Sân khấu Việt Nam  từ năm 1968 đến 1971 lúc đó trường chưa có hệ đại học mà mãi cho đến sau này mới có. Nghệ sĩ Nguyễn Anh Dũng ra trường và từ đó đến nay đã có hàng chục vai diễn sân khấu và điện ảnh để đời. Được xem là một solist chính ở nhà hát với lối diễn sâu dung dị, ngoại hình đẹp và đài từ chuẩn anh vào hàng chục vai chính ấn tượng trong số đó có vai Matsu trong “Matsu” - kẻ sống ngoài vòng pháp luật, vai con cả ông Trương Ba trong “Hồn Trương Ba da hàng thịt” đóng cùng với cố NSND Trọng Khôi, “Nghêu sò ốc hến”, “Ca sĩ đười ươi”, “Người cha thô bạo”…

Hoạt động ở lĩnh vực điện ảnh, anh cũng là một diễn viên tài năng đích thực với những vai diễn đa chiều nhiều tâm trạng, trong hàng chục vai diễn có hai vai mà anh tâm đắc nhất là vai trong “Kỷ niệm đồi trăng” (1986), bộ phim là mối lương duyên đưa anh đến với nghệ sĩ Phương Thanh khi hai người đóng cặp cùng nhau trong bộ phim. Và “Cô gái trên sông” (1988) cùng nữ nghệ sĩ Minh Châu. Hai vai diễn trong hai bộ phim tạo nên tiếng vang lớn. Sau này anh tham gia nhiều phim truyền hình là gương mặt quen thuộc của màn ảnh.

Năm 2009, sau khi thôi làm quản lý Nhà hát, trên sóng truyền hình phát hai bộ phim  có anh tham gia diễn xuất là “Vệt nắng cuối trời”, “Bởi lẽ vì tình yêu”. Đây là hai phim được khởi quay trước khi sự cố sóng gió đổ ập lên cuộc đời anh. Không biết có phải vai diễn vận vào người hay không?! Trong phim “Bởi lẽ vì tình yêu” anh vào vai một ông giáo sư già giả làm người lái xe taxi, để có thể lắng nghe chuyện đời ông có chất liệu viết lên cuốn sách của mình. Đây là vai diễn cuối cùng của người nghệ sĩ tài hoa, bạc phận. Sau này, anh từ chối những lời mời diễn xuất vì không còn tâm trạng đâu để anh đóng phim nữa, anh thật khó để thuộc lời thoại...

Ngoài khả năng tung hoành trên sân khấu, điện ảnh, anh còn là đạo diễn và viết kịch bản cho nhiều tập phim truyền hình như: “Ngôi nhà trên cát”, “Người trong cuộc”, “Niệm khúc cuối”, “Tìm người trong tranh”... Âu đấy cũng là cả một kho vàng nghệ thuật lấp lánh trên tấm bảng huân chương. Sự việc đau buồn dồn dập, khiến số phận con người ta thay đổi và cuộc sống trở nên bi thương hơn rất nhiều.

Mấy nhà báo chúng tôi ở Hội nghệ sĩ Sân khấu ngày ấy còn nhớ đó là vào những năm 2005, 2006, 2007 lão đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang đi đâu ăn trưa cũng tha cắp mấy đứa phóng viên cưng đi, nhiều lần chúng tôi cùng ăn trưa với nghệ sĩ Nguyễn Anh Dũng. Anh lúc đấy vui vẻ, hoạt bát, luôn kể những câu chuyện cười dí dỏm. Và đôi khi anh sôi nổi nhắc đến những vai diễn mà anh đã từng trải qua, những kỷ niệm êm đềm của một thời phim ảnh huy hoàng lừng lẫy. Đó là ngày cuối năm 2008, trong một lần sang tận dinh cơ của anh là căn phòng giám đốc của Nhà hát Kịch Việt Nam, lúc đó anh vẫn vô cùng sôi nổi và hào hứng.

Anh kể nhà hát của anh có Quốc Khánh đóng Ngọc hoàng, có Xuân Bắc đóng Nam Tào trong chương trình Gặp nhau cuối năm được khán giả cả nước mến mộ. Có hai diễn viên này cùng đoàn đi lưu diễn các tỉnh, dân chúng mừng lắm, khán giả đến xem cũng vì thế tấp nập hơn. Anh đưa cho tôi xem những vở diễn mới của nhà hát, lịch đi lưu diễn các tỉnh. Và trên bàn anh là những xấp to, xấp nhỏ kịch bản phim truyền hình mà anh đã nhào nặn chỉ còn chờ lên phim.

Rồi anh còn hoan hỉ năm 2010 Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội Nhà nước đã có dự kiến xây dựng Nhà hát Kịch Việt Nam một cơ sở bề thế khang trang hơn ở mạn Cầu Giấy. Rồi anh lại vui vẻ cười bảo: Cách đây ít lâu có một thầy phong thủy đến phòng làm việc của anh bảo anh phải kê lại cái bàn làm việc, vì quạt trần dọi thẳng xuống bàn làm việc thì không hay chút nào. Nghe thầy phong thủy, anh cũng đã kê lại. Nhưng rồi cũng chỉ hơn một năm sau lại biết bao nhiêu tai ương cứ liên tiếp giáng xuống. Thế mới thấy phận người sao bé nhỏ mong manh.

Nghệ sĩ ưu tú Anh Dũng: Còn mãi những vai diễn để đời ảnh 2

Cảnh trong phim “Kỷ niệm đồi trăng” là mối nhân duyên giữa nghệ sĩ Nguyễn Anh Dũng và Phương Thanh.

Vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Anh Dũng và Phương Thanh dành tình cảm đầy trìu mến thân thương cho nhau. Trước đây, nhắc đến vợ anh kể: Chị đến với anh khi đang là con gái, còn anh đã trải qua một đời vợ. Người vợ đầu của anh cũng là một nhan sắc ở Hà Nội thời bấy giờ, làm việc ở cửa hàng Thủy Tạ, nhưng rồi phải duyên phải số, bộ phim “Kỷ niệm đồi trăng” đã gắn kết anh với nghệ sĩ Phương Thanh.

Bộ phim lấy bối cảnh đất nước sau những năm đổi mới, tại vùng đất mỏ Quảng Ninh Phương Thanh vai công nhân Kiều Oanh  trong sáng  mơ mộng, anh Dũng vào vai công nhân máy xúc Lê Quang Hòa có tố chất nghệ thuật bẩm sinh và nhiều tài lẻ: chơi ghi ta, sáng tác. Tuổi trẻ, tình yêu, thăng hoa và cảm xúc màn ảnh và hiện thực cứ thế đan xen, hai người hóa thân thành nhân vật nhưng rồi giữa thực và ảo cứ đan xen lẫn lộn.

Hai người "say sóng" phải lòng nhau và đến mãi sau này mọi người vẫn công nhận đó là một cặp đôi vàng của làng sân khấu điện ảnh. Anh còn bảo Phương Thanh đóng phim là vậy nhưng ở nhà chợ búa cơm nước rất đảm đang… Giờ thì anh đã đi xa, bỏ lại sau lưng là những vai diễn để đời trên sân khấu và điện ảnh.

Đứa con của sân khấu, của điện ảnh đã về với cát bụi, đã sang thế giới bên kia để đoàn tụ với người vợ yêu thương, với những người anh, người bạn đồng nghiệp họ đã đứng sẵn ở cây cầu định mệnh để đợi anh sang. Một đồng nghiệp trong nhà hát của anh ngậm ngùi nói anh mất vì sự lạnh lùng, vô cảm của người đời. Những năm cuối đời của anh là chuỗi ngày dài quay quắt đến ngơ ngác để biến anh một người vui vẻ có phần mơ mộng thành một  người lặng lẽ đến âm thầm.

Rồi một ai đó nói nghề diễn là nghề bạc, cấm có sai. Tôi bất giác nhớ đến nghệ sĩ Văn Hiệp, ông vua không ngai của làng sân khấu điện ảnh Việt Nam lúc ông mất cả thiên hạ thương tiếc trong khi ông  bằng ngần đấy vai diễn dung dị đi vào lòng người cũng chả có lấy một danh hiệu do Nhà nước công nhận.

Tôi nhớ đến cụ Cầu (nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu) lúc mất trong gian nhà tuềnh toàng, mặc dù cụ cũng đã được Nhà nước tôn vinh là Di sản văn hóa sống, rồi cuối cùng lúc đau ốm bệnh tật cụ mất trong nghèo khó, khi cụ ốm gánh xẩm Hà Thành do các nghệ sĩ nức danh khác trải chiếu hát ở chợ Đồng Xuân quyên góp tiền gửi về chữa bệnh cho cụ. Thì giờ đây, chứng kiến nghệ sĩ Nguyễn Anh Dũng ra đi, không nghèo khó như cụ Cầu, cũng không phải là vua không ngai như Văn Hiệp thế nhưng cuối đời của anh là cả một bầu giông gió của số phận trớ trêu, kiếp cô đơn của người nghệ sĩ.

Nhưng, nếu như có kiếp sau, tôi tin anh cũng sẽ chọn lại nghề diễn viên, cũng sẽ tung hoành ngang dọc hóa thân vào các vai diễn trên phim trường, như là trước đây, bước ngoặt của số mệnh đã định đoạt vào anh.  Đang học năm thứ hai Đại học Y Hà Nội, anh lén gia đình thi vào Trường Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội và rồi trúng tuyển, để sau này anh có một bộ sưu tập các vai diễn đáng mơ ước và tự hào. Đi qua những ngày nắng là những ngày mưa buồn, trong nỗi cô đơn và thăm thẳm ấy một đồng nghiệp của tôi đến gặp anh và anh nói với chị cũng như nói cho chính mình, cái câu muôn thuở tự an ủi: "Sông có khúc, người có lúc".

Đầu tháng 5, mùa hè với những chùm phượng vĩ đỏ rực và hoa bằng lăng tím biếc trải dài trên các con phố, người nghệ sĩ đã đi xa. Anh sẽ thanh thản mãi mãi để không còn phải vướng bận những đồn thổi ác ý, những bon chen của người đời, chả phải lo lắng nghĩ ngợi chuyện không đâu. Anh đi xa lắm, anh đi xa mãi… xa…

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG