Nghệ thuật cất lời vì nạn nhân da cam

Nghệ thuật cất lời vì nạn nhân da cam
TP - Tại Ngôi nhà nghệ thuật 31A Văn Miếu (Hà Nội), các nghệ sỹ Pháp - Việt hội ngộ, vì mục tiêu cao cả.
Nghệ thuật cất lời vì nạn nhân da cam ảnh 1
Đêm nghệ thuật vì nạn nhân chất độc màu da cam. Ảnh: T.Toan

Căn gác không lấy gì làm rộng ở Ngôi nhà nghệ thuật, điểm hẹn khá quen thuộc với nhiều chương trình của giới nghệ sỹ và khán giả Hà Nội, bất chấp thời tiết oi nực đầu hè vẫn đông người ghé. Khán giả Tây, ta vây quanh nhóm nghệ sỹ Pháp - Việt không nói cùng ngôn ngữ, nhưng hiểu nhau qua nghệ thuật.

Marc Behin-nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ ghita jazz đương đại (Paris); Veronique Carlier - nghệ sĩ bộ gõ lấy cảm hứng từ nhiều dòng nhạc khác nhau (Paris); ca sĩ - cây ghita Hồ Hải Quang (đảo Reunion), cùng các nghệ sỹ Việt: Trần Nhật Thăng, Bùi Thị Thanh Hằng, Lê Thị Minh Tâm, Phương Vũ Mạnh chơi nhạc, vẽ tranh. Một số trẻ em nạn nhân chất độc da cam cùng tham gia vẽ tranh, mục đích vì những người cùng cảnh ngộ.

Diện tích biểu diễn quá hẹp không thành rào cản những nghệ sỹ tâm huyết. Gần một giờ đồng hồ, Marc Behin say mê ôm đàn ghi ta, bên nữ nghệ sỹ đồng hương Veronique chơi nhạc cụ gõ, miệng không ngừng mỉm cười.  Nhạc hiện đại, kết hợp với nhạc truyền thống cả Âu lẫn Á.

Cách chỗ ngồi chơi nhạc vài bước chân, mấy giá vẽ dựng đơn sơ, người vẽ ngồi bệt trên sàn cùng chì, cọ và màu nước. Tranh màu nước của họa sỹ Việt, bức phác thảo bằng chì, màu của em nhỏ nạn nhân da cam. Góc trong cùng là siêu mẫu hiến cơ thể cho nghệ thuật body art, nhanh chóng thành hình trong hơn một tiếng.

Biểu diễn một đêm ở Hà Nội, đoàn nghệ sỹ lên đường vào Huế, TPHCM trong ba tuần lưu lại Việt Nam. 

Hồ Hải Quang kể: “Tôi đến Pháp những năm 1960, thấy nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Tôi biết đến bom napan, chất độc da cam, nhưng không biết hậu quả nghiêm trọng và dai dẳng của nó. Tôi quyết định ngừng công việc-giảng viên kinh tế tại một trường đại học. Năm 2008, tôi lập tổ chức Orange diHoxyn, tụ hợp nhiều nghệ sỹ đấu tranh vì lợi ích của nạn nhân chất độc da cam. Ở Việt Nam, những người tích cực và có uy tín là giáo sư Trần Văn Khê và nhạc sỹ Trần Quang Hải. Chúng tôi tiến hành nhiều buổi biểu diễn quyên tiền cho những trẻ em kém may mắn”.

Năm 2009, ca khúc Cùng đứng lên hòa triệu lời ca do Hồ Hải Quang sáng tác gây xúc động trong buổi hòa nhạc ủng hộ vụ kiện nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ngoài ca khúc này, ông sáng tác khoảng 20 ca khúc về đề tài phản chiến, chống phân biệt chủng tộc.

Một chương trình quy mô không lớn, nhưng các thành viên đều mang tâm nguyện: “Hi vọng giúp các em bớt thiệt thòi,  có cơ hội hòa nhập trong môi trường nghệ thuật, mà thực sự nhiều em có tài năng và đam mê”, bà Nga chủ Ngôi nhà nghệ thuật nói.

MỚI - NÓNG