Nghệ thuật đa phương tiện - tây khen, ta “không hiểu”

Cảnh trong phim “Những lá thư Panduranga”.
Cảnh trong phim “Những lá thư Panduranga”.
TP - Là nghệ sĩ  nổi tiếng quốc tế nhưng lần đầu tiên tác phẩm sắp đặt video của Nguyễn Trinh Thi ra mắt quảng đại công chúng nước nhà lại bằng cách sóng bước trong vở múa của biên đạo người Đức Riki von Falken tại khuôn khổ Liên hoan Múa đương đại “Sự gặp gỡ Á-Âu” 2016.

Sáng lập Hanoi DOCLAB, trung tâm độc lập dành cho phim tài liệu từ năm 2009 đến nay, Trinh Thi  hy vọng có sự chuyển biến dù nhỏ đến cách tiếp cận vấn đề của học viên và lượng khán giả ít ỏi. Mỗi khóa học trung tâm chỉ tuyển khoảng 10 người, phòng chiếu chỉ với gần 100 chỗ ngồi. Ngoài hướng dẫn làm phim ngắn, cái khó nhất “gần như phải đánh vật” là tạo được cách tư duy thể hiện cho cá nhân sáng tạo, nữ nghệ sĩ thổ lộ.

Phim tái chế

Nguyễn Trinh Thi là người đầu tiên từ năm 2010 - qua tác phẩm video giới thiệu cho khán giả Việt về thể loại phim tái chế found-footage “ Bài ca ra trận”, “Jo Ha Kyu” “Việt Nam, một bộ phim”,  “Mười một người đàn ông” và thể loại phim thư  như “Những lá thư Panduranga” .

Hoàn thành cuối năm 2015, “Mười một người đàn ông” lấy ý tưởng từ truyện ngắn “Eleven Sons” của Franz  Kafka. Video 35 phút là những mảnh ghép từ 11 bộ phim có sự tham gia của diễn viên Như Quỳnh đóng cặp với 11 người đàn ông. Người xem sẽ có những cảm nhận khác nhau về phụ nữ,  đàn ông, về tình yêu trong từng giai đoạn của đất nước.

“Những lá thư Panduranga” (Trong Khói và Mây) kể về việc trao đổi thư bí mật giữa hai người bạn cùng là nhà làm phim. Bộ phim lấy cảm hứng từ việc chính phủ có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước ở Ninh Thuận (trước đây gọi là Panduranga), ngay tại vùng đất tâm linh của người dân bản địa Chăm. Tác phẩm thể loại phim thư đã giúp Nguyễn Trinh Thi giành được Giải Nghệ sĩ Mới Xuất sắc nhất Sử dụng Digital/Video tại giải thưởng Prudential Eye Awards 2016.

Nhà làm phim chia sẻ: “Động lực của tôi khi làm phim tái chế vừa là để vun giữ, vừa để cởi mở, vừa để lật ngược cách ứng dụng ngôn ngữ và mỹ học trong các dạng thức khác biệt của điện ảnh và truyền thông. Ấy cũng là để kể lại, ngẫm lại, phân tích lại, và kết nối lại với lịch sử”.

Xem video quên thưởng thức múa

Khác hẳn với hình dung của đa phần khán giả rằng clip chỉ có chức năng minh họa cho các tiết mục ca (múa nhạc…), sắp đặt video  của Trinh Thi trong vở  “Những tiệm giặt là Hà Nội” vừa có sự gắn kết cùng ý tưởng, vũ đạo của Riki von Falken, vừa là tác phẩm độc lập của nghệ sĩ đa phương tiện.

Năm màn hình phía trên và sau sân khấu mở ra những góc nhỏ cuộc sống của Hà Nội. Phiên chợ đêm, bãi sông Hồng, xưởng trộn than bùn, người phụ nữ nội trợ hồi tưởng quá khứ, người đàn ông ngồi giũa liềm trên ruộng lúa… Nguyễn Trinh Thi sưu tầm phim, các cảnh quay, tự kết hợp dãy hình ảnh và âm thanh theo góc nhìn riêng. Nữ nghệ sỹ kể những mẩu chuyện nhẩn nha mà dường như Riki lại là người múa minh họa và lắng nghe. Biến tấu âm thanh không bình thường  của John Cage đưa khán giả vào chuyến đi lãng mạn tại Hà Nội.

Người xem hầu như quên xem Riki múa, hiệu ứng thị giác của năm màn hình video cuốn hút họ hơn. Cũng có người than khó xem “nặng và nhiều ẩn dụ”.

Sau sáu năm lao động nghệ thuật sắp đặt video, Trinh Thi không chắc lắm về việc “khán giả Việt đã tò mò hơn chưa với thể loại này”. “Tôi chỉ có cơ hội một vài lần trình chiếu tác phẩm tại Nhà sàn Collective và khán phòng viện Goethe (HN) cho một phạm vi khán giả nhỏ hẹp”. Không chỉ Trinh Thi, đa số dân “đương đại” và “thể nghiệm” đều là nhóm nghệ sĩ ít ỏi, quen biết nhau thỉnh thoảng tụ lại khoe sản phẩm mới theo kiểu tự bình luận, “tự sướng”.

Nghệ thuật đa phương tiện - tây khen, ta “không hiểu” ảnh 1

Sắp đặt Video “Không phụ đề” được chú ý tại nhiều nước.

Hai tuần trước Liên hoan “Sự gặp gỡ Á-Âu 2016”, vở “Những tiệm giặt là HN” vừa ra mắt tại Berlin. Tác phẩm nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới phê bình tại Đức. Nói như một nhà phê bình, những sáng tác phong phú của Trinh Thi liên tục nghiên cứu vai trò của trí nhớ trong những bí mật lịch sử bị ẩn giấu.

Làm sao đây với “chả hiểu gì!”?

Lý giải tình trạng yếm thế của nghệ sĩ đương đại, Trinh Thi cho rằng do sự thiếu hổng từ môi trường giáo dục. Ngay tại hai trường sát sườn đào tạo nghệ sĩ là Đại học Sân khấu Điện ảnh và Đại học Mỹ thuật, chương trình vẫn cổ như mấy chục năm trước đây. Không có  giáo trình nào cho nghệ thuật, phim ảnh thử nghiệm. Chức năng của nghệ sĩ nhẽ ra phải đi đầu, khai phá cái mới về quan điểm cũng như thẩm mỹ, đằng này đa số phải mầy mò, nghe ngóng từ nước ngoài.

Bị kiểm duyệt gắt gao, bị mặc định “khó hiểu” và “thông điệp không rõ ràng”, hầu như sản phẩm của nghệ sĩ đương đại khó tiếp cận khán giả đại trà.

Video sắp đặt “Không phụ đề” đã từng được người bình chọn quốc tế đánh giá cao thì  nhiều khán giả  Việt xem qua Youtube  nói “chả hiểu gì”, “sao mọi người cứ nhai nhồm nhoàm hoài thế?”. Có người  tỏ ra biết hình ảnh từng nhân vật đang ăn theo cách của mình là “thông điệp nào đó” nhưng nhìn chung họ thận trọng và không sẵn sàng mua vé xem món nghệ thuật “lập dị” này.

Nghệ thuật đa phương tiện - tây khen, ta “không hiểu” ảnh 2

Nhà làm phim Nguyễn Trinh Thi.

Trinh Thi từng  gây bất ngờ với  sắp đặt video “Que Faire” (Làm gì đây). Mười sáu nhân vật dàn hàng ngang cởi bỏ quần áo, từng cái một cho đến hết. Mỗi người cởi một cách, với thái độ khác nhau. Đa số mọi người khỏa thân đều quay lưng lại máy quay, chỉ có ba người dám tiến lại ống kính nhưng hai trong số họ vẫn lấy tay che. Tác phẩm đã một lần chiếu thăm dò tại Manzi café nhưng phải cất đi vì “độ nhạy cảm”. Người kiểm duyệt và Youtube chẳng cần biết đến ý nghĩa khám phá ẩn ức cá nhân khi trần trụi trước ánh đèn, cứ khỏa thân là bị cấm cái đã.

Cũng do không thấu hiểu mà truyền thông báo chí chưa hỗ trợ được nhiều. Đa số phóng viên quan tâm đến các chương trình bề nổi thị trường giải trí. Họ thấy ngại viết những vấn đề trúc trắc, khó câu view. Ngay cả dân phê bình cũng thiếu chuyên môn về mọi xu hướng nghệ thuật mới, Trinh Thi bày tỏ. 

Cùng với phim tái chế, loạt  sắp đặt video “Không phụ đề” , “Dàn hợp xướng Solo”của Trinh Thi từng được mời tham gia Jeu de Paume, Paris; Bảo tàng nghệ thuật đương đại Bordeaux (CAPC); Lyon Biennale 2015; Asian Art Biennial 2015, Đài Loan; Fukuoka Asian Art Triennial 2014 và Singapore Biennale 2013.

Về dự án sắp tới, nhà làm phim cho biết có nhiều ý tưởng nhen nhóm nhưng chưa thể chia sẻ. Hình như chị phải giữ bí mật để đảm bảo độ bất ngờ khi ra mắt.

MỚI - NÓNG