Họa sĩ Phạm Huy Thông:

Nghệ thuật là nơi họa sĩ đấu tranh cho cái tốt hơn

Nghệ thuật là nơi họa sĩ đấu tranh cho cái tốt hơn
TP - Họa sĩ trẻ Phạm Huy Thông trao đổi với chúng tôi về nghệ thuật đương đại, về thái độ của nghệ sĩ trước đời sống và về chính cuộc sống và sáng tạo của mình.

Cập nhật – một từ thoạt nghe có vẻ thời thượng nhưng ẩn sâu trong đó là sự đổi thay, quá khứ - hiện tại, và cả tương lai.

Họa sĩ trẻ Phạm Huy Thông – với cái nhìn soi chiếu vào sự phát triển xã hội – vừa đưa ra trước công chúng loạt tranh đầy biếm nhại lấy cảm hứng từ khái niệm trên.

Rất nhiều tranh lần này sử dụng bố cục tranh in Đông Hồ truyền thống nhưng mô tả những câu chuyện của xã hội đương đại. 

Anh nghĩ sao khi đặt ra sự đối nghịch xưa – nay trong một cuộc triển lãm? Anh có hoài cổ? Hoặc anh muốn phô bày sự trần trụi của hiện thực hàng ngày? Hoặc...?

Người dân làng Hồ xưa thường hay chọn khắc những cảnh thanh bình, thơ mộng, thể hiện ước mơ về cuộc sống trù phú. Về phía mình, tôi thường quan tâm tới những vướng mắc trong xã hội.

Nghệ thuật là nơi họa sĩ đấu tranh cho cái tốt hơn ảnh 1
Tranh dân gian Đông Hồ

Cuộc sống luôn có những điều tốt, điều xấu, nếu có ai đó tập trung lên án những bất cập, cũng là tìm cách để nó tốt đẹp hơn. Đó là sự lựa chọn của tôi, thể hiện ước mơ xã hội phát triển tốt hơn nữa.

Tôi không phải là người hoài cổ. Tôi biết, quá trình phát triển mà xã hội chúng ta đang trải qua (với tất cả hào quang và góc tối) là quá trình tất yếu.

Tôi chấp nhận tiến trình này, nhưng chỉ cố gắng làm sao cho những mặt trái của sự phát triển xã hội sẽ ít gây hậu quả.

Nghệ thuật là nơi họa sĩ đấu tranh cho cái tốt hơn ảnh 2
Bán  trâu - tranh Phạm Huy Thông

Qua việc phô bày trên tranh sự trần trụi của hiện thực hàng ngày, tôi muốn đưa ra những thông điệp, lên tiếng cảnh tỉnh cộng đồng.

Nhưng xin đừng nhìn tranh tôi mà nói rộng ra tất cả các góc cạnh khác của đời sống.

Trong cuộc sống ồn ào sôi động này, vẫn có những phút thanh bình của không khí gia đình, những phút yêu thương của vợ chồng, những cảnh rực rỡ của cánh đồng hoa ngoại thành.

Tuy nhiên có cả ngàn họa sĩ ngoài kia đang làm rất tốt việc mô tả những cảnh đó. Tôi không dại gì lẫn vào với họ. Tôi chọn cho mình một mảnh đất cằn nhưng riêng biệt, để tự tay mình cày xới.

Xin anh nói rõ thêm ý niệm cập nhật – mà anh lấy làm tên triển lãm lần này? Nó là loại cập nhật nào? Anh nghĩ sao về sự cập nhật khá xô bồ trong mọi lĩnh vực, rõ nhất là trong văn hóa – nghệ thuật hiện nay?

Người nông dân cách đây hàng trăm năm khắc tranh về cuộc sống, ước mơ của họ. Giờ đây tôi lấy cái tinh thần đó, nhưng đưa vào những câu chuyện mới, những hơi thở mới của cuộc sống hiện đại.

Tôi gọi việc này là “cập nhật”, giống như cập nhật tin tức hay cập nhật một phần mềm mới cho một chiếc máy tính đã cũ. Nhịp độ sống bây giờ khẩn trương. Luôn luôn có những vấn đề mới nảy sinh. Những người quan tâm lo lắng cho xã hội luôn có những trăn trở mới để “cập nhật” vào tâm trí.

Xã hội Việt Nam đang có tốc độ phát triển nhanh, mọi khía cạnh của xã hội đều bị tác động. Người Việt Nam du nhập mọi thứ từ bên ngoài để theo kịp tốc độ phát triển đó. Khi có quá nhiều điều mới mẻ từ vật chất đến văn hóa, đổ bộ vào một cộng đồng thì sự xô bồ, lai căng là điều không thể tránh khỏi.

Tôi giữ thái độ lạc quan về điều này, bởi sau một khoảng thời gian tiêu hóa nhất định, tôi tin rằng những gì chướng tai gai mắt sẽ dần bị đào thải hoặc bị biến đổi để văn hóa Việt Nam trở thành đặc sắc hơn. Tất nhiên, cái “đặc sắc” đó sẽ rất khác với cái “truyền thống” mà chúng ta từng có.

Anh có vẻ là người hài hước. Người xem có thể nhận ra một sự giễu nhại nào đó ẩn hiện trong các tác phẩm của anh. Xin anh nói thêm về điều này? Anh nghĩ sao khi nhiều người mến chuộng sự “nghiêm túc” phản ứng kiểu vẽ của anh và cho rằng nó không phải là tác phẩm nghệ thuật “đích thực”?

Tôi là người sống hài hước. Khi tôi quan tâm nhiều đến mặt trái của vấn đề, tính hài hước giúp tôi cân bằng và có thể đưa ra được những đóng góp tích cực.

Nhiều người mến chuộng sự “nghiêm túc” phản ứng với tôi cũng đúng thôi. Bởi đã từ lâu rồi tôi cười nhạo sự cổ hủ của họ. Nhiều họa sĩ vẽ những đề tài rất “vĩnh cửu”, rất bác học và triết lý, nhưng khi triển lãm thì bẽn lẽn tuyên bố đây là “một cuộc chơi”.

Rồi khi đi sâu vào xem tác phẩm, người ta thấy triển lãm đó cũng lờ nhờ như nhiều triển lãm khác, tức là chẳng có tư tưởng hay thông điệp gì mới, chỉ thấy lập lòe tính hình thức lười nhác.

Tôi không coi nghệ thuật là một cuộc chơi. Nghệ thuật là nơi họa sĩ đấu tranh cho cái tốt hơn mà họ tin tưởng. Tôi không muốn “nghiêm túc” để tự nhốt mình trong tháp ngà nghệ thuật.

Lại có ý cho rằng tranh của anh mang tính thời sự, trong khi nghệ thuật đòi hỏi “tính muôn đời”?

Có những cơ sở mang tính hình thức để người này người kia ví tranh tôi với những minh họa mang tính nhất thời. Bởi tranh tôi đôi khi mang những hình ảnh thời sự, như trận lụt ở Hà Nội, đợt khuyến mãi đầu năm hay người nông dân ngồi bán trâu, bán đất... Họ đã lầm.

Thứ nhất, tranh minh họa là tranh người họa sĩ mô tả lại một nội dung, hoặc một ý tưởng có sẵn. Tranh của tôi bản thân nó chứa đựng nhiều thông điệp cụ thể, thể hiện tư tưởng và thái độ sống của riêng tôi. Với nghệ thuật đương đại, điều quan trọng nhất trong mỗi tác phẩm là thông điệp mang tính sáng tạo.

Thiếu nó, tác phẩm nghệ thuật chỉ là cái xác đẹp không hồn. Điều thứ hai, mỗi bức tranh có thể nói về một sự việc nhất thời, nhưng cái xúc cảm, tâm trạng là bền lâu và có thể nhân lên cho tất cả mọi người. Chẳng hạn tranh về người nông dân bán đất bán trâu khi thành phố tiến đến dần.

Đấy không phải là một câu chuyện nhất thời về một bác nông dân nào, về riêng một thành phố đang phát triển nào. Trước những sự việc như vậy, con người có thể đặt những câu hỏi lớn hơn về bản chất của mình.

Không chỉ với công chúng trong nước, tôi đã thấy những bạn bè đến từ Anh, Pháp và nhất là Trung Quốc, cũng đứng lặng đầy đồng cảm trước bức tranh đó. Những trăn trở và xúc cảm được truyền từ tác giả đến đông đảo người xem, liệu đó có phải là nghệ thuật “đích thực” hay chưa?

Trên đây cũng là một khía cạnh trong câu chuyện về nghệ thuật đương đại, anh có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về nghệ thuật đương đại ở Việt Nam?

Địa bàn của nghệ thuật đương đại ở Việt Nam rất hạn hẹp với lượng công chúng ít ỏi. Các triển lãm nghệ thuật chỉ đông những ngày khai mạc với khán giả gặp đi gặp lại. Có thể nói rằng so với thế giới, nghệ thuật đương đại ở Việt Nam xuất phát chậm nhưng công chúng thưởng thức nghệ thuật còn xuất phát chậm hơn. Tuy nhiên, muộn còn hơn không.

Nói chung công chúng hiện vẫn chưa quen với các tác phẩm đương đại, họ vẫn thích cái đẹp kiểu cũ, đồng nghĩa với việc họa sĩ mới khó bán tranh? Có phải vậy không và nếu phải thì tại sao anh lại quyết định đi vào con đường khó này?

Tôi tin với đà phát triển ổn định của kinh tế, nhu cầu mua sắm nghệ thuật để làm giầu cho cuộc sống sẽ là nhu cầu tất yếu trong tương lai. Khi bạn đã có nhà to, chất vào đó một đống tiện nghi, mua một chiếc xe đời mới xong, bạn sẽ chuyển sang mua nghệ thuật. Dù với bất cứ lý do gì, vì yêu nghệ thuật hay đơn giản không muốn bị gọi là trọc phú, thì đó cũng là một động thái tốt cho sự phát triển về văn hóa.

Khi đông đảo mọi người chỉ quen với cái đẹp kiểu xưa cũ, hoặc số ít trầm trồ trước nghệ thuật mới nhưng không đời nào chịu mua về treo trong nhà, đời sống của những nghệ sĩ có những thử nghiệm tiên tiến sẽ khó lòng được đảm bảo.

Tôi biết rõ nhưng nguy cơ đó, nên luôn luôn thủ sẵn cho mình những nghề kiếm cơm để phòng khi lỡ vận. Khi mới ra trường, tôi làm nhiều việc, từ thiết kế đồ họa, vẽ truyện tranh, đi dạy học đến đầu tư chứng khoán, cốt để làm sao bán sức lực chứ không bán nghệ thuật cho đồng tiền.

Tôi nghĩ đó là một chiến lược tốt cho những họa sĩ mới tốt nghiệp. Đến nay, tôi dành toàn bộ thời gian cho nghệ thuật cũng bởi vì tranh của tôi bắt đầu nuôi được tôi (đáng tiếc là những người mua tranh chưa có mấy ai là người Việt).

“Cơm áo không đùa với khách thơ”, nếu anh đặt cược toàn bộ nguồn sống vào tác phẩm nghệ thuật, những tác phẩm đó rất dễ trở thành những món hàng thương mại rẻ tiền. Tôi nghĩ tôi đã tìm được cách tránh cái nguy cơ phũ phàng đó.

Xin cảm ơn anh.

PHẠM HUY THÔNG sinh năm 1981 tại Hà Tây. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội 2004, hiện sống tại Hà Nội. Có tranh trong nhiều bộ sưu tập nghệ thuật đương đại trong và ngoài nước. Tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật mới (trình diễn, sắp đặt, video art...).

Cập nhật với 18 bức tranh acrylic trên toan, được sáng tác trong khoảng thời gian từ cuối 2008 – đầu năm 2009. Triển lãm từ 16/6 đến 15/7/2009, tại L’Espace - Trung tâm văn hoá Pháp, 24, Tràng Tiền, Hà Nội. Phạm Huy Thông đang làm một loạt tranh khác đề cập tới những tác động của lịch sử xưa cũ đến tâm lý của người Việt hiện đại.

Lê Anh Hoài
(thực hiện)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.