Nghệ thuật ở phố Tây và “Cống Thối”

Nghệ thuật ở phố Tây và “Cống Thối”
TP - Chỉ trong một thời gian ngắn, tại Hà Nội liên tiếp khai trương hai gallery nghệ thuật đương đại: Bui Gallery và 25 Studio, thế nhưng, họ khác nhau khá nhiều, nếu không muốn nói là nhiều điểm trái ngược nhau.
Nghệ thuật ở phố Tây và “Cống Thối” ảnh 1
Gia đình hạnh phúc - Hà Mạnh Thắng

Không úp mở, Bui Gallery (khai trương ngày 7/4 ở số 23 đường Ngô Văn Sở, Hà Nội) tuyên bố mình là một "gallery nghệ thuật mới, một gallery thương mại nhằm tạo đà phát triển cho các nghệ sĩ mới nổi hay đã có chỗ đứng thông qua các chương trình triển lãm" và "mong muốn trở thành một định hướng cho cái nhìn về nghệ thuật phương Tây".

Hứa hẹn các nghệ sĩ có thể sẽ được giới thiệu ở cả hai gallery (Pari và Hà Nội), gallery này muốn tạo ra một vòng tròn hoàn hảo để "thúc đẩy văn hóa có đẳng cấp quốc tế, một lò ấp thực sự về văn hóa đương đại".

Betty Bui - người thành lập gallery này là một doanh nhân trẻ Việt kiều chuyên kinh doanh nghệ thuật. Nhiều người thạo tin trong giới cho biết biệt thự 23 đường Ngô Văn Sở đã được mua với giá nhiều chục tỷ đồng để mở gallery. Nơi đây tổ chức rất chuyên nghiệp, với quản lý là một người Pháp.

Triển lãm ra mắt "Who do you think we are?" của Bui Gallery khá xôm tụ với rất nhiều nghệ sĩ và người quan tâm đến nghệ thuật, đặc biệt nhiều người nước ngoài (điều này cũng dễ hiểu). Người xem chen nhau trong một mặt bằng hẹp và chỗ gửi xe trở thành vấn đề.

Mười nghệ sĩ tham gia triển lãm này gồm: Bùi Quang Khiêm, Hà Mạnh Thắng, Bùi Công Khánh, Vương Thạo, Na Sơn, Sandrine Llouquet, Phi Phi Oanh, Matthew Dakin, Bertrand Peret và Arno Baude.

Ngoài các nghệ sĩ nước ngoài phản ánh cái nhìn "kiểu Tây" về văn hóa Việt Nam, hoặc đơn thuần chỉ trình bày các tác phẩm mang phong cách châu Âu rất rõ, trong triển lãm này, người ta ghi nhận một số nghệ sĩ Việt thực sự dấn thân vào cuộc sống đương đại hiện tồn với tất cả những đa tạp xô bồ: Hà Mạnh Thắng tiếp tục trưng bày những bức tranh acrylic trên giấy mang đầy chất giễu nhại: các nhân vật của anh ngồi giữa đống hoành phi câu đối, tràng kỷ, sập gụ nhưng đeo kính mát sành điệu, thấp thoáng những nhãn hàng thời thượng.

Gần như cùng cảm hứng, Bùi Công Khánh chưng ra hai nhân vật trong tâm thức tôn giáo Việt - ông Thiện, ông Ác uống nước ngọt Coca Cola. Vương Thạo - người vừa được Tổ chức Asia Pacific Breweries xếp vào top 10 họa sĩ khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng cho tái xuất hiện những "Hóa thạch sống" (phiên bản những ngôi nhà cổ Hà Nội, được đổ composite), loạt tác phẩm đã giúp anh đoạt giải nhì tại triển lãm Hà Nội năm 2008.

Bùi Quang Khiêm thì dùng mực tàu giấy dó và kỹ thuật thư pháp vẽ vũ nữ. Na Sơn trưng bày một số ảnh anh "bắt" được những khoảnh khắc thú vị của cuộc sống.

Nghệ thuật ở phố Tây và “Cống Thối” ảnh 2
“Khát vọng tôn trọng những giá trị chưa từng được tôn trọng” (Sắp đặt - Đỗ Thế Cường)

Trong khi đó, 25 Studio (ra mắt đúng ngày 25/3 và dự định ngày này hàng tháng sẽ tổ chức triển lãm) thì xuất hiện một cách rất bụi bặm. Không giấy mời, không thông cáo báo chí, thậm chí ngôi nhà kho khung sắt lợp tôn mà nhóm dùng làm nơi triển lãm cũng không có bất cứ tấm biển nào cho biết nó chính là một gallery.

Thêm nữa, đường vào 25 Studio phải qua một con ngõ nhỏ (34 Giang Văn Minh) lầy lội khi trời mưa, nằm sát một dòng kênh có hỗn danh Cống Thối!

Tuy vậy hôm khai trương, 25 Studio quy tụ được khá nhiều nghệ sĩ, có cả nghệ người nước ngoài, nhưng hầu như không có mặt các "cây đa cây đề" trong giới.

Họa sĩ Đỗ Thế Cường (sinh năm 1975), người phát ngôn của nhóm cho biết: Ý tưởng thành lập nhóm ra đời khá bất ngờ. Vào một buổi Cường ngồi cà phê với Trần Đức Đủ, Nguyễn Xuân Hoàng, nói chuyện anh em nghệ sĩ thiếu chỗ làm nghệ thuật sắp đặt, trình diễn. Thế là quyết!

Lúc đó, Cường đang có một căn nhà kho vốn là nơi anh thuê làm xưởng lâu nay. Rủ thêm Nguyễn Hoàng Tùng, Nguyễn Huy An, Nguyễn Hồng Phương, tất cả quyết mở ngay một triển lãm ra mắt.

Đến 25 Studio, khá ngợp với tác phẩm của Nguyễn Hồng Phương (hình vẽ mặt đường xa lộ tràn nền nhà chạy thẳng lên cửa sổ), là chiếc xe cải tiến được quét nhũ vàng óng ánh nằm trên… giường trải ga trắng muốt (Đỗ Thế Cường), là những hình người hình vật bằng dây thép lơ lửng giữa không gian (Trần Đức Đủ), là không gian nội thất ngược chiều (Nguyễn Xuân Hoàng).

Nguyễn Song sắp đặt những chi tiết máy móc thành đô thị đối lập với "vùng ngoại thành" là bột gạo; Hoàng Minh Đức nhớ quê với "ký ức nhãn" tạo thành bởi hàng trăm hạt nhãn đan cài;

Huy An khác biệt với một lưỡi cuốc đặt trên bàn kích thích thị giác. Có thể thấy ở đây không khí đương đại sống động hơn, gần với chất Việt hơn. Trong khi ở Bui Gallery, tính "Tây" và tính sa - lông nhiều hơn.

"Nhiều nghệ sĩ được các quỹ tài trợ để làm nghệ thuật đương đại với installation, performance art, body art… nhưng nhiều người không có tiền cũng muốn làm thì sao? Cứ đến chỗ chúng tôi!" - Cường nói, tự tin.

Tôi hiểu, cuộc chơi này không đơn giản. Cũng mong nhóm nghệ sĩ phủi đầy nhiệt huyết này đi được xa.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.