Nghệ thuật và giải trí

Nghệ thuật và giải trí
TP - Sau Nữ thần, tiết mục khép lại đêm chung kết Cặp đôi hoàn hảo, giám khảo Lê Minh Sơn khen Trấn Thành- Đoan Trang: “Ở một chương trình (giải trí), mang tính giải trí rất cao nhưng các tiết mục của các bạn đều có dấu ấn nghệ thuật rất lớn”. Hơn một lần giám khảo này, và cả những người khác, coi “nghệ thuật” và “giải trí” là hai phạm trù đối lập.

Trấn Thành muốn làm CD cùng Đoan Trang
> Trấn Thành tranh giải Mai vàng 2011

Suốt chương trình, Lê Minh Sơn nhắc đi nhắc lại “đây là một chương trình giải trí” không hiểu có ý gì. Nhạc sĩ có lẽ đã không cố tình- khi nhắc đến một vấn đề, hay đúng hơn là một nan đề của văn nghệ nước nhà: Làm sao để có những tiết mục chất lượng cao về cả nghệ thuật và giải trí. Song với lời nhận xét có vẻ sắc sảo đó, hình như Lê Minh Sơn, cũng như nhiều người khác thuộc cả hai giới sáng tạo và thưởng ngoạn, đã không hiểu thế nào là tính nghệ thuật và tính giải trí. Đặc biệt là bản chất, vai trò của chúng trong mối liên hệ giữa nghệ sĩ và khán giả.

Theo tôi, một tiết mục chỉ có thể mang tính giải trí cao khi nó ở một tầm cỡ nhất định về nghệ thuật. Giữa nghệ thuật và giải trí có khoảng cách nhất định, nhưng hai đặc tính này không hề đối lập nhau.

Các tiết mục chỉ mang tính nghệ thuật cao khi nghệ sĩ thể hiện được, trong khuôn khổ cảm xúc thẩm mỹ của mình, biến điều bình thường thành phi thường, điều phi thường thành siêu việt. Còn cảm xúc thẩm mỹ ấy có được truyền đạt đến khán giả hay không, khơi gợi được lòng ái mộ, hứng khởi của họ như thế nào thì lại phụ thuộc vào tính giải trí của tiết mục.

Vì thế, giám khảo+ công chúng có thể khắt khe về chất lượng nghệ thuật, đặt cho chúng những tiêu chí, đẳng cấp, nhưng không thể cho rằng giải trí là hời hợt, mua vui, hay chỉ đơn thuần mang tính thương mại. Nếu có giải trí rẻ tiền thì cũng có nghệ thuật rẻ tiền. Vì vậy sẽ không ngoa khi nói rằng nhận thức sai lầm của BGK, và đứng sau họ là nhà tổ chức, sẽ làm giảm chất lượng của một gameshow.

Bam giám khảo (BGK) là người tuy hay bị soi mói chỉ trích, nhưng vẫn có vai trò dẫn dắt nhất định cho thị hiếu của công chúng. Nếu họ coi tiết mục mang đậm tính giải trí thường kém giá trị nghệ thuật, thì làm sao tiết mục đó được đánh giá đúng mực?

Chính vì nhận thức có thể nói là sai lầm ấy, mà các giám khảo đã không ngớt lời khen công phu dàn dựng, những đu bay và dây dợ, áo quần họa tiết chằng chịt cho Vùng trời bình yên để cho rằng đó là tiết mục làm mãn nhãn, để rồi xuê xoa cho giọng hát gằn như “con nít làm trò” của Kim Thư- trong bài tủ với lượng fan khổng lồ của Đàm Vĩnh Hưng- Hồng Ngọc. Một bài hát được hát phô, phối bè mờ nhạt thì làm sao giải trí?

Ngược lại, ở bài dễ hát hay như Thuyền và Biển, thì các giám khảo lại quá nhấn mạnh vào tiếng hát (Siu Black đã khen quá lời là mặn mà) để quên đi phần phục trang và cách thể hiện của diễn viên. Bản tình ca đằm thắm dung dị của những năm 80 thế kỷ trước được đưa về phòng trà thời Pháp thuộc, hay xa hơn nữa, thời của Trà Hoa Nữ. Song Ngọc nỉ non những giai điệu từng đi vào lòng công chúng với giọng hát sâu lắng- ví dụ của Quang Lý hay Ái Vân. Tất nhiên Lê Hoàng có thể vẫn khen hay, vì cũng không cần đòi hỏi quá cao ở nghệ sĩ mới nổi. Nhưng lời khen đó phải được nối bằng câu “vì đây là chương trình giải trí…” của Lê Minh Sơn! Thật sự, với phục sức như vậy, dù giọng hát trên trung bình, thì làm sao tiết mục mang tính giải trí cao cho được.

Đương nhiên tính giải trí của một tiết mục thường bao hàm cả giá trị thương mại hay ăn khách của nó, và vì thế không nên quá câu nệ những chuẩn mực nghệ thuật kinh điển. Đến đây, các vị giám khảo lại tỏ ra quá khó tính khi Lê Minh Sơn cho rằng Trấn Thành không đủ tầm để hát hùng ca Đất nước. Anh đã quên rằng đây là gameshow chứ không phải cuộc thi hát chuyên nghiệp. Nếu Trấn Thành thể hiện bài hát rất tầm cỡ này trong hình tượng của một thanh niên sinh viên, với giọng hát tuy không dày dặn nhưng đúng nhạc và giàu cảm xúc, thì có thể coi là đạt yêu cầu. Cảm xúc, như Hồ Hoài Anh nhấn mạnh, đã khỏa lấp khiếm khuyết nghệ thuật để giữ được giá trị giải trí cho tiết mục.

Chính nhờ cảm xúc của ca sĩ, mà một bài mới như Chỉ có đôi ta, với cách thể hiện nhẹ nhàng trang nhã, tuy không thật xuất sắc, vẫn mang tính thuyết phục, và vì thế, có giá trị nghệ thuật- giải trí nhất định. Ngược lại màn Tiếng trống Mê Linh của cặp Đàm - Thư, với đạo cụ lỉnh kỉnh, vũ đạo rườm rà, không thể hấp dẫn được ai. Tiếng hát thì rời rạc như trong phòng karaoke cùng hai gương mặt rất kịch, thiếu cảm xúc.

Nếu được dẫn dắt bằng những quan niệm đúng đắn về tính nghệ thuật và giải trí, chắc chắn các tiết mục sẽ có chất lượng cao hơn. Một gameshow sẽ không cần nhờ tới những tình tiết như việc cho điểm gây sốc của Lê Hoàng, hay những màn đấu khẩu kiểu “hát bè hay hát giọng chính khó hơn” giữa Hồ Hoài Anh và Siu Black, để thành công.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG