Nghìn lẻ một chuyện ăn

Nghìn lẻ một chuyện ăn
TP - Miền gió Lào cát trắng quê tôi từ ngàn xưa đã có phong tục “ăn khi có sự kiện”: Ăn cưới, ăn giỗ, ăn hỏi và cả đám ma cũng ăn, cũng mổ lợn, giết gà như các đám khác. Nhưng trong tất cả các đám ăn, chỉ có ăn cưới là phải bỏ tiền ra - “Ăn cưới thì lỗ, ăn giỗ thì lời” còn các đám ăn khác đều là ăn chịu.

Ăn chịu nhưng không phải ăn quỵt, vì chịu luân phiên và cứ thế đàn ông trong làng mỗi năm 360 ngày chí ít cũng năm bảy chục lần đi ăn cỗ.

Xã hội đổi thay, quê tôi cũng thay đổi, ăn uống giờ đây được nâng lên tầm văn hoá, việc ăn uống không đơn thuần dừng lại ở ăn nhậu nữa.

Câu nói cửa miệng “làm nghề gì ăn nghề nấy” hay “làm ăn”, “biết ăn mới biết làm” đã trở nên phổ biến và mang tính “triết lý cùn”. Các quan tham cứ tha hồ ăn, bởi không ăn bị coi là không biết làm nên nhiều khi chẳng muốn ăn cũng đành phải ăn.

Trong thời đại mới, nhận thức, ứng xử và trình độ văn hóa của người dân được nâng cao, thế nhưng đó đây vẫn không ít loại người thích “ăn vạ”. Chiếc xe máy của một người phụ nữ đứng tuổi chẳng may quệt phải dè sau xe của một thanh niên lực lưỡng chẳng đủ lực để làm nên một tai nạn cũng nằm lăn ra ăn vạ để phạt tiền.

Trong ngàn vạn thứ liên quan đến ăn thì có lẽ nguy hại nhất là “ăn tàn phá hoại”. Các công trình đồ sộ mà sắt thép bị ăn bớt, thậm chí có nơi sắt thép được thay thế bằng cọc tre thì dù tiền núi của nhà nước đổ vào cũng có ngày tan thành mây khói. Tài sản quốc gia chỉ như chiếc lá mùa thu rơi trong gió thoảng, tính mạng những người xung quanh được treo lên chiếc giá gỗ mục chẳng có sự an toàn.

Thời buổi kinh tế thị trường thì “ăn theo” – theo đóm ăn tàn là một kiểu ăn ngon lành, béo bở nhất. Lạ thay, sao dân ta lại thích ăn, thích những gì có liên quan đến ăn như vậy, ca dao, tục ngữ xưa có không ít câu nhắc đến từ “ăn”:

Ăn miếng trả miếng/Ăn xổi ở thì/Ăn trên ngồi trốc/Ăn ốc nói mò/Ăn to nói lớn/Ăn như rồng leo, làm như mèo mửa/Ăn không nên đọi nói không nên lời/Ăn no rồi lại nằm khoèo-Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem/Ăn thì chọn những miếng ngon-Làm thì chọn việc cỏn con mà làm

Phải chăng, khi đói người ta thích ăn và thích nói chuyện ăn, nhưng hiện nay dân ta đã giã từ cái đói và đang dần thoát nghèo. Nên chăng bỏ bớt các phong tục ăn, các kiểu ăn khi có sự kiện. Đảng và Nhà nước ta đã không ít lần phát động toàn dân xây dựng nếp sống mới, đời sống mới.

Cưới xin theo nếp sống mới mà cứ phong bì, phong bao, ăn uống tràn lan; chẳng muốn ăn mà cũng phải ăn; chẳng đủ tiền chi tiêu nhưng tiền đám cưới thì không thể nợ. Con người cứ tự ràng buộc, làm khó nhau trong một phong tục chẳng hay ho gì nhưng lại không thể dễ dàng từ bỏ được. 

Hoàng Xuân Dũng
Hà Nội

MỚI - NÓNG