Nghìn năm một con phố

Ga Hàng Cỏ 1902 (Hồng Vĩnh chụp lại tại triểm lãm Nghìn năm một con phố)
Ga Hàng Cỏ 1902 (Hồng Vĩnh chụp lại tại triểm lãm Nghìn năm một con phố)
TP - Không sở hữu kiến trúc thanh lịch như Tràng Tiền và nhiều con phố khác, nhưng đường Lê Duẩn mang trên nó lịch sử ngàn năm. Nhà sử học Đặng Phong chọn đường giao thông huyết mạch này để kể chuyện lịch sử Thăng Long- Hà Nội.
Ga Hàng Cỏ 1902 (Hồng Vĩnh chụp lại tại triểm lãm Nghìn năm một con phố)
Ga Hàng Cỏ 1902 (Hồng Vĩnh chụp lại tại triểm lãm Nghìn năm một con phố) .

Đặng Phong vốn nổi danh là nhà sử học chuyên nghiên cứu lịch sử kinh tế Việt Nam, ngẫu nhiên chọn viết về lịch sử Hà Nội. Ông quyết định “zoom” vào một con đường nhất định.

Andrew Hardy, Trưởng đại diện Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam, bạn vong niên của Đặng Phong nhớ lại: Sau khi nảy sinh ý tưởng, mọi người ngồi uống bia ở ga Hàng Cỏ. Đặng Phong nảy ý định, việc đầu tiên phải thả bộ dọc con đường, quan sát và phát hiện ra vô khối điều lí thú trên mỗi dấu mốc đi qua: Đoạn giao với Khâm Thiên, Nguyễn Du, Hàng Lọng, vườn hoa Cửa Nam cho tới tận đầu đường chỗ giao với Điện Biên Phủ…

Dù đang ở thời hiện đại, ngước nhìn hai phía con đường, tác giả chợt nhận ra dấu ấn lịch sử trong mỗi căn nhà. Góc ngã ba Nguyễn Du vốn là vườn của ông tây Dufourcq, người có sáng kiến đưa nhiều loại hoa, rau của Pháp vào Việt Nam. Đoạn giao với Trần Quốc Toản là biệt thự của Victor Tardieu, một trong những người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Phong cách nghiên cứu cả không gian, thời gian áp dụng trong cuốn sách, được các nhà sử học Đào Hùng và Dương Trung Quốc gắn danh “phong cách Đặng Phong” trong buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách Chuyện Thăng Long-Hà Nội qua một đường phố, tối 1-12 tại L’Espace.

Đặng Phong nhẩn nha đi dọc con đường, dùng lát cắt không gian và thời gian mà điểm mặt từng địa danh, tưởng như bình thường và quen thuộc, nhưng mang trong mình bao điều thú vị. Khu vực Cửa Nam xưa kia là nơi giao thương sầm uất, đặt Đãi Lậu Viện và Đình Ngang- đón tiếp quan, dân chờ đợi trước khi vào thành.

Chợ Cửa Nam xưa vốn được ghi danh “Thăng Long bát thị”, liên quan đến một loạt phố phường quanh đó. Hàng Lờ chẳng hạn, ngày nay là đoạn ngõ Hội Vũ đến Cửa Nam sát đường Lê Duẩn, buôn bán dụng cụ đánh bắt cá. Bởi hai bên con đường này cho đến tận cuối thế kỷ 19 vẫn còn hoang sơ nhiều ao hồ, đầm lầy.

Thế kỷ 16, 18, con đường có tên Hàng Cỏ, vốn là nơi tập trung cỏ bán cho đội nuôi voi của triều đình trong thành. Theo ghi chép của Alexandre de Rhodes và giáo sỹ Baldinotti, thành Thăng Long có khoảng 300 đến 400 con voi, nuôi thành voi chiến hoặc voi vận tải, thú vị hơn voi được huấn luyện thành đội voi cứu hỏa, do nhà cửa trong thành thời này chủ yếu tranh tre nứa lá.

Cái tên Hàng Cỏ không chỉ mộc mạc, nó còn cho thấy sức sống dai dẳng. Kinh qua nhiều tên gọi khác nhau, ngày nay tên gọi này còn lưu dấu ở tên ga Hà Nội, và một ngõ nhỏ ngay trước cửa ga, chỗ 108 Trần Hưng Đạo rẽ vào mang tên ngõ Hàng Cỏ.

Như lời giới thiệu sách gợi mở của Andrew Hardy, nhiều điều lý thú chờ đợi độc giả khám phá trong cuốn sách: “Dưới tên hành chính hiện đại-Quốc lộ 1- giờ đây nó (đường Lê Duẩn) nối liền Hà Nội với TP Hồ Chí Minh. Cái tên mới cho ta thấy đây là con đường quan trọng nhất trong hai con đường giao thông huyết mạch trên đất nước này.

Điểm mút phía bắc con đường là cổng chính và Hoàng thành Thăng Long, trái tim chính trị một ngàn năm tuổi của Việt Nam. Bao nhiêu hành trình đã bắt đầu và kết thúc ở cổng thành này? Như đối với một con đường huyết mạch khác, ga tàu hỏa cũng được xây dựng trên đường Lê Duẩn bao giờ cũng là cổng mở của Hà Nội về phía Nam đất nước. Và câu chuyện hướng Nam là khúc tráng ca của Việt Nam”.

Đặng Phong dành dung lượng khá lớn nói về các bước thăng trầm để có tên đường Lê Duẩn ngày nay: Đường Thiên Lý từ thế kỷ 19 trở về trước, rồi đến bức tranh lịch sử thế kỷ XX thời Pháp thuộc, tên đường đổi thành Đường Cái Quan (Route Mandarine) sau khi Pháp xây dựng xong ga Hàng Cỏ. Những năm 1950, đường đổi thêm một lần nữa sang tên tướng Pháp thời bấy giờ Lattre de Tassigny. Sau năm 1954, đổi thành Nam Bộ, hướng vào Nam và chuyên chở bao nhiêu hi vọng thống nhất đất nước.

Năm 1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, năm sau tên ông được lấy đặt cho con đường huyết mạch này, bởi cả cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với sự nghiệp giải phóng miền Nam. Đặng Phong còn tìm ra mối liên quan khác giữa con đường và vị cố Tổng Bí thư: Khoảng năm 1927-1928, Lê Duẩn là công nhân làm tại nhà ga Hà Nội.

Cùng với sự ra mắt cuốn sách Chuyện Thăng Long-Hà Nội qua một đường phố, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, NBX Tri thức phối hợp Viện Viễn Đông Bác cổ, Trung tâm Văn hóa Pháp thực hiện triển lãm Nghìn năm-một con phố, khai mạc tối 1-12.

Hình ảnh trong triển lãm: bản đồ, ảnh chụp… nhằm mục đích cụ thể hơn nội dung cuốn sách. Bản thân Đặng Phong tham gia lựa chọn, chỉ tiếc ông qua đời ít ngày trước triển lãm.

Cuốn sách đầu tay của Đặng Phong (1937-2010) Kinh tế thời nguyên thủy ở Việt Nam, còn câu chuyện con đường Lê Duẩn là cuốn sách cuối cùng của ông, trong số hơn 20 đầu sách, chủ yếu về kinh tế. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG