Ngô Hồng Quang: Thi nhạc viện Hà Lan giữa chừng đã đỗ

Ngô Hồng Quang: Thi nhạc viện Hà Lan giữa chừng đã đỗ
TP - Không học sáng tác, chỉ là nhạc công chơi đàn nhị, đàn bầu, đàn môi, k’ni, trống dân tộc và nhiều nhạc cụ khác - nhưng Ngô Hồng Quang “dám” viết các tác phẩm nhạc hiện đại dành cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam.

Và cái duyên đưa Quang trở thành người Việt Nam đầu tiên học tại Học viện Âm nhạc Hoàng Gia Hà Lan.

Duyên phận

Ngô Hồng Quang: Thi nhạc viện Hà Lan giữa chừng đã đỗ ảnh 1
Ngô Hồng Quang

Quãng tròn tháng trước Ngô Hồng Quang bất ngờ gọi điện báo đã giành suất học bổng tại học viện Âm nhạc Hoàng Gia Hà Lan. Bất ngờ hơn chàng nghệ sĩ này lại đỗ chuyên ngành sáng tác.

Không bất ngờ sao được bởi Quang là một nghệ sĩ, giảng viên trẻ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhưng không phải chuyên ngành sáng tác mà là đàn nhị. Con đường đến Hà Lan của Quang chỉ có thể giải mã như một sự sắp đặt của số phận!

Quang biết chơi đàn nhị, đàn bầu, đàn môi, k’ni, trống dân tộc và nhiều nhạc cụ khác và có lợi thế về tiếng Anh, lại có thâm niên tới hơn chục năm dạy đàn nhị và âm nhạc truyền thống Việt Nam cho nhiều bè bạn quốc tế công tác tại Hà Nội. Rồi cũng như cái duyên với người nước ngoài, Quang đã có nhiều lần đi biểu diễn ở các nước.

Quang kể, trong số các đợt đi biểu diễn nước ngoài nhớ nhất ấy là chuyến lưu diễn trong 2 mùa hè liên tiếp năm 2006 và 2007; tức là mỗi chuyến kéo dài 3 tháng biểu diễn tại 5 nước châu Âu: Ireland, Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan.

Trong chuyến đi ấy Quang vừa biểu diễn các nhạc cụ, hát dân ca vừa nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Khán giản rất đa dạng, chỉ một phần là bà con Việt kiều, còn chủ yếu người bản xứ.

“Trình độ thưởng thức âm nhạc của người nước ngoài rất cao, nhìn họ chăm chú lắng nghe những giai điệu âm nhạc và những nhạc cụ truyền thống của Việt Nam trong suốt 90 phút. Họ còn đặt những câu hỏi rất thú vị và hứng thú khi tôi ngẫu hứng hát mấy làn điệu dân ca.

Thậm chí, trong buổi biểu diễn của tôi tại Ireland, các nghệ sĩ dân gian nước này còn mang nhạc cụ của họ đến giao lưu biểu diễn cùng. Họ cùng ngẫu hứng với tôi một bài dân ca Việt Nam và một bài dân ca Ireland. Tôi thấy thật hạnh phúc” - Quang cho biết.

Qua chuyến đi ấy Quang thấy mình có duyên và khả năng biểu diễn âm nhạc Việt Nam cho người nước ngoài.

“Tiếng lành đồn xa”, những lời mời tới châu Âu của Quang thông qua một người đại diện ở nước ngoài ngày càng nhiều. Chỉ sau chuyến đi vào mùa hè năm 2007 chừng nửa năm Quang tiếp tục nhận được lời mời tới biểu diễn tại Hà Lan từ 2 tổ chức có trụ sở tại nước này là: Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam và NCDO - một tổ chức về hỗ trợ các nước đang phát triển.

Một lời mời thực sự hấp dẫn, vậy là Quang đã quyết định dành cả cái Tết Nguyên đán 2008 cho chuyến đi. Buổi biểu diễn đầu tiên dành cho Việt kiều Hà Lan và những người Hà Lan yêu Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán truyền thống của dân tộc Việt.

Đặc biệt, trong chương trình của tổ chức NCDO diễn ra tại Nhà hát Hoàng Gia Hà Lan, nhà hát danh giá nhất đất nước này, Ngô Hồng Quang được dành riêng 15 phút biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Bữa ấy Quang thể hiện độc tấu đàn nhị điệu chèo cổ “Lới lơ”, độc tấu đàn K’ni của Tây Nguyên bài “Đi săn” của Ngô Hồng Quang và hát bài “Tiếng Việt” đậm âm hưởng dân gian của Lê Tâm. “Có nhiều người Hà Lan cảm động, tình cảm quá khiến tôi không thể nào quên”.

Không những thế, lần này Quang tiếp tục nhận được nhiều lời mời biểu diễn và khám phá thêm được khả năng trình diễn của mình khi nhận lời biểu diễn cả một chương trình với các em thiếu nhi tại trường cấp 1 Houten tỉnh Utrecht. Ngoài ra còn biểu diễn phục vụ khoảng 100 cụ già ở một trung tâm dưỡng lão.

“Các cụ hầu như đều ngồi xe lăn, điều này đã gây ấn tượng lớn cho tôi vì các cụ yếu như thế nhưng khi tôi diễn các cụ rất lắng nghe và có nhiều câu hỏi về đất nước, con người, nhạc cụ truyền thống của Việt Nam...”.

Ngã rẽ

Trong những lần tới Hà Lan, Ngô Hồng Quang luôn dành thời gian ghé thăm và đã có một buổi xem biểu diễn tác phẩm của sinh viên sáng tác Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan theo khuynh hướng âm nhạc hiện đại.

Trở về Việt Nam, Quang như bị ám ảnh bởi suy nghĩ tại sao không thử sức sáng tác những tác phẩm mang âm hưởng của Việt Nam cho chính cây đàn Việt Nam? Đem suy tư này tâm sự cùng nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng không ngờ được ủng hộ lại còn khuyến khích rằng chỉ như thế mới có thể tạo được dấu ấn riêng, không lẫn với ai nhất là khi đi biểu diễn ở nước ngoài.

Từ gợi ý chọn âm sắc nhạc cụ và viết như thế nào mà chỉ hơn tháng sau Quang hoàn thành 3 tác phẩm “Thiền” viết cho đàn bầu, đàn tam, chuông, mõ và trống đế; “Sắc tộc” viết cho Sáo, tiêu, đàn môi và k’ni; và “Thường xuân” là sự hoà trộn màu sắc âm thanh thập lục, nhị và cồng.

Thu âm xong, nghe đi nghe lại, Quang lại nảy ý định viết lời giải thích ý tưởng từng tác phẩm, giới thiệu sơ qua nhạc cụ bằng tiếng Anh và chụp lại ảnh các nhạc cụ trong từng tác phẩm ghi vào trong đĩa CD rồi gửi sang Hà Lan dự thi.

“Lúc đầu nghĩ cứ mạo hiểm thử xem mình có khả năng trong sáng tác hay không” - Quang cho biết. Không ngờ bài của Quang đã vượt qua vòng sơ tuyển, và Quang nhận được thư báo sang dự vòng thi tuyển trực tiếp.

Đang băn khoăn vì thời gian quá gấp, lo thủ tục và phải lo cả một khoản tiền tương đối lớn cho việc đi lại và ăn ở trong quá trình thi thì Quang nhận được lời mời của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tham gia dàn nhạc tham dự Festival Hề Thế giới tổ chức tại Paris vào tháng 6/2009.

Khéo nữa là danh sách thi sáng tác của Quang được bố trí vào buổi cuối cùng, thế là vừa vặn để phục vụ xong Festival và đủ thời gian có mặt tại kỳ thi.

Thi giữa chừng đã đỗ

Thi tuyển bên đó cũng rất khác. Quang kể, sau khi đứng đầu bảng môn thi lý thuyết âm nhạc bằng tiếng Anh tới phần thi ghi âm và xướng âm không được chuẩn bị trước. Sau đó mới tới chuyên ngành, mỗi sinh viên được 25 phút dự tuyển, trong đó tự giới thiệu về tác phẩm.

Quang vào trình bày được một lúc thì các thầy ngắt quãng, hỏi: Tại sao em lại có thể sáng tác được những tác phẩm này? “Đây là tất cả vốn liếng của em về âm nhạc dân tộc Việt Nam và những gì em đã được xem tại Học viện trong những lần được tới biểu diễn ở Hà Lan, sau đó về mới có ý tưởng để sáng tác” - Quang trả lời.

Các thầy lại bảo: “Đây hoàn toàn là bản năng nhưng tính âm nhạc rất cao”- Quang thở phào. Phần thi mới được chừng 10 phút các thầy đã mời ra ngoài, sau đó 2 phút lại gọi vào: “Chúc mừng em đã vượt qua kỳ thi , hy vọng sớm gặp em trong năm học mới” - Quang nghe như không tin nổi vào tai mình.

Vẫn “Tìm Hà Nội”!

Thực ra không phải giờ này Ngô Hồng Quang mới khám phá ra khả năng sáng tác của mình. Quang chính là người sáng tác ca khúc “Đêm cuối cùng của mùa Đông” bài hát chính trong bộ phim “Ma làng” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã rất quen thuộc với khán giả truyền hình cả nước mấy năm qua.

Bên cạnh đó Quang cũng đã sáng tác tác phẩm cho nhạc cụ K’ni mang tên “Đi săn”. Tác phẩm này được Quang trình làng trong album đầu tay mang chính tên mình “Quang” phát hành năm 2007. Cũng trong album này Quang còn “khoe” khả năng ca hát khi thể hiện ca khúc “Tiếng Việt” theo lối hát acapella (hát nhiều bè không nhạc đệm) và bài dân ca Quan họ “Ngồi tựa mạn thuyền”... CD “Quang” đã có mặt trên các kệ đĩa tạo được ấn tượng song đến với album này nhiều nhất chính là khán giả các nước mà Quang đã tới biểu diễn.

Dù sinh ra ở một miền quê thuộc tỉnh Hải Dương nhưng ngay từ năm 13 tuổi Ngô Hồng Quang đã lên Hà Nội để học đàn nhị tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đến nay Quang đã gắn bó với Hà Nội ngót 20 năm. Vì thế mà với Quang, Hà Nội là quê hương thứ hai và là nơi gắn bó nhiều kỷ niệm nhất.

Chính vì vậy, chỉ trước ngày chính thức lên đường tới Hà Lan chừng một tuần Quang đã nhận một lời mời hết sức bất ngờ từ đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Viết một ca khúc về Hà Nội để dùng làm bài hát chính cho show game “Hà Nội 36 phố phường” ra mắt khán giả truyền hình cả nước đều đặn hàng tuần kể từ tháng 10.

Chỉ có một tuần cả viết và thu âm một ca khúc về Hà Nội, không đơn giản, nhưng với những kỷ niệm gắn bó với Hà Nội, với tâm trạng của một người con sắp tạm rời xa thành phố nghìn năm tuổi thân yêu Quang tin sẽ hoàn thành thế nên đã không ngần ngại nhận lời.

Với Quang, Hà Nội đẹp, đứng giữa sự ồn ào nếu tập trung tĩnh lặng thì sẽ thấy một vẻ đẹp khác của Hà Nội, vẻ đẹp tiềm ẩn với những điều đầy thú vị mà có thể ta đã quen đấy nhưng tìm cả đời vẫn không hết. Chỉ trong hai hôm đã hoàn thành, Quang gửi gắm cho Trần Đức Minh phối khí theo phong cách trẻ trung.

Còn Quang tự phối bè và tự thể hiện luôn ca khúc coi như một món quà trước lúc xa thành phố: “Biết Hà Nội đẹp nhưng tôi vẫn tìm, tìm cảm giác Hà Nội lúc say mê chìm đắm, lúc thênh thang bay vút... Tìm người con gái chưa quen, tìm người con gái trong tranh Hà Nội, tìm điều giản dị cuộc sống. Dù ở ngay đây hay những miền quê xa lạ tôi vẫn biết mình phải đi tìm nữa. Tìm những hàng cây con phố không dài. Tìm, tôi tìm mãi mãi trong tĩnh lặng cuộc đời. Mang trong ồn ào còn bao nhiêu lớn lao thầm kín đâu dễ tìm ra. Tôi đã biết gì Hà Nội của tôi?”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.