Ngõ phố, đời người...

Ngõ phố, đời người...
TP - “Vang bóng một thời” của phố cổ Hội An đến bây giờ vẫn còn đó dấu xưa in rõ trên những nhà mặt tiền của phố. Nhưng có một Hội An khác đằng sau những lồng đèn vàng đỏ, mắt lá đề trên khung cửa, hoành phi câu đối, mái ngói rêu phong. Đó chính là những con hẻm.
Ngõ phố, đời người... ảnh 1
Ngõ phố, đời người

Người xưa khi lập phố đã chia phố cổ thành những ô bàn cờ. Đường ngang của bàn cờ chính là những con hẻm hun hút nối phố này với phố kia, mà lòng hẻm dốc hết ra hướng bờ sông Hoài.

Có thể cho rằng mặt tiền phố cổ là dành cho thương gia, gia đình có máu mặt, mà thuở ban đầu là người Hoa, người Nhật sang đây lập nghiệp. Cư dân bản địa đời sống khó hơn thì lui vào trong. Những mái nhà và kiếp người gian khó vẫn còn đó.

Đất ít, nhà nhỏ, không đủ để tạo dựng cái ngõ riêng. Và thế là những con hẻm vô danh trở thành ngõ chung cho bao nhà. Ngõ phố không lớn hơn kiệt. Hai người đi xe máy ngược nhau, phải nhường nhịn mới qua. Sẽ càng khó khăn hơn, nếu chạm nhau ngay cái giếng giữa đường.

Tôi đến, đúng lúc ông già Bùi Đường đang gánh nước. Hì hục vục gàu trên giếng là con trai ông. Đôi gánh xô oằn vai người đã 78 tuổi. Nụ cười móm mém ngang dọc vết chân chim như những lằn nước mải miết chảy của một phận đời đã 60 năm hành nghề gánh nước thuê.

Con trai ông là anh Quốc đã gần 50 tuổi. Hết cha đến con không đi khỏi phận làm thuê. Gánh thuê gia truyền. Cả nhà ông làm nghề này. Cái giếng nuôi nấng gia đình nghèo khó đó là giếng Bá Lễ trong cái hẻm nối đường Phan Chu Trinh - Trần Hưng Đạo, vốn nổi tiếng là nước ngon, mát, sạch, nhà nhà trong phố đều uống giếng này, đã đi vào nhiếp ảnh, văn chương, báo chí.

Lấp lánh dưới làn nước trong veo kia, cất giấu bao nhiêu gương mặt người đã sống nhờ nó. Một sự tận hiến khiêm cung, chung thủy, không một chút nghỉ ngơi, kêu đòi trả nghĩa.

Có người nhắc tôi nhớ lại ông bán chè “Xí mà” nổi tiếng phố cổ cũng ở trong con hẻm này. Rồi còn ai đó nữa, nhà nào đó nữa đã sống mấy đời thuê mướn hiền hòa, cực nhọc, lặng lẽ. Hình như con hẻm cất giấu một điều gì đó vừa như cát bụi cuộc đời, vừa lặng lẽ tỏa sáng khát vọng những giấc mơ đẹp, dẫu muộn phiền ...

Ngõ phố, đời người... ảnh 2
Giếng cổ giữa phố cổ  Ảnh: Trung Việt

Anh bạn đồng nghiệp ở phố nhẩm giùm, ở giữa các con hẻm trong toàn phố cổ có đến 20 cái giếng nằm giữa đường. Như một sự ước định có trước trong xây cất, giếng chung là sự hiện diện của cộng đồng ở làng quê. Ở phố mà như quê. Nó là sự gắn kết.

Những đời người lớn lên từ cái giếng này sẽ đi hết cuộc đời bằng sự mắc míu một thời tắm giếng. Và tất nhiên nó không khỏi làm chứng nhân cho những mối tình câm nín như câu thơ của một thi sĩ phố cổ: “Em cũng vội theo thì con gái - Ai dỗ lòng qua ngõ phố rêu” (La Trung). Ngang qua đó, giếng như một lời chào, qua rồi như có ai níu chân ta dừng lại, ngoái nhìn.

Lội vào mấy hẻm trong phố, mới thấy một điều quen mà thành lạ. Ngoài chuyện hàng quán xúm xít với quang gánh nép bên tường, kẻ đứng người ngồi cũng dạt sang một bên để tránh đường, có cụ già thấy khách giương máy ảnh chụp cái giếng thì ra đứng làm cảnh, thì có thêm một chuyện nữa: Quán cà phê nổi tiếng Serenard, shop vải Thu Thủy thế giới biết tên, cà phê Lạc Viên nổi tiếng với cái tên ông chủ ở phố ai cũng biết là nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ, rồi quán ăn ngon... thảy đều nằm trong ngõ. Không đơn thuần là không có điều kiện vươn ra mặt phố.

Không gian cho những tĩnh lặng tâm hồn hình như có một điều kiện như bắt buộc là phải đi vào những ngõ mà rêu và tường xám mặc định vào nhau. Và như một sự sắp đặt đầy tính toán, nếu ở mặt phố dành cho cửa hiệu, thì các nhà thờ tộc rút hết vào trong hẻm để giữ cho yên tĩnh. Vì thế, chốc chốc lại chạm phải một cái cổng cổ uy nghiêm và gần gũi đã ngả màu thời gian.

Với cư dân ngõ phố, những viên gạch mòn nhẵn chân người, nắng mưa cõng trên mình nỗi niềm ký thác của bao phận người, nếp nhà, mà mỗi lần đi qua hay nhớ lại, như thấy vạt nắng chiều, giọt sương mai còn đọng trên nếp rêu tường cũ. Ở đó, hiện tại cũng như ngày xưa, đều hoá thành bao nỗi nhớ nhung.

Đó là nốt lặng, một tứ thơ của một Hội An khác, không phải là im lặng thu kín, cũng chẳng họa vào nhịp gõ mỗi ngày như cứ vang to hơn của phố phường, mà đó là lời thì thầm của gió...

Những đời người lớn lên từ cái giếng này sẽ đi hết cuộc đời bằng sự mắc míu một thời tắm giếng… Ngang qua đó, giếng như một lời chào, qua rồi như có ai níu chân ta dừng lại, ngoái nhìn.

MỚI - NÓNG