Ngoại lệ duy nhất của 103 năm Goncourt?

Ngoại lệ duy nhất của 103 năm Goncourt?
TP - Giải Goncourt 2006 đã được trao cho Jonathan Littell qua tiểu thuyết "Những phụ nữ nhân hậu". Nhưng nhà văn Mỹ hiện đang sống ở Tây Ban Nha cùng vợ con này đã... nhờ ông chủ xuất bản Antoine Gallimard nhận hộ.
Ngoại lệ duy nhất của 103 năm Goncourt? ảnh 1

Bìa cuốn Những phụ nữ nhân hậu

Jonathan Littell đã không đến nhà hàng Druant quen thuộc của giải Goncourt ở Paris để nhận giải.

Ông này cũng được đề nghị thanh minh rằng người trúng giải không đến không phải vì coi thường ban giám khảo, mà chỉ là một cách lùi lại để nhìn rõ mình. Anh là nhà văn trẻ nhất (39 tuổi) được tôn vinh trong mùa giải năm nay.

Jonathan Littell đoạt giải ngay ở vòng bỏ phiếu đầu một cách áp đảo - 7/3 phiếu bầu so với ứng cử viên liền kề.  Chuyện hãn hữu này lâu lắm mới xảy ra trong hơn 100 năm Goncourt.

Cũng cực hiếm dịp, cuộc bỏ phiếu vừa xong, thư ký Viện hàn lâm  Goncourt (hiện là Dedier Decoin) đã thốt lên: “Chỉ còn một điều phải nói, đây là một tác phẩm rất lớn, rất rất lớn”.

Nhà văn viện sỹ Goncourt Jorge Semprun, cho rằng “Những phụ nữ nhân hậu là quyển sách của nửa đầu thế kỷ trước”. Đáng lưu ý hơn, tất cả các ban giám khảo văn chương đều khẳng định nó là một tác phẩm cổ điển đích thực.

Khi bắt tay vào viết, Jonathan Littell tưởng nó chỉ độ 600 trang. Thực tế, nó lên đến 904 trang. Anh nghĩ nó chỉ bán được chừng 3.000 bản. Nhà xuất bản Gallimard in lần đầu 12.000 bản, đưa ra thị trường 5.000 bản thôi.

Thế nhưng, trong vòng một tháng, nó được in lại bốn lần, với số bản là 300.000. Hiện số này  đã tiêu thụ gần hết. Nhà xuất bản Gallimard đang cho ba cơ sở cùng in tiếp 150.000 bản nữa, bằng số giấy dự trữ cho tập VII Harry Potter.

Chắc chắn, NXB phải tính đến chuyện ấn hành nhiều nhiều nữa bộ tiểu thuyết cổ điển hiếm hoi đang gây nên một cuộc tranh luận cảm động về văn chương và lịch sử.

Không giống Tiềm năng một hòn đảo năm ngoái, Những phụ nữ nhân hậu hoàn toàn tự thân vận động, không cần đến bất kỳ chiêu thức quảng cáo nào. Nó hấp dẫn không phải, hay chủ yếu không phải bởi những “công cụ” quen thuộc của văn học trinh thám và hình sự.

Nó mở dần ra như chính cuộc chiến tranh khốc liệt và nền hoà bình mỏng manh với tất cả chất dữ dằn và xúc động đôi khi đến nghẹt thở, khó tin.

Độc giả tinh đời không khỏi sững sờ trước quyết tâm “thanh lọc nhân loại” bằng máu của chế độ Đức quốc xã, trước việc huy động vào cuộc “bảo vệ và phát huy giống nòi Đức siêu đẳng” tất cả bộ máy quan liêu và hàng triệu dân thường coi “sự nghiệp” đó là chính nghĩa và cao cả, trước những kiểu giết người man rợ không tưởng tượng nổi (bắn chết hàng loạt bởi những đội xử tử chỉ có hai tên lính - nhằm tiết kiệm đạn; bắt chết dần chết mòn trong lao động khổ sai, đói khát, bệnh tật; “ám sát” từng đợt trong các phòng hơi độc...)...

Những chuyện này được nói đến nhiều, song trong Những phụ nữ nhân hậu, chúng như diễn ra lần đầu tiên qua vô vàn chi tiết chuẩn xác, sống động. Một số nhà phê bình hời hợt chê trách Jonathan Littell “say mê sự dã man”.

Thật ra, một môi trường thật hơn đời thật ấy là cần thiết cho cuộc sống của nhân vật chính, tên Đức quốc xã Max Aue, có thể được xem là một nhân vật điển hình. Max Aue là một tiến sỹ luật, thông kim bác cổ, sống và làm việc hết mình, vốn văn hóa rất cao.

Nhưng y thật bệnh hoạn trong đời sống tình cảm, loạn luân, đồng tính luyến ái. Chứng này chi phối phần nào họat động xã hội của y mà trọng tâm là chiến đấu cho sự chiến thắng của chủ nghĩa phát xít, tức của “đế chế duy nhất trong tương lai”, trong đó giống “người Đức thượng đẳng” điều hành một nhân loại “trong sạch”, không còn những giống người “nhơ bẩn” như Do Thái, cộng sản hay di gan...

Việc chém giết không ghê tay trong Thế chiến II, y coi là chuyện bình thường và tất yếu. Bây giờ, già rồi, thành đạt, đường hoàng, y kể lại những chuyện ấy như những chuyện đương nhiên, không hề hối hận.

Y có thể thanh thản trong tội ác như vậy là do được đào luyện trong một hệ tư tưởng “thông thái” với một quá trình lập luận  rành mạch, “khoa học”. Hệ tư tưởng ấy đã mê hoặc được hàng triệu người như y. Nếu không có họ, bộ máy chiến tranh khổng lồ của phát xít Hitler không chuyển động được.

Tác động ghê gớm của tư tưởng được minh họa bằng câu chuyện tầng tầng  lớp lớp, hối thúc dồn dập trong Những phụ nữ nhân hậu. Những khám phá về Đại chiến II, về tư tưởng và con người phát xít là sự thật lịch sử chứ không phải hư cấu của Jonathan Littell.

Cho nên, nếu nhìn nhận phiến diện, người ta dễ quy kết bộ sách là “văn học vỉa hè”, “văn học bạo lực”, “văn học nhìn trộm”, “văn học khiêu dâm”... Đấy là một vài phê phán bất công, nhất là của nhà sử học Peter Schottler ở Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp và của Claude Lanzmann, đạo diễn phim Shoah (Tội diệt chủng Do thái) lẫy lừng.

Jonathan Littell là một nhà tư tưởng có bản lĩnh, phẩm chất cốt lõi của một văn nhân thực thụ. Hồi hai mươi tuổi, khi là sinh viên, anh đã công bố một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nhưng không thành công. Anh bèn thôi viết và “chiêm nghiệm thêm đã”.

Vốn sống, “vốn người” phong phú dần lên.   Năm 1989, anh xúc động mạnh trước một bức ảnh mà anh tình cờ phát hiện được. Đó là cô gái nông dân Nga anh hùng Zoya Kosmodemianskaia. Cô tham gia một hoạt động phá họai năm 1941 và bị phát xít Đức treo cổ.

Chó sói rỉa mất gần một nửa, hồng quân mới tìm được xác cô. Jonathan Littell hiểu rằng Zoya vô cùng xinh đẹp. Sự thật phũ phàng khiến anh bàng hoàng và không chịu nổi. ý tưởng về bộ Những phụ nữ nhân hậu vậy là nảy mầm.

Ngoại lệ duy nhất của 103 năm Goncourt? ảnh 2
Jonathan Littell

Anh tìm xem bộ phim Shoah, tìm đọc không dưới 200 quyển sách viết về Đại chiến II và chủ nghĩa phát xít Hitler. Anh tham gia các tổ chức nhân đạo để được đến các  trung tâm xung đột lớn ở các châu lục.

Anh gặp gỡ các cựu chiến binh, các nạn nhân của họa diệt chủng Do thái. Anh đi thực địa chiến trường xưa nhiều lần. Xin  lưu ý, tổ tiên anh là người Do thái gốc Balan, sang Mỹ từ cuối thế kỷ XIX.

Mười lăm năm nghiền ngẫm và chuẩn bị công phu dẫn đến kiệt tác hôm nay. Hẳn anh tự tin và nắm được giá trị tác phẩm của mình. Vì vậy, anh tránh xa truyền hình, từ chối hầu như tất cả các cuộc phỏng vấn và gặp gỡ.

Anh tỏ ra hững hờ với các giải thưởng, đã toan từ chối giải Goncourt. Trong mùa giải năm nay, anh là một trong ba người trúng giải (hai người kia là N. Huston và A. Mabanckou) chọn viết bằng tiếng Pháp chứ không bằng tiếng mẹ đẻ.

Thế mà không ít nhà văn muôn phương mơ ước viết được bằng tiếng Anh. Một điều “lôi thôi” được anh đưa vào văn đàn Pháp. ấy là việc nhà văn giao dịch với các quốc gia bên ngoài nước Pháp thông qua đại diện của nhà văn chứ không phải nhà xuất bản.

Thu nhập và “quyền uy” của nhà văn vì vậy tăng lên nhiều. ở hội chợ sách Francfort vừa qua, đại diện văn chương của anh, Andrew Numberg, đã nhượng bản quyền dịch cho nhiều nước, Mỹ, Anh, Đức, Hy Lạp, Hà Lan, Italia, Israel... Phí chuyển nhượng trung bình là 50.000 euros. Riêng Đức: 400.000. Anh, Mỹ: không dưới 1 triệu USD.

Nhiều học giả tự hào tuyên bố rằng Những phụ nữ nhân hậu là tác phẩm của mọi kỷ lục, và hơn nữa, của mọi nghịch lý. Nó đảo lộn những ý nghĩ có sẵn về sách, xuất bản, bạn đọc... Nó cho thấy điện ảnh, truyền hình, Internet không lấn át nổi văn chương nghiêm cẩn.

Chân lý mà Mác nêu lên nhân đề cập đến Tấn trò đời của Balzac vẫn rất thời sự: Văn chương chép sử còn chính xác hơn sử học. Trong thời buổi mà xã hội bị lũng đoạn bởi một nền văn học hời hợt, viết nhanh, đọc nhanh, quên nhanh, Jonathan Littell và một số tên tuổi khác chứng minh thật rõ: vẫn tồn tại một công chúng độc giả rộng rãi cho những tác phẩm nghiêm chỉnh, dấn thân và đòi hỏi cao.

Công chúng này lớn mạnh hơn nhiều  so với tưởng tượng của chúng ta, của những đầu óc lãng mạn hàng đầu. Các Goncourt đáng kể nhất trong hơn một thế kỷ là tập II bộ Đi tìm  thời gian đã mất (1919) của Marcel Proust, Số mệnh con người (1933) của André Malraux và Người tình (1984) của Marguerite Duras.

Song chúng đã là cổ điển chưa? Nghĩa là trẻ mãi không già? Câu trả lời còn bỏ ngỏ. Còn với Những phụ nữ nhân hậu, lời đáp dường như đã là khẳng định...

Từ Bình Tâm
Theo RTL, Canoe, Le Monde, Le Figaro và nhiều tài liệu khác

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.