'Ngôi sao miền núi' lại xuống phố

Nụ cười sau khi vẽ chung một tác phẩm.
Nụ cười sau khi vẽ chung một tác phẩm.
TP - Đến hẹn lại lên, dự án “Ngôi sao miền núi” mùa thứ tư của nhóm họa sĩ Việt lại tiếp tục tụ hội với nhau tại Trung tâm triển lãm 29 Hàng Bài bằng triển lãm mang tên “Sơn lục” (màu xanh của núi).
'Ngôi sao miền núi' lại xuống phố ảnh 1

Nụ cười sau khi vẽ chung một tác phẩm.

Không chỉ là hội họa

Triển lãm lần này trưng bày sáng tác của 25 họa sĩ tham gia dự án Ngôi Sao Miền Núi 2017. Theo anh Quách Ngạn Vỹ- giám tuyển nghệ thuật của chương trình thì điểm đặc biệt năm nay là ngoài các tác phẩm của các họa sĩ chuyên nghiệp, còn có bộ tác phẩm của các em thiếu nhi vùng cao (xã Tùng Vài, xã Đông Hà và xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) vẽ trên vải lanh dệt tay để làm thổ cẩm.

“Năm nay, mục tiêu hướng đến của dự án không chỉ mang hội họa đến với trẻ em vùng cao mà còn muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa cho cộng đồng nơi đây. Dự án đã triển khai cho các em vẽ trên vải lanh bằng chất liệu màu nước, acrylic, màu tự nhiên, sáp ong và kết quả đạt được 35 tác phẩm. Một số tác phẩm được lựa chọn trưng bày trong triển lãm, phần còn lại chuyển sang mỹ thuật ứng dụng do nhà thiết kế thời trang Huulala Saigon thiết kế quần áo và phụ kiện thời trang. Các sản phẩm thời trang ứng dụng này cũng được giới thiệu trong triển lãm “Sơn lục” lần này. Chúng tôi muốn các em và người dân địa phương hiểu rằng, hội họa không chỉ mang lại giá trị tinh thần mà còn có thể tạo ra sinh kế bền vững cho bản thân, gia đình và cộng đồng” - Anh Quách Ngạn Vỹ cho biết.

Từ năm 2014 đến nay, dự án Ngôi Sao Miền Núi đã kết hợp với các nghệ sỹ đương đại Việt Nam tiến hành những hoạt động thực địa, thúc đẩy nghệ sỹ có thêm nhận thức và trách nhiệm xã hội của bản thân, từ đó thông qua những tác phẩm hội họa của mình gửi đến công chúng thông điệp về những vấn đề văn hoá mà xã hội đang phải đối mặt.

Chủ trương của dự án là giảng dạy mỹ thuật tình nguyện cho trẻ em ở các vùng sâu xa, khó khăn của Việt Nam, kết hợp với các trải nghiệm sáng tác của họa sĩ trẻ. Sau 4 mùa thực hiện, ngoài những sáng tác riêng, các họa sĩ đã vẽ bích họa cho các trường tiểu học, dạy học vẽ cho hơn trên 600 học sinh độ tuổi từ 6-10 tuổi tại các xã vùng cao Hà Giang và huyện đảo Cô Tô. “Chúng tôi muốn thông qua việc giảng dạy mỹ thuật và khuyến khích duy trì bản sắc dân tộc, mang lại nhận thức về thẩm mỹ cho trẻ em và người dân địa phương, để họ ý thức được rằng điều đáng quý nhất chính là môi trường tự nhiên và văn hoá truyền thống đang hiện hữu ở quanh họ” - Họa sĩ Trần Tuấn Long, người đã tham gia 3 mùa dự án chia sẻ.

Song song với việc dạy vẽ thiếu nhi, cuối mỗi mùa dự án là triển lãm tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài của các họa sĩ cùng tranh của các em thiếu nhi tại những nơi nhóm đã đến. Các triển lãm này sau đó đều được dự án đưa sang Đài Loan trưng bày tiếp, tạo điều kiện cho công chúng trong, ngoài nước Việt Nam có thể quan tâm, tìm hiểu, hoặc nghiên cứu về văn hóa Việt, như một cách góp thêm vào cây cầu giao lưu văn hóa Việt Nam – Đài Loan. Rất nhiều các tác phẩm hội họa từ các triển lãm này đã ở lại trong các bộ sưu tập mỹ thuật tại Đài Loan sau triển lãm. Đó là triển lãm Ánh sao (2014), Sắc đá (2015), Dòng chảy (2016) và Sơn lục (2017). Toàn bộ kinh phí hoạt động của dự án chủ yếu đến từ việc bán tranh của họa sĩ thông qua các cuộc triển lãm, đấu giá tranh ở Việt Nam và Đài Loan.

'Ngôi sao miền núi' lại xuống phố ảnh 2 Đã 4 mùa liên tục, Ngôi Sao Miền Núi mang tình yêu hội họa đến với trẻ em vùng cao.

Duyên nợ vùng cao

Đây cũng là năm thứ 4, anh chàng người Đài Loan Quách Ngạn Vỹ gắn bó và nặng tình với mỹ thuật Việt, cũng là người khởi xướng dự án Ngôi Sao Miền Núi. Quách Ngạn Vỹ tốt nghiệp thạc sĩ và đang học tiếp tiến sĩ ngành Việt Nam học tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Gia đình có truyền thống làm mỹ thuật 40 năm nên trong quá trình sinh sống và học tập tại Việt Nam, Quách Ngạn Vỹ đã có niềm hứng thú sâu sắc với mỹ thuật đương đại Việt và có mối giao lưu mật thiết với các họa sĩ trẻ tại Hà Nội.

Cơ duyên tình cờ cũng giúp chàng trai này tìm thấy tình yêu với một thiếu nữ dân tộc Bố Y tít tận Hà Giang. Sau khi lập gia đình và định cư tại Hà Giang, Quách Ngạn Vỹ trở về Đài Loan, vận động các nguồn tài trợ để lập nên dự án Thiện Nguyện Sao Miền Núi. Nhóm gồm các tình nguyện viên từ Nhật Bản, Đức, Trung Quốc đang sinh sống và học tập tại Việt Nam, kết hợp với các họa sĩ giảng viên thuộc trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, nhóm Sơn Ta Việt Nam, nhóm họa sĩ Black và nhóm họa sĩ Beef Shank Studio.

Qua 4 mùa thực hiện, dự án đã thu hút được 95 nghệ sĩ tham gia và trên 20 tình nguyện viên. Có người đã sang tuổi 65, có người mới chỉ là sinh viên ra trường và rất nhiều nghệ sĩ có tên tuổi trong làng mỹ thuật. Đặc biệt, không ít người gắn bó với dự án đã 3,4 năm.

“Những chuyến đi lên miền núi, vùng sâu vùng xa, được tiếp xúc với các em nhỏ thơ ngây hồn nhiên đã giúp giới nghệ sĩ chúng tôi có thêm xúc cảm, hơi thở cuộc sống để mang vào tác phẩm. Tôi nhớ mãi một em bé người Mông mắt bị khiếm thị, có nguy cơ bị mù nhưng trong các bức tranh, em ấy sử dụng màu sắc rất mãnh liệt, đầy khao khát. Điều đó khiến tôi rất xúc động” - Họa sĩ Nguyễn Minh Đông chia sẻ. Bản thân anh đã tham gia dự án 3 năm liền và sau từng năm lại có sự chuyển biến rõ rệt trong phong cách. “Thời gian đầu khi tham gia dự án, các tác phẩm của Đông có màu sắc hơi dị, hơi sốc cho người xem. Đông vẽ nhiều về các vấn đề xã hội gai góc, day dứt, đau đớn. Nhưng sang các mùa sau, tác phẩm của anh duy mỹ hơn, lãng mạn hơn, hướng đến cuộc sống yên bình, đầy chất thơ ở vùng cao” - Giám tuyển Quách Ngạn Vỹ nhận xét.

Họa sĩ Nguyễn Trường Linh thì có một xúc cảm đặc biệt về hòn đá “thạch sơn thần” ở Hà Giang. Nếu như năm đầu tiên, tác phẩm anh vẽ còn mang hơi hướng tranh thủy mặc của Trung Quốc thì đến năm thứ 2, vẫn vẽ lại hòn đá đó nhưng phong cách dùng màu đã đậm bản sắc Việt hơn. Tác phẩm lần này khi triển lãm tại Đài Loan đã được một nhà sưu tập mua lại với giá 7000 USD.

Với mong muốn có thể đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, hiện tại dự án Ngôi Sao Miền Núi và nhóm họa sĩ cũng đã có kế hoạch đi vào khu vực Tây Nguyên để thực hiện chương trình 2018.

MỚI - NÓNG