Ngôi sao thời "Công nghệ thi": Bệ phóng hay trò chơi may rủi?

Ngôi sao thời "Công nghệ thi": Bệ phóng hay trò chơi may rủi?
Thời nay, hiếm có ngôi sao ca nhạc nào không từng là thí sinh của một cuộc thi hát, “khiêm tốn” thì cấp trường, cấp quận, “danh giá” thì khu vực, quốc tế.

Nhưng việc có thể bừng sáng hay chưa sáng đã… tắt thì, nhiều khi, người ta chỉ còn biết gọi đó là do những phần trăm may mắn.

4 cuộc thi và 4 diva

Năm 1991 đáng nhớ với nhiều người bởi 2 cuộc thi lớn mà những người đoạt giải cao, cũng như những cuộc thi tiếp nối, đã có ảnh hưởng quan trọng đến diện mạo đời sống âm nhạc đại chúng Việt Nam cho đến tận bây giờ.

Ngôi sao thời "Công nghệ thi": Bệ phóng hay trò chơi may rủi? ảnh 1 Ngôi sao thời "Công nghệ thi": Bệ phóng hay trò chơi may rủi? ảnh 2 

Ngôi sao thời "Công nghệ thi": Bệ phóng hay trò chơi may rủi? ảnh 3 Ngôi sao thời "Công nghệ thi": Bệ phóng hay trò chơi may rủi? ảnh 4

Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung và Hà Trần.

4 "diva" được phát hiện từ các cuộc thi lớn

Thứ nhất là Cuộc thi đơn ca nhạc nhẹ chuyên nghiệp toàn quốc 1991. Trước đó, và cả sau này, chưa từng có cuộc thi nào tập hợp được cùng lúc những giọng hát đang nổi bật hàng đầu cũng như những tài năng mới đầy bất ngờ như trong cuộc thi này.

Bên cạnh những ca sĩ tham gia cuộc thi như một cách khẳng định vị trí của họ lúc đó: Thanh Lam (giải thưởng lớn), Hồng Nhung (giải nhất), Mỹ Hạnh, Ngọc Sơn, Y Moan..., còn có hai nữ ca sĩ được coi là phát hiện lớn của cuộc thi này, được báo chí nhắc đến nhiều: Thùy Dung (giải nhì) và Hồng Thanh (giải ba).

Thùy Dung sau đó đã có một sự nghiệp ca sĩ rất sáng sủa song hành cùng công việc của một giảng viên piano. Còn Hồng Thanh bỗng... im ắng một cách khó hiểu.

Thời điểm đó, Mỹ Hạnh cũng được kỳ vọng rất nhiều, thậm chí còn được đánh giá cao hơn Hồng Nhung. Nhưng ngay sau cuộc thi, tên tuổi cô tự nhiên trở nên mờ khuất, mãi sau này mới tái xuất trong hình ảnh một ca sĩ phòng trà lặng lẽ.

Cuộc thi năm ấy đưa Thanh Lam và Hồng Nhung đến bệ phóng để sau này thành những “diva” đầu tiên của nhạc Việt thập niên 1990 và cũng là lần cuối công chúng còn được thấy một Ngọc Sơn “không sến”!

Ngôi sao thời "Công nghệ thi": Bệ phóng hay trò chơi may rủi? ảnh 5 Ngôi sao thời "Công nghệ thi": Bệ phóng hay trò chơi may rủi? ảnh 6 Ngôi sao thời "Công nghệ thi": Bệ phóng hay trò chơi may rủi? ảnh 7
Thanh Thúy, Bourne Trinh và Vương Dung đều đoạt giải Nhất tại các cuộc thi, nhưng sau đó các hoạt động âm nhạc thì hoặc lận đận hoặc im tiếng.

Sau cuộc thi đó không lâu, tại Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, một giọng hát vụt thoát khỏi không gian chật hẹp của phòng thu âm đài phát thanh, tỏa sáng như một ngôi sao mới - Lan Hương, thực sự là phát hiện sáng giá ở một liên hoan có quy mô quá lớn với hàng chục đoàn nghệ thuật, tham gia từ nhạc nhẹ tới dân gian.

Ở thời điểm những năm 1992 - 1993, Lan Hương rất nổi tiếng ở Hà Nội. Nhưng chẳng bao lâu cô cũng lại quay về với sóng phát thanh, bỏ qua một bên con đường đi tới địa vị ngôi sao trên sân khấu ca nhạc.

Cùng năm 1991, lần đầu tiên cuộc thi Tiếng hát Truyền hình được tổ chức (nay mang tên Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình). Một trong những người đoạt giải cao nhất cuộc thi đó là Quỳnh Như.

Nếu cô không xuất cảnh và đổi tên thành Như Quỳnh để có thời điểm là ngôi sao số 1 thị trường ca nhạc hải ngoại thì không biết hiện giờ trong nước, ca sĩ Quỳnh Như có vị trí như thế nào?

Những ca sĩ khác thành công từ cuộc thi năm ấy như Khánh Duy, Cam Thơ... vị trí của họ không thay đổi bao nhiêu sau chừng ấy năm.

Năm 1993, tại Liên hoan các ban nhạc toàn quốc tổ chức ở Đà Nẵng, ấn tượng của các ban nhạc hàng đầu Việt Nam tạo ra lại không mạnh mẽ bằng những gì mà một cô ca sĩ nhỏ bé đem lại. Mỹ Linh chính là phát hiện lớn nhất tại Liên hoan này.

Một năm sau đó, được chọn thế chỗ Hồng Nhung trong chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam - chương trình biểu diễn âm nhạc có quy mô lớn nhất cho đến tận bây giờ - Mỹ Linh đã tỏa sáng, chính thức trở thành ngôi sao mới. Vài năm sau, cô lên đến đỉnh cao nhất về cả đẳng cấp ca hát lẫn thị trường, thành một diva nhạc Việt như ta thấy bây giờ.

Năm 1995, có một cuộc thi hát làm xôn xao giới học trò cả nước: Tiếng hát Vàng Anh, do một Cty Nhật Bản tham gia tổ chức. Có hai ca sĩ cùng tên Hà được nhắc đến nhiều sau cuộc thi đó.

Hoàng Hà, giải nhất, sau một vài chương trình xuất hiện mờ nhạt, giờ hầu như không mấy người còn nhớ đến cô. Có nhiều người còn cho rằng cô đã bị hỏng giọng.

Còn Trần Thu Hà, chỉ đoạt giải ba, sau này đã trở thành một ca sĩ hàng đầu của làng nhạc Việt, 1 trong 4 “diva nhạc Việt”. Còn một nhân vật cũng có mặt trong vòng chung kết cuộc thi này, nhưng phải đợi đến Sao Mai 2005 và đặc biệt là Sao Mai điểm hẹn 2006 mới tỏa sáng là Nguyễn Ngọc Anh.

Và những bệ phóng

Giọng hát hay Hà Nội là cuộc thi không có quy mô lớn, cũng không truyền hình trực tiếp ồn ào như sau này nhưng lại là nơi phát hiện ra nhiều tài năng ca hát (dù sau này họ còn “trưởng thành” tiếp qua các cuộc thi khác) như Tùng Dương...

Từ lần tổ chức đầu tiên (1987, với giải nhất thuộc về Hồng Nhung) đến nay đã ngoài 20 năm, tên của cuộc thi này đã có lúc bị quên lãng, thời điểm tổ chức thì không cố định, nhưng những ca sĩ nổi lên từ đây thì đã có người trở thành các ngôi sao sáng chói.

Tiếng hát Truyền hình TPHCM từng có thời là cuộc thi hát danh giá hàng đầu, một mục tiêu ngưỡng vọng của rất nhiều người có mơ ước là ca sĩ. Nhưng giống như thể có một quy luật khó hiểu nào đó mà các ca sĩ đoạt giải cao trong cuộc thi này thường rất lận đận trên con đường đến vị trí ngôi sao.

Chỉ có 1-2 cái tên thực sự nổi bật sau quá trình hoạt động lâu dài hậu cuộc thi: Thu Minh mất gần 10 năm sau ngày giành giải Nhất để thực sự tỏa sáng và có vị trí trên thị trường ca nhạc, Đức Tuấn cũng mất một nửa khoảng thời gian đó.

Giải Sao Mai (tiền thân là cuộc thi Tiếng hát Truyền hình toàn quốc) là cuộc thi hát có quy mô lớn hàng đầu hiện nay. Ở lần tổ chức đầu tiên, năm 1997, những vị trí cao nhất thuộc về Thanh Sử, Thanh Thúy, Lương Chí Cường.

Và vị thế của họ cho đến giờ vẫn như... trước khi họ đi thi. Về sau này Sao Mai đã giúp phát hiện và tạo cơ hội thành ngôi sao cho các ca sĩ như Trọng Tấn, Hồ Quỳnh Hương, Kasim Hoàng Vũ, Ngọc Khuê, Khánh Linh, Phương Linh, Ngọc Anh...

Cũng có những ca sĩ đoạt giải cao nhưng hoạt động không có gì nổi bật, như Phương Nga, Vương Dung.

Vietnam Idol là cuộc thi “trẻ tuổi” nhất nhưng quy mô tổ chức, mức độ ồn ào còn hơn cả giải Sao Mai, dù ảnh hưởng thì chưa chắc đã bằng (do Sao Mai phủ sóng rộng hơn, đa dạng thể loại hơn).

Sau mùa đầu tiên, Phương Vy trở thành Idol đầu tiên, tên tuổi thì chưa ở tầm cỡ lớn, nhưng rất đắt show. Một thí sinh Top 10 là Trà My nay có bệ đỡ vững chắc đang tham vọng thành sao trước Idol. Còn những ca sĩ khác vẫn đang tiếp tục tìm cơ hội, để cả người được giải nhì là Ngọc Ánh, vị trí cho anh vẫn còn rất... mờ mịt.

Theo Nguyễn Minh
Thể thao & Văn hóa

MỚI - NÓNG