Ngồi trên vách nắng với Tiến “chồn hoang”

Ngồi trên vách nắng với Tiến “chồn hoang”
TP - Sau thành công của album vol 1 Giọt sương bay lên, nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến tiếp tục xuất hiện ấn tượng với vol 2 Ngồi trên vách nắng. Anh nói rằng: “Thế là trọn bộ âm dương”.

“Album Vol2 có tựa đề Ngồi trên vách nắng là tập hợp 8 ca khúc theo phong cách dân gian đương đại, tiếp nối 7 ca khúc trong vol 1 Giọt sương bay lên. Tôi và Phan Cường đã làm liền một năm rưỡi để hoàn thành album này.

Người ta ví von thế này: Nếu vol 1 là âm thì vol 2 là dương, trọn bộ âm dương. Vol 1 có Bà tôi thì vol 2 có Ông tôi. Vol 1 có Giọt sương bay lên thì vol 2 có Bóng anh hùng. Đó là một tâm thế khác. Nếu Giọt sương bay lên là cái gì rất nhỏ thì Ngồi trên vách nắng lại có tầm khái quát. Nó gần như là một sự tương phản nhưng cũng nằm trong tổng thể motif âm nhạc.

Phan Cường là người đem lại phần phối khí thành công cho Bà tôi và Giọt sương bay lên, sau đó là Giấc mơ dai dẳng và Lời hát dòng nước xoáy. Sự cởi mở, thẳng thắn và đặc biệt là quan điểm “bài sau không được giống với bài trước” khiến cho công việc của chúng tôi rất trôi chảy và ăn ý. Đối với Ngồi trên vách nắng, quan điểm đó thể hiện ở việc mỗi tác phẩm đều là một thể nghiệm mới.

Album Ngồi trên vách nắng mang những thể nghiệm mới về giọng ca. Có bốn giọng ca chính là Trọng Tấn, Anh Thơ và Tùng Dương. Trọng Tấn, Anh Thơ và Tuấn Anh là những ca sỹ thính phòng rất truyền cảm, còn Tùng Dương là ngôi sao nhạc nhẹ thì ai cũng biết rồi. Nếu vol 1 chỉ có một mình Ngọc Khuê hát 7 ca khúc thì vol 2 có đến bốn giọng ca để trình bày 8 ca khúc. Như vậy sẽ phù hợp với từng chủ đề, từng ca khúc.

Tôi đánh giá cao sự tinh tế của Tùng Dương trong Một hạt cơm nhỏ, sự hoành tráng của Trọng Tấn trong Ông tôi, sự mềm mại tha thiết của Anh Thơ trong Sông ơi đừng chảy.

Và gần như là một phát hiện của album này, đó là giọng của Tuấn Anh (Giải nhất dòng nhạc thính phòng Sao Mai 2005). Vẫn có nhiều ý kiến trái ngược về giọng của Tuấn Anh, có người bảo là khó nghe, nhưng bản thân tôi thì càng nghe càng thấy thích. Đó là một giọng tenor rất hiếm, hát ở những quãng cao rất tuyệt vời”.

Những câu chuyện kể bằng âm nhạc

“Cả album có thể được coi là một chuỗi câu chuyện mà tôi kể bằng âm nhạc. Câu chuyện huyền bí nhất có lẽ là câu chuyện của bầy chồn trong bài Chồn hoang (cũng là tên bài thơ do tôi sáng tác). Năm 1994, khi bài thơ này ra đời, mọi người đọc thấy nó... hoang dã quá nên gọi tôi là Tiến “chồn hoang”.

Tôi xây dựng nhiều tuyến nhân vật trong album này và bầy chồn là một trong những tuyến nhân vật đó. Bầy chồn đi trong một đêm trăng trung du và cất lên những câu hát của riêng nó. Người nghệ sỹ tưởng tượng ra những câu hát âm u, bí hiểm:

Nó tượng trưng cho sự tìm kiếm, sự đói khát ánh trăng, đói khát sáng tạo, đói khát bước qua những vết chân của chính mình. Và có thể tâm trạng của tôi cũng gửi gắm vào những dấu chân của bầy chồn hoang đó.

Tôi lấy khung cảnh vùng trung du, đồng bằng Bắc bộ cho nhiều ca khúc của mình bởi đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi vẫn tiếp diễn mãi những câu chuyện. Mỗi con người sinh ra ở một thời điểm thì sẽ có tâm thế hoàn toàn khác nhau.

Tôi không thể viết hộ ký ức cho người ở vùng đất khác vì mỗi nơi có một ký ức riêng. Có thể sau này sải cánh xa hơn, bước chân đi dài hơn thì sẽ có những đối chiếu khác nữa.

“Bóng anh hùng” cũng là tuyến nhân vật trở đi trở lại trong Bóng anh hùng và Ngồi trên vách nắng. Tôi là một kiến trúc sư nên tư duy về mặt tổng thể thì bao giờ cũng có kết cấu, nền móng, những đỉnh, trụ, của toàn bộ của album, cũng như là có mở bài, thân bài, kết luận. Và Ngồi trên vách nắng như là kết luận cho cả một chặng đường. Nó nhắc lại những hình ảnh trong các bài hát trước đó.

Tất nhiên mỗi ca khúc là một câu chuyện riêng, cảm xúc riêng nhưng bản thân tôi thích nhất bài Trĩu. Bài hát này nói lên tâm trạng của một con người đang phải xa tổ ấm của mình. Tôi sáng tác bài thơ khi đang ở Pháp, xa vợ xa con nên thấy lòng trĩu nặng: Tôi yêu con phố trĩu đèn/ Yêu em đi làm về mắt trĩu”.

Nhân cách là tác phẩm

“Tôi tham gia sinh hoạt thơ ở Hà Nội cũng được khoảng 15 – 20 năm rồi, từ khi tôi 18 tuổi. Việc tiếp xúc với văn học và liên tục rèn luyện bút pháp để sáng tạo thơ đã tạo cho tôi sức mạnh trong việc chọn lựa ngôn từ để chuyển tải ý đồ nghệ thuật của mình một cách rõ nhất, nhanh nhất.

Nhà văn Ngô Tự Lập có nói rằng ca từ của tôi đôi khi “lộn xộn, thậm chí lôi thôi”. Nhưng ca từ mà trọn vẹn như thơ Đường, thơ Lục bát thì có lẽ không phải là thơ hiện đại rồi. Ca từ của tôi bắt nguồn từ thơ hiện đại, đương đại nên những lỗ hổng của ca từ sẽ tạo nên nhịp điệu của âm nhạc.

Điều khiến cho người nghe nhận ra được tôi là cá tính và hệ ca từ của tôi, ngôn ngữ âm nhạc của tôi. Vì như Trần Dần có nói: “Nhân cách của nhà văn là văn cách của anh ta”. Người nghệ sỹ cũng vậy, nhân cách của anh ta là tác phẩm của anh ta. Ai cũng phải nỗ lực lao động để tạo nên cho mình một dấu ấn. Bên cạnh đó là một bản năng sống mạnh mẽ.

Tôi xác định mình là một nghệ sỹ. Kể cả là một kiến trúc sư thì tôi cũng là nghệ sỹ của kỹ thuật, của vật liệu, gạch đá. Và đã là nghệ sỹ thì tôi không thích hai từ “Thương hiệu”, tôi thích gọi là “Nhân cách”. Tôi tạo ra con đường, phong cách của mình và hy vọng nó sẽ tạo nên chân dung cho tôi”.

Nguyễn Hoàng Quỳnh Hương (ghi)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.