Ngồi xổm

Ngồi xổm
TP - Dù rằng, nước nhà thuộc nền văn minh lúa nước, nhiều nơi sình lầy ẩm ướt, nên dễ sinh thói quen ngồi xổm, nhưng người Việt cũng rất lên án, chê bai kiểu ngồi này...
Ngồi xổm ảnh 1

Con người đẹp nhất là danh dự và kiêu hãnh, vì thế trái nghịch với nó là thói tự ti, nô bộc. Hiển nhiên, thói quen trông hèn yếu nhất của con người, như triết gia Mauss bàn về các “kỹ năng của cơ thể” mà chúng ta đã bàn là “ngồi xổm”, tức không có ghế, cũng chẳng có bàn.

Không có ghế là chưa xác định cho mình một chỗ ngồi. Không có bàn thì chưa có chỗ viết – cũng khó mà có trí tuệ.

Về điểm này, người Anh gọi các ngài chủ tịch, người phụ trách diễn đàn, người ở ngôi cao là Chairman (che-men). Nó được ghép từ hai chữ “chair” – là ghế ngồi, và “man” là người. Người Việt theo lối Hán tự cũng gọi những người đó là “Chủ tọa”. Nghĩa “chủ” – là ngôi vị trên - làm chủ, “tọa” – là ngồi.

Một cách rất căn bản, triết gia Hegel đã bàn, và gọi thẳng ra: cách ngồi không có ghế ngồi của bất kỳ ai – là của loại nô lệ.

Ông phân tích: Chỗ ngồi, như ghế lớn, ngai vàng là chỗ cho vua chúa, các ông chủ ngự trị. Người càng quyền cao chức trọng thì càng phải có chỗ ngồi đường bệ, đàng hoàng. Và người ngồi trong ghế nhà mình bao giờ cũng tự tin hơn ngồi ghế nhà người khác, vì lúc đó ta là chủ nhà ta.

Vậy thì, trái lại, hạng ngồi xổm, có thói quen ngồi xổm, nhấp nhổm nửa đứng nửa ngồi, là hạng nô lệ, tranh thủ bán ngồi – bán đứng, còn lo chân chạy cho chủ. Và vì mình chỉ là hạng người dưới làm công nên không thể dám ngự trên ghế.

Ngồi bệt, dù không có ghế, vẫn còn hơn ngồi xổm, vì người ta vẫn dám tìm cho mình một chỗ ngồi trên mặt đất. Và khi ngồi bệt người ta nghỉ ngơi thực sự hơn, tự tin hơn.

Người phương Tây, khi không có ghế, họ thường ngồi bệt, hay ngồi xổm chân cao – chân thấp, chứ không ngồi đều kiểu “hai chân ếch”. Và khi nhìn thấy ai ngồi xổm, họ rất sợ.

Nhiều đoàn đi làm việc ở nước ngoài, các vị đại sứ ở nước ngoài mở đầu còn phải dặn mọi người rằng, đi đâu, tối kỵ ngồi xổm trước mặt người nước ngoài. Đặc biệt là ở những nơi công cộng.

Một lần tôi được chứng kiến, có anh bạn thấy một người phương Tây, liền ra góp chuyện cho vui. Trong khi mọi người đang ngồi trên những chiếc ghế nhựa ở ngoài sân, tiện thấy có một bờ gạch xây để đặt cây cảnh, anh ta trèo ngay lên ngồi xổm – dạng háng trước mặt mọi người.

Người nước ngoài là một chuyên gia rất dễ tính, hay gần gũi với mọi người từ thủ trưởng cơ quan đến cô đầu bếp, vậy mà anh ta tỏ vẻ khó chịu ra mặt.

Dù rằng, nước nhà thuộc nền văn minh lúa nước, nhiều nơi sình lầy ẩm ướt, nên dễ sinh thói quen ngồi xổm, nhưng người Việt cũng rất lên án, chê bai kiểu ngồi này. Ở một số vùng người ta gọi là kiểu “dạng tè he” , hay lịch sự hơn là ngồi “giãi thẻ”.

 Còn có hẳn câu chuyện chê bai kiểu ngồi xổm đại loại rằng:

Bà kia ngồi trên bậc thềm tam cấp, xổm, dạng tè he băm bèo thái rau gì đó. Chợt có một sư cụ đến chơi, bà vẫn cứ ngồi hồn nhiên như thể “trời sinh mông thì ngồi xổm”.

Thế là một con vịt đi dưới sân thấy chướng quá bèn kêu “khẹp”, “khẹp”, “khẹp”… Ngồi vô ý, vô tứ, bản năng đến độ, gia cầm là những thứ sống nửa hoang dã bản năng – nửa được rèn theo điều kiện, thấy chướng quá đành khuyên “hãy ngồi khẹp chân vào”.

Ngồi xổm thế còn chưa đủ. Ngay tại các thành phố lớn, trung tâm của kinh tế và văn hóa, có cả các quý bà còn ngồi xổm chỗm chệ trên mặt bàn để bán hàng. Eo ơi, còn chỗ nào để bình luận thêm.

Còn chưa hết, ở một số vùng không chỉ có quý bà đã già, mệt rồi không giữ lễ nghi gì nữa, mà các quý cô còn rất trẻ chèo thuyền bằng hai chân, dạng hết cỡ, phía dưới lòng thuyền có rất nhiều quý khách là đàn ông. Còn quý cô vẫn thản nhiên cười nói, thưa hỏi, chuyện trò như không.

Xưa kia, nhà thơ Tú Xương thấy cảnh:

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng

Đã thấy xấu hổ cho những mái đầu của đàn ông trước  đàn bà. Vậy thì cái cảnh đàn ông dưới lòng thuyền phải ngước lên, thấp hơn “dạng tè he” của các quý cô, nói chuyện không biết có nên xấu hổ cho cả hai đằng theo cách người Việt nói: “Người dại để trôn, người khôn xấu hổ”?

Hồi còn nhỏ lúc chiến tranh, đi sơ tán, thấy cảnh ấy, tôi chứng kiến một người đàn ông hỏi giọng nửa đùa nửa thật: “Cô ơi, chẳng lẽ chân duyên dáng hơn tay?”. Thì bị quý cô nàng sồn sồn cho ngay một diễn văn “Anh người thành phố biết gì! Chèo thế này cho tiện, vừa được dựa lưng, vừa đỡ mỏi tay”.

Trong phẩm chất văn hóa cũng như giáo dục, người Trung Quốc rất coi khinh những kẻ tiện gì làm nấy, họ gọi là “bọn tùy tiện”. Bởi lẽ, giáo dục là tạo ra những việc làm đẹp, những việc đó hầu hết trái với bản năng.

Con người không thể bạ đói thì ăn, bạ khát thì uống, bạ mót thì tè chỗ nào cũng được. Và kiểu chèo thuyền, hay ngồi xổm cho tiện, cho đỡ mệt, dù ở trước mắt mọi người, là một kiểu tùy tiện.

Chỉ để ý đến lợi ích bản năng, mà bỏ qua cái đẹp của giáo hóa thuộc về xã hội. Nói vậy, ở xứ ta, cũng có nơi như vùng Nhật Lệ chẳng hạn, phụ nữ đứng chèo đò trông rất thanh thoát và trang nhã. Cái đẹp của cơ thể thì lộ ra, cái đẹp của văn hóa cũng được phơi bày.

Đàn bà ngồi xổm thì đã đành, vì phụ nữ được tạo hóa ban cho chiếc xương chậu lớn để sinh nở, nên họ dễ có kiểu ngồi xổm để luyện cơ hông. Đằng này đàn ông mà ngồi xổm thì ngán không thể nào tả được.

Còn ngán hơn, nhiều anh thấy ngồi xổm, hai chân được bành ra, có vẻ oai hơn, nên anh ta thượng ngay lên ghế ngồi xổm, ăn nhậu, chuyện trò trước mắt mọi người, trong đó có không ít cả dân trí thức, sinh viên. Không tin? Xin mời ra quán bia, quán nước, quán ăn, thể nào cũng được “mãn nhãn”.  

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.