Ngọn lửa và cây mộc lan

Cây mộc lan do Đại Đức Thích Quảng Hương trồng. Ảnh: T.N.A
Cây mộc lan do Đại Đức Thích Quảng Hương trồng. Ảnh: T.N.A
TP - Ngày 11/1/2014 một ngọn lửa đã bùng cháy ở Thiền viện Quảng Hương Già Lam (Gò Vấp, TPHCM) làm nhiều người thảng thốt. Ngôi chùa là nơi tu tập của rất nhiều danh tăng, bỗng ngùn ngụt bốc khói, bất chợt đánh thức người ta về một nơi chốn bao năm yên bình bị khuấy động.

Buổi sáng xáo động

Khi chúng tôi tới thăm, ngôi chùa vẫn nguyên mùi khói khét đám cháy. Tòa nhà tăng bên trái chính điện vừa bị lửa đốt cháy một phần. Người dân kéo tới thăm không ngớt. Sư trụ trì là Hòa thượng Nguyên Giác nói: “Thật may mắn không thiệt hại về người”. Tuy vậy, ngọn lửa cũng làm cho mọi người một phen nháo nhác.

Các vị tăng trong chùa đều ăn bếp ăn chung. Riêng có một vị đại sư năm nay 75 tuổi vốn rất ít ra ngoài nên nấu ăn riêng đã lâu. Mới rồi, vị này sắm một chiếc bếp ga du lịch. Như vị sư cho biết thì: “Mình nấu không giỏi bằng họ nên bị bắt lửa!”.

Đúng lần sử dụng đầu tiên, có thể do không quen nấu bếp ga nên lửa cứ thế bùng lên và cháy sách vở, từ đó lan rộng. Do gian phòng ở tầng trên của một tòa nhà nhiều sách vở kinh kệ, lửa bùng lên nhanh. Khi thấy khói bốc đen ngòm, ngẩng đầu lên, người ta thấy một vị sư già đang đứng ngoài cửa nhìn sách vở bị thiêu cháy mà không biết làm sao. Mọi người vội chạy lên gác, dìu vị sư xuống.

Một người dân kể lại: “Trong lúc lửa cháy rực, thấy các sư lao lên lầu để vác kinh sách xuống đất bất chấp hiểm nguy”. Tôi thấy trên sân cũng vẫn có nhiều cuốn sách bị cháy quá nửa.

Thầy trụ trì khi đó không ở chùa, hay tin vội gọi điện từ xa, chỉ đạo đưa các sư già đến nơi an toàn, đồng thời tập trung chống cháy, “không cho đám cháy lan rộng ra”. Người xịt bình chữa cháy, kẻ phun nước, người kéo vòi rồng. Tất cả dồn sức chống cháy bởi trong chùa nhiều nhà gỗ và chất đống củi, gỗ. Đám cháy được dập tắt, nhưng tầng trên của một tòa nhà tăng đã bị hư hại.

Còn lại sau trận cháy

Tầng trên của nhà tăng thiền viện Quảng Hương Già Lam đã bị lửa thiêu rụi, đen ngòm. Riêng tầng dưới của dãy nhà tăng vẫn còn nguyên vẹn, nơi treo tấm di ảnh Đại Đức Thích Quảng Hương. Người dân tới thăm chùa đứng lặng ngắm bức ảnh vị sư trẻ đôi mắt sáng, miệng rộng, trán cao.

Ngọn lửa và cây mộc lan ảnh 1

Di ảnh thầy Quảng Hương còn nguyên vẹn

Sư Nguyên Giác nói: “Sau khi thầy Quảng Hương tự thiêu, chính quyền cũ đưa thi thể thầy về an táng ở một nghĩa trang quân đội cũ. Sau năm 1975, chùa lên bốc mộ mới biết dưới đất không có gì cả. Họ lừa Phật tử và đưa xác thầy đi đâu, đến nay không ai biết”.

Năm 1963, sau khi thầy Quảng Hương vì đạo vì dân vong thân, chùa đã được xây dựng kiên cố và bảo vệ nguyên vẹn cho đến trận cháy vừa rồi. Sư Nguyên Giác nói: “Trong chùa có cây mộc lan do thầy Quảng Hương trồng”.

Cây mộc lan nằm cách nhà tăng bị cháy một tòa chính điện nên vẫn còn vẹn nguyên. Cây hoa bé nhỏ năm xưa nay đã thành cổ thụ cao đến nóc chính điện, rễ tỏa ra, cành lá vươn xa, xanh biếc. Hương hoa lan tỏa khắp ngôi chùa những ban mai và chiều tà sương phủ. Ngay dưới tán cây là nơi thờ phụng sư trụ trì Trí Thủ và các vị cao tăng khác.

Đám cháy vừa rồi đã được dập tắt nhưng người dân vẫn lo lắng, tới thăm chùa bàn tán xôn xao. Vị sư trụ trì bùi ngùi bảo: “Con đường vào chùa bị lấn chiếm xây dựng nhà. Trước kia, chùa đã có ý kiến đề nghị không cho xây vì lỡ hỏa hoạn thì xe chữa cháy không vào được. Bây giờ hệ quả rõ ràng, lúc cháy, xe nước bị kẹt ngoài xa, phải kéo hàng trăm mét dây để phun nước. Cũng may nhờ nhiều người cùng xông pha góp sức mà ngọn lửa chỉ dừng lại ở nhà tăng”.

Ngôi chùa nhiều kỷ niệm

Các vị sư cho biết tên chùa hiện nay là Quảng Hương Già Lam. “Già Lam” trong tiếng Phạn nghĩa là chùa, được dựng năm 1960. Bấy giờ các tu sĩ ở miền Trung, đặc biệt ở Huế, vào Sài Gòn học hành khá đông nhưng không có nơi ăn ở. Hòa thượng Thích Trí Thủ bèn có sáng kiến dựng một ngôi chùa đồng thời làm nơi trú ngụ của các vị tăng trẻ. Hòa Thượng Trí Thủ nay đã qua đời, chỉ còn các đệ tử của thầy vẫn thay nhau trông coi và gìn giữ. Còn Quảng Hương là tên của Đại Đức Thích Quảng Hương (sinh năm 1926) đến từ Tây Nguyên, người tự thiêu trước cổng chợ Bến Thành ngày 5/10/1963 để phản đối chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm bắn chết nữ Phật tử, sinh viên Quách Thị Trang tại đây.

 
MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.