Ngựa sông

TP - Truyện ngắn dưới đây có bóng dáng của một trường ca bằng văn xuôi. Thời gian, sự biến đổi của nhân sinh, làng quê, sự tha hương… 

Tất cả câu chuyện chảy trôi êm đềm trong một mạch văn nhẹ nhõm và giản dị, nhưng ẩn giấu những xoáy ngầm; như dòng sông êm đềm lại giấu thân phận một loài ngựa hoang dã huyền thoại - như khát vọng tình yêu không bao giờ đủ đầy.

Trần Nguyễn Anh cũng là một nhà thơ, nhà báo. Hiện anh sống và làm việc ở TPHCM.

L.A.H

Ngựa sông ảnh 1 Nhà thơ, nhà báo Trần Nguyễn Anh

                      Làng tôi ở ven sông Cầu, một làng cổ cả ngàn năm mà trải qua chiến tranh và thế sự mọi thứ tiêu tan hết chỉ còn lại vài mẩu chuyện cổ và những tàn tích đền miếu chùa chiền trơ vơ trong cỏ dại. Tôi yêu làng quê của tôi dù nó chẳng còn gì để mà yêu ngoài những ngõ lối quanh co bằng gạch, một vườn cò xao xác ban chiều và đôi khi những mùa nước lũ dâng cao ngập mái nhà. Trong khung cảnh mùa màng vàng rộm, bóng người thấp thoáng cuối thôn chở lúa về trên những chiếc xe bò lọc cọc như trong một bức ảnh được giải về làng quê, chỉ khác đôi chút là trên xe chỉ vài đứa nhóc chúng tôi vui đùa với nhau vì bố mẹ đã vào thành phố làm công nhân và bán bánh đa, bánh đúc.

Mối tình đầu của tôi rất đỗi thơ ngây. Yến ở gần nhà tôi, hai đứa đều thích làm văn thơ. Mỗi tối, chúng tôi thường đọc văn thơ cho nhau nghe bên mái hiên có giàn thiên lý và nhìn trăng đi qua làng tôi từ lúc nó khuyết tới khi trăng tròn. Những mùa hè râm ran tiếng ve và những ngày ôn thi đại học. “Muốn nói gì thì nói đi” - Yến thường bảo tôi như thế. Tôi chẳng biết nói gì. Tôi mộng mơ vào đại học, thậm chí đi nước ngoài học, khám phá các phương trời, đi tìm những khung cảnh mới, con người mới, tôi đã chán với cảnh trông bếp lửa, bế em và làm thơ lục bát. Tôi cũng biết Yến sẽ vào thành phố lập nghiệp, từ giã những bài thơ câu cú lủng củng nhưng đôi khi có vài hình ảnh rất buồn cười, chẳng hạn nó thường ví von mặt trăng như một con trâu bạc đi lạc giữa chín tầng mây. Tôi chẳng bao giờ thấy trâu đi lạc, giống ấy luôn biết đường về. Nó đi lang thang, chẳng phải vì lạc.

Mọi thứ êm đềm và thơ mộng, tôi thích mùi hương chanh Yến gội mỗi chiều trước khi hai đứa đọc thơ. Tôi muốn ngắm nhìn những đàn vạc bay đêm tiếng nó ríu rít như tiếng gió thổi gần miên man từng sợi tóc mai. “Tôi thích ở làng, đẻ một đàn con”. Nó bảo tôi thế, khuôn mặt nó càng lớn càng có hình chữ điền như thửa ruộng, người ta bảo người đóng khuôn mặt ấy có tướng làm quan. Đôi mắt đen và đôi môi đỏ thắm. Tôi cười: “Vậy ở làng mà đẻ đi, cùng với đàn gà kia kìa, mỗi tối đi ngủ sớm”.  Người làng tôi thường nuôi gà nhảy ổ, người đẻ thì gà đẻ, lấy trứng ăn cho có sức có sữa nuôi con. Nhà chúng tôi đều có mấy đàn gà mái đẻ như thể chờ chúng tôi lớn lên thành người. “Đi ngủ đi con” - mẹ nó thường nhắc nhở khi bà trở mình dậy lúc nửa đêm và nhìn ra cửa sổ vẫn có bóng hai đứa làm thơ mà đứa nào bà cũng đều gọi là con.

Tôi không hiểu sao mình lại trượt đại học, có thể học lực tôi chưa đủ, cũng có thể tôi vẫn còn vướng bận điều gì đó với làng quê này, với những buổi tối êm đềm dưới hàng xoan mà nghe tiếng gió sông Cầu thổi vào mải miết. Yến đã nhập học trong thành phố, tôi biết thế, nhưng nhiều đêm liền tôi vẫn quen chân sang nhà nó, nhìn thấy dàn hoa thiên lý rụng rơi vắng lặng bóng người.

Yến vào đại học còn tôi vẫn cặm cụi với ruộng đồng, sách vở đã ném vào xó bếp. Một cảm giác thất vọng và cô đơn gặm nhấm tôi, nhưng những con sóng bên sông vẫn khiến tôi khó ngủ những đêm giá rét cuối năm. Tôi không trả lời những lá thư của Yến, tôi biết nói gì? Mọi thứ ở làng chẳng có gì thay đổi, đời tôi cũng chẳng có gì thay đổi, họa chăng chỉ có Yến đổi thay. Cuối tuần, bác bưu điện lại đưa thư cho tôi và bảo: “Cháu viết thư trả lời đi chứ”. Tôi nhìn mái tóc bác đượm màu gió sương, thương những cánh thư xa xôi gửi về, nhưng tôi chẳng có chuyện gì để kể, chẳng có gì để viết ra. Những bài thơ cũng đã từ bỏ tôi lâu lắm rồi.

Làng tôi tương truyền có giống ngựa quý. Giống ngựa này có thể sống được cả trên cạn lẫn dưới nước nên gọi là ngựa sông. Thân mình chúng bóng nhẫy như than mà đôi mắt nhìn xuyên bóng tối. Khi tôi lớn lên, giống ngựa sông gần như tuyệt chủng. Nhưng rồi một hôm, trong giấc mơ chập chờn của một cơn sốt, tôi nhận ra vẫn còn con ngựa sông ở chỗ bến hoang. Trong giấc mơ, tôi đã tìm bắt được con ngựa cổ ấy, cưỡi nó đi lên thành phố để đón Yến về làng.

Ngựa sông ảnh 2                                    Minh họa: Huỳnh Ty                  
Sau giấc mơ ấy, tôi không đọc thư nữa, những lá thư gửi về, tôi xếp nó vào trong chiếc rương cũ mẹ tôi vứt góc nhà. Tôi thường dành thời gian rảnh rỗi cuối tuần ra bến sông tìm dấu vết con ngựa hoang.

Làng tôi vốn nuôi nhiều ngựa, dùng chúng để chở gạch ngói, hàng hóa, lợn gà, tằm tơ. Nhưng chúng đều là giống ngựa khô, không thể bơi lặn dưới nước như giống ngựa cổ đại trong câu chuyện cổ và trong bức tranh khắc ở đình. Ông cụ thủ từ trông đình là người cuối cùng còn ở ngoài sông. Sông lở, làng mòn, mọi người đã dời hết vào trong. Ngoài đê chỉ còn cái đình cổ bên sông, giữa cỏ mọc um tùm. Cụ thủ từ kể: “Cách đây độ chục năm, tôi vẫn nhìn thấy một hai con ngựa sông, nửa đêm rằm thì lên chỗ bến nước ấy. Tiếng nó hý nghe như tiếng nhạc”. Giờ làng tôi không ai còn đi thuyền, cái bến bỏ hoang mấy chục năm. Ông từ tóc trắng xóa, da mồi, tiếng nói âm u, chỉ vào đám cỏ dại: “Mỗi lần ngựa lên, bao nhiêu cỏ quanh sông chúng ăn hết sạch. Một đêm rồi đàn ngựa lại về dưới đáy sông nằm”.

Làng tôi đã xây đình mới, cái đình cũ còn đó mà không ai dám dỡ bỏ. Ông từ quen cuộc sống bên sông vẫn ở ngoài này, sống dưới bức tranh cổ khắc hình đàn ngựa đi dưới đáy sông, bên trên thì mặt nước tấp nập thuyền bè bơi hội. Ông cụ nấu cơm cho tôi, ăn món tép với lá rau dại, hai ông cháu ăn xong, ra ngoài sông mai phục. Trời giá buốt, cụ bảo: “Thôi tôi cũng đã gần trăm tuổi rồi, gió lạnh thế này không chịu nổi. Cháu ở lại đây, cứ núp sau lùm cây này, nhìn ra chỗ bến nước, gốc đa. Nếu nghe tiếng ngựa hý từ đáy sông vọng là chúng nó sắp vào bờ. Đừng làm gì động, để chúng ăn cỏ cho no, dưới sông làm gì còn cỏ”.

Trăng lấp ló đâu đó xa xa. Trời cuối năm nên rằm mà mây mù bao phủ như cái chăn khổng lồ. Gió lùa từ bên kia sông, nơi những xóm làng giờ nhà cửa mọc chen ngang những nhà máy và khu công nghiệp, cách một cánh đồng lau lách, nghe nói cũng đã nằm trong quy hoạch, dòng sông uốn quanh mà đến ngay làng tôi, dòng sông như con rồng phình ra cái bụng khổng lồ mang trong đó nhiều huyền thoại và tàn tích không phai mờ. Càng khuya, gió càng thổi mạnh, lau lách rạp xuống, tôi vẫn không nghe được tiếng ngựa phi mà chỉ thấy một bầu trời lác đác những con cò con vạc đang cố tìm về làng khiến tôi lại nao lòng mà giận người bạn gái “Sao Yến đi vào thành phố mãi không về?”.

Tôi chợt nhận ra có một thế giới khác đang hiện diện bên bến sông cổ. Đầu tiên là những con sóc trên cây đa, cả một cặp rắn hổ mang khổng lồ dưới chân cây đa cũng thò đầu ra ngoài. Chó hoang, mèo hoang, chúng đã sống nơi này nhiều thế hệ và không có bất cứ dấu hiệu gì của mèo nhà nữa. Đám chim bìm bịp cũng kéo đến. Dưới sông, thật bất ngờ là những con cá lớn khủng khiếp mà tôi chưa bao giờ nghe nói cũng quần tụ đâu đó, tiếng quẫy nước của chúng nghe rợn người. Không phải, nó là một con cá sấu màu xanh rêu hoặc một con thuồng luồng vì cái đuôi của nó không phải đuôi cá nhưng sống lưng dài như một con thuyền lật úp.

Đây rồi, tôi đã nghe tiếng vó ngựa, ừ nhưng sao nó lại vọng lên gần gũi như thế nhỉ mà tại sao ngựa sông lại đóng móng? Ngoái đầu nhìn lại sau lưng, hóa ra ai đó đi chợ sớm bán cau, người ngồi trên xe ngựa chở đầy trầu cau đang đi ra khỏi làng. Đám cưới cuối năm hẳn vui lắm đấy. Người ta yêu nhau, người ta lấy nhau, cau trầu thắm nghĩa trăm năm là như thế đấy.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản như thế này. Tại sao Yến không bỏ thành phố về với tôi? Chúng ta đã sinh ra và lớn lên bên dòng sông này, nơi đây thuộc về chúng ta. Những bài thơ và những câu chuyện, những buổi tối ấm áp ngồi bên nhau dưới dàn hoa thiên lý. Chúng ta có cần những phố xa lộng lẫy hay những nhà máy vạn người? Không. Chúng ta chỉ cần có nhau.

Mẹ tôi bảo: “Con là đàn ông con trai, con phải chủ động. Con hãy bỏ cái làng quê này đi, hãy lên thành phố lập nghiệp. Tại thành phố, không phải tất cả đều có bằng đại học. Thay vì chờ đợi Yến, con hãy đi tìm Yến”. Tôi lắc đầu. Tôi không thể đi tìm cái mà mình không bao giờ tìm được nữa.

Hãy như việc tôi đi tìm những con ngựa sông! Nếu tôi la toáng lên, tôi gọi chúng, tôi đứng bên dòng sông mà cầu xin, liệu đàn ngựa hoang ấy có hiện ra không? Tôi Tôi mang theo mùi bùn nghìn năm mà đi tìm Yến hay là chờ đợi trên bến sông này ngày cô ấy trở về?

Tôi vẫn phải âm thầm nằm trong cái miếu hoang này, giữa đám mâm xôi và ngay bên những con rắn độc đang mệt mỏi nằm lăn ra ngủ. Tôi vẫn phải chờ đợi, cho đến khi đàn ngựa sông rẽ nước lên bờ. Chúng chỉ hiện ra khi chắc chắn rằng không có ai đợi chúng ở trên kia. Rằng sẽ không có ai đang dăng bẫy bắt đi một con và giữ nó lại trên bờ để thuần hóa và đem đi làm công việc rước dâu.

***

Làng tôi dạo này tấp nập nghề du lịch sinh thái. Du khách khắp nơi về thăm viếng vườn cò rất đông. Những nhà hàng, nhà nghỉ cũng được xây dựng ven sông phục vụ quý khách. Tôi thầm cám ơn cuộc đời khi tôi không ra thành phố làm những công việc mình không phải sở trường, nhờ bám trụ quê hương, tôi khá thành công với nghề làm du lịch.

Tôi có mấy chục con ngựa và một đoàn xe ngựa lộng lẫy chở khách tham quan sông Cầu. Giữa thời đại máy bay và xe ô tô các loại, việc bạn trải nghiệm cuộc sống nông thôn, được đi qua những dòng sông nghiêng mình như thiếu nữ soi gương, nghe tiếng ngựa hý và thấp thỏm về làng bằng nhịp chạy của một con ngựa, trên đầu đầy chim và cò cùng bay về vườn. Bạn cũng trải qua giấc ngủ ấm êm trong những khu nhà nghỉ nằm bên sông, êm đềm và hòa mình vào khúc dân ca êm dịu. Cuộc sống quên đi biết bao mệt nhọc và bon chen ở chốn thị thành.

Tôi có thú vui, sự háo hức chở Yến trên xe ngựa mỗi năm Tết đến xuân về. Hai đứa có dịp nói về những thay đổi phong cảnh của làng quê và những nét đẹp riêng có của quê hương mình. Dĩ nhiên, những chuyến đi như vậy đều có chồng của nàng và những đứa con kháu khỉnh đi cùng. Tôi khá ngượng ngùng khi Yến giới thiệu với chồng rằng tôi là bạn học. Ôi, tôi chỉ là kẻ học hành dở dang còn Yến đã là một tiến sĩ về văn hóa, một nhà thơ. Tôi chỉ mãi là một tên chăn ngựa bên bến sông.

Qua Tết, khách khứa vắng vẻ, cuộc sống lại trở về đời thường sau mùa hội hè đình đám. Những bộ quần áo lễ cất trong rương, kẻ đi làm ruộng, người đi làm thuê. Làng quê lại vắng vẻ như hôm nào và có lúc buồn tựa như đàn chim cũng cảm nhận được. Bấy giờ, tôi lại sực nhớ tới ông từ và ra sau cái đình cũng đã đổ từ khi nào, để thắp cho ông một nén nhang.

Buổi chiều mùa xuân, tôi không còn núp sau lùm cây mà một mình ngồi bên bến sông cũ, nơi những viên đá cổ in dấu chân bao đời cũng đã chìm dưới một lớp phù sa dày và cỏ mọc xanh mướt. Quanh tôi, bên gốc đa không biết bao tuổi, một đàn ngựa nghỉ ngơi gặm cỏ. Thỉnh thoảng chúng ngẩng lên trời và đua nhau hí như một dàn nhạc lớn.

Trong đàn ngựa ấy, có một con ngựa dáng vẻ cao lớn lạ thường, nước da bóng lấp lánh như đồng, thân mình không có lông, đôi mắt có thể mở ra không bao giờ chớp. Tôi chưa bao giờ dùng nó để chở khách bởi tốc độ phi thường của con ngựa chỉ phù hợp với chiến trận. Con ngựa chỉ ăn thứ cỏ mọc bên sông, nhẩn nha và buồn bã.

Chiều nay, tôi dẫn con ngựa ra bến nước. Tôi tắm cho con ngựa, kể cho nó nghe câu chuyện về người con gái và những bài thơ, rằng: “Chúng ta đã đợi một người, có thể vẫn còn đợi người ấy”. Con ngựa hiểu tôi, nó gật đầu và lim dim để tôi vuốt ve cho đến khi nó chìm vào dòng nước sông Cầu và mất hút chỉ để lại vài chút sủi tăm.

Tôi lên bờ, chậm rãi đến bên ngôi đình cũ năm xưa, đốt đi bộ yên cương chưa bao giờ có người cưỡi ấy. Ngọn lửa sưởi ấm tôi đôi chút giữa chiều xuân lạnh giá. Tôi không muốn để lại dấu vết gì về câu chuyện một giống ngựa thiên lý quê tôi, như cố dấu đi một bí ẩn chôn dấu trong lòng mình với những kỷ niệm về một năm tháng nào đó êm đềm của thời trai trẻ.

Trăng đã lên cao và chao nghiêng bên dòng sông Cầu êm ả, tôi bước chân khỏi bến sông, đến giữa đàn ngựa đang ngơ ngác chờ. Tôi nhảy lên lưng con ngựa đầu đàn và chúng tôi cùng nhau rong ruổi phi nước đại qua những làng quê thân thuộc, như đi tìm một chân trời xa xăm kia, đi tìm câu chuyện cổ tích giờ đây không còn ai nhớ nữa.

            12/2018

T.N.A

MỚI - NÓNG