Ngừng phát hành cuốn sách "Bài ca hy vọng"

Ngừng phát hành cuốn sách "Bài ca hy vọng"
NXB Văn hóa - Thông tin vừa ra Quyết định thu hồi cuốn sách "Bài ca hy vọng" do Nguyễn Thụy Kha biên soạn phát hành tháng 12/04.

Bài ca hy vọng, gồm 99 ca khúc sáng tác từ 1955-1975, bị thu hồi do trong đó có một số bài hát của tác giả chưa được phép phổ biến tác phẩm ở VN cùng một số bài hát chưa được Bộ VH-TT cho phép lưu hành.

Những bài hát có vấn đề đều nằm trong phần 39 bài tình ca miền Nam - là các bài: Bài không tên số 2, Bài không tên số 4, Bài không tên số 7 và Bài không tên cuối cùng của Vũ Thành An, Khúc giao duyên - Phạm Đình Chương, Chiều mưa biên giới- Nguyễn Văn Đông, Sao không thấy anh về - Duy Khánh, Paris có gì lạ không em - Ngô Thụy Miên, Bây giờ tháng mấy - Từ Công Phụng, Khúc ca ngày mùa- Lam Phương, Tình khúc cho em - Lê Uyên Phương, Đêm nay ai đưa em về- Nhật Ngân.

Trong cuộc trao đổi với TP, tác giả biên soạn "Bài ca hy vọng" cho biết anh đã viết một lá thư gửi cho một số nhà quản lý văn hóa. “Trong thư, tôi phân tích: Những bài chống phá thực sự không cho phổ biến đã đành, còn những bài mang tính nhân văn cần được xem xét kỹ... Nếu không, văn nghệ sĩ và công chúng sẽ bị thiệt thòi”.

Ngoài vài trăm bài tiền chiến chính thức được Cục Nghệ thuật biểu diễn cho phép lưu hành, trên thực tế, ca khúc thuộc diện chưa được phép được thu âm từ hải ngoại vẫn lưu hành tràn lan một cách không chính thức.

Đi karaoke vẫn có thể gọi những bài không tên của Vũ Thành An ra hát. Bài "Thương về miền Trung" (Quang Linh hát) của tác giả “bị cấm” Duy Khánh thì nhà làm băng đĩa trong nước đổi thành Minh Kỳ.

Với tư cách nhà nghiên cứu về âm nhạc đương đại, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận định: “Có lẽ thời kỳ chia cắt hai miền là vấn đề khó khăn nhất của lịch sử âm nhạc VN. Bây giờ chúng ta vì yêu đất nước này và muốn cho đất nước này giữ gìn được những giá trị đích thực của văn hóa thì chúng ta phải có một cách nhìn khác”. 

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên được nhiều người biết qua bài bài "Áo lụa Hà Đông" từng được hát trên sân khấu Duyên dáng VN, gần đây thêm bài "Niệm khúc cuối" đã được Cục NTBD cho phép lưu hành.

Trong khi đó "Paris có gì lạ không em" thì lại không cho phổ biến. Càng khó hiểu khi bài "Khúc giao duyên" của Phạm Đình Chương, phổ ca dao: Hôm qua tát nước đầu đình bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…- cũng không được phổ biến! Trong khi, Phạm Đình Chương đã có những "Xóm đêm", "Mộng dưới hoa", "Hội trùng dương" được các ca sĩ ánh Tuyết, Quang Dũng và chương trình Ký ức thời gian (VTV) dàn dựng.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha tỏ ra bất ngờ. Anh cho rằng: “Đáng lý Cục phải cung cấp  “danh sách cấm” cho tất cả những người làm công tác xuất bản, vì tài liệu ấy đâu phải tài liệu mật. Các NXB, Cục Xuất bản không ai có danh sách này. Hội nhạc sỹ Việt Nam cũng không có. Người làm công tác nghiên cứu âm nhạc như tôi cũng không có trong tay. Vậy nên khi tuyển chọn mình chỉ xem nội dung tốt, không có vấn đề, chỉ nói tình yêu thôi, thì mình dùng”.

“Cục có danh sách các ca khúc miền Nam trước 1975 chưa cho phổ biến từ năm 1995 nhưng lại không công bố rộng rãi cho các cơ quan xuất bản để họ biết mà tránh. Tôi là người tuyển chọn, NXB cấp phép thì tôi nghĩ họ đã biết bài nào cho phổ biến, bài nào không. Hóa ra chính họ cũng không biết!”

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng hy vọng, "Bài ca hy vọng" ra đời là một dịp để nhìn nhận lại những bản tình ca thời chiến ra đời ở miền Nam. “Tôi vẫn hy vọng sẽ được phép tuyển chọn 12 bài hát khác đã được Cục NTBD cho phép, thay thế 12 bài nói trên để Bài ca hy vọng được tái bản có sửa chữa, để ý định tốt của tuyển tập này cùng với 87 bài hát còn lại đến được với đông đảo người mến mộ âm nhạc”. 

MỚI - NÓNG