Người bay dịch lại Kim Vân Kiều truyện

Người bay dịch lại Kim Vân Kiều truyện
TP - Trước khi biết Đỗ Hoàng tôi đã đọc thơ anh. Quen Đỗ Hoàng, tôi được chứng kiến chuyện tình của anh. Đó là lần tôi thấy anh ở nhà người bạn, mặc quần đùi, áo sơ mi dài tay, cả người lấm đầy bùn, bèo cám bám khắp thân thể, bốc mùi tanh kinh khủng.

Bay trong đời

Người bay dịch lại Kim Vân Kiều truyện ảnh 1
Nhà thơ Đỗ Hoàng (trái) và tác giả

Tôi hỏi thì được anh kể lại là anh đã “phi tường tẩu”, nhảy ào xuống ao rau muống bơi qua, rồi chạy bộ thoát thân từ Đê La Thành về đến Đại Cồ Việt, mặt mày tái dại. Anh nói: “Cái con X. nói dối, bỏ chồng đâu mà bỏ chồng. Chồng nó là lái xe đi tuyến miền Tây, đi cả chục ngày mới về.

May mà vứt quần chạy, chứ mặc quần thì nó chém chết rồi...”. Tôi đùa: “Thế tứ đẳng huyền đai đâu mà không sử dụng, lại “phi tường tẩu” trông thảm hại thế này?”. Đỗ Hoàng ầm ừ không nói được gì. Sau đó anh nói, cô X. muốn lên lại cái lai quần cho anh, vì nó bị tuột chỉ mới nên cơ sự như thế.

Ngoài yêu đương, chuyện uống của Đỗ Hoàng cũng là chuyện khá hấp dẫn. Khi Đỗ Hoàng uống bắt đầu ngà ngà là anh đọc thơ Đường nguyên bản. Tôi hết sức phục trí nhớ của Đỗ Hoàng, bởi anh thuộc nhiều bài thơ, đoạn văn từ đời nảo đời nào, mà lại đọc lưu loát, không sai một từ. Khi say Đỗ Hoàng còn khen hết lời thơ của ai đó và cũng chê thậm tệ mấy tác giả làm thơ có cách tân về mặt hình thức. Đỗ Hoàng bảo thủ đến cùng ý kiến của mình. Anh bảo: “Đó là loại thơ rối rắm, loại thơ vứt đi. Thơ Đường sống mãi hàng ngàn năm mà hình thức vẫn thế, vẫn giản dị, trong sáng, dễ hiểu, tràn đầy tình cảm”.

Chuyện Đỗ Hoàng dịch thơ Việt ra thơ Việt là làm một chuyện lạ đời. Có người đồng tình có người không đồng tình. Đặc biệt mấy người bị Đỗ Hoàng đem thơ ra dịch rất ghét anh.

Không những thế, khi say Đỗ Hoàng thường phóng xe như bay trên đường, mấy phen bánh xe ô tô suýt đè phải người. Lần Đỗ Hoàng đâm xe ở bên kia cầu Chương Dương, anh không chỉ toạc một miếng bắp chân to bằng bàn tay, mà còn phải đền cho người ta 3 triệu. Còn nhớ lần  Đỗ Hoàng được vào Hội Nhà văn, tôi mời cơm ở quán Phù Đổng. Mọi người đều ngà ngà. Không hiểu do tức ai, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo quát to rồi lấy tay ấn vào cái đĩa giữa bàn làm cho nó vỡ đôi.

Đỗ Hoàng bỏ cuộc rượu ra về. Đến khuya chúng tôi ra quán nhậu đêm trên đường Lý Thái Tổ, mọi người nhắc Đỗ Hoàng, tôi liền bốc máy gọi anh. Anh bảo “tau đến, tau đến!”. Chúng tôi đợi mãi, đợi mãi mà vẫn không thấy Đỗ Hoàng đến, liền gọi điện, nhưng “máy ngoài vùng phủ sóng”. Mọi người quên Đỗ Hoàng để tiếp tục cuộc vui, thì thấy một chiếc xe xích lô nhào đến, đỗ trước quán chúng tôi đang ngồi. Đỗ Hoàng lóp ngóp từ trên xích lô cà nhắc bước xuống, mặt bị trầy xước nhẹ, quần toạc đến đầu gối. “Suýt nữa bị 18 bánh xe công lý chẹt chết”, Đỗ Hoàng vừa nói vừa thở.

Lần khác Đỗ Hoàng, tôi, nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, nhà văn Hoàng Minh Tường nhóm một cuộc rượu ở mạn Ngọc Hà. Lúc đó anh Trịnh Thanh Sơn có mấy cô bạn gái khá xinh cũng được anh mời tới uống. Có gái đẹp, cuộc uống như được hâm nóng. Đỗ Hoàng uống nhiều, chẳng ăn một chút gì vào bụng. Tôi có việc bận buổi chiều nên gọi taxi để về. Đỗ Hoàng ngăn lại, bảo để anh chở tôi về.

Tôi không đồng ý để Đỗ Hoàng chở mà tôi cầm tay lái. Ngồi sau xe, Đỗ Hoàng móc túi lấy điện thoại gọi và quát mắng một ai đó, rồi bỗng, “oạch”, anh “rơi tự do” đầu quay lại phía ngược đường, nằm bất động. Tôi hoảng quá vội phanh xe, bế Đỗ Hoàng lên vỉa hè, rồi chạy xe vào gọi Hoàng Minh Tường và Trịnh Thanh Sơn ra đưa anh vào viện. Nhưng khoảng 5 phút sau chúng tôi quay lại đã thấy anh đứng dậy, tay ôm cái cặp trong đó có 3 triệu đồng vừa lấy tiền quảng cáo, người đứng nghển lên, mặt đầy máu, trông như một con gà sống bị cắt tiết nhưng không chết, vùng chạy ra giữa sân.

Bao năm sống cạnh Đỗ Hoàng, tôi chưa bao giờ thấy anh dư dật. Hai bố con rau cơm qua ngày. Nhưng hễ có chút tiền nhuận bút, tiền giải thưởng văn chương này nọ, thậm chí là chạy quảng cáo lấy tiền về để trong túi chưa kịp nộp tòa soạn, cứ tưởng là tiền của mình, bao giờ cũng ới bạn bè đi uống. Có nhiều thì Đỗ Hoàng trả hết, có ít thì “nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Tuy thiếu tiền như vậy, nhưng không bao giờ Đỗ Hoàng ngửa tay vay hay xin mọi người một thứ gì. Con người thơ trong Đỗ Hoàng luôn thường trực nên anh sống lúc nào cũng tình cảm và thương bạn bè hết mực. Tôi nhớ năm 1996, khi tôi còn ở ngoài đê, lụt về hai bố con Đỗ Hoàng ra thăm, anh cởi giày, xắn quần xăm xắm đi vào nhà bảo có việc gì cần giúp để anh giúp. Anh nói nhiều lần với với thằng con út: “thương chú Đạo quá, thương chú Đạo quá!” làm tôi hết sức cảm động.

Vì sống lúc nào cũng bay, nên đường công việc của Đỗ Hoàng hết sức lận đận. Tốt nghiệp cao đẳng toán lý, Đỗ Hoàng ra dạy học, năm 1971 đi bộ đội “ăn cơm Bắc đánh giặc Nam”. Sau giải phóng, có chút năng khiếu viết lách, nên Đỗ Hoàng xin được vào làm phóng viên ở tờ báo Dân, Cơ quan ngôn luận của Tỉnh Đảng Bộ Bình Trị Thiên.

Nếu bằng lòng làm phóng viên dạng công chức như thế, chắc Đỗ Hoàng sẽ có cuộc sống bình lặng, tuy không giàu nhưng cũng đầy đủ. Song máu văn chương trong Đỗ Hoàng luôn thường trực trong người, nên năm 1983, anh xin thi vào Trường viết văn Nguyễn Du. Khổ nỗi do lúc nào cũng lơ mơ trong tâm trạng bay, nên trong việc làm thủ tục chuyển lương, anh bảo cô kế toán khai tăng cho 2 bậc, khi ra học, thấy lương cao quá, có người viết thư vào Báo Dân hỏi, sự việc bại lộ, anh bị buộc thôi học, bay vào Đồng Nai cuốc rẫy, viết báo lấy tiền nuôi thân.

Khóa sau Đỗ Hoàng lại thi tiếp vào Trường viết văn Nguyễn Du. Lần này thì đầu xuôi đuôi lọt. Tốt nghiệp ra trường, Đỗ Hoàng xin được về làm phóng viên ở báo Lao động- Xã hội. Xong rồi ở đây anh lại bị tai nạn nghề nghiệp khi viết phóng sự về một ông giám đốc tiếp bạn của anh ăn nhậu, có mời anh đi theo cùng. Đỗ Hoàng viết phóng sự mà như viết tiểu thuyết, cứ hư cấu đại đi cho nó hấp dẫn. Báo ra, ông giám đốc và mấy người bạn của anh ngỡ ngàng. Ông giám đốc nọ đến tòa soạn đòi kiện. Đỗ Hoàng cũng bị kiểm điểm. Sau đó xin sang làm ở Tạp chí Lao động - Xã hội.

Ở đây Đỗ Hoàng tiếp tục bị gặp tai nạn, khi thu được tiền quảng cáo, đem chiêu đãi mấy người bạn hết, không có tiền trả cho tòa soạn, đành phải thôi việc. Lang thang mất một thời gian, Đỗ Hoàng được anh Phạm Tiến Duật thương đưa về làm ở tờ Diễn đàn Văn nghệ. Tưởng yên thân tại đây, song một lần anh Duật khen thơ của một người làm thơ có những cách tân, Đỗ Hoàng uống rượu ở đâu đó về “ngứa mồm” liền vặc lại anh. Kết quả, hai người sống như mặt trăng mặt trời, Đỗ Hoàng đành dứt áo ra đi... Mấy năm sau được nhà thơ Hữu Thỉnh giới thiệu cho làm ở Tạp chí Nhà văn đến nay. Không biết, Đỗ Hoàng có ở yên ở đấy cho đến khi về hưu không. Có trời mới biết được! 

Làm chuyện lạ đời: Dịch thơ Việt ra thơ Việt

Lâu nay chúng ta thường đọc những tác phẩm văn học nước ngoài hay những sáng tác bằng chữ Hán, chữ Nôm của người xưa được dịch ra chữ Quốc ngữ. Nhưng hai năm trở lại đây, có một người dịch thơ Việt ra thơ Việt, gây sự chú ý, ngỡ ngàng trong làng văn chương nước nhà. Người làm cái việc “động trời” đó là nhà thơ Đỗ Hoàng.

Đỗ Hoàng không phải dịch thơ Việt ra thơ Việt để giải trí, mà anh có một chủ đích hẳn hoi. Hồi trước, khi chưa có Blog cá nhân, Đỗ Hoàng đem phô - tô mang phân phát cho bạn bè cùng đọc. Khi có Blog, anh tải lên đó tất cả những bài thơ đã dịch của mình. Thật lạ, từ khi những bài thơ đó được tải lên Blog, số người truy cập tăng nhanh, số người comment nhiều, và tạo thành hai luồng ý kiến trái ngược nhau: đồng tình và phản đối. Thậm chí có nhiều ý kiến mang tính chất “khủng bố”, làm cho nhà thơ Đỗ Hoàng phải rút lui khỏi Blog một thời gian.

Đỗ Hoàng viết văn, làm thơ và dịch cả thơ chữ Hán. Tập thơ Túy thì ca xuất bản năm 2001, anh dịch thơ Đường có những câu rất hay, ví dụ: “Rửa gươm trong sóng bể dâu/ Ngựa ăn cỏ máu tận đầu Thiên Sơn”. Vào một buổi chiều cách đây hơn năm, tôi với Đỗ Hoàng ngồi nhâm nhi mấy cốc bia bên gốc sấu cổ, khi đã ngà ngà, anh liền đọc thơ.

Lúc đầu tôi tưởng anh đọc thơ của anh sáng tác, nhưng không phải, mà đó là thơ người khác được anh dịch ra lục bát. Tôi liền “truy lùng” anh và lấy về được một tập bản thảo thơ dịch hơn 20 bài. Đỗ Hoàng nói nhỏ: “Đọc xong nhớ gửi trả mình nhé, đừng phát tán nguy hiểm lắm”. Tôi nghĩ, chắc Đỗ Hoàng còn sợ những tin nhắn trên Blog, nên lo xa như vậy. Tôi hứa chỉ dùng một vài dẫn chứng để viết bài, sau đó trả anh ngay, anh mới yên tâm bắt tay tôi phóng xe máy đi nhà in.

Đọc cả tập thơ dịch Đỗ Hoàng đưa, tôi thấy những nhà thơ được anh dịch nhiều nhất là Hoàng Vũ Thuật, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Thanh Tâm Tuyền, Thanh Tùng… Một lần, hỏi chuyện Đỗ Hoàng, tôi được biết anh dịch thơ Việt ra thơ Việt bởi sự “phản ứng” với một số cây bút sáng tác thơ cách tân, làm thơ bí hiểm, người đọc không hiểu nổi. Anh là đại biểu bảo vệ cách làm thơ truyền thống, bởi “thơ trọng ở tình cảm, đổi mới nội dung mới đáng quý, còn hình thức thơ như chúng ta từng có đã đủ để sáng tác được nhiều bài thơ hay.

Thơ ca làm khó hiểu, rắc rối là hạ thấp thơ...”, anh không thể nào chịu nổi. Cơn “dị ứng” nổi lên, anh lôi ngay bài thơ Mãi viên trà của người bạn thân thiết nhất là Hoàng Vũ Thuật ra dịch. Sáng tạo lại trong cơn xúc động bởi sự ức chế, nên Đỗ Hoàng dịch rất nhanh. Dịch xong, đọc lại thấy hay, bài thơ như được “nâng cấp”, Đỗ Hoàng liền mang sang nhà nhà thơ Lê Đình Cánh - một người sành thơ lục bát - đọc cho ông nghe. Lê Đình Cánh “tiếp sức” cho Đỗ Hoàng bởi những lời khen ngất trời. Đặc biệt ông thích hai câu cuối: “Kết vào nhau tựa thêu thùa/Linh hồn tôi với ngải bùa cỏ cây” (nguyên bản: kết dính vào nhau/linh hồn tôi/dính vào cành lá).

Được đà, trong một tháng, anh dịch được hơn chục bài. Dịch được bài nào anh xuất bản mồm cho các bạn thơ, bạn rượu của mình nghe. Nhiều người khen ngợi. Thế là anh tung lên mạng. Nhà thơ Tùng Bách ở tận Vũng Tàu khen trực tiếp trên Blog bằng mấy câu lục bát: “Hoan hô bác Đỗ thật cừ/ Dịch Văn Cầm Hải cứ như uống trà/ Nguyên bản em đọc không ra/ Xem qua bản dịch thế mà lại hay”.

Tôi đã đọc hết những bài thơ của Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Thanh Tâm Tuyền, Thanh Tùng, Trịnh Thanh Sơn… do Đỗ Hoàng dịch. Phải công nhận anh dịch lục bát rất khá. Không có một câu thơ nào lỗi vần. Ý tứ lại chuẩn. Bài thơ Giấc mơ đi qua của Vi Thùy Linh được anh dịch thành lục bát, nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là “hay một cách bất ngờ”.

Chuyện người dịch thơ Việt ra thơ Việt đến nay chưa có hồi kết. Tôi không muốn bình luận gì về chuyện dịch thơ này, vì người dịch là bạn tôi và người được/bị dịch cũng là bạn/đồng nghiệp của tôi. Tôi rất muốn đứng về một phía. Song học cha ông, tôi xin “dĩ hòa vi quý”.

Dịch Kim Vân Kiều truyện ra lục bát

Một hôm Đỗ Hoàng đến chỗ tôi chơi mặt mày hớn hở. Tôi hỏi kiếm được tiền à, thì Đỗ Hoàng nói: “Tiền là con vịt, tớ còn có cái gấp một vạn lần tiền. Đó là thơ, mà lại là thơ dịch Kim Vân Kiều truyện mới oai hùng. Tớ hì hục dịch Kim Vân Kiều truyện ra lục bát mất hai năm, không làm được việc gì để cả hai bố con đói khát. Đúng 6 giờ 30 phút sáng ngày 17 tháng 5 năm 2009, bản dịch hoàn thành với gần 6.000 câu lục bát”. Có lẽ chơi với Đỗ Hoàng đã lâu tôi thấy đây là lần thứ hai anh có vẻ mặt tươi vui, bằng lòng như vậy. Tôi chưa tin, song trân trọng niềm vui trên gương mặt anh nên rót rượu nâng cốc chia vui.

Có rượu vào Đỗ Hoàng càng bốc. Anh nói cụ Nguyễn Du dịch bỏ nhiều đoạn trong Kim Vân Kiều truyện nên bản dịch chỉ có 3.254 câu, còn anh dịch hết nên bản dịch dài đến gần 6.000 câu. Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều có nhắc đến việc Kiều sáng tác, nhưng không có tác phẩm nào được dịch. Khi tôi dịch ra thơ lục bát tôi dịch tất cả, nên dài hơn Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ngừng một chút để chợp ngụm rượu,  anh nói thêm: “Cụ Nguyễn dịch hay, rất hay, nhưng khi miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật dùng ước lệ khá nhiều, có đoạn nói hơi quá, xét về mặt tâm lý hiện đại thì không hợp. Về từ ngữ, nhiều câu dùng từ còn gượng, nên ép vần”.

Nghe Đỗ Hoàng nói thế, tôi cắt ngang lời anh: “Thôi, anh đừng có bảy hoa nữa. Anh mà dịch Kim Vân Kiều truyện ra lục bát cỡ 6.000 câu thì anh muốn đốt đền để nổi tiềng rồi”. Đỗ Hoàng đặt chén rượu xuống, nghển cổ nghiêng nghiêng người nói: “Ai chả biết Truyện Kiều là một kiệt tác. Nhưng biết đâu Đỗ Hoàng cũng làm nên một kiệt tác thứ hai?”.

Thấy tôi có vẻ còn nghi ngờ, Đỗ Hoàng liền đọc đoạn kết: Nhãn tiền trông thấy mà đau/ Đời nay là vậy, muôn sau thế nào/ Lại mơ có những anh hào/ Hùng tài đại lược, chí cao phi thường/ Cho Kiều không phải đoạn trường/ Cho bao cây cỏ bên đường bình yên/ Chỉ còn tìm đến cõi tiên/ Đỗ Hoàng thử hỏi có nên dịch Kiều?”. Nghe Đỗ Hoàng đọc, da gà trên tay tôi nổi lên. Thơ dịch không trùng câu chữ của Nguyễn Du mà lại trùng ý tứ. Chữ nghĩa bóng bẩy, cái tình lại hay. Tôi từ nghi ngờ đến kinh ngạc. Thế là Bảy hoa làm chuyện động trời rồi!

Đỗ Hoàng đưa Kim Vân Kiều truyện dịch ra lục bát khác nào cho nổ một quả bom vào tâm hồn người đọc bấy lâu vẫn mê mẩn Truyện Kiều. Sẽ có những ý kiến phản bác dữ dội, bởi “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì dân ta còn, dân ta còn thì nước ta còn”. Chiểu theo lập luận đó mà suy thì Đỗ Hoàng sẽ nhừ đòn búa rìu dư luận. Tôi nói điều đó với Đỗ Hoàng, nhưng anh không những không lo sợ mà dường như còn ra vẻ thách thức: “Tớ sẽ tìm nhà tài trợ, tớ sẽ in nó trong nay mai, xem thiên hạ phản ứng thế nào”.

Neo ở thơ ca

Năm 22 tuổi, Đỗ Hoàng bắt đầu có thơ in trên báo. Từ bài thơ đầu tay in năm Đỗ Hoàng 22 tuổi, đến nay hơn 30 năm sau, anh đã cho ra đời 8 tập thơ, 8 tập tiểu thuyết, chưa kể 3 cuốn tập hợp các bài báo, trong đó có cuốn về lĩnh vực kinh tế được xuất bản.

Đỗ Hoàng có gốc là nghề giáo. Song con đường trở thành nghề giáo là một con đường không do anh tự chọn, mà bị buộc học, vì anh vướng lý lịch. Dạy học hơn 2 năm, Đỗ Hoàng xung phong đi lính. Cuộc sống lính chiến đã đưa Đỗ Hoàng đến với thơ ca. Hồi đó Đỗ Hoàng viết nhanh, nhiều, song đa số là thơ phản chiến, sau này chọn lại in thành tập Tâm sự người lính, bị đình bản. Tôi nghĩ Tâm sự người lính là kết quả của những ẩn ức về lý lịch bị oan mà ra. Bởi ông cụ thân sinh Đỗ Hoàng trước có đi lính Khố đỏ, đánh nhau tận An-giê-ri, sau trở về nước đã đi theo Bộ đội Cụ Hồ. Nhưng trong một trận đánh, ông đã bị tình địch là chính trị viên đại đội bắn chết rồi vu cho ông chạy theo địch.

Đây là câu chuyện khá dài dòng, mang phong vị tiểu thuyết mà mỗi khi nhắc đến cha, Đỗ Hoàng đã kể cho tôi nghe trong cơn xúc động mạnh. Vì vậy, Đỗ Hoàng mang một “cái án lý lịch”, đến nỗi khi đã có giấy của Bộ Đại học báo về đi học tiếng Pháp ở nước ngoài cũng bị đình chỉ và đổi cho đi học 10 + 3. Những ẩn ức đó anh dồn cho Tâm sự người lính, một tập thơ có “khẩu khí” phản chiến nói về thân phận người lính. Cái nhìn của Đỗ Hoàng trong Tâm sự người lính có một số lệch lạc nhất định theo cách nhìn chính thống. Bởi anh đã nhìn cuộc chiến bằng một con mắt khác, con mắt của kẻ bị chụp mũ lí lịch. Song có những bài thơ phản chiến mang đúng nghĩa của nó, như là nhạc của Trịnh Công Sơn trước 1975, khi đọc, ta không khỏi bất ngờ.

Quen Đỗ Hoàng đã lâu, được Đỗ Hoàng tặng cho nhiều tập thơ, nhiều tập tiểu thuyết do anh viết, song về thơ, tôi chỉ nhớ Tâm sự người lính và mấy bài thơ lẻ, về tiểu thuyết, tôi chỉ nhớ cuốn Phí một thời trai, là cuốn tiểu thuyết hay nhất của anh. Những lúc trà dư tửu hậu, chúng tôi thường bắt Đỗ Hoàng đọc những bài thơ hay của anh như bài: Bên thành Luy Lâu, Hoài vọng, Ngủ quên, Nhặt từ bùn...

Đó là những bài thơ “đỉnh” của Đỗ Hoàng. Những bài thơ đó hay không chỉ ở câu chữ, tu từ mà hay ở cả ý tưởng, tư tưởng. Nó còn hay ở cách đọc thơ của Đỗ Hoàng trong cuộc rượu. Nó say sưa, lôi cuốn ở cách ngắt nhịp, nhả chữ của nghệ sỹ Bảy hoa và dáng đứng nghiêng nghiêng, nghển cổ đọc ở anh. Khi nào anh đọc bài Hoài vọng, đến câu: Tàn chiều tiếng vọng trăm năm/ Nhà em nghìn bậc then căm cắm cài, hay bài Bên thành Luy Lâu đến câu: Bá vương mộng mị tàn đi/ Thành xưa một chỗ, để ghi nhớ rằng... là chúng tôi đều vỗ tay tán thưởng.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, không biết Đỗ Hoàng không theo nghiệp văn chương mà cứ làm cái nghề gõ đầu trẻ thì với tính cách bay như anh liệu có đi hết đường đời dạy học? Chỉ biết rằng, từ ngày tôi quen Đỗ Hoàng thì tôi thấy anh vịn vào thơ mà sống, vịn vào thơ để cùng thơ bay đến với bạn đọc. Thơ ca đã trở thành chốn thiêng liêng, vỗ về những gian khó trong cuộc đời chật vật mưu sinh của anh; thơ ca đã trở thành nơi neo đậu để anh bay trong cõi đời không mấy êm chèo mát mái của số phận. Tôi nghĩ, nếu không có thơ ca, Đỗ Hoàng đã gục ngã từ lâu rồi.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.