Người chụp ảnh trừu tượng

Người chụp ảnh trừu tượng
TP - Nếu vào lúc nhập nhoạng tối, bạn bắt gặp một người cao lớn, tóc dài, cầm chiếc máy ảnh khá to huơ huơ trước một ngọn đèn đường- rất có thể đó là Đặng Hào- với lối chụp mới được ánh sáng “gợi ý”.

Sinh 1970, lần đầu triển lãm cá nhân và xuất bản sách ảnh, Đặng Hào trở thành nhà nhiếp ảnh theo trường phái trừu tượng hiếm hoi ở Việt Nam.

Người chụp ảnh trừu tượng ảnh 1
“Cây cầu”  Ảnh: Đặng Hào

Chút ngạc nhiên khi cầm cuốn sách ảnh vừa đem từ nhà in về của Đặng Hào. Một nhà báo kiêm phóng viên ảnh chuyên trách kinh tế như anh mà vẫn có tâm sức đi sâu tìm tòi cho ra một sản phẩm nghệ thuật nghiêm túc như thế quả là đáng nể.

Song song với cuốn sách là triển lãm cá nhân từ 6-11/3 tại Trung tâm Nghệ thuật Việt 42 Yết Kiêu, và từ 15-20/3 tại Nhà Văn hóa Sơn Tây- Hà Tây (quê hương tác giả). Với tiêu chí hỗ trợ nghệ thuật mang tính cách tân, thể nghiệm, Quỹ Phát triển Văn hóa Đan Mạch-Việt Nam- nơi anh đến xin tài trợ triển lãm đã gật đầu ngay sau ít ngày xem xét.

Cách chụp mà anh tự tìm ra có thể khái quát dưới nhan đề Gợi ý từ ánh sáng. “Có người xem ảnh của tôi và hỏi tôi chụp cái gì. Điều đó không quan trọng. Quan trọng là bạn nhìn thấy gì trong ảnh.

Khi tôi ý thức rằng tôi sẽ không chụp lại những gì mình đang nhìn, thì sự Gợi ý từ ánh sáng đến với tôi”. Đơn cử anh chụp một người đang chơi nhạc thì lại ra bức Tóc mây; một người chơi nhạc khác (chính là vợ anh) thì đầu ra lại là Ảo giác. Còn xem ảnh anh chụp sàn chứng khoán có thể thấy đàn thiên nga múa hay... dây thòng lọng tùy sức tưởng tượng.

Thủ pháp của anh nghe qua khá đơn giản với những ai từng cầm máy ảnh: lia và vung vẩy máy để những điểm sáng tạo thành đường nét như ý muốn. Mấu chốt ở chỗ vung vẩy- Đặng Hào mất 3 năm để rèn luyện kỹ năng mới, anh khẳng định “đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật chụp này”.

Nghĩa là muốn vẽ cái gì sẽ ra cái nấy. Có lần đi chụp múa, chán chụp các vũ công trên sân khấu, anh ngước ống kính lên dàn đèn trên cao và cho chúng cũng thành ra đang múa luôn. Lại có lúc anh muốn tìm một thứ ánh sáng trắng lạnh- không phải ánh đèn- thì gặp đúng ngày trăng tròn. Anh dùng trăng để vẽ thành... một mầm cây.

Hành trình vẽ bằng ánh sáng của anh bắt đầu... gần cầu Long Biên. Hào kể: “Một hôm, tôi đứng bên bờ sông Hồng để chụp một quang cảnh mà tôi đã chụp nhiều lần. Tôi tự hỏi làm sao mình có thể ghi lại được sự chuyển động, thay đổi của cây cầu kia. Phải chăng tôi đang đứng yên để chụp cây cầu bất động? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi hay cây cầu chuyển động.

Và khi tôi nhận ra rằng cả tôi và vật được chụp đều đang trong trạng thái chuyển động vĩnh cửu thì vật chụp chỉ còn là những chuyển động của ánh sáng và màu sắc”. Từ đó anh tập trung vào nghiên cứu kỹ thuật vung vẩy, và đi đến nhiều nơi đã từng chụp để chụp lại.

Không biết có trùng hợp khi anh nghĩ ra cách chụp mới cũng là lúc anh bắt đầu tập thiền. Anh còn là một Phật tử tại gia với tự là Minh Giác- có liên quan đến nhiếp ảnh ở chỗ Minh là ánh sáng, Giác chắc hẳn bao gồm cả thị giác.

Lưu ý là người đặt không hề biết nghề nghiệp của Hào. Từ khi lập gia đình (2 năm trước) với một giảng viên đàn tranh Nhạc viện Hà Nội, Hào đã có người để cùng đi chụp ảnh. Vì kiểu chụp của anh chỉ đắc địa vào đêm, mà anh vốn lại sợ bóng đêm(!). Khi chồng khoe ảnh, thì câu hỏi đầu tiên của vợ anh thường là: “Bức này đẹp nhỉ! Nhưng anh chụp cái gì đấy?”.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.