Người đóng vai Ngô Đình Nhu trong 'Ông cố vấn' giờ ra sao?

Người đóng vai Ngô Đình Nhu trong 'Ông cố vấn' giờ ra sao?
Vài tháng trước, diễn viên Nguyễn Bá Lộc nói với tôi một cách hài hước: “Cứ tưởng mình đã là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam lâu rồi, té ra… quên, giờ mới “lật đật” vô nè”.

Người đóng vai Ngô Đình Nhu trong 'Ông cố vấn' giờ ra sao?

> Tôi là người biết cân bằng cuộc sống
> Hà Phạm Phú - Hào hoa không lãng tử

Vài tháng trước, diễn viên Nguyễn Bá Lộc nói với tôi một cách hài hước: “Cứ tưởng mình đã là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam lâu rồi, té ra… quên, giờ mới “lật đật” vô nè”.

Diễn viên Nguyễn Bá Lộc cho biết, anh xuất thân từ ngành cơ khí môtô, xe đạp và đến với nghệ thuật thứ bảy rất tình cờ, đã tham gia hơn 40 bộ phim điện ảnh, truyền hình.

Nguyễn Bá Lộc xuất hiện trong bộ phim nhựa tình báo nhiều tập “Ván bài lật ngửa” với vai Hai Kiếng (ở tập 5 “Trời xanh qua kẽ lá”), vai cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong bộ phim nhựa “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (1989); vai ông Năm Hợi (cha của liệt sĩ Võ Thị Sáu) trong bộ phim nhựa “Người con gái đất đỏ” (1995); vai cố vấn Ngô Đình Nhu trong bộ phim truyền hình nhiều tập “Ông cố vấn” (1994-1997)…

Diễn viên Nguyễn Bá Lộc
Diễn viên Nguyễn Bá Lộc.

Vai cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong bộ phim nhựa “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (1989) là vai Nguyễn Bá Lộc tâm đắc nhất, vai anh cần vụ trong bộ phim nhựa “Thành phố có người” quay tại Campuchia năm 1987 có lẽ là vai diễn “nhớ đời” của anh, vì sau đó Nguyễn Bá Lộc phải nằm viện một tháng vì bị sốt rét ác tính. Còn vai Lư Nghĩa trong bộ phim nhựa “Tình khúc 68” quay năm 1986, do thực hiện cảnh quay không có cascadeur nên bị bạn diễn lỡ tay đấm sưng mặt và cảnh té xe Jeep do mìn nổ đã để lại nhiều vết sẹo “kỷ niệm”.

Nhưng vai cố vấn Ngô Đình Nhu lại là vai diễn mà khán giả nhớ nhất khi nhắc đến tên Nguyễn Bá Lộc. “Ông cố vấn” là một tiểu thuyết của nhà văn Hữu Mai, viết về cuộc đời hoạt động của một nhà tình báo Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1958 - 1975, đây là một nhà tình báo lỗi lạc hoạt động trong lòng chế độ Mỹ - ngụy ở Sài Gòn đã khiến nhiều thế hệ độc giả say mê.

Điệp viên trong tiểu thuyết ấy chính là thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (30.3.1928 – 7.8.2002), bí danh Hai Long, nguyên cố vấn cho ba đời tổng thống ngụy Sài Gòn. Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào năm 1987, bao gồm 3 tập, và được tái bản nhiều lần. Lần tái bản gần nhất vào năm 2002, khi đó tác phẩm đã được chỉnh, hiệu đính và gom lại thành 2 tập. Giữa thập niên 1990, bộ phim truyền hình nhiều tập “Ông cố vấn” được Hãng phim Hội Nhà văn dàn dựng. Nhà văn Hữu Mai chuyển thể kịch bản kiêm Giám đốc sản xuất. Trong phim, diễn viên Nguyễn Bá Lộc đóng vai Ngô Đình Nhu, Nguyễn Bá Phong đóng vai Ngô Đình Diệm và Minh Hòa đóng vai trần Lệ Xuân.

Về vai diễn này, Nguyễn Bá Lộc cho biết: “Để hóa thân vào vai ông cố vấn, tôi phải nghiên cứu và học hỏi rất nhiều về mọi thứ liên quan về nhân vật chính trị này, thật sự lúc đó tôi đã rất lo lắng, cầm trên tay kịch bản mà lòng tôi rối tung. Vì sao ư? Vì diễn viên Lâm Bình Chi đã đóng vai Ngô Đình Nhu rất ấn tượng trong bộ phim Ván bài lật ngửa. Lo lắng thứ hai của tôi là những người biết về nhân vật thật Ngô Đình Nhu khá nhiều, chỉ cần tôi lệch một chút về dáng đi thôi, họ sẽ nhận ra ngay. Và áp lực không nhỏ khác chính là từ tôi - người biết rất ít về nhân vật này. Nhưng đạo diễn Lê Dân và nhà văn Hữu Mai đã động viên rất nhiều. Người mà tôi tiếp xúc đầu tiên là nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, kế đó là những người quen còn sống, kể cả người hầu cận lớn tuổi của Ngô Đình Nhu. Suốt gần ba tháng vừa ngấu nghiến kịch bản vừa đi thực tế, dần dần tôi lấy lại tự tin... Điều thú vị mà tôi còn nhớ mãi là chuyện tiền thưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sau khi xem xong bộ phim “Ông cố vấn”, đã nồng nhiệt khen thưởng đoàn làm phim và tặng riêng cho tôi hai triệu đồng, nhưng lúc ấy tôi đi công tác, sau đó về anh em trong đoàn có trao tiền cho tôi và nói lại như vậy...”.

 Diễn viên Ngọc Hân
Diễn viên Ngọc Hân.

10 tập đầu của bộ phim “Ông cố vấn” được Nhà nước tài trợ đã ra mắt khán giả truyền hình toàn quốc, đây là 10 tập đầu tiên trong số 50 tập dự kiến. Nhưng sau 10 tập ấy, mặc dù được nhiều người hoan nghênh và Hãng phim Hội Nhà văn đề xuất, nhắc nhở, vận động mãi vẫn không được Nhà nước tài trợ tiếp, đành phải ngưng thực hiện các tập tiếp theo.

Đến thời điểm này, Nguyễn Bá Lộc đã đóng hơn 40 bộ phim, nhưng vai phản diện như Ngô Đình Nhu thì rất ít mặc dù anh vào vai tự nhiên và sắc nét. Nhớ lại năm 1985, cái thời mới đứng trước ống kính qua một vai nhỏ trong tập “Trời xanh qua kẽ lá” của bộ phim “Ván bài lật ngửa”, đến nay diễn xuất của Nguyễn Bá Lộc đã “cứng cựa” hơn nhiều rồi.

Diễn viên Nguyễn Bá Lộc hiện nay đang công tác tại Liên hiệp các Hội văn học TPHCM, nhưng khi có lời mời đóng phim, anh rất vui vẻ nhận lời, dù thời gian đóng phim sẽ chiếm hết những công việc khác của anh. “Bởi vì khi đóng phim, được sống, cười, tức giận với một con người khác ngoài mình”, Nguyễn Bá Lộc tâm sự.

Ít ai biết, bà xã của Nguyễn Bá Lộc cũng là một diễn viên điện ảnh, chị tên Ngọc Hân. Nguyễn Bá Lộc nói về vợ mình như sau: “Tôi là “dân chen ngang” vào thế giới của nghệ thuật thứ bảy, chứ cô ấy (Ngọc Hân) là “dân chính quy” đấy. Năm 1985, tôi mới được đóng phim, còn Ngọc Hân đã có mặt trên màn ảnh truyền hình từ năm 1973, đóng một vai xuyên suốt trong chương trình phim truyện truyền hình nhiều tập “Quê ngoại” do cố nghệ sĩ Bắc Sơn biên kịch và đạo diễn”.

Nguyễn Bá Lộc say sưa nói về vợ nhiều hơn là nói về chính mình. “Ông Ngô Đình Nhu” trên phim tiếp: “Lúc đó Ngọc Hân là sinh viên đang học khoa Kịch nghệ tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Sau năm 1975, Ngọc Hân được chọn tiếp tục theo học chương trình chuyển tiếp khóa đầu tiên sau Ngày Giải phóng tại Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 TPHCM, đến năm 1978 thì tốt nghiệp ra trường. Ngọc Hân đã hóa thân vào nhiều vai diễn, như vai bác sĩ Loan trong bộ phim truyền hình nhiều tập “Blouse Trắng”; vai bà Tư trong bộ phim “Miền đất phúc”; vai bác sĩ Ngân Hà trong bộ phim nhựa “Tình khúc 68”; vai bà ngoại trong 2 bộ phim “Cuộc chiến hoa hồng” phần một và phần hai...

Điều vui nhất của hai vợ chồng “ông, bà Ngô Đình Nhu” là thỉnh thoảng được đạo diễn mời cả hai vợ chồng (ngoài đời) cùng đóng vai hai vợ chồng (trong phim), như: bộ phim “Tình bạn” (đạo diễn Yên Sơn); “Nơi trái tim ở lại” (đạo diễn Lê Cung Bắc) và bộ phim nhiều tập vừa phát sóng “Chuyện làng Bè” (đạo diễn Dương Hoàng Vinh). Nhiều người cho rằng gia đình các nghệ sĩ thường ít yên ấm lâu bền, nhưng gia đình của người đóng vai Ngô Đình Nhu ngoài đời thật lại vô cùng hạnh phúc.

“Ông cố vấn” Nguyễn Bá Lộc nói, có nhiều phim các chi tiết nhớ rõ ràng như mới xảy ra ngày hôm qua, nhưng cũng có phim chỉ còn là hồi ức mờ nhạt. Nếu vai diễn Ngô Đình Nhu khiến Nguyễn Bá Lộc lo lắng thì vai cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lại là vai anh… “nhọc nhằn nhất” vì đây không chỉ là nhà yêu nước lớn mà còn là thân sinh của Bác Hồ. Anh nói: “Ở vai này, ngoài việc phải đọc các tác phẩm viết về gia đình cụ Phó bảng, về thời thơ ấu của Bác Hồ, tôi còn phải ra tận Nghệ An, Huế và vào Đồng Tháp đến tìm hiểu thực tế nơi lưu giữ kỷ niệm và di vật về cuộc đời của cụ Phó bảng và vợ là bà Hoàng Thị Loan để có cảm xúc diễn tốt”.

Theo Thanh Bình
Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG