Người đóng vai phụ số một Việt Nam

Người đóng vai phụ số một Việt Nam
TP - Không chỉ đóng phim, Hồ Kiểng còn diễn kịch, diễn cải lương, làm chủ nhiệm, lồng tiếng cho phim… Tuy nhiên dường như mọi người chỉ nhớ tới Hồ Kiểng với những vai phụ đầy ấn tượng trên phim.
Người đóng vai phụ số một Việt Nam ảnh 1
NSƯT Hồ Kiểng (đeo kính) trên một áp-phích quảng cáo phim

Thật bất ngờ khi tôi tìm tới nhà ông, căn nhà theo ông giới thiệu nằm trong khu tập thể Đài truyền hình TP HCM lại chỉ là một cái chòi nhỏ trông như chòi bảo vệ của bất cứ cơ quan đơn vị nào.

Và nếu không vì biết mặt ông thì nhiều người cứ nghĩ ông là bảo vệ của khu nhà, cái chòi trên là căn phòng nghỉ tạm của bảo vệ chứ không phải nhà ở. “Nhà của tôi đó - Ông nói bình thản - Tôi đã ở đây được hơn 25 năm rồi nên cũng quen”.

Căn nhà nhỏ lại nằm ngay cổng ra vào khu tập thể nên bụi bặm, bề bộn những sách vở, tranh ảnh, có lẽ vì ít có bàn tay thu vén của người phụ nữ.

Ông nghi ngại: “Chú thông cảm! Mấy năm nay tôi bệnh nên thỉnh thoảng con gái tới dọn dẹp thì còn sạch sẽ chứ không thì...”. Ông cười khà khà, cái chuyện căn phòng xập xệ dường như chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống của ông.

NSƯT Hồ Kiểng sinh năm 1926 ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Như nhiều thanh niên khác ở vùng đất Đồng Khởi này, ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia nhiều hoạt động phong trào tại địa phương và được kết nạp Đảng vào năm 1946. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và bắt đầu tham gia vào con đường nghệ thuật…

Không có vóc dáng điển trai, ăn ảnh,  lại bị gò má hơi hốc hác nên vai diễn đầu tiên Hồ Kiểng được giao là vai anh dân công tên Túc trong bộ phim “Lửa trung tuyến” của đạo diễn Phạm Văn Khoa.

Anh Túc trong phim mê cờ tướng, không chịu đi vác đạn, bị phê bình nhiều nên sinh ra bất mãn. Chỉ là một vai phụ, vai Túc không có nhiều đất diễn nên khán giả ít nhớ tới Hồ Kiểng.

Tuy nhiên, riêng ông lại nhớ rất rõ bởi sau vai diễn này, ông đã vinh dự được gặp Bác Hồ. Trong buổi chiếu ra mắt bộ phim, Bác Hồ đã tới xem và chúc mừng đoàn làm phim.

Sau khi chúc mừng, Bác hỏi: “Trong đoàn có ai là người miền Nam không?”. Mọi người chỉ ông. Bác tới ôm ông vào lòng. Rồi Bác hỏi: “Thế cháu có biết bất mãn không?”.

Ông không hiểu ý Bác hỏi nhưng vẫn trả lời “Không ạ!”. Bác cười: “Cháu không biết bất mãn thì sao đóng đạt vai anh dân công đó?”. Bác ân cần hỏi chuyện đời sống của người diễn viên, hỏi chuyện gia đình ông, hỏi về những người đồng chí của ông trong đó.

Rồi Bác bảo: “Miền Nam đang còn bị chia cắt nên còn thiệt thòi nhiều lắm, khi nào thống nhất bác cháu ta sẽ vô Nam để đền bù thiệt thòi cho mọi người”.

Đến với điện ảnh bằng chỉ sự đam mê và cũng chỉ qua một khóa đào tạo ngắn hạn nhưng nhờ sự kiên trì, tự học hỏi anh em đồng nghiệp, Hồ Kiểng đã dần dần ghi dấu ấn trong lòng khán giả.

Mỗi khi cần một vai thám báo, vai gián điệp hay một kẻ hèn mọn, mưu mô, phản trắc… các đạo diễn thường nghĩ ngay tới Hồ Kiểng.

Ông đã ghi dấu ấn của mình trong khá nhiều bộ phim với những vai phản diện đầy ấn tượng trong rất nhiều bộ phim như  tên đồn trưởng ác ôn trong “Rừng xà nu”, tên chỉ điểm Ba Phi trong “Hòn Đất”, tên gián điệp G5 trong “Ván bài lật ngửa”…

Tuy nhiên nhiều lần ông cũng tâm sự với bạn bè là vẫn mong muốn sẽ có được đóng những vai người lương thiện, người tử tế.

Không chỉ đóng phim, Hồ Kiểng còn diễn kịch, diễn cải lương, làm chủ nhiệm, lồng tiếng cho phim… Tuy nhiên dường như mọi người chỉ nhớ tới Hồ Kiểng với những vai phụ đầy ấn tượng trên phim.

Nhất là khi phim truyền hình phát triển, những vai diễn như ông Ba Ngù say xỉn nhưng nhân hậu trong “Đất phương Nam”, vai ông nông dân nghèo bị địa chủ lừa cưỡng hiếp con gái trong “Người đẹp Tây Đô”, vai ông lão bắt trộm cá bị địa chủ bắt ăn cá sống trong “Những nẻo đường phù sa”…

Mỗi vai diễn là một tính cách khác nhau, Hồ Kiểng đã làm được điều mà người diễn viên nào cũng mong muốn: Hóa thân được vào nhân vật và khắc hoạ được nhân vật nhưng vẫn không hề bị lặp lại.

Ông bảo: “Đóng vai phản diện dễ hơn, từ ánh mắt tới thái độ phải thể hiện sự giả dối, mưu mô… Còn với những vai chính diện, nhân vật được khắc họa đa dạng nên phải tìm tòi nhiều hơn. Nhưng tôi vẫn thích những vai chính diện vì nó gần gũi với tôi, hợp với tôi”. 

Tính tới nay, Hồ Kiểng đã đóng trên 180 phim, đạt kỷ lục “Người đóng vai phụ nhiều nhất Việt Nam” do sách  Guinness Việt Nam trao tặng. Bên cạnh đó, ông đã vinh dự được Nhà nước trao danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú dù chỉ toàn đóng những vai phụ.

Nhưng ông bảo: “Tôi biết sự ưu ái của mọi người dành cho tôi nhưng tôi vẫn ao ước giá như mình được đóng một vai chính nào đó. Cả đời làm diễn viên, chẳng lẽ lại cứ mãi chết với những vai phụ hay sao”.

Vẫn biết là khó bởi tìm vai diễn chính cho một ông lão đã trên 80 tuổi thì hình như từ trước tới nay chưa có tiền lệ.

Hơn nữa NSƯT Hồ Kiểng sức khỏe đã giảm sút rất nhiều sau 3 lần bị tai nạn nghiêm trọng tại phim trường tưởng đã không qua nổi, nhất là sau lần phải mổ tim năm 2004, ông đã phải mang quả tim nhân tạo.

Thế nhưng ông vẫn rèn luyện sức khỏe để tiếp tục đóng phim. Từ ngày có tim mới, ông đã tham gia 4 bộ phim và vẫn tin mình còn đủ sức khỏe để đóng một vai chính.

Và thật bất ngờ, Hãng phim Đài truyền hình Bình Dương đã chọn ông vào phim “Nấm mộ mồ côi”. Trong phim này, ông sẽ vào vai ông lão phúc hậu làm nghề mài dao kéo dạo, sống cơ cực cùng một đứa bé mồ côi giữa đường phố.

Bộ phim chủ yếu chỉ xoay quanh cuộc sống của 2 cha con nên có thể đây là lần đầu tiên ông được đóng vai chính.

“Ban đầu mọi người cũng hơi ngại chọn tôi vì lý do sức khỏe, nhưng khi thấy tôi luyện tập và quyết tâm vào vai này, họ đã đồng ý mời tôi tham gia”. 

MỚI - NÓNG