Người Huế phẩm bình mấy bộ phim về xứ Huế

Người Huế phẩm bình mấy bộ phim về xứ Huế
Làm phim về xứ Huế, con người Huế mà lại rất... không Huế. Đó là lời bình phẩm của chính người Huế về các bộ phim về Huế như Nhận Huế làm quê hương, Dòng sông phẳng lặng...
Người Huế phẩm bình mấy bộ phim về xứ Huế ảnh 1

Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế (HTV) đang chiếu bộ phim “Ngọn nến hoàng cung” vào chương trình phát sóng buổi sáng. Rất nhiều người Huế, từ già đến trẻ, từ lớp lao động bình dân đến công chức Nhà nước, ai cũng háo hức đón xem - Dù đây đã là lần thứ 2 “Ngọn nến hoàng cung” ra mắt công chúng Cố đô (hồi đầu năm “Ngọn nến hoàng cung” đã đến với khán giả Huế qua sóng VTV).

Phim thu hút người xem vì nhiều lý do khác nhau: Vì dàn diễn viên được tuyển lựa kỹ, có nghề; vì sự kỳ công, kỹ tính của đạo diễn trong lựa chọn phục trang, đạo cụ; vì để biết thêm lịch sử dân tộc tại một thời điểm lịch sử hết sức đặc biệt; vv và vv...

Tuy nhiên, điều chung nhất mà Ngọn nến hoàng cung tạo được sự chú ý của khán giả ấy là giọng Huế. Có thể nói, đây là bộ phim lồng giọng Huế thành công nhất trong tất cả các phim có bối cảnh về Huế từ trước đến nay.

Từ giọng của nhân vật Thái hậu Từ Cung đến Hoàng đế Bảo Đại, hay của vị thái giám được thoát kiếp cấm cung, của các thành viên đội tự vệ Huế và một loạt nhân vật khác nữa.

Mỗi nhân vật mỗi tính cách, mỗi kiểu nói khác nhau, nhưng rặt giọng Huế. Tròn vành rõ tiếng, đâu ra đấy. Có thể nói, lần đầu tiên, dân Huế nghe giọng Huế lên phim mà không hề thấy phản cảm như một số phim trước đây.

Ngược lại, người ta có dịp để được theo dõi say sưa, được cười ngặt nghẽo với nhau, và rồi cùng nhau trầm trồ pha chút tự hào: Hay đó chớ hè. Hoá ra, giọng Huế mình lên phim mô có tệ?

Nhưng cũng từ Ngọn nến hoàng cung, nhiều người lại chạnh nhớ về một số phim về Huế trước đây. Công sức đổ ra không ít, nhưng phim thì lại quá... ẹ. Giọng Huế lồng trong phim thì làm người Huế không muốn, thậm chí không dám xem.

Khi phim Nhận Huế làm quê hương được phát sóng, có người còn nói một cách rất chân thành rằng, xem phim, nghe cái giọng Huế trên phim mà những mong đất dưới chân nứt ra để được... độn thổ cho đỡ ngượng.

Thế nên, sau khi phim ra mắt, công chúng bảo nhau đổi tên phim thành Xin đừng nhận Huế làm quê hương. Còn vai chính nam của phim này, một diễn viên khá nổi tiếng,  thì - xin lỗi - được thiên hạ đồn khá độc địa là... bị điện giật chết vì tắm nước nóng(!)

Gần đây nhất là phim Dòng sông phẳng lặng. Có thể nói, đây là bộ phim được TT-Huế đặt rất nhiều kỳ vọng mà bằng chứng là người đứng đầu tỉnh làm Trưởng ban cố vấn, ông Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo.

Phim được đầu tư 3 tỷ đồng, trong đó tỉnh TT - Huế chịu phần nửa. Đó là mức đầu tư lớn nếu chúng ta biết TT - Huế vẫn đang là tỉnh nghèo. TT - Huế đã tạo mọi điều kiện để kíp làm phim tiến hành công việc một cách thuận lợi nhất. Và phải nói rằng, chưa có bộ phim nào lại được lăng - xê ở Huế nhiều như Dòng sông phẳng lặng.

Mọi người đều háo hức chờ đến 30/4/2005, thời điểm kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - cũng là thời điểm khởi chiếu Dòng sông phẳng lặng. Nhưng - lại là cái chữ nhưng đáng ghét - hy vọng bao nhiêu thì công chúng lại càng thất vọng bấy nhiêu.

Phim về Huế, mà diễn viên lại nói giọng Bắc là sao? Kỳ quái hơn nữa, đã Bắc thì cứ Bắc hết. Răng lại có người giọng Bắc, người giọng Huế? Các chị, các mẹ, các diễn viên quần chúng là dân TT-Huế gộc lại... đều nói giọng Bắc, chỉ có Diệu Linh, Khoa Bảo, và một số rất nhân vật là nói giọng Huế.

Từ khâu lồng tiếng, khán giả đã mất thiện cảm với phim. Nhiều người không thích, nhưng vẫn cứ kiên trì xem cho biết nó... ẹ tới mức nào. Ngay từ đầu phim, thấy Cúc - nhân vật chính - gánh cái gánh đậu hũ đi bán thấy  mà... gai con mắt.

Thưa các nhà làm phim, tại sao ăn dầm ở dề mấy tháng liền ở Huế mà các ông không thấy có ai gánh đậu hũ lại cho cái hũ đi trước? Rồi khi múc đậu hũ bán cho người nhà của tên việt gian cáo già khét tiếng như Bửu Đức mà cô hàng đậu hũ múc đậu hũ mà cứ như... múc bánh canh.

Bán đậu mà múc chén đậu không nên? Sĩ quan an ninh ngụy cũng không hề nghi ngờ? Trang phục của lính ngụy thì lôi thôi lếch thếch hơn đám tàn quân. Mũ sắt thì chỉ có lớp các-tông bên trong, làm sao chống đạn?

Nên nhớ, năm 1967-1968 viện trợ Mỹ còn mạnh lắm, lính của chúng không thiếu thốn gì đâu. Đạo diễn làm thế là hạ thấp kẻ thù, và như thế vô hình trung cũng hạ thấp giá trị chiến thắng của ta.

Nói điều này, có thể đạo diễn và ai ai đó nữa sẽ bảo, khó khăn kinh phí, khó khăn phục trang, vân vân và vân vân... Nhưng xin thưa, không chỉ có vậy. Tôi cũng đã từng lý sự giúp đạo diễn như vậy với một anh bạn, nhưng bất ngờ bị anh này sửng cồ:

- Vậy có những cái không phải khó vì kinh phí, đạo cụ, phục trang sao cũng cứ bầy hầy? Ông có xem đoạn ta cướp kho thóc của địch không? Nhớ rồi chứ gì? Đó, trong kho rộng rãi như thế, anh du kích của ta to cao thế mà phải oằn cả lưng mới vác nổi bao thóc. Vậy mà khi chuyển xuống đường hầm, các mẹ, các chị của ta trong tư thế ngồi bó chân lại chuyền tay nhau như không là thế nào?

Hay như cái lon đại uý. Tớ hỏi rất nhiều người vốn sống ở miền Nam trước đây, ai cũng khẳng định không có chuyện 3 cái mai xếp hàng dọc mà đeo dựng ngược như trong phim. Nghe nói, khi quay, nhà báo Đ. của Đài TRT (đơn vị phối hợp với hãng phim) đã góp ý rồi kia đấy. Nhưng đạo diễn lại không chịu tiếp thu. Hay như chiếc khăn rằn thi thoảng xuất hiện trên cổ cô gái Huế. Khăn rằn là của Nam Bộ, Huế mần chi có...

Anh bạn ca cẩm một hồi làm tôi cũng... sướng cái bụng, bởi nhận xét của anh cũng chẳng khác gì tôi. Và cũng như Nhận Huế làm quê hương, chính vì vô số những cái như vậy đã khiến cho dân Huế không ngớt bàn luận; nhiều người còn đặt luôn cho phim cái tên là Dòng sông... lẳng lặng.

Có dịp về Phú Đa, Vinh Thái (huyện Phú Vang, TT-Huế) - bối cảnh chính của toàn bộ thiên tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng, gặp một cán bộ lãnh đạo từng vào sinh ra tử một thời ở đây, ông bảo: Dở quá, tới phim là tui tắt... Những người làm phim nghĩ gì khi người trong cuộc ngay trên vùng đất của bối cảnh phim cũng quay lưng với tác phẩm của mình?

Còn nhớ, báo TT - Huế số Xuân Ất Dậu - 2005 có đăng bài phỏng vấn nhà văn Tô Nhuận Vỹ. Trong đó, ông Vỹ cho biết, đạo diễn Đỗ Đức Thành khẳng định với ông Dòng sông phẳng lặng sẽ là phim hàng đầu về chiến tranh của Hãng phim truyền hình; và ít nhất phải 50 tập phim mới nói hết những điều mà tiểu thuyết nhà văn muốn nói.

Bây giờ sau khi phim đã ra mắt công chúng, đã có một độ lùi thời gian, không biết nhà văn đang nghĩ gì. Còn công chúng thì bảo: May mà từ 15 tập (theo kế hoạch ban đầu) rút xuống còn 13 tập, chứ mà tăng lên 50 tập như mong muốn của đạo diễn thì có mà...

Người khó tính hơn thì bảo, bỏ ra 3 tỷ lãng xẹt. Đừng làm phim này thì xoá được 300 cái nhà tạm cho đồng bào miền núi ở A Lưới... 

MỚI - NÓNG