Người kể truyện Hans Andersen

Người kể truyện Hans Andersen
Năm nay sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Hans Christian Andersen - Nhà văn nổi tiếng thế giới chuyên viết chuyện cho trẻ em.

Ông tác giả của những câu chuyện đã trở thành kinh điển như Nàng tiên cá, Vịt con xấu xí, Bộ quần á́o mới của Hoàng đế...

Từ nhiều năm nay truyện của ông đã được chuyển thể thành những bộ phim rất được ưa thích.

Theo bộ phim Hollywood về cuộc đời nhà văn Andersen thì ông kể chuyện hay tới mức những câu chuyện đó tồn tại tới ngày nay. Những câu chuyện của ông thật giản dị đã cuốn hút cả trẻ em và người lớn trên khắp thế giới và nay được dịch ra trên 150 thứ tiếng.

Hans Christian Andersen sinh ngày 2/4/1805, tại Odense (Đan Mạch).

Cha ông là một người thợ đóng giầy và mẹ ông chuyên giặt thuê quần áo cho những gia đình giàu có và trong các câu chuyện của ông có thể thấy nhiều chủ đề nói về sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo.

Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã yêu thích nghệ thuật. Andersen được học hành rất ít và khi còn là một cậu bé luôn là người dễ xúc động, hay sợ hãi và thường bị trêu.

Cha ông mất năm 1816 khi ông mới 11 tuổi và ông buộc phải đi làm. Ông rời quê hương lên Copenhagen để kiếm sống năm 14 tuổi, khởi đầu là làm ca sĩ, diễn viễn nhưng đã không mấy thành công.

Nhờ sự giúp đỡ của người đỡ đầu là Đạo diễn Nhà hát Hoàng gia, Andersen học tiếp phổ thông năm 1822, khi đã 17 tuổi, và tới năm 1828 được nhận vào đại học tại Copenhagen và cũng bắt đầu sáng tác từ đó.

Ông được biết đến đầu tiên là một nhà thơ, và nhờ những bài thơ đó có thêm nhiều người bảo trợ, cho phép ông, một người rất thích đi du lịch, có dịp đi tới nhiều nước tại châu Âu. Và trong những chuyến đi đó, ông đã gặp các nhà văn nổi tiếng thế giới như Victor Hugo, Heinrich Heine, Balzac, Alexandre Duma và Charles Dickens.

Nhưng danh tiếng của ông còn đến ngày nay là gắn liền với những truyện cổ tích được viết từ năm 1835 – 1872. Tập truyện cổ tích đầu tiên của Andersen xuất bản năm 1835 và đã rất thành công.

Sau đó ông đã viết rất nhiều truyện thiếu nhi khác, gần như mỗi năm một tập, tổng cộng hơn 150 truyện và đã trở thành nhà văn vĩ đại nhất tại Đan Mạch và một trong những nhà văn viết truyện trẻ em được yêu thích nhất trên thế giới.

Những câu chuyện của ông thể hiện lòng thương cảm đối với những người khốn khó, bị ruồng bỏ và cười nhạo những kẻ hư hỏng, dối trá.

Những câu chuyện của ông cũng dạy chúng ta rằng hình thức bề ngoài có thể đánh lừa chúng ta và thậm chí vẫn có một vẻ đẹp kỳ diệu ngay chính bên trong những nhân vật mà hầu như không ai ngờ tới.

Người kể truyện Hans Andersen ảnh 1

Ngày nay Hans Christian Andersen không chỉ được kỷ niệm tại Đan Mạch, mà ở rất nhiều nơi trên thế giới. Thị trưởng Tucson, tiểu bang Arizona (Mỹ) đã tuyên bố một tuần lễ kỷ niệm Andersen vào tháng Tư.

Trẻ em của thế kỷ 21 vẫn tiếp tục yêu thích những câu chuyện của nhà văn từ thế kỷ 19 này.

Ông Simon Williams, thủ thư tại thư viện, cho biết những vấn đề quan trọng đối với trẻ em thời những năm 1800 cũng vẫn quan trọng đối với trẻ em của thế hệ ngày nay.

Ông Williams nói Hans Andersen là một người khá sắc sảo trong cách đưa ra những thông điệp mà ông muốn diễn tả, những điều rất chung mà tới tận ngày nay con người chúng ta vẫn tiếp tục suy nghĩ, như tính nhút nhát và lòng can đảm trong truyện Chú lính chì dũng cảm, hay tính phù phiếm như trong truyện Bộ quần áo mới của Hoàng đế...

Đó thật là một câu chuyện vừa buồn cười vừa thấm thía.

Hoàng đế là người thật phù phiếm vì thế ngài đã diễu hành qua thành phố trần như nhộng, trong khi mọi người thì nói rằng trông ngài thật tuyệt trong bộ quần áo mới, cho tới khi một em bé chỉ ra rằng thực sự là ngài chẳng mặc quần áo gì hết. Và thế là tất cả người dân trong thành phố cười phá lên, khi thấy thực sự vị Hoàng đế nọ đã bị lừa.

Một số những nghệ sĩ hàng đầu trên thế giới đã lớn lên với những câu chuyện cổ của Andersen.

Elvis Costello, một trong những nhạc sĩ hàng đầu tại Anh, sẽ soạn một vở opera về tình yêu không được đền đáp của Andersen với ca sĩ soprano người Thụy Điển, bà Jenny Lind.

Một người hâm mộ khác, là nhạc sĩ người Pháp Jean Michel Jarre, cũng vào tháng Tư này sẽ biểu diễn tại Copenhagen để kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Andersen. Jean Michel Jarre cho biết những câu truyện của Andersen đã tạo hứng khởi cho ông như thế nào.

Theo ông Jarre, qua cách kể chuyện của mình, Andersen nói về cuộc sống và cái chết, về tình yêu và những tình cảm của con người.

Câu chuyện được Jean Michel Jarre thích nhất là câu chuyện Cái bóng, về một một nhà khoa học già bị mất cái bóng của chính mình, ta vẫn nói như hình với bóng, người đi đâu bóng theo đó, nhưng nó không còn theo ông nữa mà cái bóng của ông trở thành ... người thật, cũng kiểu như là truyện về ông chủ và kẻ đầy tớ vậy.

Truyện của Andersen bắt đầu giống như truyện cổ tích kể cho trẻ em, nhưng lại kết thúc như một câu chuyện triết lý, như truyện Hoàng tử Tí hon chẳng hạn.

Ngoài những truyện rất nổi tiếng như các độc giả tí hon tại Thư viên trung tâm London vừa nhắc tới, còn phải kể tới những truyện rất nổi tiếng khác như Cô bé Tí hon, Bà Chúa Tuyết, Chim Họa mi và cả những truyện có lẽ cuốn hút người lớn hơn là trẻ em như Cô bé bán diêm, hay Giấc mơ cuối cùng của cây sồi già.

Các tập truyện cổ tích của Andersen có tính đột phá cả về phong cách và nội dung, sử dụng các thành ngữ và cấu trúc của ngôn ngữ nói theo một cách thức rất mới trong văn viết tại Đan Mạch thời bấy giờ.

Ông viết đi viết lại cuốn hồi ký, mang tên Câu chuyện cổ tích về cuộc đời tôi, nhưng năm ấn bản năm 1855 được đánh giá là không có gì xuất sắc.

Ông qua đời tại gia ở Rolighed ngày 4/8/1875, hưởng thọ 70 tuổi.

Thông điệp rất thôi thúc về cuộc đời của nhà văn Đan Mạch này chính là sức mạnh của tình yêu.

Và những ấn bản các câu chuyện cổ của ông cũng như những bộ phim dựa vào những câu truyện đó đã khiến ông sống mãi trong lòng người đọc.

MỚI - NÓNG