Người 'làm loạn' thế giới trẻ thơ

Người 'làm loạn' thế giới trẻ thơ
TP - Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội vừa tổ chức hội thảo và lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Astrid Lindgren. Nhân dịp này, 4 phim dựa theo tác phẩm của Astrid Lindgren sẽ được chiếu trên VTV.
Người 'làm loạn' thế giới trẻ thơ ảnh 1
Cảnh trong phim Pippi tất dài (Đức – Thụy Điển hợp tác sản xuất 1969)

Astrid Erricson (tên khai sinh của Lindgren) bước vào nghề báo năm 16 tuổi. Tuy nhiên, chưa đầy 2 năm sau, cô đành bỏ dở việc tập sự tại tòa báo địa phương và buộc phải rời thành phố quê hương vì mang thai khi chưa kết hôn.

Cô đến Stockholm học nghề thư ký. Sau đó, cuộc sống khó khăn khiến Astrid phải để một cặp vợ chồng ở Đan Mạch nhận con trai mình làm con nuôi. Năm 1931, sau khi kết hôn với Sture Lindgren, bà đã đón con trai về, và dành toàn bộ thời gian ở nhà chăm sóc gia đình.

Năm 1941, con gái Karin của nhà văn mắc chứng viêm phổi. Đêm nào, Lindgren cũng ngồi bên giường kể chuyện để ru con ngủ. Cho đến một buổi, Karin đề nghị mẹ kể về Pippi Tất Dài - một cái tên em bất chợt nghĩ ra… Và một nhân vật làm đảo lộn nền văn học thiếu nhi cũng như giáo dục và quan niệm về giới thời bấy giờ ra đời.

Lindgren đề xướng một nền giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm, tôn trọng và quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của các em.

Nhiều năm sau đó, Pippi tất dài là nhân vật chính trong các câu chuyện kể trước khi đi ngủ của gia đình Lindgren. Một tai nạn khiến Lindgren buộc phải nằm trên giường vào dịp sinh nhật thứ 10 của Karin. Bà đặt bút viết về Pippi.

Bản thảo tặng con gái với minh họa của chính tác giả này thô ráp hơn, thiếu kính trọng với người lớn và các nhà chức trách hơn so với bản được xuất bản 4 năm sau đó.

Ngay khi vừa xuất hiện, Pippi tất dài đã trở thành một hiện tượng, gây phân hóa trong giới phê bình, người thì say mê, người lại chê hết lời, cho là “phi văn hóa”. Tác phẩm được dịch ra khoảng 90 thứ tiếng.

Sau Pippi, Astrid Lindgren còn sáng tạo nên nhiều nhân vật thành công khác như Karlsoon trên mái nhà, Emil… và khép lại bằng Ronja – con gái tên cướp – có nhiều điểm chung với Pippi nhưng gần với thực tế hơn.

Khá nhiều tác phẩm của Astrid Lindgren đã được dịch sang tiếng Việt, gần đây nhất là đầy đủ bộ 3 truyện về Pippi tất dài (bản dịch mới) và Mio, con trai ta (1954) – cuốn đầu tiên Astrid sử dụng thủ pháp kỳ ảo thần tiên trong cuộc đấu tranh thiện ác. 

MỚI - NÓNG