"Người liên lạc" dễ thương của nhạc sĩ Phạm Tuyên và ca sĩ Pete Seeger

"Người liên lạc" dễ thương của nhạc sĩ Phạm Tuyên và ca sĩ Pete Seeger
TP - Một ngày tháng 7 năm 2006, nhạc sĩ Phạm Tuyên có khách. Đó là một thiếu nữ trẻ người Mỹ, Molly Hartman – O’ Connell. Cô sang Việt Nam trước để học tiếng Việt, sau đó tham gia một dự án về Phụ nữ học và bình đẳng giới ở Côn Đảo do quỹ Fullbright tài trợ.
"Người liên lạc" dễ thương của nhạc sĩ Phạm Tuyên và ca sĩ Pete Seeger ảnh 1
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và Molly Hartman - O’ Connell (chụp tại nhà riêng nhạc sĩ)
                                            Ảnh: Việt Khôi

Cô đến thăm nhạc sĩ vì hát được một số ca khúc của ông, trong đó có bài Gẩy đàn lên hỡi người bạn Mỹ mà cô rất thích. Bài hát này ông viết tặng ca sĩ Pete Seeger. 

Nói thêm một chút về ca sĩ này. Cuối năm 1969, Pete Seeger là người đã cầm đàn ghi ta, đi đầu trong đoàn biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại Washington và hát Bài ca Hồ Chí Minh (Balad of Hochiminh) của Ewan MacColl. Hành động quả cảm của Pete là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác Gẩy đàn lên hỡi người bạn Mỹ vào đầu năm 1970.

Ngẫu nhiên nghe được bài hát này qua sóng đài phát thanh La Havana, Pete Seeger đã tìm cách sang thăm Việt Nam. Nhạc sĩ và ca sĩ đã có một cuộc hội ngộ cảm động tại Hà Nội. Bẵng đi gần 40 năm, nhạc sĩ không có tin tức gì của Pete Seeger.

Và hôm nay, ông thật vui vì Molly đã gợi lại trong ông kỷ niệm đẹp về một thời hào hùng tưởng đã chìm vào quên lãng. Và cũng thật bất ngờ, sau đó, nhờ bố mẹ của Molly, nhạc sĩ đã nối lại liên lạc được với Pete Seeger, năm nay đã 88 tuổi, đang sống ở New York !

Tôi đến thăm nhạc sĩ Phạm Tuyên vào một ngày cuối năm Bính Tuất. Lúc chuẩn bị ra về, ông giữ lại : “Ở chơi thêm chút nữa. Molly sắp đến thăm chú”.

Vừa hay, có tiếng gõ cửa. Molly bước ào vào nhà với một nụ cười tươi và phong cách sôi nổi. Cô nói tiếng Việt khá sõi, giọng miền Nam, nghe thật dễ thương.

“Cháu biếu cô chú chai nước cốt táo Mèo, cháu mua ở Sapa về. Một chai có thể pha thành ba chai, uống rất bổ”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên quay sang tôi, cười : “Thế nào, Molly nói tiếng Việt siêu không?”

Molly kể, dự án của cô tại Côn Đảo đã hoàn thành nên cô dành thời gian ngắn ngủi còn lại trước khi về nước để đi xuyên Việt, theo hành trình từ Bắc vào Nam.

Dừng chân tại Hà Nội, cô đến chào và cũng là để chia tay với gia đình nhạc sĩ. “Dạo này Molly còn đi hát không ?” – “Dạ, có. Cháu vừa tham gia Liên hoan hát ru dân ca và hò của quận 10. Cháu cũng mới được trao giải thưởng đặc biệt của Hội Chữ thập đỏ Q. Tân Bình khi biểu diễn bài hát Huế - Tình yêu của tôi.

Ngoài Côn Đảo, cháu hát bài của chú Tiếng hát những đêm không ngủ (viết tặng phong trào đấu tranh của SV Sài Gòn cách đây hơn 40 năm) cho các bác cựu tù chính trị nghe…”

- Khi còn ở Mỹ, Molly có hay đi hát không ? – Tôi hỏi.

- Dạ, không. Sang Việt Nam Molly mới hay hát. Molly học hát chỗ cô giáo, nghệ sĩ Nguyệt Hảo ở Hội Chữ thập đỏ Q. Tân Bình. Đầu tiên tập hát chỉ là để học tiếng Việt.

Nhưng hát miết rồi, Molly thấy thích. Các Hội Chữ thập đỏ thành phố biết tiếng Molly, nên có hoạt động gì đều mời. – Cô bẽn lẽn cười - Tuần nào Molly cũng đi hát.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Tôi thật cảm động vì có một cô gái Mỹ còn rất trẻ lại thích hát dân ca và các bài hát cách mạng. Trong khi các bạn trẻ của chúng ta bây giờ lại ít hát những bài hát đó…”.

Sau một thoáng ưu tư, ông nở nụ cười thật tươi: “Molly có muốn nghe mấy bài hát thiếu nhi chú mới viết không?” – “Dạ, có!”.

Từng có nhiều dịp tiếp xúc với các thanh niên Mỹ, tôi nhận thấy họ đặc biệt ham học hỏi. Họ rất thích tiếp cận với những kiến thức mới. Một khi đã định tìm hiểu cái gì, họ tìm đến tận gốc gác, ngọn nguồn, chi tiết mới thôi. Molly chẳng hạn.

Chỉ là một người tập hát để học ngôn ngữ, nhưng vì yêu thích bài hát Việt, trong đó có những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên, cô đã cất công từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội và tìm đến gặp nhạc sĩ.

Trong số chúng ta, nhiều người từng hát các ca khúc của ông, nhưng chắc không có nhiều người nảy ý định tìm gặp để nghe ông nói về những bài hát đó!

Nhạc sĩ Phạm Tuyên mở một video-clip chương trình giao lưu giữa ông với các cháu học sinh một trường mẫu giáo ở huyện Thanh Trì. Những khúc hát đồng dao được các bạn nhỏ thể hiện một cách thật dễ thương.

Molly ngồi lẩm nhẩm hát theo: “Bà còng đi chợ trời mưa/Cái tôm cái tép đi đưa bà còng/Đưa bà đến quãng đường cong/Đưa bà về tận ngõ trong nhà bà… - Molly học tiếng Việt ở Sài Gòn, nên nghe tiếng miền Bắc không hiểu hết, nhưng vẫn thấy thích lắm!”. Và cô xin nhạc sĩ một bản nhạc bài Bà còng để mang về học.

Trước lúc chia tay, nhạc sĩ Phạm Tuyên như chợt nhớ ra: “À, chú mới nhận được thư của Pete Seeger đấy!”. Qua bố mẹ của Molly, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã tìm được địa chỉ của người bạn cũ ở bên kia bán cầu.

Cuối đời, ca sĩ Pete Seeger chuyển về sống ở Beacon, một thành phố nhỏ thuộc New York. Thư của Pete viết: Dù thời gian đã lâu, nhưng ông vẫn nhớ những kỷ niệm về chuyến đi Việt Nam và những người bạn ở Hà Nội.

Tuy đã ngoài 80 nhưng ông vẫn còn hát, và hy vọng được gặp lại nhạc sĩ Phạm Tuyên ở Việt Nam hoặc trên đất Mỹ.

Nhờ có “người liên lạc” dễ thương Molly Hartman – O’ Connell, nhạc sĩ Việt Nam và ca sĩ Mỹ đã nối lại được quan hệ sau 40 năm gián đoạn. Chúng ta được biết, những ca khúc cách mạng, ủng hộ hòa bình và phản đối chiến tranh vẫn còn tiếp tục vang lên.

Họ có gặp lại nhau không, điều đó không thật quan trọng. Bởi vì, dù đã lớn tuổi nhưng nhạc sĩ vẫn sáng tác còn ca sĩ vẫn hát !

1/2007

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.