Người “mê” xây chùa, quy hoạch làng

Bùi Hoài Mai.
Bùi Hoài Mai.
TP - Bùi Hoài Mai là họa sĩ, kiến trúc sư, nhà bảo tồn di sản và văn hóa. Bên cạnh thiết kế resort anh còn xây chùa, quy hoạch cả một làng không chỉ về kiến trúc mà còn về nghề.

Ngót 20 năm trước, Bùi Hoài Mai tìm đến làng Na (xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) chỉ để xây xưởng vẽ. Nhưng bằng tinh thần lạc quan vô tư, không ngại thay đổi, anh đã làm được những việc ít ai nghĩ tới, thiết thực cho đời sống kinh tế, văn hóa cả một vùng.

Anh dự định quy hoạch làng theo kiểu gì?

Ý tưởng của tôi là phát triển trên cái làng sẵn có. Không thay đổi gì hết. Chỉ tổ chức lại cách sử dụng hợp lý đất và đưa những yếu tố mới- tri thức, dịch vụ vào. Đưa người từ Hà Nội về, mang nghề mới đến. Người thành phố về đấy sẽ thích vì họ quá thèm truyền thống, trong khi nông dân thì đã chán. Đám cưới toàn mở nhạc sàn, kiểu vậy. Mà không thể phê phán họ được. Vì chính người thành phố tạo dựng cho họ văn hóa đấy. 

Ước muốn thay đổi là của tất cả mọi người. Khi người ta hiểu giá trị của truyền thống, gốc rễ, họ sẽ tự nguyện bảo tồn. Vì đó là cái quý nhất, duy nhất.

Theo tư duy quản lý thông thường thì sau khi anh quy hoạch xong, làng Na sẽ thành điểm du lịch?

Tôi cho rằng du lịch chỉ là sản phẩm phụ thôi. Đáng quan tâm nhất là người dân tự sống được bằng nghề của họ mà không cần đến du lịch. Còn nếu chúng ta đặt mục đích du lịch nó sẽ là đồ giả. Giả vờ dệt, giả vờ cuốc đất…, không bền.

Ví dụ, tôi mang về làng nghề gốm. Làm gốm thật đẹp, không cần khách mua thì tôi cũng mang ra Hà Nội bán được. Nghề gốm xong rồi, tôi đang phục hồi nghề giấy. Bắc Ninh xưa có làng giấy dó nhưng nay thành giấy tái chế, ô nhiễm kinh khủng. Cả dòng sông Ngũ Huyện Khê chết vì làng nghề giấy vệ sinh. Trong khi bán một tờ giấy dó mua được 100 cuộn giấy vệ sinh. Nhưng không ai đứng ra hướng dẫn, kết nối cho họ.

Những việc đó tôi không định làm nhưng chính vì sống ở đó, thấy nhiều cái phải sửa chữa quá. Cái gì có thể thay đổi được và thay đổi sẽ tốt hơn thì tôi cứ thử. Thay đổi cho mình và cho người khác.

Anh có nghĩ khoảng trăm năm sau anh sẽ được tôn là… ông tổ nghề gốm của làng?

(Cười) Sự phát triển làng quê khủng khiếp lắm. Không phải mình cứ mang điều tốt đến là tốt đâu. Điều mình mang đến không thể chia đều được. Tôi chuyển bảo tàng gốm cổ về đấy, dựng xong, tôi bị đốt cháy hai cái nhà liền. Không hề đơn giản. Nhưng đó là thử thách rất hay. Cuộc sống luôn có thuận lợi, khó khăn. Khó khăn làm mình vượt qua, thuận lợi nhiều khi giết chết chúng ta.

Xây chùa là công đức rất lớn thường do các Phật tử tín tâm đảm nhiệm. Còn anh có phải Phật tử?

Tôi không hề là Phật tử. Tôi nghiên cứu triết học Phật giáo. Tôi bỏ tiền túi không phải để thực hành tôn giáo mà thử bài toán rất đơn giản. Tôi vẽ làng bán được hai bức tranh. Một bức đủ nuôi con, bức nữa trả lại họ, và tôi dùng tiền đó xây chùa, cũng chỉ được một phần nhỏ thôi. Nhưng việc đó tạo hiệu ứng. Mình vô cầu, làm không tính toán, tinh thần hồ hởi, vì thế mà từng ấy năm, mọi người vẫn theo tôi. Người dân đóng góp bằng từng đồng tiết kiệm, không hề có đại gia nào. Việc cùng nhau làm tạo tâm thế khác cho cộng đồng. Cả một giai đoạn dài, mọi người quen trông đợi vào ai đấy...

Người Pháp kết hợp kiến trúc của ta và của họ - đưa ra những công trình kiến trúc đối với ta thành kinh điển. Anh có phát huy tinh thần đó?

Phát huy chứ. Văn hóa không giao lưu là văn hóa chết. Như hít thở có ra và vào, chúng ta bảo thủ, đòi hỏi cái này cái kia phải thuần Việt đều sai. Người Pháp mang văn hóa của họ sang đây và tiếp nhận văn hóa của ta. Họ tự đổi mới họ. Chúng ta không tự đổi mới thì chết. Bảo thủ, chết. Biết cách tiêu hóa thì nó biến thành của chúng ta. Những biệt thự cổ ở Hà Nội đáng tự hào vì đấy chính là của chúng ta. Một phần ký ức chúng ta ở đó.

Anh còn tổ chức lớp cho các nghệ nhân trong làng dạy quan họ cho người thành phố và người nước ngoài. Anh có phiêu lưu quá không khi bước vào địa hạt âm nhạc?

Tôi cũng có học nhạc. Mà nguyên tắc thẩm mỹ giống nhau. Có thẩm mỹ và  tư tưởng thì làm bất cứ cái gì cũng được.

Trong vai trò tư vấn kiến trúc Việt cổ, anh có nhận xét gì về xu hướng quay về xây nhà kiểu cổ trong dân chúng, nhất là ở đô thị?

Mọi người bắt đầu chán ngán những thứ vô cảm, và nó trở thành phong trào khi kinh tế khá lên. Xuất phát từ nỗi nhớ về ông cha, muốn quay về quê để lại một cái gì đó. Đó là phong trào hay. Giai đoạn đầu có thể sẽ mang hơi hướng “trọc phú”, sau đó người ta sẽ quay lại tìm bản thân bên trong. Tôi đang làm cho một bạn trẻ, có tiền đủ để làm những ngôi nhà to bằng lim nhưng bạn ấy quay về làm nhà thờ họ xinh xinh bằng gỗ xoan, vì theo bạn giản dị mới đẹp.

MỚI - NÓNG